Home / Chia Sẻ / Tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa.

Tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng : “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói :
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa ;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo : “Ông ta bị quỷ ám.” 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo : “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
(Nguồn: Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Gợi ý suy niệm:
Qua đoạn Tin Mừng vừa rồi chắc hẳn mỗi người có thể hình dung một viễn cảnh con người thời đó thích chỉ trích nhau vì những điều không đúng với tập tục, không đúng với đất lề quê thói của họ.
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa ;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
Đó là hình ảnh Chúa Giê – su sử dụng để ví thế hệ đương thời lúc ấy. Một thế hệ hay tìm những cái xấu của nhau để chê bai, hay đánh giá người khác với vẻ bề ngoài của họ. Ví dụ dẫn chứng cụ thể mà Chúa Giê – su đưa ra đó là hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả, một con người chất phát, ngay thẳng chỉ ăn châu chấu và uống mật ong rừng để sống (Mt 3, 4), một người được Thiên Chúa gửi đến trước để dọn đường, là tiếng hô trong hoang địa mời gọi sự chuẩn bị trong tâm hồn mỗi người cho giờ phút thánh thiên Con Thiên Chúa- Đấng Cứu Độ đến. Vậy mà người đời nhạo bán chê bai và còn bị kháo nhau là ông bị quỷ ám. Đối lại với hình ảnh ông Gioan Tẩy Giả là Con Người. Một bên ông Gioan chỉ vỏn vẹn với những thứ thiết yếu để duy trì cuộc sống là châu chấu và mật ong, một bên là giao du với người tội lỗi, quân thu thuế.
Mời các anh em cùng suy nghĩ về hai hình ảnh đó. Ở cả hai có điểm chung là khi sống, khi hoạt động, khi rao giảng không giống với những gì người Do Thái quan niệm về một người hiểu biết, thông luật. Điều đó trái với hình ảnh một nhà tiên tri, nhà thông thái hay một nhà thông luật phải làm: mặc áo quần tươm tất (khác với việc lấy da thú để che thân của ông Gioan), không dao du với quân thu thuế, với người tội lỗi (nhưng Chúa Giê – su thì ngược lại).
Với hai hình ảnh này ta dễ dàng nhận ra sự nối tiếp nhau trong việc rao giảng của 2 nhân vật: ông Gioan mời gọi mọi người ăn năn sám hối – nghĩa là thay đổi hoàn toàn con người, từ nội tâm đến cách sống, chuyển hướng hoàn toàn, quay về với Thiên Chúa và chịu phép rửa trong nước để đón mừng Đấng Cứu Thế, và Đấng Cứu Thế là Chúa Giê – su đã đến và tiếp tục kêu gọi dân chúng sám hối, ăn năn về những lỗi lầm của mình, ăn năn và hoán cải thật sự trong đời sống, từ bỏ nếp suy nghĩ của mình để tin vào Thiên Chúa, mặt khác là từ bỏ tội lỗi để sống theo lòng tin vào Thiên Chúa tình yêu. (*)
Hai lối sống có vẻ khác nhau, nhưng đều đem đến một niềm vui chung. Niềm vui loan tin mừng cho mọi người biết lời cầu xin của dân người về một đấng cứu vớt dân người đã đến. Nhưng với cách thế mới, với suy nghĩ mới, với con đường mới hơn. Con đường mới ấy không phải dành riêng cho người thông luật, cho thầy giảng hay những người giàu sang, quý phái, con đường ấy dành cho tất cả những ai đón nhận lời Đức Giê – su rao giảng và thực hành trong mỗi ngày sống của mình, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn hay tội lỗi.
Con đường đó chính Đức Giê – su không những đã chỉ rõ cho ta thấy mà Ngài đã sống với con đường đó. Đó là con đường yêu thương. Ngài không bỏ qua các con chiên lạc, những con chiên bệnh, thiếu sức sống ngài chăm sóc kỹ hơn. Hơn nữa, Ngài còn làm bạn với họ nữa, ăn cùng bàn với người tội lỗi, đến viếng thăm nhà những người thu thuế, và chữa lành người phong hủi và nhiều bệnh tật khác. Và chính những hành động đó chứng minh sự khôn ngoan nơi Ngài, một Đấng khiêm tốn tột cùng đển cứu con người. Ngài yêu con người, yêu những tạo vật nhỏ nhoi mà chính Ngài đã tác tạo nên. Ngài chấp nhận mang lấy phận người để cứu chuộc con người, đến sống giữa con người, trong thân phận là một con người thật. Đến vì yêu, đến để yêu, và đến để hiến dâng vì tình yêu.
Quay về lại với bối cảnh đoạn Tin Mừng, đó là lời nhắc nhở của Chúa Giê – su về sự đánh giá qua vẻ ngoài. Người đời nay cũng vậy, cũng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài bóng bẩy, qua tài sản họ có, qua ngôi nhà họ ở, qua loại xe họ đi, qua người họ giao thiệp. Một sự đánh giá dựa trên vật chất, dựa trên tiền tài, danh vọng sẽ không đem lại niềm vui gì cho con người, hay đúng hơn nó đem lại sự chia rẻ, đố kỵ và ghen ghét nhau. Chính em cũng vậy, khi đọc đoạn Tin Mừng này em thấy đâu đó hình ảnh của mình trong những lời nhắc nhở của Chúa Giê – su. Vì vậy, ước mong lời nhắc nhở đó làm thức tỉnh trong lòng em và mỗi người sự ý thức đúng về bản thân và cố gắng sửa đổi nhờ ơn Chúa giúp, để gần kề với Noel, mỗi người có sự chuẩn bị không chỉ bên ngoài nhưng còn bên trong tâm hồn để mừng kỷ niệm Đấng Cứu Thế đến với con người.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê – su Thánh Thể, Ngài đã sinh ra cho chúng con hơn hai ngàn năm nay, Ngài đã làm chứng cho Tình Yêu, một tình yêu cao cả vượt trên mọi tình yêu con người. Và trong tâm tình Giáo hội tỉnh thức đợi chờ kỷ niệm Chúa đến ở với con người, xin cho mỗi người chúng con đây biết chuẩn bị tâm hồn mình như những hang đá, những máng cỏ ấm áp để Con Chúa ngự vào. Xin giúp chúng con hâm nóng lại con tim nhiều lần lạnh đi, chai đi vì công việc, vì bổn phận, xin giúp chúng con trong mỗi công việc chúng con làm để từ đó lan tỏa tin vui Cứu Độ cho mọi người xung quanh chúng con Amen

Check Also

Cảm nhận của các Anh Em Cát Minh tuyến đầu chống dịch

Đáp lại lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn …