Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XIII Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XIII Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 30 Tháng Sáu, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Chúa Giêsu chữa lành hai người phụ nữ

Chiến thắng quyền lực sự chết và mở ra con đường mới đến Thiên Chúa

Mc 5:21-43

 

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

  1. Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong Chúa Nhật thứ mười ba Thường Niên tuần này, Giáo Hội muốn chúng ta suy gẫm về hai phép lạ Chúa Giêsu làm cho hai người phụ nữ.  Phép lạ đầu tiên được làm trên một người phụ nữ bị coi là ô uế bởi vì bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm.  Phép lạ thứ hai được làm cho một bé gái mười hai tuổi vừa mới chết.  Theo lối suy nghĩ vào thời bấy giờ, bất kỳ người nào chạm đến máu hoặc thi thể người chết thì bị xem là ô uế.  Máu và cái chết là những yếu tố để người ta bị loại trừ!  Vì thế hai người phụ nữ này bị thiệt thòi, bị loại ra khỏi hoạt động của cộng đồng.  Ngày nay cũng thế, chúng ta có những loại người bị loại trừ hoặc cảm thấy bị loại trừ khỏi việc dự phần trong cộng đoàn Kitô hữu.  Đâu là những nguyên nhân đã khiến cho người ta bị loại trừ ngày nay, khỏi Giáo Hội và cả xã hội?

Máccô mô tả hai phép lạ khá sinh động.  Văn bản khá dài.  Đang khi đọc, bạn hãy nghĩ là mình đang ở trong đám đông vây quanh Chúa Giêsu trên đường đến nhà trưởng hội đường Giairô.  Khi đang đi bộ trong im lặng, bạn hãy cố gắng chú ý đến nhiều thái độ của những người có liên quan đến trong phép lạ: Giairô, cha của bé gái, đám đông, người phụ nữ bị chứng xuất huyết, các môn đệ và bé gái.  Bạn hãy tự hỏi thái độ của bạn lúc ấy sẽ như thế nào.

b) Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:

Mc 5:21-24:  Điểm khởi hành:  Con gái Giairô đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ta và đám đông theo sau

Mc 5:25-26:  Tình trạng của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết bất thường

Mc 5:27-28:  Lý luận của người phụ nữ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu

Mc 5:29:  Người phụ nữ thành công trong việc bà ấy cầu xin và được chữa lành

Mc 5:30-32:  Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ

Mc 5:33-34:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ được chữa lành bởi vì đức tin của mình

Mc 5:35-36:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Giairô

Mc 5:37-40:  Đến nhà Giairô và phản ứng của đám đông

Mc 5:41-43:  Bé gái được sống lại

c) Phúc Âm:

21 Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. 22 Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy 23 và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. 24 Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

25 Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. 26 Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. 27 Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, 28 vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. 29 Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” 31 Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” 32 Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. 33 Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. 34 Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

35 Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” 36 Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. 37 Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. 38 Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, 39 Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. 40 Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. 41 Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” 42 Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. 43 Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

  1. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

  1. Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a) Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã đánh động bạn nhất? Tại sao?

b) Thái độ của người phụ nữ chạm vào áo Chúa Giêsu là gì? Điều gì đã cho bà sức mạnh để chạm vào Chúa?

c) Tại sao các môn đệ không thể hiểu được những gì đang xảy ra giữa Chúa Giêsu và đám đông?

d) Giairô là ai? Thái độ của Chúa Giêsu ra sao đối với Giairô, vợ ông và con gái ông?

e) Một người phụ nữ được chữa lành và gia nhập vào trong đời sống cộng đoàn. Một bé gái được cứu sống lại từ cõi chết.  Những hoạt động này của Chúa Giêsu hôm nay dạy cho chúng ta điều gì về cuộc sống chúng ta trong gia đình và trong cộng đoàn?

  1. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a) Bối cảnh hôm qua và ngày nay:

i) Trong suốt quyển Tin Mừng của mình, Máccô tiếp tục cung cấp những dự kiện liên quan đến con người của Chúa Giêsu. Thánh sử đã cho thấy mầu nhiệm Nước Trời được phản chiếu trong quyền năng mà Chúa Giêsu thay mặt các môn đệ thực hiện trên đám đông, và hơn hết cả, thay mặt cho những người bị loại trừ và gạt ra ngoài lề xã hội.  Tuy nhiên, quyền năng này càng được thực hiện thì các môn đệ càng không hiểu, và rõ ràng là các ông phải thay đổi ý tưởng của họ về Đấng Thiên Sai.  Nếu không, việc không thể thấu hiểu của các ông sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và các ông có nguy cơ gia tăng khoảng cách rời xa Đức Giêsu.

ii) Trong những năm của thập niên 70, khi mà Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, có một sự căng thẳng rất lớn trong các cộng đoàn Kitô hữu giữa những người Do Thái cải đạo và các người ngoại mới nhập đạo. Một số người Do Thái, nhất là những người đã từng thuộc nhóm Biệt Phái, tiếp tục trung thành vời việc tuân giữ lề luật về sự thanh khiết như trong nền văn hòa ngàn năm của họ, và vì thế, rất khó cho họ để sống chung với các tín hữu dân ngoại, bởi vì họ nghĩ những dân ngoại đã sống trong một tình trạng tạp chất.  Như vậy, câu chuyện về hai phép lạ được thực hiện bởi Chúa Giêsu trên hai người phụ nữ đã giúp rất nhiều trong việc khắc phục những điều cấm kỵ lỗi thời.

b) Lời bình luận về văn bản:

Mc 5:21-24:  Điểm khởi hành:  Con gái Giairô đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ta và đám đông theo sau.

Đám đông tụ họp cùng với Chúa Giêsu là người vừa trở về từ bên kia bờ hồ.  Giairô, ông trưởng hội đường, van xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu cho con gái ông đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ấy và đám đông theo sau, chen lấn Người tứ phía bởi vì tất cả đều cùng muốn ở gần với Chúa Giêsu khi Người sắp sửa làm phép lạ.  Đây là điểm khởi hành của hai cảnh sau đây:  việc chữa lành của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết mười hai năm và việc sống lại của bé gái mười hai tuổi.

Mc 5:25-26:  Tình trạng của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết bất thường

Mười hai năm xuất huyết!  Vì lý do này, người phụ nữ đã bị loại trừ bởi vì trong những năm tháng ấy máu đã khiến một người ra ô uế cũng như bất cứ ai đã chạm vào người đó.  Máccô nói rằng người phụ nữ đã tiêu hết tiền của, tìm thày chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm, trái lại bệnh còn tệ hơn.  Một tình trạng không thuốc chữa!

Mc 5:27-28:  Lý luận của người phụ nữ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu

Bà ấy đã nghe nói về Đức Giêsu.  Một tia hy vọng mới nhen nhúm trong tim bà.  Bà tự nhủ:  “Miễn sao tôi chạm tới áo Người, thì tôi sẽ được lành”.  Người phụ nữ đã suy nghĩ ngược lại!  Đây là dấu hiệu của lòng dũng cảm tuyệt vời.  Nó cũng là dấu hiệu của sự thật rằng người phụ nữ đã không hoàn toàn đồng ý với những gì mà các người có thẩm quyền giảng dạy.  Người phụ nữ đi vào giữa trong đám đông đang chen lấn Chúa Giêsu từ phía, và gần như là len lén, thành công trong việc chạm vào áo Chúa Giêsu.

Mc 5:29:  Người phụ nữ thành công trong việc bà ấy cầu xin và được chữa lành

Vào chính lúc ấy, người phụ nữ cảm thấy trong cơ thể mình đã được chữa lành.  Cho đến ngày nay, tại Palestine, trên một đoạn đường quanh co gần hồ Galilê và gần Cápharnaum, chúng ta có thể đọc được dòng chữ này trên một hòn đá:  “Ở đây, tại nơi này, người phụ nữ bị cho là ô uế nhưng tràn đầy đức tin, đã chạm vào áo Chúa Giêsu và đã được chữa lành!”

Mc 5:30-32:  Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ

Chúa Giêsu cũng cảm thấy có sức mạnh đã xuất phát từ mình:  “Ai đã chạm đến áo Ta?”  Các môn đệ phản ứng:  “Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía; vậy mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã chạm đến Ta?’”  Ở đây một lần nữa chúng ta thấy có một sự bất đồng nho nhỏ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.  Chúa Giêsu có một độ bén nhạy mà các môn đệ không nhìn thấy.  Các ông phản ứng như mọi người khác và không hiểu phản ứng khác biệt của Chúa Giêsu:  Nhưng Chúa Giêsu đã không bỏ qua và tiếp tục hỏi.

Mc 5:33-34:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ được chữa lành bởi vì đức tin của mình

Người phụ nữ nhận ra rằng bà ta đã bị phát hiện.  Đây là thời khắc khó khăn và nguy hiểm cho bà.  Theo sự tin tưởng vào thời ấy, bất cứ ai bị ô uế, giống như người phụ nữ này, đi giữa đám đông, sẽ làm tất cả mọi người ra ô uế chỉ bằng cách chạm vào bà ta.  Một người như thế đã khiến tất cả mọi người ra ô uế trước Thiên Chúa (Lv 15:19-30).  Hình phạt cho việc này là bà ta sẽ bị lôi ra ngoài và bị ném đá.  Mặc dù vậy, người phụ nữ đã có can đảm để làm những gì bà đã làm. Thế mà người phụ nữ, sợ hãi và run rẩy, liền sụp lạy dưới chân Người và thú nhận với Người tất cả sự thật.  Khi ấy Chúa Giêsu loan báo phán quyết cuối cùng của mình:  “Hỡi con… đức tin con đã chữa con; hãy về bình an và được khỏi bệnh!”  Thật là những lời đẹp đẽ và rất nhân bản!  Bằng cách nói “Hỡi con”, Chúa Giêsu đã đón chào người phụ nữ vào gia đình mới, vào trong cộng đoàn đang tụ tập chung quanh Người.  Những gì bà ấy nghĩ tới đã xảy ra.  Chúa Giêsu nhận ra rằng không có đức tin của người phụ nữ ấy thì Người không thể làm phép lạ.

Mc 5:35-36:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Giairô

Ngay vào lúc ấy, người nhà ông Giairô đến nói với ông rằng con gái ông đã chết rồi.  Không cần phải làm phiền đến Chúa Giêsu nữa.  Đối với họ, cái chết là một ngăn cách to lớn và Chúa Giêsu không vượt qua nổi!  Chúa Lắng nghe, nhìn ông Giairô và khuyến khích ông hãy giống như người phụ nữ, nghĩa là hãy tin rằng đức tin có thể đạt được bất cứ điều gì người ta tin.  Chúa Giêsu nói với ông:  “Ông đừng sợ; hãy cứ tin!”

Mc 5:37-40:  Đến nhà Giairô và phản ứng của đám đông

Chúa Giêsu tách ra khỏi đám đông và chỉ cho một vài môn đệ đi với Người.  Khi họ đến nhà ông Giairô, Chúa thấy người ta khóc lóc kêu la trước cái chết của bé gái!  Người bảo họ:  “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”.  Người trong nhà chế diễu Người.  Họ biết phân biệt khi nào một người đang ngủ và khi nào một người đã chết.  Đó là nụ cười chế diễu của ông Abraham và bà Sara, đó là tiếng cười của những kẻ không thể tin rằng không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được! (Ga 17:17; 18:12-14; Lc:1:37).  Đối với họ cũng vậy, cái chết là một trở ngại không thể vượt qua.  Lời của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.  Trong thời của Máccô, tình trạng của cộng đoàn dường như là một xác chết.  Họ đã phải nghe những lời:  “Quý vị chưa chết đâu!  Quý vị đang ngủ!  Hãy tỉnh dậy đi!”  Chúa Giêsu không màng đến lời chế diễu và bước vào phòng, nơi em bé đang nằm, chỉ có Người, ba môn đệ và cha của đứa bé.

Mc 5:41-43:  Bé gái được sống lại

Chúa Giêsu cầm lấy tay đứa bé và nói rằng:  “Talitha, Koumi!” Và em bé đứng dậy.  Thật là sửng sốt kinh ngạc!  Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh và bảo mang thức ăn đến cho em.  Việc chữa lành của hai người phụ nữ!  Một là em bé mười hai tuổi và một người bị bệnh xuất huyết và đã bị loại trừ trong mười hai năm!  Việc loại trừ của bé gái bắt đầu từ tuổi mười hai bởi vì đó là khi cô bé bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt.  Cô bé bắt đầu chết!  Đức Giêsu có quyền năng cao cả hơn và khiến em sống lại:  “Hãy chỗi dậy!”

c) Phần phụ chú: Những người phụ nữ trong Phúc Âm

Vào thời Tân Ước, những người phụ nữ đã chịu thiệt thòi bởi một lý do đơn giản vì họ là phụ nữ (xem LV 15:19-27; 12:1-5).  Những người phụ nữ đã không được tham gia vào đời sống công khai của hội đường và họ không thể là chứng nhân.  Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ phản đối việc kỳ thị như thế.  Ngay cả vào thời tiên tri Ét-ra, khi mà người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội nặng nề hơn (xem Er 9:1-2; 10:2-3), việc phản đối đã tăng lên, như trong trường hợp của các bà Giuđitha, Étthơ, Rúth, Naomi, Suzanna, phụ nữ Sulamite, và những người khác.  Việc phản kháng này được lặp lại và hoan nghênh bởi Chúa Giêsu.  Dưới đây là một số ví dụ về sự không tuân thủ và đối kháng của giới phụ nữ trong đời sống thường nhật và sự thừa nhận họ của Chúa Giêsu:

Cô gái mãi dâm đã có can đảm thách thức lề luật của xã hội và tôn giáo.  Cô bước vào nhà của một người Biệt Phái để gặp gỡ Chúa Giêsu.  Khi cô gặp Người, cô gặp được tình yêu, sự tha thứ và được bảo vệ khỏi người Biệt Phái.  Người phụ nữ lưng bị còng rạp đã không nghe thấy tiếng la lối của ông trưởng hội đường.  Bà muốn được chữa lành, dù rằng đó là ngày Sabbát.  Chúa Giêsu chào đón bà như người thân và che chở bà trước ông trưởng hội đường (Lc 13:10-17).  Người phụ nữ bị coi như là ô uế vì bà bị mất máu, đã có can đảm để đi vào giữa đám đông và nghĩ trái ngược lại những gì thày giảng về tín lý đã giảng dạy.  Thày giảng đã nói rằng:  “Bất cứ ai đụng chạm vào bà ta thì sẽ trở nên ô uế!”  Nhưng bà nói rằng:  “Nếu tôi có thể chỉ chạm vào áo Người, thì tôi sẽ được lành!” (Mc 5:28).  Bà ấy đã không bị quở trách và được chữa lành.  Chúa Giêsu nói rằng việc khỏi bệnh của bà là hoa trái của đức tin (Mc 5:25-34).  Người phụ nữ Samaritan, kẻ bị khinh bỉ và bị coi là dị giáo, đã có can đảm để tiếp cận Chúa Giêsu và đổi hướng cuộc đối thoại khởi sự từ Người (xem Ga 4:19-25).  Trong Tin Mừng của Gioan, bà ta là người đầu tiên nghe được bí mật rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Ga 4:26).  Người phụ nữ dân ngoại từ miền Tyrô và Siđôn không chấp nhận sự loại trừ của mình và nói lên điều ấy theo phong cách khiến Chúa Giêsu phải lắng nghe bà (Mc 7:24-30).  Các bà mẹ có con nhỏ thách thức các môn đệ, được đón chào và chúc phúc bởi Chúa Giêsu (Mt 19:13-15; Mc 10:13-16).  Những người phụ nữ thách đố nhà chức trách và đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu (Mc 15:40; Mt 27:55-56,61), cũng là những người đầu tiên được trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu sau khi sống lại (Mc 16:5-8; Mt 28:9-10).  Trong số họ là bà Maria Mađalêna, người bị xem là đã bị ám bởi bảy quỷ và đã được chữa lành bởi Chúa Giêsu (Lc 8:2).  Bà là người đã được lệnh loan báo Tin Mừng về sự sống lại đến các tông đồ (Ga 20:16-18).  Máccô nói rằng:  “các bà này đã đi theogiúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa.  Lại có nhiều phụ nữ đã cùng với Người đi lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mk 15:41).  Máccô sử dụng ba từ ngữ quan trọng để xác định cuộc đời của những phụ nữ này: đi theo, giúp đỡ, đi lên Giêrusalem.  Ba từ ngữ này mô tả người môn đệ lý tưởng.  Các bà là mẫu mực cho các môn đệ khác là những kẻ đã chạy trốn! 

  1. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 103 (102)

Hãy cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những điều Người đã làm cho chúng ta!

Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
mặc khải cho Môisê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ísrael
thấy những kỳ công Người thực hiện.

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
cả những ai giữ giao ước của Người
và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.
CHÚA đặt ngai báu trên trời cao thẳm,
quyền đế vương bá chủ muôn loài.

Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
Chúc tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!

  1. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

 

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …