Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XVI Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XVI Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 19 Tháng Bảy, 2020
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A

Sự phát triển nhiệm mầu của Nước Trời

Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa

Mt 13:24-43 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thần Khí Chúa của Chân Lý, Đấng được sai đến bởi Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng con đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh.  Lạy Thần Khí Chúa, Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến Bà trở thành đất màu mỡ để Lời Thiên Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng về Lời Chúa.  Xin hãy giúp chúng con noi gương Đức Maria biết lắng nghe với trái tim trong sạch và tốt lành để hướng về Lời Chúa đang nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và thu gặt được hoa trái qua sự kiên trì của chúng con. 

2.  Bài Đọc 

a)  Phân đoạn bài Tin Mừng:

Bài Tin Mừng gồm có ba dụ ngôn, một đoạn tạm nghỉ, và lời giải thích về dụ ngôn đầu.  Ba dụ ngôn của cỏ lùng và lúa mì (13:24-30), hạt cải (13:31-32) và men (13:33), có cùng một mục đích.  Chúng được dùng để hoàn chỉnh những kỳ vọng của dân chúng trong thời Chúa Giêsu là những người nghĩ rằng Triều Đại Thiên Chúa sẽ đến với sự sôi nổi và lập tức loại trừ bất cứ điều gì trái với nó.  Xuyên qua ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giải thích cho những người đang lắng nghe là Người không đến để khôi phục lại Nước Trời bằng vũ lực, nhưng để từ từ mở ra một kỷ nguyên mới, trong lịch sử hằng ngày, trong một cách thông thường không ai để ý.  Thế nhưng việc làm của Người có một sức mạnh cố hữu, năng động và mãnh lực cải biến thay đổi dần dần lịch sử từ bên trong theo như kế hoạch của Thiên Chúa … nếu người ta có mắt để nhìn thấy!

Trong đoạn Tin Mừng 13:10-17, giữa dụ ngôn người gieo giống và lời giải thích, tác giả Tin Mừng đã chêm vào cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ nơi Chúa giải thích cho các ông lý do tại sao Người dùng dụ ngôn nói với đám đông (13:34-35).

Tiếp theo là lời giải thích về dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì (13:36-43).  Điều nổi bật trong lời giải thích này là, trong khi nhiều chi tiết của dụ ngôn được diễn giải, nhưng không hề có một lời nào đề cập đến điều cốt lõi của bài dụ ngôn, đó là cuộc đối thoại giữa ông chủ và những người giúp việc về việc cỏ lùng mọc lên lẫn với lúa.  Nhiều học giả suy luận rằng lời giải thích về bài dụ ngôn không hẳn nói ra từ Chúa Giêsu, mà từ tác giả Tin Mừng là người đã thay đổi ý nghĩa nguyên thủy của bài dụ ngôn.  Trong khi Chúa Giêsu có ý hiệu chỉnh lại sự thiếu kiên nhẫn về Đấng Thiên Sai của những người đương thời, Mátthêu nói về những Kitô hữu kém nhiệt tình và khuyến khích họ, gần như đe dọa họ, với sự phán xét của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, dụ ngôn và lời giải thích là một phần của văn bản kinh điển và, vì thế, cả hai cần được lưu ý bởi vì cả hai đều hàm chứa Lời của Chúa nói với chúng ta ngày nay.         

b)  Phúc Âm: 

24-30:  Khi ấy Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng:  “Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.  Trong lúc mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.  Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra.  Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng:  ‘Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao?  Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?’  Ông đáp:  ‘Người thù của ta đã làm như thế.’  Đầy tớ nói với chủ:  ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ.’  Chủ nhà đáp:  ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng.  Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.  Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt:  ‘Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa vào lẫm cho ta.’”

31-32:  Người lại nói với họ một dụ ngôn khác mà rằng:  “Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình.  Hạt nó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu ngành nó.” 

33:  Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng:  “Nước Trời giống như men người đàn bà kia lấy đem đi trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men.”

34-35:  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng.  Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng:  “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn:  Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian.”

36-43:  Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà.  Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng:  Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”  Người đáp lại rằng:  “Kẻ gieo giống tốt là Con Người.  Ruộng là thế gian.  Còn hạt giống là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái gian ác.  Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên thần.  Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy:  Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi Nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa:  ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.  Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình.  Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phản ứng của bạn đối với sự dữ mà bạn thấy trong thế gian và trong chính bản thân mình là gì?  Đó là phản ứng của những người giúp việc hay của ông chủ?

b)  Đâu là những dấu hiệu về sự hiện diện của Nước Trời mà bạn có thể thấy trong thế gian và trong đời sống của bạn?

c)  Hình ảnh nào về Thiên Chúa xuất hiện trong ba dụ ngôn này?  Đó có phải là hình ảnh Thiên Chúa của bạn không?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong bài Tin Mừng.

a)  Triều Đại Thiên Chúa:

Trong hai bản tóm tắt mà Mátthêu viết cho chúng ta về sứ vụ của Chúa Giêsu, ông trình bày Chúa đi rao giảng Phúc Âm hay Tin Mừng Nước Trời và chữa lành (4:23; 9:35).  Thành ngữ “Triều Đại Nước Trời” xuất hiện 32 lần trong Tin Mừng Mátthêu.  Cũng giống như “Nước Thiên Chúa”, chỉ được tìm thấy một lần trong Tin Mừng Mátthêu, trong khi nó được dùng thông thường hơn trong phần còn lại của Tân Ước.  Như một vấn đề tôn kính, người Do Thái không chỉ tránh việc xử dụng Danh Thánh của Thiên Chúa như được mặc khải cho ông Môisen (xem Xh 3:13-15), mà cả chữ “Thiên Chúa” cũng được thay thế bằng những chữ khác nhau như “Thiên Đàng” hoặc “Trên Trời”.  Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng, là thánh sử chính tông Do Thái nhất, tuân thủ theo phong tục này.

Dù sao, thành ngữ ấy không thấy trong Cựu Ước, nơi chúng ta thường thấy ý tưởng xem Thiên Chúa như vị quân vương cai trị dân Do Thái và toàn vũ trụ và tương đương với chữ của Tân Ước “Thiên Chúa ngự trị”.  Trong thực tế, Vương Quốc Thiên Chúa, như được trình bày trong Tân Ước, vượt trên hẳn mọi tác động của Thiên Chúa là Đấng ngự trị và tình huống mới như là một hệ quả của quyết định của Người.  Thiên Chúa luôn luôn là Vua, nhưng bởi vì tội lỗi, dân Do Thái và toàn thể nhân loại đã chối bỏ vương quyền của Người và tạo ra tình trạng đi ngược với kế hoạch ban đầu của Chúa.  Vương Quốc Thiên Chúa sẽ được thiết lập khi tất cả mọi vật một lần nữa ở dưới sự cai quản của Người, đó là khi nhân loại chấp nhận sự ngự trị của Người và từ đó nhận thức được kế hoạch của Chúa.

Chúa Giêsu công bố việc thời đại mới này đang đến gần (xem ví dụ Mt 3:2).  Vì lý do nào đó, thực tế về Vương Quốc Thiên Chúa đang được hiện hữu và mong đợi nơi Người và trong cộng đoàn Người thành lập.  Tuy nhiên, Giáo Hội chưa hẳn là Nước Trời.  Nước Trời phát triển một cách mầu nhiệm và từ từ cho đến khi nó đạt đến sự viên mãn vào lúc tận thế.

b)  Lý lẽ của Thiên Chúa:

Thực tế về Nước Trời và sự phát triển của nó, như được mô tả bởi Chúa Giêsu, đặt để chúng ta trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng mà sự suy nghĩ không giống những suy nghĩ của chúng ta.  Chúng ta nhầm lẫn giữa vương quyền và vũ lực, và áp đặt, và chiến thắng khải hoàn.  Chúng ta muốn những việc làm được thực hiện trên một quy mô lớn lao.  Chúng ta thấy sự thành công như một điều tán tụng đoan chắc và liên quan đến nhiều người.  Tuy nhiên, đây là những cám dỗ quyến rũ ngay cả cộng đoàn, và thay vì phục vụ Nước Trời, cộng đoàn lại tự chống đối Nước Trời.  Thiên Chúa, về phần Ngài, ưa chuộng tiến hành chương trình của mình qua các việc nhỏ, đơn sơ và tầm thường và trong khi chúng ta luôn vội vàng hoàn tất các chương trình của chúng ta, Thiên Chúa lại chờ đợi với lòng kiên nhẫn và khoan dung tuyệt vời.            

6.  Thánh Vịnh 145

Bài Thánh Ca dâng lên Đức Chúa là Vua

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.

Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.

Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!

7.  Lời Nguyện Kết

Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.
Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?
Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.

Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật.
Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.

Nhưng Ngài là Đấng công chính, cai trị muôn loài thật công minh.
Và kết án kẻ không đáng trừng phạt là điều xa lạ đối với Chúa quyền năng.
Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài.
Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh ;
còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể xử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.

(Trích sách Khôn Ngoan 11:24 – 12:2, 15-18)

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai Tuần Thánh B – 2 hình ảnh trái ngược

Date: Time: - Anh chị em thân mến, Hôm nay, trong bầu không khí trang …