Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XVII Thường Niên (A)

Lectio Divina: Chúa Nhật XVII Thường Niên (A)

Date: Chủ Nhật 30 Tháng Bảy, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A

Ba dụ ngôn về Vương Quốc Thiên Chúa

Khám phá ra các dấu hiệu của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày 

Mt 13:44-52

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 13:44:  Dụ ngôn về kho tàng chôn giấu

Mt 13:45-46:  Dụ ngôn về người lái buôn đi tìm viên ngọc quý

Mt 13:47-50:  Dụ ngôn về lưới thả dưới biển

Mt 13:51-52:  Dụ ngôn để kết thúc bài giảng bằng các dụ ngôn

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong ngày Chúa Nhật XVII Thường Niên tuần này chúng ta suy niệm về ba dụ ngôn tạo nên phần cuối cùng của Bài Giảng bằng các Dụ Ngôn:  kho tàng chôn giấu, người buôn ngọc quý và lưới thả dưới biển.  Các dụ ngôn của Chúa Giêsu giúp chúng ta điều chỉnh lại cách nhìn của chúng ta để thấy rõ hơn sự hiện diện của Thiên Chúa trong những điều bình thường nhất của cuộc sống.  Khi đọc, tốt nhất là chúng ta hãy giữ trong tâm trí những điều sau:  “Kho tàng chôn giấu, người buôn ngọc quý hay lưới thả dưới biển cho tôi những gì?  Kinh nghiệm của tôi sẽ giúp tôi như thế nào để hiểu các dụ ngôn về kho tàng, về ngọc trai, về lưới cá?”

c)  Phúc Âm:  

44 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng:  “Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.  45 Nước Trời cũng giống như người buôn nọ, đi tìm ngọc quý.  46 Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.  47 Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá.  48 Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn:  cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài.  49 Trong ngày tận thế cũng như vậy:  các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, 50 rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa:  ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 Các ngươi có hiểu những điều đó không?”  Họ thưa:  “Có.”  52 Người liền bảo họ:  “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào trong đoạn Tin Mừng chạm đến tôi nhất?  Tại sao? 

b)  Theo kinh nghiệm sống của tôi, tôi hiểu gì về kho tàng chôn giấu, về người buôn ngọc quý, hay cái lưới thả ở dưới biển?           

c)  Kinh nghiệm này của tôi đã giúp tôi hiểu được các dụ ngôn về kho tàng, viên ngọc và cái lưới như thế nào?

d)  Điều khác biệt giữa dụ ngôn kho tàng và dụ ngôn viên ngọc là gì?

e)  Bài Tin Mừng nói gì về sứ vụ sẽ được thực hiện bởi các môn đệ của Chúa Kitô?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh của các dụ ngôn được kể bởi Chúa Giêsu:

Các sách Phúc Âm có nhiều dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Thánh sử Mátthêu thậm chí còn nói:  “Tất cả những điều Chúa Giêsu nói với đám đông, Người dùng các dụ ngôn; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13:34).  Đây là phương thức phổ thông về giảng dạy được dùng vào thời ấy.  Theo cách này, Chúa Giêsu làm cho dân chúng hiểu được Người.  Trong các dụ ngôn, Người bắt đầu từ những điều rất bình thường của đời sống và Người xử dụng chúng ở thể tỷ để giúp người ta hiểu cặn kẽ hơn về những điều ít được biết đến về Nước Thiên Chúa.  Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu bắt đầu với ba điều ai cũng biết trong đời sống:  kho tàng được chôn giấu trong ruộng, người lái buôn đi tìm những viên ngọc và lưới cá mà các ngư phủ thả xuống biển.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mt 13:44:  Dụ ngôn về kho tàng chôn giấu

Ở đây chữ được xử dụng để so sánh hầu làm sáng tỏ những điều về Vương Quốc Thiên Chúa là kho tàng chôn giấu trong ruộng.  Không ai biết rằng có một kho tàng trong ruộng ấy.  Tình cờ, một người tìm được.  Anh ta không biết rằng mình sẽ tìm thấy nó.  Anh tìm thấy, hớn hở và hân hoan đón nhận sự bất ngờ.  Kho tàng được tìm thấy chưa thuộc về quyền sở hữu của anh ta, nó sẽ là của anh nếu anh thành công trong việc tậu mãi được nó.  Lề luật vào thời ấy là như thế.  Vì vậy, anh ta trở về bán tất cả những gì anh có để mua thửa ruộng ấy.  Bằng vào việc mua thửa ruộng, anh ta cũng thu được kho tàng.

Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn.  Điều tương tự cũng áp dụng ở đây như đã nói trong những lần trước:  “Ai có tai thì hãy nghe” (Mt 13:9, 43).  Hoặc:  “Vương Quốc Thiên Chúa là thế đấy.  Các ngươi đã nghe nói.  Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu!”  Nếu Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn, thì tôi cũng thế.  Đây là công việc của mỗi người chúng ta.  Nhưng tôi muốn đưa ra một lời đề nghị bắt đầu từ những gì tôi đã hiểu.  Thửa ruộng là đời sống của chúng ta.  Trong đời sống chúng ta có kho tàng ẩn chứa, không phải là kho tàng quý, nhưng mà qúy báu hơn tất cả những thứ khác.  Bất cứ ai gặp phải kho tàng ấy có sẽ đánh đổi mọi thứ người đó có để mua kho tàng này không?  Bạn đã tìm thấy nó chưa?

Mt 13:45-46:  Dụ ngôn về người buôn ngọc quý

Trong dụ ngôn đầu tiên, chữ được dùng để so sánh là “kho tàng chôn giấu trong ruộng”.  Trong dụ ngôn này, sự phân biệt lại khác.  Chữ được dùng so sánh không phải là viên ngọc quý, nhưng là hoạt động, nỗ lực của người lái buôn đi tìm những viên ngọc quý.  Tất cả chúng ta đều biết rằng các viên ngọc ấy hiện hữu.  Điều quan trọng không phải là biết rằng chúng hiện hữu, mà là đi tìm chúng không ngừng nghỉ cho đến khi ta tìm ra chúng.

Cả hai dụ ngôn có một số điểm tương đồng và một số điểm tương phản.  Trong cả hai trường hợp đều nói về một cái gì quý giá:  kho tàng và viên ngọc.  Cả hai đều nói về sự tìm kiếm điều mình ước ao, và trong cả hai trường hợp người ấy đi và đánh đổi tất cả những gì anh ta có để mua lấy cho được vật quý giá đã tìm thấy.  Trong dụ ngôn đầu tiên, sự tìm được là do tình cờ.  Trong dụ ngôn thứ hai, sự tìm được là kết quả của nỗ lực kiếm tìm.  Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh căn bản của Vương Quốc Thiên Chúa.  Vương Quốc ấy hiện hữu, nó ẩn dấu trong đời sống, chờ đợi những ai tìm thấy nó.  Vương Quốc là kết quả của sự tìm kiếm (thu được).  Đây là hai khía cạnh căn bản của đời sống con người:  lòng biết ơn về tình yêu đã chào đón chúng ta và đến gặp chúng ta, và sự tuân giữ trung thành đưa chúng ta đến gặp điều kia.      

Mt 13:47-50:  Dụ ngôn về lưới thả dưới biển

Ở đây Nước Trời được ví như một lưới cá, không phải là bất cứ một loại lưới nào, mà là loại lưới thả chìm xuống dưới biển và bắt được mọi thứ cá.  Đó là một cái gì tiêu biểu trong đời sống của những người đang lắng nghe, đa số họ là những ngư phủ sống bằng nghề chài lưới.  Đây là một kinh nghiệm mà họ đã quá quen thuộc, thả lưới để bắt tất cả mọi thứ cá, một số là cá tốt và một số thì kém hơn.  Ngư dân không thể ngăn chặn các con cá kém hơn khỏi lọt vào lưới, bởi vì anh ta không thể kiểm soát được những gì xảy ra trong vùng nước biển sâu nơi thả lưới.  Anh ta sẽ chỉ biết khi lưới được kéo lên và ngồi cùng với những đồng nghiệp mà lựa ra.  Khi ấy họ sẽ phân loại những cá tốt với cá xấu.  Một lần nữa, Chúa Giêsu không giải thích ngụ ngôn.  Người chỉ đưa ra một gợi ý:  “Trong ngày tận thế cũng như vậy.”  Khi ấy, kẻ dữ sẽ bị tách biệt ra khỏi người lành.  

Mt 13:51-52:  Lời kết luận của bài giảng các dụ ngôn

Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu, bài giảng các dụ ngôn kết thúc bằng một cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và các người nghe và các cử chỉ như một chìa khóa dẫn đến bài đọc tất cả các dụ ngôn.  Đức Giêsu hỏi:  “Các ngươi có hiểu những điều đó không?”  Họ thưa:  “Có!”  Sau đó Chúa Giêsu kết luận với những lời rất đẹp này:  “Bởi thế mỗi người kinh sư trở thành môn đệ của Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.  Lời kết là một dụ ngôn khác.  “Những vật mới cũng như cũ mà người chủ nhà mang ra từ kho của mình” là những vật trong đời sống mà Chúa Giêsu vừa mới đưa ra trong các dụ ngôn:  hạt giống gieo trong ruộng (Mt 13:4-8), hạt cải (Mt 13:31-32), men bột (Mt 13:33), kho tàng chôn giấu (Mt 13:44), người buôn ngọc quý (Mt 13:45-46), lưới thả dưới biển (Mt 13:47-48).  Kinh nghiệm của mỗi người về những việc này là kho tàng của người ấy.  Những kinh nghiệm mà mỗi người tìm thấy trong sự so sánh sẽ cho phép người đó hiểu rõ hơn về những việc của Nước Thiên Chúa!  Đôi khi những dụ ngôn không có ý nghĩa nhiều đối với chúng ta và không mang lại sứ điệp của chúng, nguyên nhân không hẳn là vì thiếu học hỏi, mà là thiếu kinh nghiệm trong đời sống hoặc thiếu chiều sâu trong đời sống của người ấy.  Những ai sống hời hợt bên ngoài mà không có chiều sâu về kinh nghiệm đời sống, sẽ không có kho để từ đó đem ra những điều mới cũng như cũ.   

c)  Đào sâu hơn:  Sự giảng dạy về các dụ ngôn

Các dụ ngôn của Chúa Giêsu là một dụng cụ sư phạm dùng đời sống hằng ngày để cho chúng ta thấy những việc trong đời sống thường nhật nói với chúng ta về Thiên Chúa như thế nào.  Những dụ ngôn làm sự hiện thực nên minh bạch và mặc khải sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.  Chúng biến đổi cái nhìn của một người thành một cái nhìn chiêm niệm.  Một dụ ngôn về những điều của đời sống và do đó là một sự giảng dạy mở ngỏ có liên quan cả đến chúng ta.   Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về những việc trong đời sống.  Sự giảng dạy bằng dụ ngôn bắt đầu với kinh nghiệm của một người về những việc thông thường để có thể hiểu về Nước Trời:  hạt giống, muối, ánh sáng, con chiên, hoa cỏ, phụ nữ, trẻ nhỏ, người cha, cái lưới, cá, kho tàng, ngọc trai, v.v.

Chúa Giêsu thường không giải thích các dụ ngôn của Người.  Thông thường, Người kết thúc với câu này:  “Ai có tai thì hãy nghe!” (Mt 11:15; 13:9-43) hay là “Chỉ có thế.  Các ngươi đã nghe!  Bây giờ hãy cố mà hiểu!”  Chúa Giêsu chất dứt các dụ ngôn của mình với một câu nói mở, Người đã không kết thúc chúng.  Đây là một dấu hiệu cho thấy Chúa Giêsu tin tưởng vào khả năng của con người có thể khám phá ra ý nghĩa của dụ ngôn bắt đầu từ kinh nghiệm riêng của họ về đời sống.  Thỉnh thoảng, theo lời yêu cầu của các môn đệ, Người sẽ giải thích ý nghĩa (Mt 13:10-36).  Ví dụ, các câu 36-43 giải thích dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng.  Cũng có thể đây là những lời giải thích phản ảnh giáo huấn của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Các cộng đoàn đã gặp nhau và thảo luận về dụ ngôn của Chúa Giêsu, tìm hiểu về những gì Chúa Giêsu có ý muốn nói.  Do đó, dần dần, các giáo huấn của Chúa Giêsu bắt đầu được đồng hóa vào giáo lý của cộng đoàn và điều này sau đó trở thành lời giải thích của dụ ngôn.

6.  Thánh Vịnh 19:7-14

Luật pháp Chúa thì hoàn mỹ

Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.

Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.

Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

Lịch Sử Áo Đức Bà Dòng Cát Minh

Date: Time: - Áo Đức Bà Carmelo (Cát Minh) là đặc ân Đức Mẹ hiện …