Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (C)

Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (C)

Date: Chủ Nhật 13 Tháng Hai, 2022
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm C

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!

Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”

Ánh sáng của Tin Mừng thay đổi cách nhìn của chúng ta.

Lc 6:17,20-26

 

1. Lời Nguyện Mở Đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2. Bài Đọc

a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu tuyên bố hạnh phúc thay cho những kẻ nghèo khó, những kẻ khóc lóc, những kẻ đói, và những kẻ bị bách hại.  Và Người tuyên bố về những mối họa dành cho những kẻ giàu có, những kẻ vui cười, những kẻ no nê, và những kẻ được mọi người ca tụng.  Hạnh phúc mà Chúa Giêsu góp phần cho những người nghèo khó, những kẻ đói, kẻ than khóc, và những kẻ bị bách hại bao gồm những gì?  Đó có phải là hạnh phúc?  Lời của Chúa thì tương phản với kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta.  Ý niệm phổ thông về niềm hạnh phúc thì hoàn toàn khác biệt với hạnh phúc mà Chúa Giêsu nói đến.  Và còn bạn, trong thâm tâm, bạn có nghĩ rằng một người nghèo khó và đói thì thực sự hạnh phúc không?

Hãy ghi nhớ những câu hỏi này, kết quả từ kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta, hãy đọc văn bản của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này.  Hãy đọc nó cách chăm chú, có lẽ đừng cố gắng để hiểu tất cả về nó.  Hãy để cho Lời của Chúa Giêsu đi vào trong lòng bạn.  Hãy giữ thinh lặng.  Trong khi đọc, hãy cố gắng chú ý đến hai điều sau:  (i) giai cấp trong xã hội của những người nói rằng họ được hạnh phúc, cũng như của những người đang bị đe dọa bởi sự bất hạnh;  (ii) những người mà bạn quen biết và những người thuộc nhóm bạn bè của bạn và những người có thể thuộc về một trong những giai cấp này.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này bỏ qua các câu 18 và 19.  Chúng tôi tự ý đem chúng vào trong phần bình luận ngắn gọn sau đây, bởi vì chúng giải thích rõ hơn một chút về đám đông dân chúng, những người mà lời của Chúa Giêsu nói với họ.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 6:17:  Thời gian và không gian hoạt đông của Chúa Giêsu

Lc 6:18-19:  Đám đông đi tìm kiếm Chúa Giêsu

Lc 6:20-23:  Bốn mối phúc thật

Lc 6:24-26:  Bốn mối họa

c) Phúc Âm:

Đức Giêsu đi xuống cùng với Nhóm Mười Hai.  Người đứng ở một chỗ đất bằng.  Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Siđon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.  Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.  Tất cả các đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:  “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.  Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và bị xóa tên như đồ xấu xa.  Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.  Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.  Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các người sẽ phải đói.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các người sẽ phải sầu khổ khóc than.  Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4. Một vài câu hỏi

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a) Điểm nào của bài Tin Mừng bạn thích nhất hoặc điểm nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

b) Đám đông dân chúng xung vây quanh Chúa Giêsu gồm có những ai? Họ từ đâu đến và họ tìm kiếm điều gì?

c) Những hạng người nào trong xã hội được coi là có phúc (Lc 6:20-23)? Chúa Giêsu hứa ban gì cho mỗi người trong số họ?  Những lời hứa này được hiểu như thế nào?

d) Khi nói rằng “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu có ý muốn nói rằng người nghèo nên tiếp tục sống trong nghèo khổ không?

e) Những giai cấp xã hội nào bị đe dọa bởi sự bất hạn (Lc 6:24-26)? Những mối họa cho mỗi người trong bọn họ là gì?  Những mối họa này được hiểu như thế nào?

f) Tôi có nhìn cuộc đời và người ta như Chúa Giêsu nhìn không?

5. Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a) Bối cảnh thời ấy và bối cảnh ngày nay:

Thánh Sử Luca trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu trong một mặc khải lũy tiến.  Đầu tiên, cho đến câu 6:16, thánh Luca nhiều lần nói rằng Chúa Giêsu đã giảng dạy, nhưng không hề nói gì về nội dung của các giáo huấn (Lc 4:15,31-32,44; 5:1,3,15,17; 6:6).  Giờ đây, sau khi cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã nhìn thấy vô số người muốn mở lòng mình ra với Lời Chúa, thánh Luca giới thiệu về bài giảng đầu tiên.  Bài giảng không dài, nhưng nó rất quan trọng.  Người đọc mà không chuẩn bị thì sẽ gần như bị hoảng sợ.  Nó có vẻ giống như là một loại phương pháp trị liệu gây sốc!

Phần đầu của bài giảng (Lc 6:20-38) bắt đầu với một sự tương phản gây tranh cãi:  “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!”  “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”  (Lc 6:20-26).  Phần thứ hai (6:39-49) nói rằng không ai có thể coi mình vượt trội hơn người khác (Lc 6:39-42); cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây xấu lại sinh trái xấu (lc 6:43-45).  Cách chắc chắn, một người không thể ẩn mình sau những lời cầu nguyện hoa mỹ.  Điều quan trọng là đem những lời cầu nguyện này vào thực hành (Lc 6:46-49).

b) Lời bình giải về bài Tin Mừng:

Lc 6:17:  Thời gian và không gian hoạt đông của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm (Lc 6:12) và đã chọn ra mười hai người mà Chúa gọi là Mười Hai Tông Đồ (Lc 6:13-16).  Bây giờ, Người đi xuống núi cùng với các ông.  Khi đã đến chỗ đất bằng, Người thấy có hai nhóm người:  đông đảo các môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđêa, Giêrusalem, Tia, và Siđon.

Lc 6:18-19:  Đám đông đi tìm kiếm Chúa Giêsu

Đám đông dân chúng cảm thấy mất phương hướng và bị bỏ rơi; họ đi tìm Chúa Giêsu vì hai lý do:  họ muốn lắng nghe lời của Người và họ muốn được chữa lành các bệnh tật.  Nhiều người đã được chữa lành là những người đã bị thần ô uế ám.  Người ta tìm cách chạm vào Chúa Giêsu vì họ biết có một năng lực tự nơi Người phát ra và chữa lành hết mọi người.  Chúa Giêsu đón nhận tất cả những ai tìm kiếm Người.  Trong số đoàn lũ đám đông này có cả người Do Thái và dân ngoại.  Đây là một trong những chủ đề ưa chuộng của thánh Luca!

Lc 6:20-23:  Bốn Mối Phúc Thật

* Lc 6:20:  Phúc cho anh em là những người nghèo khó!

Nhìn thẳng vào các môn đệ của Người, Chúa Giêsu công bố:  “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em!” Phúc Thật đầu tiên nói về giai tầng xã hội của các môn đệ Chúa Giêsu.  Họ là những người nghèo khó!  Chúa Giêsu đoan chắc với họ:  “Nước Trời là của anh em!”  Đây không phải là lời hứa liên quan đến tương lai.  Động từ ở trong thể hiện tại.  Nước Trời đã là của họ.  Ngay cả khi nghèo khó, họ đã được hạnh phúc.  Nước Trời không ở trong tương lai tươi sáng.  Nó đã hiện diện ở giữa những người nghèo.

Trong sách Tin Mừng của Mátthêu, Chúa Giêsu làm cho ý nghĩa trở nên rõ ràng và nói rằng:  “Phúc thay cho ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5:3).  Người nghèo là những ai có Thần Khí của Chúa Giêsu, vì cũng có những người nghèo mà có tinh thần và tâm hồn của kẻ giàu có.  Các môn đệ của Chúa Giêsu là người nghèo và có tinh thần của người nghèo.  Giống như Đức Giêsu, họ cũng không muốn tích lũy của cải, nhưng chấp nhận sự nghèo khổ của họ và giống như Đức Giêsu, đấu tranh cho một đời sống công bằng hơn nơi sẽ có tinh thần huynh đệ và chia sẻ vật chất, không có việc phân biệt đối xử.

*  Lc 6:21:  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc!

Trong Mối Phúc Thật thứ hai và thứ ba, Chúa Giêsu nói rằng:  “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng!  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười!”  Phần đầu của những lời công bố này ở trong thì hiện tại, phần thứ hai ở trong thì tương lai.  Những gì chúng ta bây giờ đang phải sống và chịu đựng thì không phải là điều cuối cùng.  Điều cuối cùng sẽ là Nước Trời mà chúng ta đang xây dựng bây giờ với sức mạnh Thần Khí của Chúa Giêsu.  Xây dựng Vương Quốc Nước Trời giả định bao hàm sự đau khổ và bắt bớ, nhưng có một điều chắc chắn là:  Nước Trời sẽ đến và “anh em sẽ được no lòng và được vui cười!”  Nước Trời cùng lúc hiện diện ở cả thì hiện tại lẫn trong tương lai.  Mối Phúc Thật thứ hai gợi lại bài thánh ca của Đức Maria:  “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư” (Lc 1:53).  Phúc Thật thứ ba gợi lại tiên tri Êzêkien, người nói về những kẻ mà “những rên siết và khóc than về mọi điều ghê tởm” đã xảy ra tại thành phố Giêrusalem (Êz 9:4; xem Tv 119:136).

*  Lc 6:23:  Phúc cho anh em khi bị người ta oán ghét…!

Mối Phúc Thật thứ tư đề cập đến tương lai:  “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa!  Anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.  Bởi vì các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế!”  Với những lời này của Chúa Giêsu, thánh Luca chỉ ra rằng tương lai được Chúa Giêsu công bố thì sắp xảy ra, và những người này đang đi đúng đường.

Lc 6:24-26:  Bốn mối họa

Sau bốn mối Phúc cho người nghèo và kẻ bị loại trừ, tiếp theo là bốn mối họa cho những kẻ giàu, kẻ no nê, kẻ vui cười, và những kẻ được mọi người ca tụng.  Bốn mối họa có cùng hình thức văn học tương tự như bốn mối Phúc thật.  Mối họa thứ nhất ở thì hiện tại.  Mối họa thứ hai và thứ ba có một phần ở thì hiện tại và một phần ở tương lai.  Mối họa thứ tư hoàn toàn đề cập đến tương lai.  Bốn mối họa này được tìm thấy trong sách Tin Mừng theo thánh Luca mà không thấy ở trong sách của Mátthêu.  Ông Luca thì tố cáo sự bất công cách triệt để hơn.

*  Lc 6:24:  Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!

Trước mặt Chúa Giêsu, trên một chỗ đất bằng phẳng, chỉ có những kẻ nghèo khó và bệnh tật đến từ khắp miền (Lc 6:17,19).  Nhưng trước mặt họ, Chúa Giêsu nói rằng:  “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”  Khi truyền tải những lời này của Chúa Giêsu, thánh Luca đang nghĩ đến các cộng đoàn vào thời của ông, vào cuối thế kỷ thứ nhất. Có người giàu và kẻ nghèo, có sự phân biệt đối xử với người nghèo về phía người giàu có, sự kỳ thị cũng ảnh hưởng đến hệ thống Đế Chế La Mã (xem Gb 2:1-9; 5:1-6; Kh 3:15-17).  Chúa Giêsu lên án những kẻ giàu có cách gay gắt và trực tiếp:  “các ngươi là những kẻ giàu có, các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi!” Hãy nhớ những gì Chúa Giêsu nói về những người giàu có vào một thời điểm khác!  Người không tin lắm vào lòng hoán cải của họ (Lc 18:24-25).  Nhưng khi các môn đệ sợ hãi, Người nói rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể (Lc 18:26-27).

* Lc 6:25:  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ và khóc than!

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói!  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang  được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than!”  Hai mối họa này cho thấy rằng sự nghèo khó của Chúa Giêsu không làm chết ai, và lại càng ít hơn so với hậu quả của thành kiến, thế nhưng kết quả của sự làm giàu bất công từ phía những kẻ khác lại là nguyên nhân.  Ở đây, tưởng cũng nên nhắc lại những lời trong bài Thánh ca của Đức Maria:  “Người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:53).

*  Lc 6:26:  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được mọi người ca tụng!

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được mọi người ca tụng; vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế!”  Mối họa thứ tư nói về người Do Thái, đó là, con cháu của những kẻ trong quá khứ đã xưng tụng các tiên tri giả.  Khi trích dẫn những lời này của Chúa Giêsu, thánh Luca nghĩ về một số người Do Thái cải đạo vào thời của ông đã dùng uy tín và quyền hành của mình để chỉ trích sự cởi mở đối với dân ngoại (xem Cv 15:1,5).

c) Phần phụ chú:

Các mối Phúc Thật trong sách của Luca

Hai lời khẳng định “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” và “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” thúc giục những ai đang lắng nghe phải có sự chọn lựa, một sự lựa chọn thay cho người nghèo.  Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa đặt người ta trước sự chọn lựa giữa được chúc phúc và bị nguyền rủa.  Mọi người được tự do lựa chọn:  “Tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa.  Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống” (Đnl 30:19).  Thiên Chúa không kết án.  Mà chính là người ta đã chọn sự sống hay cái chết, nó tùy thuộc vào thái độ của họ trước Thiên Chúa và trước người khác.  Những khoảnh khắc chọn lựa này là những lúc Thiên Chúa đến thăm dân của Người (St 21:1; 50:24-25; Xh 3:16; 32:34; Gr 29:10; Tv 59:6; Tv 65:10; Tv 80:15; Tv 106:4).  Thánh Luca là Thánh Sử duy nhất dùng hình ảnh về việc thăm viếng của Thiên Chúa (Lc 1:68,78; 7:16; 19:44).  Đối với thành Luca, Chúa Giêsu là sự viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng đặt trước mặt đám đông dân chúng sự chọn lựa được chúc phúc hay bị nguyền rủa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó!” và “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!”  Nhưng người ta đã không nhận ra được sự ghé thăm của Thiên Chúa (Lc 19:44).

Thông điệp của thánh Luca dành cho những dân ngoại cải đạo

Những Mối Phúc Thật và mối họa tạo thành một phần của bài giảng.  Phần đầu của bài giảng được gửi đến các môn đệ (Lc 6:20).  Phần thứ hai được gửi đến “những ai đang nghe tiếng Ta” (Lc 1:27), nghĩa là đám đông dân chúng nghèo khổ và bệnh tật, những người đến từ khắp miền (Lc 6:17-19).  Những lời mà Chúa Giêsu nói với đám đông này thì đòi hỏi và khó khăn: “hãy yêu thương kẻ thù của anh em” (Lc 6:27), chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em” (Lc 6:28), “ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (Lc 6:29), “ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6:29).  Theo nghĩa đen, những lời này có vẻ có lợi cho những kẻ giàu có, bởi vì sự chọn lựa luôn khó khăn hơn cho dành người nghèo.  Và những lời này dường như ngược lại với sứ điệp về các mối Phúc Thật và mối họa mà Chúa Giêsu trước đây đã truyền đạt cho các môn đệ của Người.

Nhưng chúng không thể được hiểu theo nghĩa đen.  Ngay cả Chúa Giêsu cũng không làm như thế.  Khi người lính vả vào mặt Chúa, Người đã không giơ má bên kia ra; đúng hơn, Người đã phản ứng cách mạnh mẽ:  “Nếu Ta nói sai, ngươi chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu Ta nói phải, sao ngươi lại đánh Ta?” (Ga 18:22-23).  Vậy thì chúng ta có thể hiểu những lời này như thế nào?  Hai câu trợ giúp để hiểu được những lời này muốn dạy điều gì.  Câu thứ nhất:  “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy!” (Lc 6:31).  Câu thứ hai:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ! (Lc 6:36).  Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần muốn thay đổi điều gì đó, bởi vì điều đó sẽ không thay đổi được gì.  Người muốn thay đổi cả hệ thống.  Cách thức mới mà Chúa Giêsu muốn xây dựng xuất phát từ kinh nghiệm mới mà Chúa Giêsu có được:  Chúa Cha đầy nhân từ đón nhận tất cả mọi người!  Những lời nói về mối họa đối với những kẻ giàu có không thể là dịp cho những người nghèo trả thù.  Chúa Giêsu đòi hỏi họ phải có thái độ trái ngược:  “hãy yêu thương kẻ thù của anh em!”   Tình yêu thương đích thực không thể phụ thuộc vào những gì tôi nhận được từ đối phương.  Tình yêu thương nên mong muốn những điều tốt lành cho người khác, không phụ thuộc vào những gì người kia làm cho tôi.  Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì như thế.

Bài giảng trên núi, bài giảng trên đất bằng

Trong sách Tin Mừng của thánh Luca, Chúa Giêsu từ trên núi xuống và dừng lại một chỗ đất bằng để giảng (Lc 6:17).  Đây là lý do một số người gọi nó là “bài giảng trên đất bằng”.  Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu, bài giảng tương tự này được giảng trên núi (Mt 5:1) và được gọi là “bài giảng trên núi”.  Bởi vì thánh Mátthêu tìm cách trình bày Chúa Giêsu như là một nhà làm luật mới, một Môisen mới.  Núi lá nơi mà ông Môisen đã nhận lãnh Lề Luật của Chúa (Xh 19:3-6; 31:18; 34:1-2).  Và chính trên núi, chúng ta nhận được lề luật mới của Chúa Giêsu.

6. Lời Nguyện Thánh Vịnh 34 (33)

“Lòng biết ơn xuất phát từ cách nhìn đa dạng về những sự việc”

Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.

Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!

Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.

Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?
Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa;
hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
CHÚA đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.

CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.

Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn,
dầu một khúc cũng không giập gãy.
Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân.

CHÚA cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.

7. Lời Nguyện Kết

 Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

Lịch Sử Áo Đức Bà Dòng Cát Minh

Date: Time: - Áo Đức Bà Carmelo (Cát Minh) là đặc ân Đức Mẹ hiện …