SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN THÁNH – 2021
Ts. JB. Hoàng Thừa Thế, O.Carm.
Con người vốn là một hữu thể phức tạp và đầy mâu thuẫn. Mặc dầu là thụ tạo hữu hạn nhưng lại mang trong mình những khát vọng vô hạn. Luôn khát khao tìm kiếm chân lý nhưng lại e dè đối kháng cùng chân lý. Giác ngộ có nghĩa là thức tỉnh, thuật ngữ này dành tặng cho những ai đã đạt đến chân lý. Một người thức tỉnh là một người sống đời sống một cách tự do và chủ động vì thế họ thoát khỏi mọi ràng buộc và thoả sức bay lượn trong cuộc đời mình.
Đức Ki-tô Giê-su đã đến và cho con người thấy một chứng nhân của chân lý bởi Ngài là chính chân lý, cho con người thấy một con người tự do bởi chính Ngài là tự do.
Chia sẻ luật dòng:
Tu luật dòng Cát Minh Chương 2: “Đã nhiều lần và bằng nhiều cách, các Thánh Phụ đã quy định mỗi người, trong bất cứ bậc sống nào hoặc thuộc bất cứ đời sống tu trì nào đã lựa chọn, phải sống lệ thuộc vào Đức Giêsu Kitô và trung tín phục vụ Người với một tâm hồn trong sạch cùng một lương tâm ngay lành.”
Vậy sống lệ thuộc vào Đức Giêsu Kitô là sống như thế nào nếu không phải là cố gắng trở nên con người tự do và khoáng đạt. Tự do trong Đức Giêsu Kitô không phải là muốn làm sao thì làm vậy, nhưng là tự do của giải phóng chính ta khỏi mọi ràng buộc của những sức lực tăm tối, xác thịt.
Thánh Gioan Thánh giá nói với chúng ta việc tẩy rửa mình, giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc của những gì thuộc về thế gian, để linh hồn trở nên trống rỗng, tinh tuyền, và khi linh hồn đến được tình trạng đó Thiên Chúa mới có thể tuôn đổ được chính Ngài cho chúng ta.
Tự do không có nghĩa là ta đã thoát khỏi mọi ràng buộc của đời sống, nhưng là thái độ của ta vượt lên trên nó với lòng tín thác cậy trông và hoàn toàn dâng hiến mình chiến đấu trong Thiên Chúa, khi ấy, chính Thiên Chúa đang ngự trị và chiến đấu cho ta, như thánh Phao-lô đã nói: “Tôi sống những không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô đang sống trong tôi.” (Gl 2. 20)
Tự do không phải là việc chăm chăm bắt chước theo đức Giêsu trong khi ta là chính ta. Ngày nào ta nhận ra và sống đúng nhân tính của mình, ngày ấy ta sẽ thấy tự do. Tự do yêu thương và dâng hiến như chính đức Giêsu đã sống như thế đến giây phút cuối cùng của đời mình. Khi chúng ta nhận ra chính mình trong sự bất toàn yếu đuối của phận người hữu hạn, ta biết mình phải làm gì, lúc ấy, chúng ta sẽ sống và yêu từng giờ từng phút, lúc ấy, ta đạt được chân lý, ta sống vĩnh cửu.
Chúa Giê-su đã dạy: “Chỉ có Thần khí mới làm cho người ta sống, còn xác thịt thì làm cho người ta chết.” (Ga 6. 63). Người ta thường thích hào quang của chân lý hơn là chính chân lý. Chúng ta vốn là những thụ tạo đầy khiếm khuyết trong ước vọng vươn tới sự trọn hảo là Thiên Chúa, bởi ngay cả những khát khao vươn đến Thiên Chúa cũng chính là một ân ban mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta.
“Ôi tội hồng phúc” Thánh Maria Maglalena de pazzi đã quảng diễn:
“Lạy Chúa! Ngài cần đến con cũng nhiều như con cần đến Ngài.
Nếu không có Ngài thì con biết cầu nguyện với ai?
Và nếu không có con thì có ai cầu nguyện với Ngài?
Vậy tội lỗi con là những tội hồng phúc.
Con cả nghĩ nếu con không phạm tội, vậy Chúa nào có lý do gì để bộc lộ lòng thương xót của Ngài đâu?
Tội lỗi con là những tội hồng phúc, vì nhờ nó mà con biết tình yêu của Ngài cho con lớn lao dường nào.”
Có Câu Truyện kể về một tên trộm đắc đạo:
Một đêm kia, có kẻ trộm lẻn vào khu vườn đầy hoa trái và thú nuôi béo tốt của một vương gia giàu có. Chủ nhà nghe tiếng động liền sai gia nhân đi kiểm tra.
Thấy nguy cơ bị bắt, tên trộm liền lấy bụi đất rắc khắp mình mẩy và thu mình ngồi lặng lẽ dưới một gốc cây theo kiểu các tu sĩ khổ hạnh Ấn giáo thường làm.
Tìm kiếm hồi lâu, toán gia nhân không phát hiện được dấu vết nào của tên trộm, chỉ thấy một con người dáng vẻ đạo hạnh khắc khổ đang đắm mình suy niệm dưới gốc cây.
Ngày hôm sau, khắp nơi người ta loan tin rằng có một bậc đại hiền nhân trụ trì trong thửa đất của vị vương gia. Thế là dân chúng tuốn đến với đủ loại hoa trái, thực phẩm cùng các tặng vật để tỏ lòng tôn kính vị hiền nhân, vì người ta tin rằng những gì dâng hiến cho các sứ giả của trời thì sẽ được kể là dâng cho Thượng đế và sẽ được chúc phúc.
Tên trộm ngạc nhiên và mừng rỡ vì phát tài nhanh chóng, hắn tự nhủ: “Sống nhờ niềm tin của những người này coi bộ dễ dàng hơn là làm lụng vất vả.”
Thế là từ đó có một kẻ tu hành ngày càng thêm lười biếng và thêm đắc đạo.
- Chiếc tăng bào không làm nên vị chân tu. Ích lợi gì khi ta đánh bóng mình bằng vẻ đạo đức bên ngoài mà trong lòng chẳng có chút niềm vui?
Chúng ta có bắt gặp mình trong câu truyện trên? Chúng ta có chắc đã quyết tâm theo Chúa? Chúng ta có chắc rằng mình quyết tâm đủ để bước theo lối sống mà chúng ta đã chọn?
Lạy Chúa! Quan niệm của chúng con về vĩnh cửu thật là đơn giản. Chúng con nghĩ rằng vĩnh cửu kéo dài mãi vì nằm ngoài thời gian. Nhưng sự sống vĩnh cửu, chúng con đang sống nó ngay bây giờ đây, ngay giây phút này. Vĩnh cửu đang có mặt và vĩnh cửu là chính Chúa với con giờ này. Đã nhiều phen chúng con không sống trong hiện tại mà sống cho hình bóng của quá khứ và những viễn tượng về tương lai. Chúng con đang đi bên lề của đời sống, đi bên lề của sự thật. và đời sống của con tuy đang sống nhưng là đời sống không thật, bởi vì tất cả những gì chúng con dự định vốn chỉ là những phóng chiếu của bong bóng suy tưởng hạn hữu của một kiếp người.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu mến giây phút hiện tại chứ không phải cố gắng sống nó. Xin dạy con biết yêu mến đời sống chứ không phải ham muốn nó. Xin dạy con biết yêu mến vì yêu mến chứ không phải để sở hữu nó. Như Chúa dạy thủ đắc chân lý thì tốt hơn là chiếm hữu chân lý. Amen.