Hướng đến kỉ niệm 25 năm Dòng Anh Em Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh hiện diện trên quê hương Việt Nam, và trên tinh thần học hỏi, tìm biết về nguồn cội Dòng, vừa qua, anh em Cát Minh Phụ tỉnh Thánh Giuse đã tổ chức chương trình “Carmelite Study Week” để cùng nhau nhìn lại 800 năm lịch sử Dòng Cát Minh. Chương trình kéo dài suốt một tuần lễ, bắt đầu từ ngày 24/08 đến 29/08/2020 tại Hội trường tu viện Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu. Tham gia giảng dạy chương trình này có sự hiện diện của cha Giám tỉnh Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm, Cha Bề trên tu viện Stephano Lê Thành Tựu O.Carm, Cha Bề trên tu viện học viện Đức Mẹ Núi Cát Minh Giuse Trần Thanh Trung O.Carm. Và đặc biệt là sự giảng dạy cách gián tiếp (qua ứng dụng Zoom) của cha Leopold Glueckert O.Carmthuộc tỉnh dòng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ -The Pure Heart of Mary (PCM) và cha Giuse Phan Quang Trí O.Carm (đang tu học tại Ý).
Chương trình “Carmelite Study Week” được khởi động vào sáng ngày 24 tháng 08, lúc 08h00. Qua ứng dụng Zoom, cha Giám tỉnh Mario Esposito O.Carm đã mở lời khai mạc chương trình. Cha khuyến khích và nhấn mạnh đến việc nghiên cứu và học hỏi về lịch sử Giáo Hội, cách riêng là lịch sử của Hội Dòng. Cha nhắn nhủ rằng, chúng ta phải biết lịch sử nhà Dòng chúng ta rất đẹp. Đã có nhiều cuộc hoán cải trở về, thúc đẩy chúng ta khám phá, tìm hiểu lịch sử Dòng. Dòng chúng ta đã trải qua nhiều thách thức, khó khăn, nhưng chúng ta đã vượt qua “cái chết đen”, qua những thế lực muốn phá bỏ Hội Dòng. Ngày nay, cũng giống như thế giới đang phải trải qua những ngày đen tối của đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải học hỏi về lịch sử Dòng để biết cách vượt qua khó khăn thử thách và có những hình thức mục vụ mới; hơn hết là để biết rõ mình là ai và căn tính của mình là gì. Bên cạnh đó, cha Giám tỉnh cũng nhắn nhủ các anh em rằng, học biết linh đạo và lịch sử Dòng là một điều hết sức quan trọng, và cũng là cách đóng góp một phần của mình trong sự phát triển chung của Hội Dòng. Vì thế, cha mời gọi các anh em hãy đặt hết tâm hồn, hết trí khôn và sức lực để sống ơn gọi của mình. Đồng thời, cha cũng hy vọng và cầu chúc anh em có một tuần học hỏi đầy hoa trái.
Ngay sau lời phát biểu và chào mừng từ cha Giám tỉnh Mario Esposito O.Carm, cha Bề trên tu viện Thánh Thérèse Stephano Lê Thành Tựu O.Carm đã chia sẻ cho các anh em Cát Minh từ các cộng đoàn tu viện của Phụ tỉnh hiểu sâu hơn về thời kỳ đầu của Dòng Cát Minh giai đoạn từ khai nguyên đến Công Đồng Trento. Trong bài chia sẻ của mình, cha Stephano đã chỉ ra nguồn gốc ban đầu của anh em Cát Minh không phải từ một Đấng sáng lập cụ thể, nhưng xuất phát từ những người hành hương đến Đất Thánh vào thời các cuộc Thập Tự Chinh khoảng thế kỷ XII. Nhiều người trong số họ mong muốn tái hiện lại đời sống của Đức Giêsu Kitô nơi Đất Thánh, và bị thu hút bởi hương thơm và sự thanh tịnh của núi Cát Minh đã quyết định cư ngụ tại đó như những ẩn sĩ. Họ đã chọn lối sống thanh tịnh trên núi Cát Minh gần nguồn suối Elia trong những hang nhỏ tương tự như những lỗ của tổ ong. Họ sống như những con ong của Thiên Chúa, thâu lượm mật ngọt thiêng liêng – nguồn an vui tâm linh. Họ sống trung thành theo Đức Kitô, theo gương tiên tri Elia – một người thánh thiện và yêu mến sự cô tịch. Họ cũng đã chọn Đức Maria là mẹ, là chị và là Đấng Bảo trợ cho họ. Các ẩn sĩ ngày càng gia tăng về số lượng và mong muốn sống đời sống cộng đoàn. Khoảng 1206-1214, họ xin thánh Alberto – Thượng Phụ thành Giê-ru-sa-lem ban cho họ một quy tắc sống diễn tả lý tưởng đời sống ẩn tu, và phản ánh tinh thần của cộng đoàn tiên khởi Giê-ru-sa-lem. Sau khi vùng Thánh Địa rơi vào tay quân Hồi Giáo, các ẩn sĩ di chuyển về Châu Âu và được xem như những khất sĩ dòng Đa Minh, Phanxico, Augustino. Tại Anh Quốc, Scotlen và Ái Nhĩ Lan, do mang áo choàng trắng và áo Đức Bà, anh em Cát Minh còn được gọi là các tu sĩ Dòng Áo Trắng hay Dòng Áo Đức Bà. Năm 1247, Bản luật Dòng được Đức Inocent IV phê chuẩn và bổ sung cho phù hợp với điều kiện sống ở Tây Phương. Dòng Cát Minh đặt mình vào đời sống phục vụ giáo hội theo lý tưởng chung của các dòng khất thực và được biết đến như dòng huynh đệ tông đồ. Tuy nhiên, các tu sĩ Cát Minh vẫn giữ được các đặc điểm đoàn sủng nguyên thủy.
Sau phần chia sẻ của cha Stephano, vào các buổi sáng ngày 25, 26, 27, 28/08, cha Leopold Glukeet O.Carm đã giới thiệu một cách tổng quát về lịch sử Dòng Cát Minh thời kỳ Trung Cổ và Cải Tổ, cụ thể qua các giai đoạn: Giai đoạn Cải Tổ, Khủng Hoảng, Sứ mạng truyền giáo và phát triển từ 1550-1750. Trong phần chia sẻ này, cha Leopold đã chỉ ra rằng, vào thời Trung Cổ, các tu sĩ Cát Minh nổi tiếng khắp Châu Âu và sản sinh nhiều vị thánh, thần học gia, nghệ sĩ, thi sĩ và chính trị gia. Đầu thế kỷ XV, các đan viện nữ cũng được thành lập và được chân phước Gioan Soret chuẩn nhận vào năm 1415. Trong giai đoạn cải tổ, Thánh Terese Avila đã mong muốn Dòng quay về với bản luật của Thánh Alberto. Thánh nữ đã cho thành lập nhiều đan viện cho các nữ tu. Nhờ sự cộng tác tích cực của Thánh Gioan Thánh Giá, Teresa còn lập nhiều đan viện nam cho những ai muốn sống như các vị ẩn sĩ tiên khởi ở núi Cát Minh. Hai vị thần nhiệm người Tây Ban Nha thời danh này, qua cuộc sống và bút tích của mình, họ đã diễn tả được các tinh túy của linh đạo Cát Minh, mà họ đã lãnh nhận từ những vị tu sĩ Cát Minh thời Trung Cổ. Cũng trong giai đoạn cải tổ, ngoài cuộc cải tổ của Teresa Avila, cha Leopold cũng chia sẻ cho các anh em về cuộc Cải Tổ Touraine và nhiều cuộc cải tổ nhỏ khác; đặc biệt là sự phân tách Dòng Cát Minh ra thành hai nhánh: Cát Minh OCD và Cát Minh O.Carm do bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Và cho đến nay, vấn đề hợp nhất hai nhánh của Dòng vẫn còn là vấn đề nan giải…
Vào các buổi chiều ngày 25, 26, 27, 28/08, anh em Cát Minh được giới thiệu và học biết sâu hơn về lịch sử Dòng Cát Minh thời hiện đại từ năm 1750 – 1950 qua sự chia sẻ của cha Giuse Phan Quang Trí O.Carm. Trong giai đoạn lịch sử này, cha Giuse đã chỉ ra những tác động ảnh hưởng của những biến đổi chính trị tại Châu Âu, nhất là chế độ Chuyên Chính Phong Kiến Phương Tây đối với Dòng Cát Minh cũng như nhiều Dòng khác. Đáng chú ý là, trong giai đoạn này, cuộc Cách Mạng Pháp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của Dòng. Tất cả các tu viện, nhà thờ và cơ sở Dòng đều bị tịch thu và tàn phá. Năm 1790 Cát Minh tại Pháp có 8 tỉnh dòng với 721 thành viên thì đến cuối cuộc cách mạng, không còn một cơ sở nào tồn tại, nhiều tu sĩ trở về gia đình hoặc gia nhập giáo phận, hoặc sống lang thang, hoặc lánh sang nước khác. Có nhiều người đi theo cách mạng, nhưng cũng có nhiều người dùng tính mạng để làm chứng cho niềm tin. Tại Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, anh em Cát Minh cũng bị đàn áp tơi tả. Cuối thế kỷ XIX, cơn bão bài Kito Giáo tại Châu Âu khiến Dòng Cát Minh gần như “tuyệt chủng”. Cha Giuse cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn lịch sử Cát Minh từ năm 1750 – 1950, anh em Cát Minh đã trải qua nhiều thăng trầm theo thời cuộc. Dòng không chỉ mất mát về nhân sự và cơ sở vật chất mà còn chịu tổn thất nặng nề về mặt tinh thần. Xét về linh đạo, tu sĩ Cát Minh bị tước mất đời sống cộng đoàn, kéo theo đó là mất đi cơ hội giữ lời khấn khó nghèo và vâng phục, đặc biệt là sau thời bách hại, họ bị mất khả năng quay lại với nội vi. Việc đào tạo và chất lượng ơn gọi có phần giảm sút. Vì thiếu nhân lực nên các tiêu chí đầu vào bị hạ thấp, và tiến trình đào tạo có phần gấp gáp, nóng vội. Tuy nhiên, sức sống Dòng hồi sinh không bị lệ thuộc vào cơ cấu điều hành tổ chức nhưng nhờ vào linh đạo truyền thống Dòng. Sau cùng, cha Giuse đã chỉ ra bài học lịch sử và những áp dụng thực tiễn cho Dòng.
Tiếp nối phần chia sẻ của cha Giuse Phan Quang Trí O.Carm, sáng ngày 29/08/2020, cha Giám tỉnh Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm đã chia sẻ với các anh em về giai đoạn lịch sử Cát Minh từ Công Đồng Vatican II đến nay. Trong buổi sáng này, cha đã giúp cho các anh em hiểu hơn về bối cảnh Công Đồng Vatican II, sự hiện diện của Dòng Cát Minh tại Công Đồng cũng như chỉ ra những ảnh hưởng của Công Đồng Vatican II tới Hội Dòng. Bên cạnh đó, cha cũng trình bày cho anh em thấy được sự phát triển của các miền truyền giáo mới ở nhiều quốc gia thuộc năm châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Mỹ. Linh đạo Cát Minh được diễn tả qua gương các thánh, gia đình Cát Minh và các dòng tu lấy linh đạo Cát Minh cũng là một trong các nội dung được các anh em chú ý. Ngoài ra, cha Giám tỉnh Phụ tỉnh cũng chia sẻ với các anh em về vấn đề thiết lập mối quan hệ giữa Cát Minh O.Carm (Cát Minh về nguồn) và Cát Minh OCD (Cát Minh Teresa).
Kết thúc phần chia sẻ của cha Giám tỉnh Phụ tỉnh Giuse cũng là lúc chương trình “Carmelite Study Week” tạm khép lại. Khoảng thời gian 7 ngày để học biết về một Cát Minh 800 năm lịch sử là thời gian quả là ngắn ngủi, nhưng đã giúp cho các anh em Cát Minh Phụ tỉnh Thánh Giuse Việt Nam nắm bắt được phần nào về nguồn cội của mình, thấy được những giá trị lịch sử, linh đạo và bề dày truyền thống của Hội Dòng qua những thăng trầm của thời cuộc. Đồng thời, qua chương trình học hỏi này, anh em Cát Minh Việt Nam càng trở nên gắn bó, thân thiết hơn như một cách diễn tả sinh động tinh thần và lối sống Cát Minh.
Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh, luôn yêu thương, gìn giữ, đồng hành và chúc lành cho Hội Dòng mỗi ngày một thăng tiến, triển nở.
JM Phạm Thành Linh