Khi bắt đầu chia sẻ một vài nguyên tắc căn bản, tôi xin thú thực từ trong thâm tâm rằng có nhiều điều về cầu nguyện mà tôi tin rằng sẽ còn huyền bí cho tới khi chúng ta được trực diện với Thiên Chúa trên thiên đàng, như trong Thánh Kinh dậy chúng ta: “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor.13:12)
Mặc dù chúng ta có thể biết rất nhiều về cầu nguyện, và có khả năng giảng dậy nhiều sự thực tuyệt diệu về đề tài đầy thích thú, đầy bí ẩn, và những thắc mắc khó mà hầu như không có câu trả lời thỏa đáng. Tôi tin chắc mỗi người là con cái Chúa đều có một số thắc mắc muốn hỏi Chúa về những huyền bí của cầu nguyện, và về những điều con người cầu xin chưa được đáp trả.
Mặc dù vậy, chúng ta biết đủ để có thể xây dựng và thực hành một đời sống cầu nguyện có kết quả để yêu và phụng sự Chúa với hết khả năng của chúng ta.
a) Cầu nguyện cần thiết cho hoạt động tâm linh.
Đó là sự diễn tả tâm linh của chúng ta với Chúa mà chính ngài là Thần Khí. Đó là một sự kết hợp và hòa nhập tâm linh của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Là một sự gặp gỡ và kết hợp rạng ngời của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Đó cũng là một sự đàm thoại thiêng liêng giữa các thần trí. Tâm linh nhân loại hòa nhập và trò chuyện thân mật với Thần Khí Chúa, và khi đó Chúa ở với chúng ta. Ước gì tôi có thể làm sáng tỏ sự kiện này để bảo đảm cho bạn hiểu cặn kẽ và tỏ lòng biết ơn về điều này.
Cầu nguyện không phải là một hoạt động của trí tuệ. Cầu nguyện đích thực không phải là sản phẩm của tri thức con người, hay các khả năng thuộc về trí tuệ, mặc dù tri thức và tư tưởng của chúng ta có góp phần vào việc cầu nguyện. Cầu nguyện là sự kết hợp của thần trí chúng ta với Thần Khí của Chúa trong hoạt động sáng tạo của sự đàm thoại tâm linh hỗ tương giữa con người và Thiên Chúa.
Thần trí là trọng tâm của thân xác con người chúng ta. Đó là thần khí thiêng liêng trong phần của con người chúng ta. Chúng ta là những sinh vật linh thiêng cần thiết và quan trọng bao bọc bởi thể xác bên ngoài, và trí tuệ chi phối các hoạt động thân xác chúng ta. Trừ khi tâm linh của bạn gặp gỡ Chúa, đàm thoại với Chúa và Người ở với bạn, nếu không thì bạn chưa thực sự cầu nguyện đích thực.
b) Cầu nguyện là “đến gần bên Chúa“
“Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em.“(Gc 4:8)
Khi cầu nguyện là chúng ta để qua một bên tất cả những bận rộn của cuộc sống, và chỉ chú tâm hoàn toàn vào Chúa. Đó là một hành động có ý từ bỏ mọi điều cần thiết và đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta, để chúng ta có thời giờ với Chúa. Đôi khi đìều này rất khó thực hiện đối với người làm các công tác mục vụ, vì chúng ta thường hay lý luận rằng suốt cuộc đời chúng ta tận tụy làm việc của Chúa, và những điều đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta tất nhiên cũng nằm trong ước muốn của Ngài. Thật đáng buồn bởi vì bận rộn với công việc của Chúa, mà hầu như chúng ta có rất ít hoặc không còn thời giờ để có thể gần Chúa trong cầu nguyện. Đây là một cái bẫy tinh vi và nguy hiểm mà nhiều mục tử nhiệt tâm, thiện chí đã sa vào. Đó cũng là “nguy hiểm nghề nghiệp“ trong mục vụ mà vì chúng ta quá bận rộn trong các công việc của Chúa để đến nỗi chểnh mảng, lơ là hay thậm chí lười biếng trong việc cầu nguyện, thờ phượng cách riêng tư với Chúa. Như vậy là chúng ta đã bỏ ra nhiều thời giờđể phụng sự Chúa, nhưng hầu như lại chẳng có thời giờ bầu bạn với Ngài. (Người dịch thêm vào: chúng ta làm công việc của Chúa, nhưng chúng ta lại quên mất Chúa của công việc).
C) Cầu nguyện là dùng thời giờ qúi báu với Chúa.
Cầu nguyện hầu mang lại hiệu qủa không thể làm qúa vội vàng. Hiển nhiên có những lúc đột xuất thì chỉ trong một tíc tắc ngắn ngủi thôi, cầu nguyện vẫn có kết qủa. Chẳng hạn như khi chúng ta gặp phải tai nạn bất thần xẩy ra và kêu xin với Chúa, Ngài sẽ nghe lời ta và cũng đáp trả ngay tức thì. Tuy nhiên, như là một luật lệ chung để thực hành cầu nguyện cần có thời gian và không nên vội vàng. Bởi vì những lời khi ta cầu nguyện không nhiều bằng điều Chúa muốn nói với ta, và cả những gì Chúa muốn hoàn thành nơi chúng ta khi chúng ta đứng trước nhan thánh Ngài với thái độ đầu phục và phó thác là việc mà cầu nguyện đích thực đòi hỏi nơi chúng ta.
Cầu nguyện riêng tư rất quan trọng đến độ chúng ta phải đặt lên hàng đầu mọi ưu tiên trong những việc chúng ta làm, tầm quan trọng của nó khiến bất cứ việc gì khác cũng phải đứng sau danh sách làm việc.
d) Cầu nguyện là đối thoại hai chiều.
Điều người ta thường hiểu lầm nhiều nhất về cầu nguyện là tư tưởng cho rằng “cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Chúa“. Tư tưởng này nguy hiểm ở chỗ nó chỉ đúng một phần thôi, nhưng không hoàn toàn là hẳn như vậy. Hiển nhiên về một phương diện, mà là phương diện quan trọng, cầu nguyện là truyện trò với Chúa. Nhưng vế phía bên kia của phương trình (bài toán), thì cầu nguyện cũng là dịp để Chúa nói và chia sẻ tâm tình với chúng ta. Phương diện sau này quan trong hơn (vì khi cầu nguyện là chúng ta đi tìm ý Chúa nơi chúng ta, không phải tìm ý chúng ta nơi Chúa). Những gì tôi nói với Chúa không quan trọng. Nhưng quan trọng là NHỮNG GÌ CHÚA NÓI VỚI TÔI. Cho nên khi bạn bước vào nơi chốn và thời gian cầu nguyện, hãy đi với một tâm tình rằng, bạn cần làm nhiều hơn là chỉ nói với Chúa; bạn cần có thời giờ chờ đợi Chúa, lắng nghe Chúa, và hiểu điều gì Chúa muốn nói với bạn.
e) Cầu nguyện là chia sẻ tâm tình với Chúa.
Kinh Thánh thường nói “Hãy mở hết trái tim ra cho Chúa”. Vua David là một thí dụ điển hình, và Thánh vịnh 51 là minh chứng rõ ràng nhất. Rất nhiều lần vua David thấy lòng bối rối với những khó khăn phiền muộn trong đời, và chính những lúc ấy Vua khôn ngoan đến trước nhan thánh Chúa và nói:
“Từ cùng cõi địa cầu, con kêu lên Chúa, tâm thần đang mòn mỏi rã rời. Trên tảng đá kia cao vòi vọi, xin Ngài dẫn con lên.” (Tv61:2) Những lúc đó David thổ lộ hết tâm tư với Chúa. Vua mở hết trái tim ra kêu cầu Chúa lắng nghe. “Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ, xin để ý đến con và thương đáp lại”. (Tv 55:22)
f) Cầu nguyện là phải đợi Chúa.
David thường tạo thói quen “chờ đợi Chúa”. Điều này cho thấy ngay là ta không thể vội vàng đến với Chúa rồi cũng vội vàng rời xa thánh nhan Chúa, nhưng tốt hơn là hãy có đủ thời giờ để kiên nhẫn chờ đợi Người. Quan niệm chờ đợi nói lên cung cách của một tôi tớ hay một tiếp viên kiên nhẫn và khiêm tốn chờ lệnh của Chủ. Anh ta đứng kiên nhẫn chờ cho tới lúc thích hợp khi Chủ ra lệnh hoặc bày tỏ ý muốn của ông.
g) Cầu nguyện là phục tùng Ý muốn của Chủ.
Thực hành đích thực của cầu nguyện là một hành động vâng phục Chúa. Lý do chính mà chúng ta cầu nguyện là vì chính Chúa đã truyền cho chúng ta hãy làm như vậy. Nên khi chúng ta đem mình tới trước nhan thánh Chúa để cầu nguyện, chúng ta hãy làm với một tinh thần đầu phục và phó thác cho Thánh Ý Chúa. Chỉ một thái độ này thôi cũng đủ là lý do chính đáng để cầu nguyện rồi. Tâm hồn chúng ta cần được canh tân đầu phục Chúa và tuân phục Thánh Ý Ngài.