Home / Tin Tức / Con Đường Nào Chúng Ta Đi ?

Con Đường Nào Chúng Ta Đi ?

Antôn Nguyễn Văn Trung O.Carm.

Câu hỏi này hiện lên trong tâm trí tôi khi Dòng Cát-minh Nguyên Thủy chuẩn bị mừng kỷ niệm mười lăm năm hiện diện ở Việt Nam. Mười lăm năm là khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng không là bao so với lịch sử hơn tám trăm năm của Hội Dòng. Trong suốt khoảng thời gian này Dòng luôn luôn thể hiện được một tinh thần hội nhập trong từng bước phát triển. Cuộc hội nhập vĩ đại nhất có lẽ là việc di chuyển từ Đất Thánh về Tây Âu. Đây là một sự thay đổi sâu sắc về mặt tổ chức của những tu sĩ Cát-mih tiên khởi, nhưng bản chất Cát-minh vẫn không thay đổi. Họ vẫn là những người luôn luôn sống trong sự hiện diện của Chúa và suy gẫm luật của Người đêm ngày. Hàng ngày họ vẫn dấn thân vào các việc mục vụ khác theo nhu cầu của Giáo Hội. Vì vậy, câu hỏi đặt ra tiếp theo là làm sao để tiếp tục đem tinh thần Cát-minh vào các xã hội và nền văn hóa Á Châu? Điều này cũng đồng nghĩa với việc khơi dậy ánh sáng Lời Chúa vào trong các nền văn hóa này. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định mục đích của Giáo Hội là việc Phúc Âm Hóa Á Châu trong thiên nhiên kỷ thứ III. Vậy thì đâu là những chủ đề quan trọng của Dòng Cát Minh? Những chủ đề quan trọng này có liên hệ như thế nào với nền văn hóa Việt Nam? Bài viết này xin được đưa ra hai chủ đề quan trong của truyền thống tâm linh Cát-minh và Việt Nam đó là “Núi” và “Nước”.

Hai hình ảnh “suối nước” và “ngọn núi” đã được những ẩn sĩ Cát-minh tiên khỏi sử dụng. Đây vốn là những hình ảnh rất phổ biến trong đời sống con người, nhất là những người sống trong vùng Trung Đông. Trong văn hóa Việt Nam những hình ảnh này cũng xuất hiện ngay từ thuở xa xưa. Có thể nói người Việt xuất thân từ trên núi khi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau. Ngoài ra, theo truyền thống tâm linh người Việt thì một nửa trong bộ “tứ bất tử” gắn liền với núi đó là Sơn Tinh trên núi Tản Viên và Thánh Gióng trên Núi Ba Vì. Đây là hai nhân vật quan trọng trong truyền thống tâm linh của người Việt Nam. Sơn Tinh thể hiện một cuộc chiến đấu chống lại những sự ác một cách không ngừng nghỉ. Thánh Gióng thể hiện một tinh thần chiến đấu mãnh liệt nhưng đồng thời siêu thoát. Sau khi chiến thắng, Gióng đã không ở lại trần gian để hưởng những lợi lộc trần gian mà cởi bỏ tất cả để về thẳng trời.

Tuy có vẻ khập khiễng nhưng cách nào đó chúng ta có thể so sánh hình ảnh ngôn sứ Êlia trong Dòng Cát-minh với hình ảnh thánh Gióng trong đời sống tâm linh người Việt. Ngôn sứ Êlia, đấng sáng lập tinh thần của dòng Cát Minh, cũng được coi là người “bất tử”. Êlia đã chiến đấu chống lại thần ngoại bang Baal để bảo vệ đức tin vào Thiên Chúa và đưa tinh thần cha ông về với con cháu. Thánh Gióng cũng chống giặc ngoại xâm phương Bắc bảo vệ bờ cõi, mang bình yên cho dân tộc. Một người được gọi là “người của Thiên Chúa” con người kia được gọi là “người trời”. Một người được đưa lên trời bằng xe lửa còn người kia bằng một ngựa lửa.

Chủ đề núi trong Dòng Cát-minh là một chủ đề quan trọng bậc nhất bởi vì các tu sĩ Cát-minh tiên khởi đã bắt đầu hình thành từ trên Núi Cát-minh, bên cạnh dòng suối tiên tri Êlia. Sau này nhà Dòng đã lấy chính địa danh này làm tên gọi cho mình. Tên gọi của một người gắn liền với căn tính của người đó. Tên Gọi núi Cát-minh cũng chính là căn tính của Dòng. Vậy tại sao núi lại quan trọng vậy? Lý do nào khiến các bậc tiền bối đã không lấy tên vị này vị nọ để đặt tên cho nhà Dòng mà lại lấy tên núi.

Ngọn núi được bám rễ trên mặt đất nên vững chắc, hùng vĩ, trường tồn, không dễ đổi thay; nhưng ngọn núi lại hướng về trời cao, mang theo nét siêu phàm, cao vời tiềm ẩn của nó – đây chính là sự cân bằng của mầu nhiệm Nhập Thể và Cánh Chung. Những tu sĩ Cát-minh được kêu gọi đời sống chiêm niệm chỉ say đắm một mình Chúa, nhưng đồng thời cũng được kêu gọi để phục vụ mọi người. Hành trình tiến về Núi Cát-minh là một lời mời gọi đối diện với sự thách đố của truyền thống các ngôn sứ và của đời sống chiêm niệm. Đối với các tu sĩ Cát-minh suối nước của ngôn sứ Êlia lại ở trên ngọn Núi Cát-minh, có ý ám chỉ rằng công cuộc bước theo chân Chúa đòi hỏi họ vừa bám chặt chân trên mặt đất, vừa cố gắng vươn tới nhũng đỉnh cao tuyệt vời, thường bị che khuất không nhìn thấy.

Thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả cho chúng ta một cách chính xác cuộc hành trình này. Từ ngữ ngọn núi là hình ảnh thách đố người hành hương vượt qua, một khoảng đường khó khăn nhất dẫn đến đích điểm cuộc lữ hành của họ là đỉnh núi cao vời. Đây chính là nơi hội tụ của họ. Để leo núi thành công người leo núi phải là người mang hành trang thật ít, và cần những trạm nghỉ dọc đường. Đây là một hành trình, và phải luôn luôn ở giai đoạn bắt đầu: đích điểm trở thành khởi điểm; vừa mới tới nơi thì đã vội vã lên đường. Nghĩa là luôn luôn bắt đầu lại nhưng không phải là lặp lại những điều cũ nhưng là một khởi đầu mới. Đây là một hành trình liên tục không ngừng nghỉ bởi vì ngừng lại có nghĩa là tụt lùi. Do đó, thánh Gioan đã nhắc nhở những lữ khách rằng

 

Để thưởng thức tất cả, bạn đừng thích thú gì hết.

Để chiếm hữu tất cả, bạn đừng chiếm hữu gì hết.

Để trở nên tất cả, bạn hãy là hư vô trong mọi loài hư vô.

Để biết tất cả, bạn đừng muốn biết gì hết.

 

Để tới nơi chưa hề nếm hưởng, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn kinh tởm

Để tới nơi chưa hề biết, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không biết.

Để tới nơi bạn chưa chiếm hữu, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không chiếm hữu

Để tới nơi bạn muốn trở thành, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không tồn tại.

 

Nếu bạn dừng ở lại ở một điều nào đó, thì bạn sẽ không còn lao mình về tất cả nữa

Bởi vì để đạt tới tất cả trong mọi sự, bạn hãy từ bỏ mình trong mọi sự.

Và khi bạn đã đến chỗ có tất cả, bạn hãy chiếm hữu nó mà không muốn gì hết.

Bởi vì, nếu bạn muốn có cái gì trong tất cả, thì bạn không còn lấy Thiên Chúa là kho báu duy nhất nữa.

Núi trong Kinh Thánh chính là nơi Chúa hiện diện như trên núi Xi-nai, núi Hô-rép, núi Ta-bo… Núi chính là nơi Chúa đã ký kết giao ước với dân Chúa. Núi ở đây còn chính là Đức Ki-tô cho nên ai muốn lên núi Cát-minh phải là người muốn noi gương bắt chước Đức Ki-tô, phải là người cố gắng dấn thân bước theo Đức Ki-tô trên cuộc đời của mình. Núi ở đây không còn chỉ là một quả núi hữu hình nữa mà là một quả núi vô hình nằm trong thâm tâm mọi người. Mà hàng ngày chúng ta đều được mời gọi để chiêm ngắm Đức Ki-tô, Đấng đang ngự trên đỉnh núi đó và có gắng từng bước, từng bước trèo lên để chiêm ngưỡng tận mắt vinh quang của Ngài.

Bài giảng trên núi của Đức Giêsu là những giáo lý quan trọng, là hiến chương nước trời, bao gồm những giá trị cao quí của Tin Mừng. Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người đưa những giá trị ấy vào thực hành trong đời sống hàng ngày. Đây là một quá trình gian khổ mà mỗi người  phải biết chiến thắng chính bản thân để thi hành. Quá trình này đòi hỏi sự vượt qua để tìm thấy Người Yêu lý tưởng của mình, là Chúa,  là Thượng đế. Do đó, muốn nhìn được chân dung Người Yêu, phải vượt núi.

Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Có điều, trong cõi người ta,

Con đường leo núi vẫn là gai chông.

Cho nên lắm khách… anh hùng,

Ngậm ngùi ngó núi chạnh lòng thở than.

Than rằng :

Núi cao chi mấy núi ơi,

Che khuất mặt trời, chẳng thấy Người Yêu!

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho người chị gái Celine từ đan viện Cát Minh như sau:

            “Bên người yêu tuyệt vời tôi đã được những đỉnh núi ngất ngây,

            Cũng như những thung lũng của rừng già cô độc…

            Và này người yêu của tôi đã nói với linh hồn tôi,

            Nói cho nó nghe trong thinh lặng, và trong bóng tối tuyệt vời…” [1]

Một hình ảnh tiêu biểu khác cho các ẩn sĩ sống trên núi Cát-minh gần bên suối Êlia. Từ ngữ suối nước gợi cho chúng ta hình ảnh của nước, của những gì tươi mát, của sự sống và của một sự đổi mới. Suối nước cũng là hình ảnh tưới mát cho ruộng vườn- là nguồn mạch của sự sống và của sự bổ dưỡng.

Nền văn hóa làng xã và văn minh lúa nước là nền văn hóa chủ đạo của Việt Nam. Nước rất quan trọng đối với các nông dân thế nên người Việt mới có câu tục ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Cũng vùng trồng lúa nước nhưng văn hóa Việt vẫn có những nét khác biệt so với các nước trong khu vực. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới người ta gọi quốc gia, dân tộc mình bằng cái tên thân thương như ở Việt Nam đó là từ “đất-nước”.

Từ ngữ suối nước cũng là một từ ngữ dùng trong Cứu Thế Học – một nguồn mạch của dòng nước mang sự sống: “Hãy đến… hỡi các con những ai đang khát …” Cũng thế, suối nước cũng còn là biểu tượng cánh chung được dùng để ám chỉ dòng nước phát sinh từ ngai tòa của Con Chiên (Kh 21,5;22,1…) Vì thế hình ảnh suối nước gợi ý rằng đời sống của cộng đoàn được kín múc từ Chúa Kitô trong sự thông hiệp với thành thánh Giêrusalem trên trời.

Trong Lâu Đài Nội Tâm, thánh Têrêsa Avila nói rằng đã không tìm thấy được một hình ảnh nào thích hợp để diễn tả về những thao luyện tinh thần hơn là nước. Chúng ta đã thấy thánh nữ giải thích sự khác biệt giữa sự cầu nguyện chủ động và sự cầu nguyện an tĩnh bằng hình ảnh qua hai kiểu máng nước xối khác nhau.

Kiểu máng… với những ống dẫn nước là hình ảnh ẩn dụ nói về lối cầu nguyện bắt đầu với con người và kết thúc ở nơi Thiên Chúa. Với ân sủng của Thiên Chúa, con người bắt đầu những nỗ lực, và nuôi dưỡng chúng bằng trí tưởng tượng, sự chiêm niệm và cầu nguyện. Kiểu máng thứ hai, đầy ắp nước từ suối nguồn, là hình ảnh về lối cầu nguyện phát xuất từ Thiên Chúa và kết thúc ở nơi con người. Trong cách thứ hai này, chúng ta ít cần nỗ lực riêng hơn vì nó đến từ ân lộc của Thánh Thần phủ đầy trong ta. Thiên Chúa chính là cội nguồn của máng nước này, đó là cảm nghiệm sâu xa của con người trong gian nội thất thứ tư và thứ sáu (Lâu Đài Nội Tâm – Têrêsa-Avila).

 

Khi dùng hình ảnh nước, thánh Têrêxa muốn diễn tả sự phong phú trong tâm hồn mỗi người. Lối dùng hình ảnh nước này là một cố gắng dựa trên tâm lý để diễn đạt kinh nghiệm liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện của mình. Nước nói lên nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn. Thánh Têrêxa quả là một chuyên viên tâm lý đã sớm phân định được những kết quả tác động của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Nước quả đã giúp diễn tả được những chiều sâu nội tâm của con người.

Thế rồi khi nước bắt đầu cạn thì sao? [2] Hay khi bị hạn hán? Một số người đã thấy rằng họ không thể cầu nguyện được như trước kia, và họ cũng đã không còn cảm nhận được những an ủi từ Chúa. Những lúc đó, con người thường nghĩ rằng họ đã làm nản lòng Thiên Chúa hoặc là họ đã làm phiền lòng Ngài, hay là họ đã bị Ngài bỏ rơi. Nhưng nếu sau khi đã thành thật xét lại mình mà họ thấy mình chưa làm mất lòng Chúa điều gì. Thánh Têrêxa Avila có thể giúp giải thích điều gì đã xảy ra. Qua hình ảnh của nước, hoặc những lúc khô cạn hay hạn hán thánh nữ đã giúp con người tiến qua một giai đoạn khác của đời sống cầu nguyện và cuộc sống tâm linh. Kinh nghiệm khô khan trong sự cầu nguyện của chúng ta không đơn thuần là một kinh nghiệm bực bội vì thiếu vắng Thiên Chúa. Nó là một kinh nghiệm thiết yếu để cho chúng ta được đồng hóa với Chúa Giêsu là Đấng “đã vâng phục qua khổ đau” (Dt 5.8). Cách thức Chúa làm việc không như cách thức của ta. Ngài đòi hỏi chúng ta từ bỏ tất cả để bước theo Ngài. Ngài mời gọi chúng ta tiến sâu vào chính điện qua một lộ trình mà rất nhiều phen chúng ta phải học để đồng hoá và đồng cảm với Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Với cách thức ấy, chúng ta sẽ tiến gần Chúa hơn nơi chính điện và cũng là nơi trung tâm của chúng ta.

Chúng ta phải biết từ bỏ và để cho Thiên Chúa điều khiển chúng ta đến nơi chúng ta phải đến. Mầu nhiệm trong cuộc sống tâm linh chúng ta là chính khi chết đi cho bản thân mình, chúng ta tìm được Chúa Giêsu. Đó cũng chính là nghịch lý của cả cuộc sống Kitô – hữu: Khi tôi đánh mất cuộc sống của tôi, tôi tìm được nó. Thánh Têrêxa Avila quả đã giải thích điều này như là một bậc thầy tuyệt vời của đời sống siêu nhiên. Vì thế cho nên bên suối Êliah ta hãy rửa sạch bụi bặm lòng trần.

Tội đầu bẩy mối sớm trừ xong

Luyện tập ngày đêm sửa tấm lòng

Tội nguyên thánh tẩy an tánh thiện

Tu hành phải để chí không không.

Hiểu trên lý thuyết là đơn giản, nhưng trong thực hành đời sống tâm linh của nhiều người từ cổ chí kim, đã không ít “kiếm khách” phải bẻ kiếm bên trời mà ngậm ngùi than dài thở vắn rằng:

 

Diệt trừ tội đầu bẩy mối [3]

Trăm năm trong cõi người ta dễ gì.

 

Trên đây là một góp nhặt của tôi về hai chủ đề quan trọng trong linh đạo Cát-minh. Nhiều người nghĩ linh đạo Cát-minh là một điều gì đó huyền bí chỉ dành cho một số ít người. Thực tế không phải như vậy: Linh đạo Cát-minh là những điều rất bình thường giản dị trong cuộc sống hàng ngày, chứ không phải ở đâu xa xôi hay điều gì cao vời khó kiếm. Linh đạo Cát-minh cũng rất gần gũi với truyền thống tâm linh trong văn hóa Việt Nam. Hy vọng rằng bài viết này góp phần giúp quý vị nhận ra sự liên hệ này. Thần học gia Dòng Tên người Đức, Karl Rahner, nói: “Ki-tô hữu thế kỷ 21 sẽ không là gì nếu họ không trở thành những nhà thần bí.” Nhà thần bí chính là người luôn luôn sống trong sự hiện diện của Chúa và kết hiệp mật thiết với Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

 

 

 


[1] Theo bản dịch của: Sheed, F.J., The Collected Works of Saint Teresa of Lisieux Sheed and Warrd, London, 1949, p. 114.

[2] Để có được một sự  trả lời đầy đủ hơn cho câu hỏi này, xin xem Green. T. II. SJ. When the Well Run Dry. Ave Maria press, Notre Dame, N. 1979, trang 81-82

[3] Bảy mối tội đầu: kêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, làm biếng.

Check Also

Tuần Tĩnh Tâm Anh Em Khấn Trọng 2024

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 6, các anh em khấn trọng Dòng Cát …