“Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh lấy bà về nhà mình.” (Ga 19:27)
Có lẽ, trong tất cả các ngôn ngữ và văn hóa, “mẹ” là một trong những ngôn từ đầu tiên trẻ em bập bẹ học đánh vần. Đứa trẻ sẽ lớn lên dần khi phải học nhận biết tất cả, và có một sự thật dù lên ba, lên năm, mười ba,
“Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh lấy bà về nhà mình.” (Ga 19:27)
Có lẽ, trong tất cả các ngôn ngữ và văn hóa, “mẹ” là một trong những ngôn từ đầu tiên trẻ em bập bẹ học đánh vần. Đứa trẻ sẽ lớn lên dần khi phải học nhận biết tất cả, và có một sự thật dù lên ba, lên năm, mười ba, hay mười tám, người con sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ: đâu có mẹ thì đó là nhà. Mẹ là nhà, một nơi chốn huyền nhiệm yêu thương gieo vào lòng con sự tự tin và niềm say mê cuộc sống. Tấm lòng ấm áp của mẹ luôn phảng phất và bao phủ đời con, để dù ba mươi, năm mươi, bảy mươi hay lúc con sắp lìa trần, trần gian này là ngôi nhà ấm áp cho đời con. Cảm nhận về ‘mẹ’ rất gần gũi và rất phổ quát này gợi ý một cái nhìn về ý nghĩa Đức Mẹ Cát-minh nhân dịp Mừng Lễ 16 tháng 07 này.
Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Cát-minh lại vang lên lời Đức Giê-su trước khi tắt hơi thở, trên thập giá nói với Thánh Gio-an: ‘Đây là mẹ của anh,’ và ‘Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19:27).’ Đây là những lời cuối cùng của Đấng Cứu Thế nói với trần gian, và chắc chắn là lời yêu thương và lời ban sự sống. Truyền thống Dòng Cát-minh chọn Đức Maria -Núi Cát-minh và Đấng Bảo Trợ của nhà Dòng đồng thời chọn những lời Tin Mừng trên để chia sẻ huyền nhiệm về tương quan giữa người Cát-minh và Đức Mẹ. Hiện tượng phổ quát về vị trí người mẹ trong tâm thức con người giờ đây được người Cát-minh lồng trong tâm thức đức tin của Đức Maria và nhân loại. Đâu có mẹ thì đó là nhà: với Đức Mẹ, cộng đoàn nhân loại xây dựng căn nhà đức tin. Thiên Chúa luôn hiện diện tràn đầy nơi trần gian này, nhưng nếu không có một cảm thức về căn nhà đức tin (Giáo Hội và cộng đoàn đức tin) con người khó cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Và vì vậy: “Đây là mẹ của anh” là nền tảng để con người đức tin xây dựng căn nhà đức tin. Đón “Mẹ về nhà mình” là tiếp tục mở ra một tâm thức mới vô cùng cần thiết cho nhân loại.
1. “Đây là mẹ của anh”: lời mời vào căn nhà tâm linh cho tâm hồn nhân loại
Mỗi người đều sinh ra cùng với một khoảng trống trong tâm hồn – một khoảng trống tâm linh. Cứ theo lẽ thường, khi ta lớn lên những khiếm khuyết nơi con người thể lý và con người tâm lý dần được lấp đầy: người ta trưởng thành khỏe mạnh, tự tin, hiểu biết…. Khoảng trống tâm linh / khát khao của tâm hồn cũng theo quy luật này, nhưng nó lại hoàn toàn diễn ra ở một chiều kích khác: Khi ta trưởng thành, ta dần nhận thấy mỗi con người đều có một khát khao tâm hồn. Cảm nhận này là nền tảng cho con người phát triển, tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng xấu tới đời sống con người nếu nó bị chối từ bởi chính bản thân con người. Cảm nhận linh thiêng này có khi mờ mờ khó xác định nên dễ dàng bị bỏ quên và bỏ qua; cũng có khi nó rõ ràng, nhưng người ta lại chọn sai phương pháp tiếp cận bằng cách lấy những chất liệu không tương xứng (vật chất, cảm giác, tư tưởng…) để lấp vào khoảng trống đó dẫn đến những tác dụng ngược không tốt đến đời sống con người. Câu hỏi đặt ra là ta phải làm gì? Có lẽ câu trả lời tốt nhất là ta chưa làm gì cả! Trước hết ta hãy tin trong ta đang hiện diện một cảm nhận thiêng liêng và những người bên ta cũng đang có cảm nhận đó, một cảm nhận phổ quát giúp con người hướng về nhau. Cảm nhận và sờ chạm được vào cảm nhận sâu sắc này có thể làm cho con người thở dài và cảm thấy cô đơn trong một thế giới có khi đang tràn đầy những thứ khác. Con người giờ đây đã ý thức được một thứ khao khát thiêng liêng, tuy cảm thấy cô đơn, nhưng xác quyết hơn trong hành trình tìm kiếm.
Linh đạo Cát-minh, thể hiện một phần chiều sâu linh đạo Kitô giáo, đã và đang đồng hành với tâm thức của nhân loại, và hoàn toàn ý thức được nỗi khát khao tâm linh, cảm nhận cô đơn, và nỗ lực tìm kiếm của của tâm linh con người. Các vị Thánh lớn của Nhà Dòng, như Thánh Têrêsa Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Thêrêsa Hài Đồng Giêsu…, đã thể hiện ý thức Cát-minh qua đời sống đức tin và trong những tác phẩm của mình. Xa hơn nữa, những tu sĩ đầu tiên của Dòng Cát-minh cũng đã đã ý thức được những cảm nhận này của nhân loại. Họ không dừng lại ở chỗ chỉ ý thức, mà còn không ngừng tìm kiếm hướng đi cho những cảm nhận thiêng liêng này (linh đạo). Và với đức tin nồng cháy vào Thiên Chúa, khao khát tìm kiếm sự thật nơi kho tàng Kinh Thánh, và nỗ lực không ngừng thực hành đời sống thích hợp nhất để trải nghiệm khát khao linh thiêng của con người, những tu sĩ Cát-minh tiên khởi đã tìm thấy nơi Đức Mẹ một lời giải đáp. Dưới chân Thập Giá, Đức Mẹ, dù đau khổ tột cùng, đã nghe được lời giải đáp cho một thực tại cố hữu của nhân loại; lời giải đáp đó lồng trong lời Đức Giêsu trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh!”
“Đây là mẹ của anh” không đơn thuần là một biện pháp an ủi tâm lý mà người con là Đức Giêsu dành cho mẹ mình – Đức Maria, trước một viễn cảnh thất bại cuộc đời. Nó cũng không phải là một hình thức ‘bán cái’ của Đức Giêsu – giao mẹ, một phụ nữ góa chồng và mất con trong một viễn cảnh tương lai, cho môn đệ thân tín của mình là Gioan chăm sóc. Nếu ta chỉ hiểu như vậy thì những lời quý giá này, có thể là đẫm lệ, nhưng chưa hẳn là ‘Tin Mừng’ cho người đang lắng nghe lời Chúa. Đúng hơn, Đức Giêsu thấu hiểu được nỗi cô đơn của nhân loại – thấu hiểu được khao khát tâm linh của nhân loại; vậy nên trên thập giá đau thương – đỉnh cao của tình yêu, Ngài đã đưa đến lời giải đáp con người bàng hoàng chưa kịp nhận ra: “Đây là mẹ của anh!” Khi Đức Giêsu nói đến ‘mẹ’ thì Ngài cũng hướng đến ‘nhà’, đến ‘gia đình.’ Nhân loại cô đơn và tìm kiếm tâm linh vì họ chưa tìm thấy gia đình và căn nhà. Trong một thế giới trống rỗng, mọi cảm nhận và lý trí đều dường như vô ích trước thập giá đau thương của Đức Giêsu, như lời Thánh Phaolô trần tình, “…người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1:23)”, thì chính Chúa đã truyền ban cảm thức về ‘nhà-gia đình’cho nhân loại, đem đến lời giải đáp mà con người tìm kiếm bấy lâu nay. Sau nay khi Ngài sống lại, giáo hội được thành lập, có lẽ chân lý “Đây là mẹ của anh” dần dần được ngộ ra. Con người đức tin sẽ không bao giờ quên được cảm nhận này: trong trống rỗng tận tâm hồn, trống trải thấu đến hiện sinh người, và tuyệt vọng cao độ, ta lại tìm thấy hình bóng căn nhà phổ quát, hình bóng gia đình đức tin.
Linh đạo Cát-minh rất muốn chia sẻ kình nghiệm này cùng nhân loại nói chung và người Kitô giáo nói riêng. Mỗi khi ta cảm thấy trống trải, mỗi khi ta cảm thấy cô đơn, mỗi khi những nỗ lực của ta chẳng mang lại được gì… là lúc ta đang diễn tả một phần sự thật của con người, và là cơ hội cho ta chia sẻ kinh nghiệm phổ quát của hiện sinh người. Những lúc như vậy, ta cũng chẳng đi đâu quá xa đâu, mà ta vẫn đang trong căn nhà của nhân loại. Có chăng là, tất cả mọi sự thinh lặng trống trải đều chỉ để nhường thời gian và không gian cho ta diễn tả những gì rất con người; hay nói cách khác, tất cả đang tôn trọng cảm nhận của chính ta. “Đây là mẹ của anh” mang dáng dấp của một lời mời gọi để nhân loại đón nhận và đồng cảm với những khoảng trống tâm linh trong tâm hồn của mình và của những người khác, và nhận biết một khao khát tâm linh, cùng nhau xây dựng một ý thức chung về sự thật trơ trọi của con người. Chỉ khi ta hiểu được sự thật trơ trọi về khoảng trống tâm linh này, ta mới có thể dấn thân xa hơn, kiên nhẫn hơn để hiểu được những sự thật khác về con người, bao gồm cả sự thật tâm lý, lý trí, văn khóa, xã hội…Nói một cách khác, ta được mời gọi vào căn nhà tâm linh dành cho tâm hồn nhân loại, khởi đi với sự trống vắng và xa lạ, để ta hiểu được mình và sẵn sàng mở lòng để đón nhận anh chị em mình.
Đối với những người thực hành đời sống đức tin và đi vào hành trình thực hành đời sống tâm linh sâu hơn, cảm nhận trống trải và thinh lặng của tâm hồn nhân loại này chỉ là tạm thời và là bước cần thiết để ta quay lại xác nhận khao khát tâm linh của chính bản thân. Và lời mời gọi ‘Đây là mẹ của anh,’ sẽ được theo sau bằng ‘Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Người Kitô giáo bên cạnh nhận biết vũ trụ là căn nhà tâm linh cho tâm hồn nhân loại, còn đáp trả lời mời gọi đó bằng cách xây dựng môi trường mình sống thành căn nhà đức tin theo khuân mẫu Đức Maria.
2. “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”: sống trong căn nhà của đức tin
Khi Gioan đón Đức Mẹ về nhà mình, có lẽ ngay cả những người thù ghét Đức Giêsu cũng cảm thấy đó là một “kết thúc có hậu,” vì, thôi dẫu sao, cũng để bà mẹ mất con và phụ nữ góa chồng này có một nơi che nắng che mưa, có một người chăm sóc để sống nốt quãng đời còn lại, phần lớn là gặm nhấm đau thương! Con người tự nhiên là như vậy: điều cuối cùng vẫn có thể dành cho nhau cho dù đó là một cảm giác ‘thương hại’; tất nhiên, trừ một số người trong một số hoàn cảnh đặc biệt đến nỗi ngay cả cảm giác thương hại họ cũng không thể cho đi. Cảm giác thương hại mà con người cho đi này, có khi là sau những hành động tàn ác, tất nhiên là một phần của bản tình người- bản tính yêu thương của con người; cảm giác thương hại chính là chút rò rỉ của tình yêu của con người. Sao lại thế, sao không tưới gội, đổ tràn đầy, mà chỉ là rò rỉ?! Có thể vì chưa tin, không tin nên không tưới, không đổ tràn đầy, mà đắp đập ngăn dòng tình yêu. Nhưng dù đắp đập ngăn dòng, thì vẫn còn chút rò rỉ là tình thương hại. Vậy cảm giác thương hại vừa là dấu chỉ của niềm vui vì trong mỗi con người luôn có sẵn tình yêu, lại vừa là dấu chỉ nỗi buồn vì trong con người có tình yêu đó, có khi lại thiếu niềm tin, nên tình yêu bị ngăn chặn, chỉ có thể rò rỉ bất khả kháng mà thôi.
Chính Gioan khi đón “mẹ Người” về cũng không ngờ rằng đó không chỉ là bổn phận nghĩa tình dành cho nhau, mà đó là một sứ mệnh linh thiêng mà Thiên Chúa giao cho ngài để cùng Đức Maria và các môn đệ khác, khởi đầu giáo hội- quy tụ và xây dựng căn nhà đức tin. Trở lại với việc đón nhận Mẹ Maria về nhà mình, có lẽ tâm lý của người môn đệ còn chưa ổn định vì rằng từ nay sẽ chăm sóc người mẹ của ‘người thầy quá cố’ của mình thế nào đây, thì tin Chúa Giêsu sống lại đã mang niềm vui và nỗi kinh ngạc đến cho vị môn đệ trẻ tuổi này. Không những thế, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khởi đầu cho việc thành lập Giáo Hội Chúa tại trần gian, Mẹ Ngài có mặt ở đó. Dẫu rằng những năm cuối đời của Mẹ, chắc chắn người môn đệ cũng đã tận tình chăm sóc Đức Mẹ lúc già cả đau yếu, nhưng việc ‘đón rước Mẹ về nhà mình’ hẳng đã được thánh nhân cảm nhận, chính qua Mẹ, ngài được gia nhập căn nhà đức tin buổi sơ khai ấy; và xét cho cùng, ngài được đón nhận vào một nơi ngài chưa bao giờ nghĩ đến. Gioan vẫn ở chính trong nhà mình, nhưng với sự hiện diện của Đức Maria, ngài đã nối liền và mở rộng căn nhà môi trường ngài sống với vương quốc nước trời cùng với những thành viên trong gia đình đức tin.
Với Gioan, Mẹ Maria là hiện thân của đức tin, và với Mẹ, Thiên Chúa một lần đã hiện diện thể lý nơi trần gian, giờ đây mãi hằng hiện diện linh thiêng từng giây phút cuộc đời. Khi cảm nhận đức tin giúp chúng ta không còn nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ thay đổi từ cảm nhận trống vắng, cô đơn và lạc lòng, chuyển thành cảm nhận tràn đầy, cùng hiện diện-cùng chia sẻ cuộc sống với tha nhân và tạo vật và cảm thấy mình tìm được ngôi nhà. Đức tin sẽ giúp cho ta xa lánh những lạc thuyết về sự thật cuộc đời và xác tín: sự hiện diện của chúng ta nơi trần gian là một món quà, ngay cả sự hiện diện đó có méo mó hay tạm thời gặp vô vàn khó khăn. Ta sẽ dần hiểu được khắc khoải linh thiêng và sẽ bắt đầu lấp dần khoảng trống linh thiêng bằng cách để Chúa hiện diện qua cảm nhận sờ chạm vào sự thánh thiêng nơi thế giới chúng ta đang sống, lòng biến ơn vô hạn với Thiên Chúa, lòng quảng đại với tha nhân, tinh thần tôn trọng tạo vật, và luôn dành một thái độ hài hòa giữa khiêm tốn và tự tin dành cho bản thân. Cánh cửa gia đình đức tin đã mở ra và ta ngạc nhiên, không phải ta bước vào, mà để ánh sáng lọt vào soi chiếu làm ta nhận ra mình đang cùng với tha nhân cùng hiện diện trong căn nhà đức tin.
Tất nhiên căn nhà đức tin ấy đã, đang và sẽ đón chào nhiều người khác tiến vào. Gia đình đức tin ở đây không chỉ là những người được rửa tội, đọc kinh và đi Lễ. Gia đình đức tin ở đây là nơi đón nhận và tiếp nhận các thành viên từ những truyền thống khác nhau mang theo những hành trang có khi là gọn ghẽ tươm tất, nhưng cũng có khi là lỉnh kỉnh rườm rà. Họ là ai? Họ là những người đang khao khát tâm linh, nhưng chưa được cánh cửa đức tin mở ra để ánh sáng đức tin cho biết họ quý giá dường nào và họ cũng là con của Thiên Chúa. Trong căn nhà đức tin, ta sẽ không còn nghi kị, sẽ dám cho đi, không phải là rò rỉ tình yêu như lòng thương hại, mà là cho đi đầy tràn bản thân, đầy tràn lòng mến, cho nhau một cuộc đời phụng vụ dấn thân. Trần gian vốn đã có vẻ đẹp vì Thiên Chúa để trong lòng con người khoảng trống chính là dấu ấn thần linh của Ngài, nhưng trần gian chỉ có thể được kiện toàn và thể hiện vẻ đẹp bền vững khi Đức Giêsu sinh xuống và gia đình đức tin của Ngài, trong Chúa Thánh Thần, mở mang vương quốc nước trời trong cuộc sống hằng ngày.
Hay nói một cách khác, sự thật là nhân loại đã cần rất nhiều thời gian mới dần nhận ra thế giới là một căn nhà chung, mặc dù không vĩnh cửu, không tuyệt đối, nhưng rất đẹp và đáng sống. Nhân loại đã hành trình rất nhiều năm (nhiều nguồn khoa học cho rằng con người đã có mặt trên trái đất khoảng 200 ngàn năm) với bao nhiêu khát khao và kinh nghiệm để dần nhận ra sự thật về bản thân mình và ý nghĩa của sự hiện diện của mình. Và thật ngạc nhiên, truyền thống đức tin và Kinh Thánh của dân tộc Do-thái lại là sự hội tụ của biết bao nhiêu là những tìm kiếm của nhân loại khắp nơi. Qua dân tộc Do-thái nhân loại còn được gặp gỡ một con người đặc biệt, đó chính là Đức Giê-su, con Thiên Chúa xuống làm người. Đức Giê-su diễn tả một tương quan giữa Ngài và Chúa Cha trong chính cuộc sống trần gian của Ngài, và Ngài đã trình bày về Vương Quốc Nước Trời đang khởi đi từ trần gian. Ngài làm tất cả để dạy con người về tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta và giúp ta nhận ra thân phận con người dễ lây nhiễm tội lỗi nhưng vô cùng cao quý. Ngài sinh xuống để giải thoát và cứu chuộc nhân loại và Ngài đã chọn làm con Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đã xây dựng căn nhà Đức Tin cùng Mẹ Maria và giờ đây Ngài muốn chúng ta cũng tìm thấy căn nhà đức tin ấy khi trao phó Đức Mẹ lại cho chúng ta.
Hôm nay, Dòng Cát-minh mừng kính trọng thể Đức Mẹ Núi Cát-minh, bổn mạng của Nhà Dòng. Thành viên gia đình Cát-minh và ái hữu cùng thân hữu được mời gọi để tạ ơn vì món quà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta là được diễm phúc trở thành Dòng Anh Em của Đức Mẹ (Đức Trinh Nữ Núi Cát-minh). Với Đức Mẹ, chúng ta đã cùng đồng hành và chia sẻ bao nhiêu năm qua cùng nhân loại. Lời của Đức Giêsu trên thập giá nói với Gioan năm xưa vẫn đang vang vọng trong tâm thức của người Cát-minh hôm nay: “Đây là mẹ của anh.” Khi lời Chúa vọng vào lòng chúng ta cũng là lúc chúng ta ý thức được vai trò trong linh đạo Cát-minh tiếp là xây dựng căn nhà tâm linh, vì có Mẹ là có Nhà, để tất cả những ai khát khao tâm linh có thể tìm thấy một nơi trú ngụ. Đồng thời chúng ta cũng có bổn phận như Thánh Gioan ‘Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Điều đó có nghĩa là hãy làm chứng cho sự hiện diện yêu thương tràn đầy của Thiên Chúa trong căn nhà đức tin mà chúng ta đã cảm nhận được khi có Đức Mẹ, để góp phần giúp nhân loại và trần gian hưởng ơn cứu độ qua Đức Giêsu Kitô. Cảm tạ ơn Thiên Chúa vì ơn gọi đặc biệt này và nguyện chúc mỗi người chúng ta biết trung thành với ơn gọi này.
Lm. Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm.
Rôma, 15/07/2014