Mùa Giáng Sinh
Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan
Mt 3:13-17
1. Lời nguyện mở đầu
“Chúng con ngợi khen Chúa, Chúa Cha vô hình, Đấng ban sự trường sinh: Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn gốc của ánh sáng, là nguồn của mọi ân sủng và chân lý, Đấng yêu thương của nhân loại và của kẻ nghèo khó, Đấng hòa giải với tất cả và lôi kéo mọi người đến với Chúa qua sự xuất hiện của Con Một yêu dấu của Ngài. Xin Chúa hãy làm cho chúng con là những kẻ đang sống, xin hãy ban cho chúng con ánh sáng của Chúa Thánh Linh để chúng con có thể biết Chúa, Đấng Duy Nhất đích thực là Thiên Chúa và là Đấng đã sai Chúa Giêsu Kitô.” (Kinh Nguyện Thánh Thể của Serapion)
2. Bài Đọc
a) Lời giới thiệu:
Đoạn Tin Mừng này (Mt 3:13-17) là một phần câu chuyện kể của Tác giả Phúc Âm Mátthêu, phần giới thiệu đời sống công khai của Chúa Giêsu. Sau cuộc chạy trốn sang Ai-cập, Chúa Giêsu về sống ẩn dật ở Nagiarét. Bây giờ, khi đã trưởng thành, chúng ta tìm thấy Người trên bờ sông Giođan. Cuộc gặp gỡ của hai người là phần kết dành riêng cho Gioan Tẩy Giả. Những ai muốn đi sâu vào nhân cách của Gioan và lời rao giảng của ông (Mt 3:1-12 đã trình bày với chúng ta trong phần phụng vụ của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng) thì cần phải ghi nhớ toàn bộ chương 3 của Tin Mừng Mátthêu. Đoạn Tin Mừng của chúng ta tập trung cách đặc biệt vào việc thừa nhận về bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô tại thời điểm Người chịu phép rửa. Chúa Cha đã mặc khải danh phận của Đức Giêsu.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 3:13: khung cảnh
Mt 3:14-15: cuộc đối thoại giữa Gioan và Đức Giêsu
Mt 3:16-17: Thiên Chúa hiển linh/Thiên Chúa hiện ra
c) Tin Mừng:
13 Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan để ông làm phép rửa cho. 14 Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” 15 Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế.” Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. 16 Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người. 17 Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập vào tâm trí và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và cầu nguyện.
a) Tại sao Chúa Giêsu lại “xuất hiện” sau cuộc sống ẩn cư của Người ở Nagiarét?
b) Bằng cách nào sự nhận thức về danh phận và sứ vụ của Người đã phát triển?
c) Đã có khi nào tôi làm một việc gì mới mẻ trong đời sống của tôi chưa?
d) Ai hoặc kinh nghiệm nào đã tiết lộ rõ nhất cho tôi về danh phận, ơn gọi và sứ vụ của tôi?
e) Kỷ niệm về phép rửa tội của tôi có ý nghĩa gì đối với tôi?
5. Suy Gẫm
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Cùng với bài đọc lịch sử trình tự thời gian của đoạn Tin Mừng, cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa và cuộc gặp gỡ của Người với ông GioanTiền Hô trước khi Người bắt đầu đời sống công khai, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ một bài đọc tiêu biểu, được hỗ trợ bởi các Giáo Phụ Đông Phương, một biểu tượng khuôn khổ của mùa Giáng Sinh trong niên lịch phụng vụ và kết thúc với sự biểu hiện đầy đủ về Thiên Chúa trong bản tínhloài người: một sự tổng hợp biểu hiện hiển linh của Con Thiên Chúa trong thân xác loài người.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Mt 13:13 Chúa Giêsu khi trưởng thành
Sau khi GioanTẩy Giả “xuất hiện” trong cảnh (13:1), Đức Giêsu Nagiarét, nơi Người đã trải qua thời thơ ấu và thiếu niên (Mt 12:23), đi đến sông Giođan. Là một người Do-Thái gương mẫu, Người quan sát các phong trào tôn giáo đích thực dấy lên trong dân chúng. Chúa cho thấy rằng Người chấp nhận việc làm của Gioan và quyết định chịu phép rửa bằng nước, tất nhiên là không phải để được tha thứ các tội lỗi, nhưng là để hợp nhất và chia sẻ đầy đủ niềm mong chờ và hy vọng của tất cả mọi người. Không phải nhân loại đến với Người, mà là Người đến với nhân loại, theo luận lý của sự nhập thể làm người.
Mt 13:14-15 Cuộc đối thoại của ông Gioan với Chúa Giêsu
Cố gắng của ông Gioan đểcan ngăn việc làm phép rửa cho Chúa Giêsu là sự thừa nhận của ông về sự khác biệt giữa hai người và nhận thức về sự xuất hiện mới (Bản Giao Ước Mới). “Đấng đến sau tôi … sẽ làm phép rửa cho các anh trong Chúa Thánh Thần và lửa … Người cầm nia trong tay … sẽ sẩy sân lúa … sẽ thu vào … sẽ đốt đi…” (xemcác câu Mt 3:11-12). Thái độ của Chúa Giêsu là vẫn một mực vâng phục theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha (theo cách này, làm tất cả những gì mà lẽ công chính đòi hỏi), một cách cung kính (trong sự khiêm tốn – kenosis) và đúng lúc (thời gian – kairos). Chúng ta cũng thấy sự khác biệt giữa hai người từ xuất xứ của gia đình (gia đình ông Gioan thuộc dòng tộc tư tế), từ nơi sinh sống (ông Gioan từ thành Giêrusalem, Chúa Giêsu từ làng Nagiarét) từ cách được thụ thai (lời công bố được báo cho người cha, ông Giacaria, theo phong tục cũ; so với lời công bố được báo cho người mẹ, Đức Maria), tuổi tác của cha mẹ (cha mẹ của ông Gioan đã luống tuổi). Tất cả mọi việc chỉ vào sự chuyển đổi từ cũ sang mới. Mátthêu chuẩn bị cho các độc giả về sự mới mẻ của Đức Kitô: “các anh đã nghe nói, nhưng tôi nói với các anh” (Mt 5).
Mt 13:16-17 Sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần
Trong Tin Mừng Mátthêu chúng ta có sự trang trọng “bái thờ của Ba Vua” trongviệc thừa nhậnphong cách hoàng gia và thiên tính của Đức Giêsu. Thánh Luca cũng cho biết thêm về sự thừa nhận của bà Êlisabéth (Lc 1:42-43), của các thiên thần (Lc 2:13-14), của các mục đồng (Lc 2:20), và của ông cụ Simêon và bà Anna (Lc 2:30, 28). Tất cả các Thánh Sử đều ghi lại lời công bố về danh phận thiên tính của Chúa Giêsu bởi Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiện diện dưới hình thức của chim bồ câu. Thánh Mátthêu nói một cách rõ ràng: “Đây là”, chứ không phải “con là”,Con Yêu Dấu của Ta. Chúa Giêsu nguyên thủy là Thiên Chúa và cũng là mộtông A-dong mới, khởi đầu cho một nhân loại mới được giao hòa với Thiên Chúa cũng như thiên nhiên được giao hòa với Thiên Chúa qua phương cách dìm mình trong nước của Đức Kitô. Các tầng trời được mở trở lại sau khi bị đóng trong một thời gian dài bởi tội lỗi, và địa cầu được chúc phúc.
Việc dìm người vào trong nước của Chúa Giêsu miêu tả trước việc đi xuống địa ngục của Người và những lời của tác giả Thánh Vịnh trở thành sự thật (Tv 74:13-14), Người nghiền nát đầu kẻ thù. Phép Rửa không chỉ là những biểu hiện trước, mà nó còn khai mạc và dự kiến việc bại trận của Satan và việc giải phóng của A-dong.
Tuy nhiên,sẽ không dễ dàng gì nhận ra được Đấng Cứu Thế trong thân xác yếu đuối của Người. Chính ông GioanTẩy Giả đã có một số ngờ vực khi ở trong tù, và ông đã gửi các môn đệ của mình đến thưa cùng Chúa Giêsu “Ngài có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”(Mt 11:3).
6. Dành cho những ai muốn đi sâu hơn vào khía cạnh phụng vụ và đại kết
Trong truyền thống của các giáo hội Đông Phương, lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là lễ phụng vụ quan trọng nhất của mùa Giáng Sinh. Vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm họ cử hành cùng một lúc các lễ Chúa Giáng Sinh, Chúa Hiển Linh, Chúa chịu Phép Rửa, và tiệc cưới tại Cana. Thay vì chú trọng về tiến trình lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu, họ nhấn mạnh vào sự liên quan đến khía cạnh thần học cứu rỗi của Người. Họ không dừng lại ở khía cạnh tình cảm, mà chú trọng về việc khải hiện lịch sử của Thiên Chúa và thừa nhận Đức Giêsu là Chúa.
Tiến sĩ Hội Thánh Cyril thành Giêrusalem nói rằng Chúa Giêsu ban cho nước của phép rửa “màu sắc thiên tính của Người” (trích III mystagogic catechesis, 1).
Thánh Gregory Naziazen viết rằng việc tạo dựng ra thế giới này và việc tạo dựng của thế giới tâm linh, một khi các kẻ thù nghịch kết hợp trong tình bạn, và loài người chúng ta được hiệp nhất nên một ca đoàn với các thiên thần, dự phần trong các lời ca ngợi (PG 46:599).
Việc trầm mình vào trong nước tương ứng với sự xuống thế được tượng trưng bởi việc hạ sinh trong hang đá. Nước tàn phá trở thành nước cứu rỗi vì lẽ công chính.
Các bài đọc Cựu Ước của giờ Kinh Phụng Vụ ban chiều nhắc lại nước cứu rỗi: Chúa Thánh Thần bay lượn trên mặt nước lúc Chúa sáng tạo trời đất (St 1), nước của sông Nile đã cứu ông Môisen (Xh 2), nước đã rẽ ra để cho dân Israel đi qua (Xh 14), nước tại Mara hóa nên ngọt ngào (Xh 15), nước sông Giođan đã chảy ngược dòng trước Hòm Bia Giao Ước (Ys 3), nước sông Giođan chữa lành ông Naaman khỏi bệnh phong cùi (2V 5), v.v. Sau đó, Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana đã biến nước thành rượu (Ga 2) như một dấu hiệu cho thấy thời điểm của ơn cứu độ đã đến.
Vào dịp lễ này theo phụng vụ Đông phương, có một truyền thống làm phép nước trong một con suối hay một dòng sông bằng cách dìm thánh giá dưới nước ba lần (phép rửa nhúng trong nước ba lần). Điều này nhắc lại lời tiên tri Isaia: hãy để cho vùng đất hoang vu và đồng khô cỏ cháy mừng rỡ trổ bông (Is 35:1-10), Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây (Is 55:1-13), hãy vui mừng múc nước (Is12:3-6).
7. Thánh Vịnh 114 (113)
Alleluia!
Thuở Israel ra khỏi Ai-cập,
thuở Nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang,
thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự,
Israel trở nên lãnh địa của Người.
Vừa thấy thế, biển liền trốn chạy,
sông Giođan cũng chảy ngược dòng
Ví tựa bầy chiên, núi đồi nhảy nhót,
như thể đàn cừu, gò nổng tung tăng.
Biển kia ơi, việc gì mà trốn chạy?
Giođan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng?
Kìa núi đồi, sao nhảy nhót ví tựa bầy chiên?
Này gò nổng, sao tung tăng như thể đàn cừu?
Trước thánh nhan Chúa, hỡi địa cầu, hãy rung chuyển,
trước thánh nhan Chúa Trời nhà Giacóp,
Người biến đá tảng thành hồ ao,
và sỏi đá nên mạch nước dồi dào.
8. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, nguồn mạch của sự sống, Người đến để hủy bỏ bản án của A-dong, trong dòng sông Giođan, Chúa dẹp tan mọi hận thù; xin hãy ban cho chúng con sự bình an vượt ngoài mọi suy nghĩ. Ngôi Lời rực rỡ được Chúa Cha sai đến, sau khi Chúa đã làm bật gốc những tội lỗi tày trời, Chúa đến và làm tiêu tan những giờ khắc dài và buồn thảm của đêm tối, và bởi phép rửa của Chúa, xin hãy để cho con cái Chúa chỗi dậy rực rỡ từ những sóng nước của dòng sông Giođan. Nguyện xin cho nhân loại được mặc lấy màu trắng tinh tuyền, bước ra khỏi nước như con cái của Thiên Chúa và biến đổi loài thụ tạo giống như hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. (Trích “thánh ca” phụng vụ Đông phương)