Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào!
Ga 10:1-10
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc:
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đem đến cho chúng ta hình ảnh quen thuộc của vị Mục Tử Nhân Lành. Khi nói về các con chiên của đàn chiên của Thiên Chúa, Đức Giêsu dùng một số hình ảnh để mô tả thái độ của những người chăm nom đàn chiên. Bản văn của phần phụng vụ được trích từ câu 1 đến câu 10. Trong phần bình luận của chúng ta, chúng tôi thêm vào các câu 11 đến 18 bởi vì những câu này có chứa đựng hình ảnh của “Vị Mục Tử Nhân Lành” và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các câu 1 đến câu 10. Trong khi đọc, bạn hãy cố gắng chú ý đến các hình ảnh khác nhau hoặc những ẩn dụ mà Đức Giêsu sử dụng để cho chúng ta biết cách nhận ra một vị mục tử chân thật.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Bài Tin Mừng gồm có ba dụ ngôn liên quan nhau:
Ga 10:1-5: Ẩn dụ kẻ trộm cướp và người chăn chiên
Ga 10:6-10: Ẩn dụ cửa chuồng chiên
Ga 10:11-18: Ẩn dụ vị mục tử tốt lành
c) Phúc Âm:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. 2 Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. 3 Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. 4 Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ.”
6 Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. 7 Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. 8 Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp. Và chiên đã không nghe tiếng chúng. 9 Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. 10 Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá hủy. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào.”
11 “Ta là mục tử tốt lành: Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. 12 Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. 13 Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. 14 Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. 15 Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. 16 Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên. 17 Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. 18 Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy niệm cá nhân.
a) Phần nào của bài Tin Mừng làm bạn cảm động nhất? Tại sao?
b) Chúa Giêsu dùng hình ảnh gì để ứng dụng cho chính Người? Chúa đã làm điều ấy như thế nào và ý nghĩa của chúng là gì?
c) Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã dùng chữ mạng sống bao nhiêu lần và Người đã nói gì về mạng sống?
d) Mục Tử-Việc Chăn Dắt. Các hoạt động mục vụ của chúng ta có phát xuất từ sứ vụ của Vị Mục Tử Giêsu không?
e) Làm thế nào chúng ta có thể có được một cái nhìn rõ ràng về Chúa Giêsu thật sự của các sách Tin Mừng?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh mà trong đó Tin Mừng của Gioan đã được viết:
Đây là một thí dụ khác về cách Tin Mừng của Gioan đã được viết và trình bày. Lời của Chúa Giêsu về vị Mục Tử (Ga 10:1-10) giống như một viên gạch được lát trong một bức tường đã xây xong. Ngay trước đoạn Tin Mừng này, trong Ga 9:40-41, Chúa Giêsu đã nói về sự mù lòa của các người Biệt Phái. Ngay sau đoạn Tin Mừng này, trong Ga 10:19-21, chúng ta gặp sự kết luận của cuộc thảo luận về sự mù lòa. Do đó, những chữ liên quan đến Vị Mục Tử Tốt Lành cho thấy phương cách để loại bỏ sự mù lòa như thế. Viên gạch này làm cho bức tường mạnh mẽ hơn và đẹp đẽ hơn.
Ga 10:1-5: Ẩn dụ kẻ trộm cướp và người chăn chiên
Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng của Người với dụ ngôn cái cửa: “Ta bảo thật các ngươi, Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp. Và chiên đã không nghe tiếng chúng. Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi!” Để hiểu được ẩn dụ này, chúng ta cần phải nhớ những gì xảy ra sau đó. Trong những ngày ấy, những người mục tử chăm sóc đàn chiên ban ngày. Đêm đến, họ đem các con chiên vào trong một cái chuồng lớn hay khu vây chung, bảo vệ cẩn mật khỏi kẻ trộm và chó sói. Tất cả những người chăn chiên trong vùng đem đàn chiên của họ đến đó. Có người canh gác tất cả đàn chiên qua đêm. Vào buổi sáng, người chăn chiên đến và gõ cửa và người canh gác sẽ mở cổng. Khi đó người chăn chiên sẽ gọi đích danh từng con chiên của mình. Đàn chiên nhận ra tiếng người chăn chiên của chúng và chúng sẽ đứng dậy và theo người chăn chiên ra đồng. Các con chiên của những người chăn chiên khác sẽ nghe tiếng, nhưng chúng sẽ ở tại chỗ, bởi vì chúng không quen tiếng kẻ ấy. Thỉnh thoảng có những nguy cơ bị tấn công. Các kẻ trộm cướp đi vào chuồng chiên qua lỗ hổng bằng cách lăn đi các tảng đá từ các bức tường bây quanh và trộm con chiên. Các kẻ trộm không qua cửa mà vào, vì có người canh gác đang trông chừng ở đó.
Ga 10:6-10: Ẩn dụ cửa chuồng chiên
Những người đang lắng nghe, những người Biệt Phái, (Ga 9:40-41), đã không thể hiểu được “đi vào bằng cổng” nghĩa là gì. Chúa Giêsu giải thích: “Ta là cửa chuồng chiên! Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp.” Những lời gay gắt này Chúa Giêsu muốn dùng để nói đến những người nào? Nghiệm vào cách Chúa Giêsu nói về những kẻ trộm cướp, có lẽ Người đang muốn nói về những người lãnh đạo tôn giáo đã lôi kéo dân chúng đi theo họ, nhưng không thực hiện đầy đủ những mong đợi của người dân. Họ đã không quan tâm đến phúc lợi của dân chúng, mà họ chỉ chú ý đến bổng lộc và lợi ích cho riêng mình. Họ lừa dối người dân và bỏ mặc họ cho số phận. Tiêu chuẩn căn bản để phân biệt rõ ràng giữa người mục tử và kẻ trộm cướp là sự bảo vệ mạng sống của các con chiên. Chúa Giêsu phán: “Ta đến để cho chúng được sống, và được sống dồi dào!” Đi vào bằng cửa, có nghĩa là noi theo gương Chúa Giêsu bảo vệ mạng sống của các con chiên của Người. Chúa Giêsu đòi hỏi người ta phải chủ động bằng cách không đi theo những kẻ giả vờ là mục tử và những kẻ không quan tâm đến đời sống của họ.
Ga 10:11-15: Ẩn dụ vị Mục Tử Tốt Lành
Chúa Giêsu đổi ẩn dụ. Đầu tiên, Người ví mình là cửa chuồng chiên, bây giờ Người là kẻ chăn chiên. Mọi người đều biết kẻ chăn chiên ra sao, anh ta sống và làm việc như thế nào. Nhưng Đức Giêsu không chỉ là kẻ chăn chiên; Người là vị chăn chiên tốt lành! Hình ảnh người chăn chiên tốt lành phát xuất từ Cựu Ước. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người là vị Mục Tử Tốt Lành, Chúa đang giới thiệu mình là Đấng đến để làm viên mãn những lời hứa của các tiên tri và các niềm hy vọng của dân chúng. Chúa nhấn mạnh về hai điểm: (a) Trong việc bảo vệ mạng sống các con chiên của mình, người mục tử tốt lành thí mạng sống mình. (b) Trong sự hiểu biết lẫn nhau giữa người mục tử và các con chiên, người Mục Tử biết các con chiên và các chiên biết người mục tử của chúng.
Người mục tử giả hình muốn vượt thắng được sự mù lòa của mình, phải đương đầu với ý kiến riêng của mình và ý kiến của dân chúng. Đây là điều mà những người Biệt Phái đã không làm. Họ khinh dể các con chiên và gọi các chiên là những quân bị nguyền rủa và lũ ngu xuẩn (Ga 7:49; 9:34). Mặt khác, Chúa Giêsu nói rằng dân chúng có một nhận thức không thể sai lầm về việc biết ai là người mục tử tốt lành, bởi vì họ nhận ra giọng nói của người ấy (Ga 10:4) “Các chiên Ta biết Ta” (Ga 10:14). Những người Biệt Phái nghĩ họ có thể phân biệt được những việc của Thiên Chúa một cách chắc chắn. Thật ra, họ đã bị mù.
Bài giảng về vị Mục Tử Tốt Lành bao gồm hai nguyên tắc quan trong để loại bỏ bệnh mù giả hình từ mắt chúng ta là: (a) Các mục tử rất lo lắng chu đáo đến phản ứng của các con chiên để chúng có thể nhận ra được giọng nói của người mục tử. (b) Các con chiên phải rất chú ý đến thái độ của những kẻ tự xưng là mục tử để xác nhận xem họ có thực sự quan tâm đến đời sống của các con chiên và họ có khả năng thí mạng sống của họ cho các chiên của họ không. Còn những người chăn chiên hôm nay thì sao?
Ga 10:16-18: Mục đích của Chúa Giêsu: một đàn chiên và một chủ chiên
Chúa Giêsu mở ra một chân trời và nói rằng có những con chiên khác không thuộc đàn này. Chúng sẽ không nghe thấy tiếng Chúa Giêsu, nhưng khi chúng nghe thấy, chúng sẽ nhận ra rằng Người là vị Mục Tử và sẽ đi theo Người. Ở đây chúng ta thấy thái độ đại kết của cộng đoàn “Người Môn Đệ Chúa Yêu”.
b) Lời chú giải:
i) Hình ảnh người Mục Tử trong Kinh Thánh:
Tại Palestine, phần lớn người ta dựa vào việc chăn nuôi chiên cừu và dê để mưu sinh. Hình ảnh người mục tử dắt đàn chiên đến đồng cỏ là hình ảnh thông thường cho tất cả mọi người, cũng giống như ngày hôm nay tất cả chúng ta đều biết hình ảnh người tài xế xe bus hoặc xe lửa. Người ta thường dùng hình ảnh người mục tử để minh họa nhiệm vụ của một người cai trị và hướng dẫn dân chúng. Các ngôn sứ đã chỉ trích các vị vua vì họ là những kẻ chăn chiên đã không chăm sóc đàn chiên và đã không dẫn các chiên đến đồng cỏ (Gr 2:8; 10:21; 23:1-2). Lời chỉ trích về các kẻ chăn chiên gian ác như vậy đã làm tăng thêm việc hạch tội, qua các tội lỗi của các vua chúa, người dân thấy mình bị biến thành nô lệ (Ed 34:1-10; Dcr 11:4-17).
Trước kinh nghiệm thất vọng vì thiếu sự lãnh đạo một phần của những kẻ chăn chiên gian ác, có một ước muốn hay hy vọng nhen nhúm rằng đến một ngày nào đó sẽ có một người mục tử thật tốt lành chân thành và giống như Thiên Chúa trong cách hướng dẫn dân của Người. Vì thế, Thánh Vịnh đã có câu: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi sẽ không thiếu thốn chi! (Tv 23:1-6; St 48:15). Các ngôn sứ hy vọng rằng, trong tương lai nào đó, chính Thiên Chúa sẽ là vị mục tử dẫn dắt đàn chiên của Người (Is 40:11; Ed 34:11-16). Họ cũng hy vọng rằng tại thời điểm ấy, người ta sẽ có thể nhận ra tiếng người chăn chiên của họ: “Ước chi hôm nay anh em nghe tiếng Người!” (Tv 95:7). Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đến như một Thẩm Phán để xét xử các con chiên trong đàn (Ed 34:17). Họ ước mong và hy vọng rằng có một ngày Thiên Chúa sẽ ngợi khen những mục tử tốt lành và Đấng Cứu Thế sẽ là vị mục tử tốt lành cho dân của Chúa (Gr 3:15; 23:4).
Chúa Giêsu làm cho niềm hy vọng này trở thành hiện thực và Người tỏ ra là một Mục Tử Tốt Lành, khác hẳn với những kẻ trộm cướp đã bóc lột người dân. Chúa giới thiệu mình như một vị Quan Tòa, vào ngày tận thế, sẽ phán xét như một mục tử tách biệt chiên với dê (Mt 25:31-46). Trong Chúa Giêsu, lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria được viên mãn; ông nói rằng người mục tử tốt lành sẽ bị bức hại bởi những kẻ chăn chiên gian ác là những kẻ làm tan tác đàn chiên vì những lời tố cáo của Người: “Ta sẽ đánh mục tử để đàn chiên bị tan tác!” (Dcr 13:7). Cuối cùng, Đức Giêsu là tất cả mọi sự: Người là cửa chuồng chiên, mục tử và là chiên!
ii) Cộng đoàn của Người Môn Đệ Chúa Yêu: cởi mở, khoan dung và khắp toàn thế giới:
Các cộng đoàn nằm phía sau Tin Mừng của Gioan đã được tạo nên bởi những nhóm khác nhau. Trong số đó có các người Do Thái cởi mở với một quan niệm nghiêm khắc về Đền Thờ Giêrusalem (Ga 2:13-22) và lề luật (Ga 7:49-50). Có những người Samaria (Ga 4:1-42) và dân ngoại (Ga 12:20) đã cải đạo, cả hai nhóm đều có nguồn gốc lịch sử và phong tục văn hóa hoàn toàn khác với người Do Thái. Mặc dù họ đã được lập thành từ các nhóm khác nhau như thế, các cộng đoàn của Gioan sẽ thấy việc đi theo Chúa Giêsu như là một tình yêu được sống cụ thể trong tình đoàn kết. Qua việc tôn trọng sự khác biệt của nhau, họ sẽ nhận thức được các vấn nạn phát sinh từ việc sống chung giữa người Do Thái và dân ngoại, những vấn nạn tạo khó khăn cho các cộng đoàn khác thời bấy giờ (Cv 15:5). Bị thách thức bởi những thực tế trong thời đại của họ, các cộng đoàn đã tìm cách tăng cường đức tin của họ vào Chúa Giêsu, được sai đến bởi Chúa Cha, là Đấng muốn tất cả mọi người phải là anh chị em (Ga 15:12-14, 17) và đã nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở!” (Ga 14:2). Điều này đã tạo cơ hội cho cuộc đối thoại sâu xa với các nhóm khác. Rồi thì có các cộng đoàn cởi mở, khoan dung và đại kết (Ga 10:16).
6. Thánh Vịnh 23 (22)
Chúa chăn nuôi tôi
Chúa chăn nuôi tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn chi.
Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi,
Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính,
Sở dĩ vì uy danh Người.
Dù bước đi trong thung lũng tối,
Tôi không lo mắc nạn,
Vì Chúa ở cùng tôi.
Cây roi và cây trượng của Người là điều an ủi lòng tôi.
Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ,
Ngay trước mặt những kẻ đối phương;
Đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm;
Chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi,
Hết mọi ngày trong đời sống;
Và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư
Cho tới thời gian rất ư lâu dài.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.