Chúa Giêsu là hình ảnh cây nho thật
Lời mời gọi kêu nài ở lại trong Người để có được hoa trái của tình yêu
Ga 15:1-8
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Chúa chúng con! Và điều này là đã đủ cho chúng con, để sống, để tiếp tục hy vọng mỗi ngày, để bước đi trong thế gian này, mà không sợ phải chọn lầm đường vào ngõ cụt và cô đơn. Vâng, Chúa là Đấng hằng có đời đời; Chúa không đổi thay, ôi lạy Chúa Giêsu! Sự hiện diện của Chúa là món quà hằng có của chúng con; đó là loại cây trái luôn chín mọng nuôi dưỡng và tăng sức cho chúng con trong Chúa, trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, xin hãy mở tâm hồn chúng con, xin hãy mở con người chúng con đến với Chúa, xin hãy mở lòng trí chúng con đến sự sống với quyền năng mầu nhiệm của Lời Chúa. Xin hãy giúp chúng con lắng nghe, lãnh nhận và thưởng thức của ăn này cho linh hồn chúng con, điều mà không thể thiếu cho chúng con! Xin Chúa hãy gửi hoa trái tốt lành của Thánh Thần Chúa để Ngài có thể mang đến trong chúng con điều mà chúng con đọc và suy gẫm về Chúa.
2. Bài Đọc
a) Đặt đoạn Tin Mừng trong bối cảnh của nó:
Những câu Tin Mừng sau đây là một phần của bài giảng tuyệt vời của Chúa Giêsu với các môn đệ trong thời gian thân mật của bữa Tiệc Ly và chúng bắt đầu với câu 31, chương 13, và tiếp tục cho đến hết chương 17. Đoạn này có một sự thống nhất, chặt chẽ, sâu sắc, không thể tách rời và vô song trong các sách Tin Mừng và nó tổng hợp toàn bộ sự mặc khải của Chúa Giêsu trong cuộc sống thiên tính của Người và trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là văn bản nói về điều mà không có một văn bản nào khác trong Kinh Thánh có khả năng nói về đời sống Kitô hữu, cùng với quyền lực, nhiệm vụ, niềm hân hoan và sự đau khổ, niềm hy vọng và cuộc chiến đấu ở thế gian này trong Giáo Hội. Chỉ một vài câu ngắn ngủi, nhưng đầy tràn tình yêu, yêu cho đến cùng mà Chúa Giêsu đã chọn để sống cho các môn đệ của Người, cho chúng ta, ngay cả cho đến ngày nay và mãi mãi. Trong sức mạnh của tình yêu này, cử chỉ dứt khoát và cao cả của sự trìu mến vô bờ, trong đó bao gồm tất cả các cử chỉ khác của tình yêu, Chúa truyền lại cho các môn đệ mình một sự hiện diện mới. Một cách sống mới. Bằng phương cách dùng dụ ngôn cây nho và các ngành nho và lời công bố của động từ tuyệt vời “ở trong”, được lặp lại nhiều lần, Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện mới của Người với mỗi người chúng ta được gọi là “ở trong”. Chúa không còn sống với chúng ta, bởi vì Người sẽ về cùng Chúa Cha, thế nhưng Người vẫn ở trong chúng ta.
b) Để trợ giúp chúng ta trong việc đọc đoạn Tin Mừng:
Các câu 1-3: Chúa Giêsu mặc khải chính Người là cây nho thật, mang lại hoa quả tốt lành, rượu ngon cho Chúa Cha của Người, Đấng là người trồng nho và mặc khải cho chúng ta, các môn đệ của Người, là các ngành nho, rằng chúng ta phải luôn kết hợp với cây nho để không bị khô héo và sinh hoa trái. Việc cắt tỉa mà Chúa Cha làm trên các nhành bằng phương tiện Lời Chúa, là một sự thanh tẩy, niềm hân hoan, bài thánh ca.
Các câu 4-6: Chúa Giêsu trao truyền lại cho các môn đệ mình bí mật có thể tiếp tục sống trong một mối quan hệ mật thiết với Người; có nghĩa là bằng cách ở trong. Như Người sống trong các ông và ở trong các ông và không còn ở bên ngoài hay là với các ông, vì vậy các ông cũng phải ở trong Người, bên trong Người. Đây là cách duy nhất để được hoàn toàn an ủi, để có thể tồn tại được đời này và sinh hoa trái tốt, đó là, tình yêu.
Câu 7: Một lần nữa, Chúa Giêsu trao truyền món quà của sự cầu nguyện trong tâm khảm của các môn đệ, viên ngọc quý giá nhất và duy nhất, và Người nói với chúng ta rằng ở trong Người, chúng ta có thể tìm hiểu lời câu nguyện thực sự, lời cầu nguyện quyết chí cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần và biết rằng sẽ được nhận lãnh.
Câu 8: Lần nữa, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đến với Người, kêu gọi chúng đi theo Người, luôn luôn là môn đệ của Người. Việc ở trong mang đến một nhiệm vụ, món quà của đời sống đối với Chúa Cha và với những người chung quanh; nếu chúng ta thật sự ở lại trong Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng sẽ thực sự ở giữa anh chị em của chúng ta, như món quà và như sự phục vụ. Đây là sự vinh hiển của Chúa Cha.
c) Phúc Âm:
1-3: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con.
4-6: Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như ngành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là ngành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
7: Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được.
8: Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Là một ngành nho, tôi bây giờ ở trong sự kết hợp với cây nho, Chúa của tôi, và tôi dâng bản thân mình lên Ngài, tôi để cho mình được kiểm soát bởi nhựa sống của sự im lặng và giọng nói trầm ấm của Người, giống như nước trường sinh. Vì thế, tôi ở trong sự im lặng và gần gũi.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp cho tôi ở trong, để khám phá vẻ đẹp của cây nho, là Chúa Giêsu; để đưa tôi đến với Chúa Cha, để cho Người chiếm ngự và làm việc trong tôi, việc làm tốt lành của Ngài như người trồng nho yêu thương; và thúc giục tôi hãy gia nhập vào trong dòng máu sự sống của Chúa Thánh Thần để gặp gỡ Người như là điều cần thiết duy nhất mà tôi phải tìm kiếm không mệt mỏi.
a) “Thầy là”: thật là tốt đẹp khi đoạn Tin Mừng bắt đầu với những lời này, cũng giống như một khúc hoan ca, nhạc mừng chiến thắng của Chúa, rằng Ngài thích ca hát mọi lúc trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. “Thầy là”: Người lặp lại điều này mãi mãi, mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi đêm, đang khi chúng ta ngủ, mặc dù chúng ta không ý thức được điều này. Thật ra, Chúa thực sự là để cho chúng ta tùy ý xử dụng; Người hướng về Chúa Cha, về phía chúng ta, vì chúng ta. Tôi suy niệm những lời này và không những chỉ lắng nghe mà còn để cho những lời ấy thấm nhập vào trong tôi, trong tâm trí tôi, trong tận cùng trí nhớ tôi, trong tim tôi, tất cả mọi cảm xúc của tôi. Tôi nghiền ngẫm và hấp thụ Bản Chất của Người vào trong bản chất của tôi. Trong Lời này, bây giờ tôi hiểu được rằng tôi không là gì, ngoại trừ khi tôi ở trong Người và tôi không thể trở thành bất cứ điều gì trừ phi tôi ở trong bản chất của Chúa Giêsu. Tôi cố gắng nhập vào chiều sâu của bản chất mình, trấn át nỗi sợ hãi, vượt qua bóng tối mà tôi tìm thấy ở đó và tôi nhặt nhạnh những phần của bản chất tôi, bản thân mình, những gì mà không có sinh khí nhất. Tôi nhẹ nhàng gom góp và mang chúng đến với Chúa Giêsu và tôi dâng chúng cho “Thầy là” của Người.
b) Cây nho gợi nhớ nghĩ đến rượu, hoa trái tốt lành và quý giá, và cũng gợi nhớ đến bản giao ước mà không có một điều gì và không có một ai sẽ có thể phế bỏ. Tôi có sẵn lòng ở trong sự ấp ủ đó, trong lời xin vâng liên lỉ đó của cuộc đời tôi để được đan dệt với cuộc đời của Người không? Cùng với tác giả Thánh Vịnh, tôi có sẽ cũng nâng chén giao ước, gọi danh của Chúa và nói với Người, xin vâng, con cũng yêu Chúa nữa không?
c) Chúa Giêsu gọi Chúa Cha là người trồng nho, một thuật ngữ rất tốt đẹp chứa đựng tất cả sự sinh động của tình yêu dành riêng cho công việc vun trồng. Nó biểu hiện sự cúi mình trên mặt đất, của cơ thể tiến tới gần với bản thể, một tiếp xúc lâu dài, trao đổi sống còn. Đây chính là thái độ của Chúa Cha đối với chúng ta! Tuy nhiên, thánh Phaolô đã nói: “Người nông dân làm việc vất vả thì phải là người đầu tiên được hưởng hoa lợi” (2Tm 2:6) và thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta “Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá” (Gc 5:7). Tôi là đất, liệu tôi có sẽ làm thất vọng sự kiên nhẫn của Chúa Cha, Đấng đã trau dồi tôi mỗi ngày, vun xới tôi, nhặt bỏ các viên đá sỏi, nuôi dưỡng tôi với phân bón tốt và xây dậu chung quanh để bảo vệ tôi không? Tôi sẽ trao những thành quả của sự hiện hữu tôi, trái tim tôi, tâm trí tôi, linh hồn tôi cho ai? Vì ai mà tôi tồn tại, vì ai mà tôi quyết định và chọn sống mỗi ngày, mỗi sáng, khi tôi thức giấc?
d) Tôi theo dõi văn bản một cách cẩn thận và nhấn mạnh đến hai động từ hiện diện thường xuyên: “sinh trái” và “ở trong”. Tôi hiểu rằng hai thực tại này là biểu tượng của sức sống và được đan dệt với nhau, tùy thuộc vào nhau. Chỉ bằng cách ở lại là nó có thể sinh hoa trái, và thật thế, một cách chính xác, hoa trái thật sự mà chúng ta là những người môn đệ chỉ có thể tạo ra trong thế gian này là ở trong. Mỗi ngày, mọi ngày, tôi ở trong nơi đâu? Tôi ở trong với ai? Chúa Giêsu luôn luôn làm cho sự nối kết của động từ này với yếu tố tuyệt vời và vĩ đại: “ở trong Thầy”. Tôi có an ủi mình với những chữ này “ở trong Thầy”, đó là tôi có ở trong, tôi có sống với chiều sâu, tôi có đi đào bới tìm kiếm Chúa như người ta đào kiếm một giếng nước (xem St 26:18), hay là tìm kiếm kho tàng không (Pr 2:4), hoặc giả tôi đang ở ngoài, luôn lạc lõng trong các con đường của thế gian này, tách rời khỏi sự thân mật trong mối quan hệ tiếp xúc với Chúa càng xa càng tốt không?
e) Đã hai lần Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về thực tế của Lời Chúa và mặc khải cho chúng ta rằng chính Lời của Chúa làm cho chúng ta tinh tuyền và chính Lời Chúa dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện đích thực. Lời Chúa được công bố và ban phát như sự hiện diện lâu dài trong chúng ta. Nó cũng có khả năng duy trì, làm nơi trú ngụ trong tâm khảm chúng ta. Tuy nhiên, tôi phải tự hỏi mình, tôi phải dùng đôi tai nào để lắng nghe lời công bố ơn cứu độ và sự tốt lành này, Chúa đang nói gì với tôi qua Lời của Người? Tôi có dọn chỗ để lắng nghe sâu xa đến nỗi mà Kinh Thánh nói cho tôi nghe trong mọi lúc, trong mọi Lề Luật, các sách Tiên Tri, các Thánh Vịnh và tác phẩm của các thánh tông đồ không? Tôi có để cho Lời Chúa tìm đến tôi và chế ngự tôi trong lời cầu nguyện không, hay là tôi ưa tín thác vào những lời khác, nhẹ nhàng hơn, trần tục hơn và giống như lời của tôi hơn? Tôi có sợ hãi tiếng nói của Chúa đang nói với tôi một cách thúc bách và mọi lúc không?
5. Chìa khóa của bài đọc
Là một ngành nho, hơn bao giờ hết tôi kiếm tìm để được ở với Cây Nho của tôi, đó là Chúa Giêsu. Bây giờ và tại đây, tôi uống trọn Lời Chúa nhựa sống tốt lành, tìm kiếm để thấm nhập sâu xa hơn bao giờ hết để hấp thụ chất dinh dưỡng ẩn truyền cho tôi trong đời sống thực tại. Tôi chú ý đến những chữ, những động từ, những lời nói Chúa Giêsu dùng và nhớ lại những đoạn Kinh Thánh khác, và vì thế tôi để cho mình được thanh tẩy.
Gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng “Thầy là”
Đoạn Tin Mừng này là một trong các đoạn trích mà sự diễn đạt mạnh mẽ này xuất hiện, một sự diễn đạt mà Chúa nói với chúng ta để mặc khải chính Người. Thật tuyệt vời biết bao để đi duyệt qua Kinh Thánh trong việc tìm kiếm các đoạn trích khác tương tự như đoạn này, lúc Chúa nói về mình cho chúng ta một cách trực tiếp, về phần bản chất sâu xa nhất của Chúa. Khi Chúa nói và lặp đi lặp lại vô hạn trong hàng ngàn cách, với hàng ngàn sắc thái “Thầy là”. Người không làm như thế để tiêu diệt hoặc làm chúng ta xấu hổ, mà chỉ muốn nhấn mạnh cách mạnh mẽ tình yêu tràn đầy của Người dành cho chúng ta, Người mong muốn cho chúng ta dự phần vào và sống cùng cuộc sống thuộc về Người. Khi Chúa nói “Thầy là”, Người cũng đang nói “Các con là” đến mỗi người chúng ta, đến mỗi người con trai và con gái được sinh ra trong thế gian này. Đó là sự truyền đạt một cách hiệu quả và không gián đoạn của sự sống, của bản chất và tôi không muốn để cho điều này trở nên vô ích. Tôi ước ao chào đón và chào đón nó bên trong tôi. Vì vậy, tôi đi theo dấu vết vệt sáng của lời “Thầy là” và tôi cố gắng dừng lại ở mỗi bước. “Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi” (St 15:1), “Ta là Thiên Chúa của Abraham, cha ông các ngươi” (St 24:26), “Ta là Chúa, Đấng đã dẫn và vẫn còn dẫn các ngươi ra khỏi đất Ai-Cập (St 6:6) và khỏi tay của vua Pharaô là kẻ đe dọa mạng sống các ngươi, “Ta là Đức Chúa, Đấng chữa lành ngươi” (St 15:26). Tôi để cho mình được chiếu soi bởi mãnh lực của những lời này, chúng ứng nghiệm mầu nhiệm mà chúng nói tới, chúng ứng nghiệm mầu nhiệm này cho đến ngày nay, và cho tôi, trong giờ Lectio này. Sau đó, tôi tiếp tục đọc trong sách Lê-Vi nơi có ít nhất 50 lần nói về lời khẳng định ơn cứu rỗi này: “Ta là Chúa”, tôi tin những lời này và bám chặt vào chúng với tất cả thể xác, tâm trí tôi và nói: “Vâng, Chúa thật là Chúa của con, chỉ có Ngài và không ai khác!” Tôi lưu ý rằng Kinh Thánh đào sâu hơn nữa. Dần dà, khi cuộc hành trình tiếp tục, Kinh Thánh thấm nhập và dẫn đưa tôi đến mối quan hệ khắng khít với Chúa hơn bao giờ hết. Trong thực tế, sách Dân Số viết: “Ta là Đức Chúa và Ta ngự giữa con cái Israel” (Ds 35:34). “Ta là” ở trong hiện tai, Người là Đấng không lìa bỏ, không quay lưng lại với chúng ta; Người là Đấng chăm sóc chúng ta từ khoảng cách gần, từ bên trong, chỉ có Người mới có thể làm được; tôi đọc sách Tiên Tri Isaia và tôi nhận lấy sự sống: 41:10; 43:3; 45:6; v.v.
Phúc Âm Chúa là sự bùng nổ của bản chất, của sự hiện diện, của ơn cứu rỗi; tôi đọc lại và để cho thánh Gioan dẫn tôi qua các câu: 6:48; 8:12; 10:9,11; 11:15; 14:6; 18:37. Chúa Giêsu là bánh, là ánh sáng, là cổng chuồng chiên, là mục tử, là sự sống lại, là đường, là sự thật, là sự sống, là vua; và tất cả vì tôi, vì chúng ta, và vì vậy tôi muốn đón tiếp, tìm hiểu và yêu thương Người; tôi muốn học hỏi, qua những lời này, để nói với Người: “Lạy Chúa, Ngài là tất cả!” Chính “Chúa” mang đến ý nghĩa cho tôi, làm cho đời sống tôi là một mối quan hệ, một sự hiệp thông. Tôi biết chắc rằng chỉ có nơi này tôi mới có thể tìm thấy niềm vui trọn vẹn và sự sống đời đời.
Vườn nho, cây nho thật và hoa trái của nó
Vườn nho của Thiên Chúa là nhà Israel, vườn nho yêu quý, vườn nho được chọn, vườn nho được trồng trên ngọn đồi mầu mỡ, trong nơi mà thế gian đã được dọn sạch, cày xới, được nhặt nhạnh khỏi sỏi đá, vườn nho được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương, rộng lớn và là vườn nho mà chính Thiên Chúa đã vun trồng (xem Is 5:1; Gr 2:21). Vì vườn nho được yêu thương này mà người con yêu dấu đã không bao giờ ngừng hát bản diễm tình ca cho vườn ấy; những nốt nhạc mạnh mẽ nhưng ngọt ngào, những nốt nhạc mang đời sống thực sự, bước qua giao ước cũ và tiến đến giao ước mới trong các nốt nhạc còn rõ ràng hơn. Thoạt đầu, Chúa Cha là người hát, bây giờ là Chúa Giêsu, nhưng trong cả hai lại là chính tiếng Chúa Thánh Thần được nghe thấy, như sách Diễm Ca đã viết: “Tiếng chim bồ câu văng vẳng… và vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào (Dc 2:12). Chính Chúa Giêsu lôi cuốn chúng ta, đem chúng ta từ cũ sang mới, từ tình yêu đến tình yêu, hướng về sự hiệp thông mạnh mẽ hơn bao giờ, thậm chí còn xác định: “Thầy là cây nho, nhưng các con cũng ở trong Thầy”. Vì vậy, thật rõ ràng: vườn nho là nhà Israel, là Chúa Giêsu, là chúng ta. Luôn luôn không đổi, luôn luôn mới mẻ, luôn luôn được chọn lựa và được yêu mến, được chăm sóc, được bảo vệ, được viếng thăm: được viếng thăm bởi những cơn mưa và bởi Lời Chúa, bởi các ngôn sứ được sai đến ngày nọ qua ngày kia, được thăm viếng bởi Chúa Con, Tình Yêu, Đấng mong chờ tình yêu, đó là hoa trái. “Người những mong nó sinh được trái tốt, mà nó lại sinh nho dại” (Is 5:2); trong tình yêu, thất vọng luôn rình rập. Tôi dừng ở đây tại thực tại này, tôi nhìn vào chính mình, tôi cố gắng khám phá những nơi tôi đã khép kín, khô héo, cằn cỗi; tại sao cơn mưa chưa đến? Tôi lặp lại lời này thường vang vọng qua các trang của Kinh Thánh: “Chúa chờ đợi…” (xem Is 30:18; Lc 13:6-9). Người muốn hoa trái của hoán cải (Mt 3:8), như Người nói với chúng ta qua Gioan, hoa trái của Lời Chúa ẩn dấu trong sự lắng nghe, chào đón và tự kiềm chế, như các sách Tin Mừng Nhất Lãm nói (xem Mt 13:23; Mc 4:20 và Lc 8:15), hoa trái của Chúa Thánh Thần, như thánh Phaolô giải thích (xem Gl 5:22). Người muốn chúng ta “sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành” (Cl 1:10), nhưng trên hết, dường như đối với tôi, Chúa chờ đợi và mong muốn “hoa trái của người được cưu mang” (xem Lc 1:42), đó là Chúa Giêsu, Đấng mà trong Người chúng ta thực sự được chúc phúc. Thật ra, Đức Giêsu là hạt giống chết đi để mang lại nhiều hoa trái trong chúng ta, trong đời sống chúng ta (Ga 12:24) và đánh bại mọi sự sống cho riêng mình, mọi khép kín, để mở rộng chúng ta với anh chị em chúng ta. Đây chính là hoa trái thật sự của hoán cải, được trồng trong đất của lòng chúng ta; để trở thành môn đệ của Người, và cuối cùng, đây là vinh quang thực sự của Chúa Cha.
Cắt tỉa, sự thanh tẩy hân hoan
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa chỉ cho tôi thấy một cách khác để đi theo Người, ở cùng với Người. Đây là cách thanh tẩy, đổi mới, sự sống lại và sự sống mới. Nó được ẩn dấu trong chữ “cắt tỉa”, mà tôi nên khám phá nó, tìm hiểu nó nhờ vào Lời Chúa, là thầy duy nhất và là sự hướng dẫn chắc chắn nhất. Trong ngôn ngữ Hy-lạp, chữ “thanh tẩy” để chỉ về hành động này của người trồng nho trong vườn nho của mình. Chắc chắn thật sự là Người sẽ cắt tỉa, chặt bỏ với lưỡi gươm sắc bén bởi Lời Chúa (Dt 4:12), và thỉnh thoảng, làm chúng ta bị thương, nhưng thậm chí nó còn thật hơn là chính tình yêu của Người thấm nhập sâu xa hơn trong chúng ta và do đó thanh tẩy, rửa sạch, trau chuốt. Vâng, Chúa ngồi đó như người thợ giặt để thanh lọc, để tinh luyện và làm sáng ngời những vàng bạc trong tay mình (xem Ml 3:3). Chúa Giêsu mang đến một sự thanh tẩy mới, điều được hứa hẹn từ lâu trong Kinh Thánh và được chờ đợi cho thời đại Thiên Sai. Sự thanh tẩy không còn xảy ra qua phương tiện của giáo phái, của việc tuân giữ lề luật hoặc hiến tế, đó chỉ là việc thanh tẩy tạm thời, không đầy đủ và mang tính tượng trưng. Đức Giêsu đem đến một sự thanh tẩy mật thiết, toàn vẹn cho tâm hồn và lương tâm, sự thanh tẩy được nói đến bởi tiên tri Êdêkien: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới… Vào ngày Ta thanh tẩy các ngươi sạch mọi tội lỗi, Ta sẽ cho các thành thị có người cư ngụ và các chốn điêu tàn sẽ được tái thiết…” (xem Ed 36:25-33). Tôi cũng đọc thư gửi cộng đoàn Êphêsô 5:26 và Titô 2:14, lời văn đẹp và phong phú, giúp tôi bước vào ánh sáng ân sủng của công trình ơn cứu độ một cách tốt hơn, sự cắt tỉa tinh thần này mà Chúa Cha làm việc trong tôi.
Có một câu trong sách Diễm Ca có thể giúp cho sự hiểu biết của tôi hơn, đó là: “Đây là mùa ca hát vang trời” (Dc 2:12); tuy nhiên, nó dùng một động từ mà có nghĩa cũng vừa là “tỉa xén, cắt tỉa” vừa là “ca hát”. Vì thế, việc tỉa xén là thời gian cho việc ca hát, cho sự hân hoan. Đó là tim tôi ca hát trước và trong Lời Chúa, đó là hồn tôi vui mừng vì đức tin của tôi, bởi vì tôi biết rằng qua cuộc hành hương dài nhưng tuyệt đẹp trong Kinh Thánh, tôi cũng sẽ dự phần trong đời sống Chúa Giêsu, tôi cũng sẽ được kết hợp với Người, Đấng tinh tuyền, Đấng thánh, Ngôi Lời Vẹn Toàn và vì thế được hiệp nhất với Người, tôi sẽ được rửa sạch, tinh khiết với độ tinh tuyền vô hạn của đời sống Người. Không chỉ vì một mình tôi, không phải để trơ trọi, mà là để sinh nhiều hoa trái, để mọc ra những nhành và lá không bị tàn tạ, để là một nhành nho cùng với nhiều nhành nho khác trong cây nho của Đức Giêsu Kitô.
Giây phút câu nguyện thinh lặng: Thánh Vịnh 1
Sự suy gẫm trong niềm hân hoan của người sống bằng Lời Chúa, và nhờ Lời Chúa, trổ sinh hoa trái.
Đáp ca: Lạy Chúa, Lời Chúa là niềm hân hoan của con!
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. (Đáp ca)
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. (Đáp ca)
Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong. (Đáp ca)
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa, con vẫn còn nhìn thấy ánh sáng của Lời Chúa. Sức mạnh chữa lành của giọng nói Chúa vẫn còn vang vọng trong tâm thức con! Con xin cảm tạ Chúa, lạy Cây Nho của con, nhựa sống của con. Xin cảm tạ Chúa, Chúa là sức mạnh cho con làm việc, để hoàn thành mọi công việc; xin cảm tạ Thầy Chí Thánh của con! Chúa đã gọi con để làm một nhành nho đầy hoa trái, để là hoa trái của tình yêu Chúa cho nhân loại, để là rượu làm cho tâm can vui mừng. Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra được Lời Chúa thực sự và đầy ân sủng này. Chỉ có như vậy con mới có thể thực sự sống và sống thực sự như Chúa và ở trong Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để cho con sai lầm khi con muốn luôn mình là một nhành nho thuộc về cây nho của Chúa mà không có một nhành nào khác, các anh chị em con. Khi ấy, nó sẽ thực sự là trái chua nhất và phật ý nhất.
Lạy Chúa, con không biết cách cầu nguyện. Xin hãy dạy cho con và hãy để cho lời cầu nguyện đẹp nhất của con là đời sống con, được chuyển đổi thành chùm nho cho những kẻ đói khát, cho sự vui mừng và bầu bạn của những người tìm đến cây nho, đó là Chúa. Xin cảm tạ Chúa vì Ngài là rượu của Tình Yêu!