Home / Event / Lectio Divina: Chúa Nhật XI Thường Niên (B)

Lectio Divina: Chúa Nhật XI Thường Niên (B)

Date: Chủ Nhật 16 Tháng Sáu, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina Năm B

Dụ Ngôn về Nước Thiên Chúa

Nước Trời như hạt giống   

Mc 4:26-34

 

  1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

  1. Bài Đọc

a)  Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:

Mc 4:26-29:  Dụ ngôn về hạt giống tự nẩy mầm

Mc 4:30-32:  Dụ ngôn về hạt cải

Mc 4:33-34:  Kết luận về các dụ ngôn

b)  Phúc Âm:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.

Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

  1. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

  1. Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện.

a) Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã đánh động bạn nhất?  Tại sao?

b) Chúa Giêsu đã không giải thích các dụ ngôn.  Người kể lại những câu chuyện và đánh thức trí tưởng tượng của những người đang lắng nghe và sự phản ảnh của họ về những gì họ đã khám phá ra.  Bạn đã khám phá ra những gì trong các dụ ngôn?

c) Mục đích của những lời này là để làm cho cuộc sống minh bạch.  Trong những năm qua, đời sống của bạn có đã trở nên minh bạch hơn, hay là đã xảy ra ngược lại?

  1. Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

a)  Để hiểu biết rõ hơn:

 Tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giảng dạy:  Chúa Giêsu kể lại nhiều dụ ngôn.  Tất cả đều được lấy từ đời sống của dân chúng.  Bằng cách này Người đã giúp mọi người khám phá ra những việc của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật, khi cuộc sống trở nên minh bạch hơn, bởi vì những việc phi thường của Thiên Chúa được ẩn dấu trong các việc phổ biến và bình thường của đời sống hằng ngày.  Người ta có thể hiểu được những điều của đời sống.  Các dụ ngôn cung cấp chìa khóa để mở ra đời sống và tìm thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa trong đó.

Qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã giúp mọi người nhìn thấy được sự hiện diện mầu nhiệm của Nước Trời trong những sự việc của đời sống.  Dụ ngôn là một sự so sánh.  Chúa Giêsu đã dùng những điều hiển nhiên và phổ quát trong cuộc sống để giúp giải thích những việc vô hình và chưa biết về Nước Thiên Chúa.  Ví dụ, người miền Galilêa đã hiểu rằng khi ai đó nói về hạt giống, đất, mưa, nắng, muối, hoa, cá, thu hoạch, v.v., Chúa Giêsu đã dùng tất cả những thứ này mà người ta biết rất rõ, trong các dụ ngôn của Người, để giúp giải thích về mầu nhiệm Nước Trời.

Dụ ngôn người gieo giống là chân dung của đời sống nhà nông.  Vào thời ấy, mưu sinh bằng việc làm ruộng thì thật cực khổ.  Đất thì đầy sỏi đá. Nhiều cây cỏ khó trồng, không mưa nhiều, và nắng dữ dội.  Cũng như thường xuyên người ta đi tắt băng qua cánh đồng và đạp dẵm lên cây lúa (Mc 2:23).  Cho dù tất cả những khó khăn đó, mỗi năm người nông dân vẫn trồng lúa, tin tưởng vào sức mạnh của hạt giống và sự hào phóng của thiên nhiên.

Dụ ngôn không nói hết mọi thứ, nhưng khiến cho người ta phải suy nghĩ và tìm tòi, bắt đầu với kinh nghiệm của người nghe đang có hạt giống.  Đây không phải là một học thuyết được gói ghém gọn gàng gửi đến với tất cả đã sẵn sàng để giảng dạy và thêm thắt.  Dụ ngôn không cung cấp nước uống đựng trong chai, mà đúng hơn dẫn người ta đến nguồn nước.  Một nhà nông, khi nghe thấy sẽ nói:  “Hạt giống ở dưới đất, thì tôi biết nó như thế nào, nhưng Chúa Giêsu nói rằng nó có điều gì đó liên hệ tới Nước Thiên Chúa!  Điều ấy có thể là điều gì?  Chẳng khó khăn gì để tưởng tượng ra được những cuộc đối thoại dài có thể có sau đó với đám đông.  Dụ ngôn chuyển động với người ta và khiến họ lắng nghe thiên nhiên và suy nghĩ về đời sống.

Câu chuyện về hạt giống tự nó nẩy mầm phát triển

Người nông dân trồng trọt biết quá trình phát triển của hạt giống:  ban đầu là hạt giống, sau đó đọt non nảy mầm, mọc lá, đơm bông và kết hạt.  Người làm ruộng biết chờ đợi và không gặt cây lúa khi nó chưa chín, nhưng ông ta không biết năng lực của đất, mưa, nắng và hạt giống do từ đâu mà ra để khiến hạt giống trở thành hoa lợi.  Nước Thiên Chúa cũng giống như thế đó.  Đó là một quá trình.  Có các giai đoạn và điểm tăng trưởng.  Phải cần thời gian và xảy ra đúng lúc.  Hoa trái sẽ đến vào đúng thời điểm nhưng không ai có thể giải thích được năng lực bí ẩn của nó.  Không ai là chủ của nó!  Chỉ có Thiên Chúa!

Câu chuyện về hạt cải nhỏ bé mà mọc lên thành cây rau rất lớn

Hạt cải thì rất nhỏ bé, nhưng khi nó lớn lên, lớn đến độ mà chim trời có thể làm tổ trên cành của nó.  Nước Thiên Chúa cũng giống như thế.  Dụ ngôn không nói ai là chim trời.  Câu trả lời cho thắc mắc đó sẽ tìm thấy sau này trong Tin Mừng.  Văn bản cho thấy rằng nó dùng để chỉ dân ngoại là những người sẽ không có khả năng để gia nhập vào cộng đoàn và là những người chung phần trong Nước Trời.

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cho các môn đệ

Trong nhà, khi các môn đệ ở riêng với Chúa Giêsu, các ông muốn biết ý nghĩa của các dụ ngôn.  Các ông không hiểu.  Chúa Giêsu rất đỗi ngạc nhiên vì việc không hiểu thấu của các ông (Mc 4:13) và vào lúc ấy đã trả lời một cách khó hiểu và bí ẩn.  Người nói với các môn đệ:  “Phần các con, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho các con; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để ‘họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, để họ trở lại và được ơn tha thứ’” (Mc 4:11-12).  Điều này khiến cho người ta phân vân:  Như thế thì dùng dụ ngôn có mục đích gì? Nó sẽ làm cho mọi việc rõ ràng hơn hay bí ẩn hơn?  Có lẽ Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để cho người ta sẽ không tiếp tục sống trong vô minh và không hoán cải?  Chắc chắn không!  Tin Mừng hôm nay nói rằng: “Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng Lời Chúa cho họ, tùy theo mức họ có thể hiểu được” (Mc 4:33).

Dụ ngôn mặc khải và ẩn dấu cùng một lúc!  Nó mặc khải cho những ai đã trở nên hòa hợp, những người chấp nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Tôi Tớ.  Nó ẩn dấu cho những ai khăng khăng về nhìn nhận Người là Đấng Cứu Thế Vua hùng mạnh.  Những người này trông thấy hình ảnh của dụ ngôn, nhưng họ không nắm bắt được ý nghĩa của chúng.

  1. Cầu nguyện – Thánh Vịnh 96                                                

Hãy loan báo về ơn cứu độ của Người ngày này sang ngày khác

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

  1. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …