Lời tiên báo đầu tiên về Cuộc Thương Khó
Sự ô nhục của thập giá
Mt 16:21-27
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý, được sai đến bởi Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được Kinh Thánh. Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa. Xin giúp chúng con học hỏi giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong đời sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được những hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.
2. Bài Đọc
a) Bối cảnh:
Đoạn Tin Mừng Mt 16:21-27 là đoạn sau khi ông Phêrô tuyên xưng đức tin (16:13-20) và trước đoạn Chúa Biến Hình (17:1-8) và đoạn này nối kết chặt chẽ với hai sự kiện này. Chúa Giêsu yêu cầu Nhóm Mười Hai nói cho Người biết người ta nói Người là ai và sau đó lại muốn biết Nhóm Mười Hai nghĩ Người là ai. Ông Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16:16). Chúa Giêsu không những chỉ chấp nhận lời tuyên xưng đức tin này, mà còn nói rõ ràng rằng chính Thiên Chúa đã mặc khải danh tính thực sự của Người cho Phêrô. Tuy nhiên, Người truyền cho các môn đệ đừng nói lại với ai rằng Người là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu biết rõ rằng danh xưng này có thể bị hiểu lầm và Người không muốn gặp phải các rủi ro. “Kể từ đó” (16:21), Người dần dần bắt đầu giải thích cho Nhóm Mười Hai về ý nghĩa của Đấng Cứu Thế; Người là Đấng Cứu Thế chịu nhiều đau khổ sẽ bước vào sự vinh quang qua cây thập giá.
Đoạn Tin Mừng chúng ta đang chiêm niệm được chia ra làm nhiều phần. Trong phần thứ nhất (các câu 21-23), Chúa Giêsu báo trước về cái chết và sự phục sinh của mình và cho thấy rằng Người hoàn toàn quyết tâm làm theo chương trình của Thiên Chúa dành cho Người bất chấp lời phản đối của Phêrô. Trong phần thứ hai (các câu 24-27), Chúa Giêsu cho thấy các hậu quả của việc công nhận Người là Đấng Cứu Thế chịu nhiều đau khổ cho các môn đệ của Người. Không ai có thể làm môn đệ Người trừ phi người ấy đi cùng một con đường với Người.
Nhưng Chúa Giêsu biết rõ rằng thật là khó cho Nhóm Mười Hai chịu chấp nhận thập giá của Người và của các ông, và, để trấn an, Người cho các ông thấy trước sự phục sinh của Người trong việc biến hình (17:1-8).
b) Phúc Âm:
21-23: Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ với các Kỳ lão, Thượng tế và Luật sĩ, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Khi ấy, Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu.” Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những gì thuộc về loài người.”
24-27: Bấy giờ, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các Thiên Thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Thầy bảo thật các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Tại sao Phêrô cố gắng can ngăn Chúa Giêsu đừng đối diện với cuộc thương khó?
b) Tại sao Chúa Giêsu gọi ông Phêrô là Satan?
c) Bạn đối mặt với cuộc sống như thế nào, đối mặt với lý lẽ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu hay là với lý lẽ của người phàm và của Phêrô?
d) Trong đời sống thực tế hằng ngày của bạn, đành mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
e) Những thập giá của bạn là gì và ai là Phêrô của bạn?
5. Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
“Phải đi đến Giêrusalem…”
Bốn động từ “đi”, “chịu đau khổ”, “bị giết” và “sống lại” (câu 21) bị chi phối bởi chữ “số phần” hoặc “phải”. Đây là một động từ mà trong Tân Ước mang một ý nghĩa thần học chính xác. Nó bao hàm rằng ý muốn của Thiên Chúa là một việc gì đó sẽ xảy ra bởi vì đấy là một phần của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Cái chết của Đức Giêsu có thể được xem như là hậu quả “lý luận” về thái độ của Người đối với hệ thống xã hội của dân tộc Người. Giống như mọi vị tiên tri phiền toái khác, Người đã bị trừ khử. Nhưng Tân Ước nhấn mạnh rằng cái chết (và sự sống lại) của Đức Giêsu là một phần của kế hoạch Thiên Chúa mà Đức Giêsu tự nguyện nhận lãnh.
“Con là một trở ngại cản lối Thầy đi”
Vật trở ngại có nghĩa là cản lối hoặc cái bẫy. Để là một trở ngại có nghĩa là đối đầu với ai đó với những điều ngăn trở sẽ làm người ấy chuyển hướng đi. Phêrô là một vật trở ngại đối với Chúa Giêsu vì ông cố gắng làm lệch hướng con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha để đi con đường dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu so sánh ông với Satan, người mà vào lúc khởi đầu nhiệm vụ của mình đã tìm cách chuyển hướng con đường sứ vụ của Chúa Giêsu, đề nghị một sứ vụ thiên sai dễ dàng hơn (xem Mt 4:1-11).
“Ai đành mất mạng sống mình … sẽ được sống”
Những ai thấu hiểu các mầu nhiệm của Chúa Giêsu và tính chất của sứ vụ Người thì cũng hiểu làm môn đệ Người có nghĩa là gì. Hai điều liên quan mật thiết với nhau.
Chính Chúa Giêsu đã đưa ra ba điều kiện cho những ai muốn trở thành môn đệ Người: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Người (câu 24). Từ bỏ chính mình có nghĩa là không tập trung đời sống mình vào bản thân người ấy mà là tập trung vào Thiên Chúa và về kế hoạch Nước Trời của Người. Điều này hàm ý chấp nhận những nghịch cảnh và gian nan. Chính Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta gương của Người về cách đối phó với những hoàn cảnh như thế. Nó đủ để cho ta bắt chước Người. Người không từ bỏ lòng trung thành với Chúa Cha và Nước Trời, và Người thậm chí còn trung thành đến nỗi thí cả mạng sống mình. Chính vì thế mà Người đạt được sự viên mãn của đời sống trong sự phục sinh.
6. Thánh Vịnh 40
Lời cầu nguyện hỗ trợ của kẻ vẫn trung thành với Thiên Chúa
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.
Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”
Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu giếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.
Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai hoạ bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.
Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc hoạ
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!
Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: “ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! “
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa, đường lối của Chúa không phải là đường lối của chúng con và những suy nghĩ của Chúa không phải là suy nghĩ của chúng con. Trong chương trình cứu rỗi của Chúa cũng có chỗ cho cây thập giá. Con Một Chúa, Đức Giêsu, đã không lui bước trước thập giá, nhưng “đã cam chịu khổ hình thập giá và chẳng nề chi sự ô nhục” (Dt 12:2). Sự thù địch của những kẻ thù Người đã không thể làm Người xao lãng quyết tâm của Người là thực hiện thánh ý của Chúa Cha và công bố Nước Trời, bằng mọi giá.
Lạy Cha, xin hãy tăng thêm sức mạnh cho chúng con, với ân sủng của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa hãy giúp chúng con kiên quyết và trung thành theo Chúa Giêsu. Xin Chúa hãy khiến cho chúng con thật sự noi theo gương Người và làm cho Nước Chúa là trung tâm điểm của đời sống chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh để chúng con chịu đựng được những nghịch cảnh và khó khăn để đời sống thực sự có thể triển nở trong chúng con và trong toàn thể nhân loại. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.