Dụ ngôn hai người con
Việc vâng lời bất tuân phục và việc cãi lời vâng phục
Mt 21:28-32
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Chúa Giêsu kể lại một sự kiện rất phổ biến trong cuộc sống gia đình. Một người con trai nói với cha: “Vâng, con đi!” nhưng rồi không đi. Người con khác nói: “Con không đi!” nhưng sau đó lại đi. Chúa Giêsu đòi hỏi những người đang nghe phải chú ý và đưa ra ý kiến. Trong bài đọc, chúng ta hãy chú ý để khám phá ra điểm chính xác mà Chúa Giêsu muốn gợi lên sự chú ý của chúng ta.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 21:28-31a: Sự so sánh
Mt 21:31b-32: Ứng dụng của sự so sánh
c) Phúc Âm:
28-31a: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi.’ Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng con đi.’ Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất.”
31b-32: Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin Ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin Ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin Ngài.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào của câu chuyện về hai người con tạo được sự chú ý của bạn nhất? Tại sao?
b) Chúa Giêsu đang nói với ai? Tại sao Người lại kể dụ ngôn ngày?
c) Điểm chính được nhấn mạnh bởi Chúa Giêsu trong thái độ của hai người con là gì?
d) Chúa Giêsu gợi ý qua bài dụ ngôn này là loại vâng lời nào?
e) Làm thế nào mà những người thu thế và gái điếm lại được ưu tiên hơn cả các thượng tế và kỳ lão?
f) Và tôi, tôi đang ở đâu? Tôi đang ở trong số những gái điếm và người tội lỗi hay là trong số các thượng tế và kỳ lão?
5. Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a) Bối cảnh đoạn Phúc Âm mà Mátthêu đặt để những lời này của Chúa Giêsu (Tin Mừng Mátthêu các chương 18-23):
* Bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu trong đó bài dụ ngôn này được tìm thấy là bối cảnh của sự căng thẳng và nguy hiểm. Sau Bài Giảng về Giáo Hội (Mt 18:1-35), Chúa Giêsu rời xứ Galilê, vượt qua sông Giođan và bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng của Người tiến về Giêrusalem (Mt 19:1). Trước đó khá lâu, Người đã nói rằng Người sắp lên đường tiến về Giêrusalem để bị bắt, bị giết và sau đó Người sẽ sống lại (Mt 16:21; 17:22-23). Giờ đây là lúc phải đi về thành thánh và phải đối mặt với ngục tù và cái chết (Mt 20:17-19).
* Khi Người đến Giêrusalem, Chúa Giêsu trở thành chủ đề của cuộc xung đột. Một mặt, người ta chào đón Chúa một cách vui mừng (Mt 21:1-11). Ngay cả trẻ em cũng hoan hô Người, với một cử chỉ tiên tri, Người trục xuất những kẻ buôn bán khỏi đền thờ và Người chữa lành người mù và què (Mt 21:12-15). Mặt khác, các thượng tế và luật sĩ thì chỉ trích Người. Họ yêu cầu Người bảo các trẻ em giữ yên lặng (Mt 212:15-16). Với tình hình căng thẳng như thế, Chúa Giêsu phải nghỉ qua đêm bên ngoài thành phố (Mt 21:17; Ga 11:53-54). Nhưng ngày hôm sau, Người quay trở lại vào buổi sáng sớm và, trên đường đến Đền Thờ, Người rủa cây vả, biểu tượng của Giêrusalem, không ra trái mà chỉ toàn lá (Mt 21:18-22). Đoạn Người đi vào Đền Thờ và bắt đầu giảng dạy cho dân chúng.
* Trong khi Người đang nói với dân chúng, các kẻ có thẩm quyền trong dân đến chất vấn Người. Chúa Giêsu trả lời họ từng người một (Mt 21:33 – 22:45), các thượng tế và kỳ lão (Mt 21:23), những người Biệt Phái (Mt 21:45; 22:41), các môn đệ của nhóm Biệt Phái và Hêrôđê (Mt 22:16), nhóm Sa-đốc (Mt 22:23), các luật sĩ (Mt 22:35). Sau cùng, Chúa Giêsu khiển trách nặng nề và khá lâu những người kinh sư và Biệt Phái (Mt 23:1-36), tiếp theo là lời thương tiếc cho thành Giêrusalem, thành này sẽ không được cải đổi (Mt 23:37-39). Đó là ở trong bối cảnh căng thẳng và nguy hiểm mà Chúa Giêsu kể dụ ngôn về câu chuyện của hai người con, chủ đề cho bài suy gẫm của chúng ta.
b) Lời bình giải về lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu:
Mt 21:28-30: Một ví dụ được trích ra từ đời sống gia đình
* Các ông nghĩ sao? Đây là một câu hỏi khiêu khích. Chúa Giêsu đòi hỏi người nghe phải chú tâm nghe và trả lời. Trong bối cảnh của dụ ngôn, những người đang lắng nghe được mời gọi đưa ra ý kiến của họ là các thượng tế và kỳ lão trong dân (Mt 21:23). Những người này là những kẻ, vì sợ dân chúng, sẽ không trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc của Gioan Tẩy Giả, do từ trời hay từ đất (Mt 21:24-27). Đây là những kẻ sẽ tìm cách để bắt Chúa (Mt 21:45-46).
* Người kia có hai người con. Chúa Giêsu kể lại câu chuyện về người cha nói với một trong hai người con của ông: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha”. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng con đi!” nhưng nó lại không đi. Người cha sau đó lại nói cùng câu nói với người con thứ hai. Người con này thưa lại rằng: “Con không đi!” nhưng sau đó nó đi. Những người nghe cũng là các người cha trong gia đình và đã phải biết những chuyện này từ kinh nghiệm bản thân.
* Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình? Chúa Giêsu kết thúc bài dụ ngôn làm rõ câu hỏi ban đầu của Người. Các thượng tế và kỳ lão đồng thanh trả lời: người con thứ hai! Câu trả lời đã đến nhanh chóng bởi vì vấn đề có liên quan đến tình cảnh quen thuộc, phổ quát và rõ ràng, chuyện mà họ đã trải qua kinh nghiệm trong gia đình họ và, có lẽ hầu hết, đã làm bởi họ (và bởi tất cả chúng ta) khi họ còn niên thiếu. Như vậy, trong thực tế, câu trả lời không chỉ là một sự phê phán về hai người con trong bài dụ ngôn, nhưng cũng là cho chính họ. Bằng câu trả lời, người con thứ hai, họ đang đánh giá thái độ của chính họ. Bởi vì, trong quá khứ, họ đã thường xuyên nói với cha họ: “Con không đi!” nhưng rồi sau đó đã đi theo áp lực của hoàn cảnh hoặc bởi vì sự hối lỗi đã khiến họ làm điều mà người cha sai bảo. Trong câu trả lời, họ tỏ ra như thể mình là những đứa con vâng lời.
* Đây chính là một chức năng hay là “cái bẫy” của bài dụ ngôn, một cách nôm na là, mang lại cho người nghe cảm giác có liên quan đến câu chuyện, do đó, dùng kinh nghiệm riêng của chính họ làm tiêu chuẩn, họ sẽ đi đến một sự phê phán giá trị của câu chuyện được kể trong bài dụ ngôn. Lời phê phán này sẽ sớm được dùng như một chìa khóa để áp dụng dụ ngôn vào đời sống. Cùng một phương pháp giảng dạy cũng có thể được tìm thấy trong bài dụ ngôn vườn nho (Mt 21:41-46) và bài dụ ngôn người chủ nợ (Lc 7:40-46).
Mt 21:31-32: Sự ứng dụng của dụ ngôn
* Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông! Dùng câu trả lời bởi các thượng tế và kỳ lão như một chìa khóa, Chúa Giêsu ứng dụng bài dụ ngôn vào sự im lặng tội lỗi của người nghe trước sứ điệp của Gioan Tẩy Giả. Câu trả lời của họ trở thành lời kết tội cho chính họ. Dựa theo câu nói này, những người thu thuế và gái điếm là những kẻ, ban đầu, đã nói không với người cha nhưng sau đó lại làm theo ý của Chúa Cha, bởi vì những người ấy đã nhận lãnh và chấp nhận sứ điệp của Gioan Tẩy Giả đến từ Thiên Chúa. Trong khi đó, các thượng tế và kỳ lão, họ là những kẻ, thoạt đầu, đã nói vâng với người cha, nhưng đã không làm điều mà người cha yêu cầu, bởi vì họ đã không chấp nhận sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, thậm chí rất nhiều người đã không chấp nhận Gioan như là người từ Thiên Chúa.
* Vì thế, bằng phương tiện của dụ ngôn, Chúa Giêsu đảo ngược tất cả mọi thứ: những kẻ bị coi là không tuân giữ Lề Luật và do đó bị kết án, lại chính là những người đã vâng phục Thiên Chúa và cố gắng bước đi trên con đường công lý, trong khi những kẻ tự coi mình là tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa lại là những kẻ không vâng lời Thiên Chúa.
* Lý do cho lời khiển trách nghiêm khắc này từ Chúa Giêsu nằm trong sự thực là những chức sắc tôn giáo, các thày cả và kỳ lão, không chịu tin rằng Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa. Các người thu thuế và gái điếm thì lại khác, họ tin. Điều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, qua cái nhìn chiêm niệm, là khả năng nhận ra sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa trong những người và những việc của cuộc sống, Thiên Chúa không hiện diện ở trong các vị thày cả hay ngay cả trong các vị lãnh đạo của họ, nhưng Ngài lại ở trong những người bị miệt thị là kẻ tội lỗi và ô uế. Rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao những kẻ có thẩm quyền này đã quyết định bắt và giết Chúa Giêsu, vì trong thực tế, “khi họ nghe những dụ ngôn này, các thượng tế và kinh sư nhận ra rằng Chúa đang nói về họ” (Mt 21:45-46).
* Bất cứ ai muốn áp dụng dụ ngôn này hôm nay, có thể sẽ tạo ra cùng sự giận dữ như Chúa Giêsu đã trải qua với câu kết luận của Người. Điều tương tự cũng xảy ra ngày hôm nay. Gái điếm, kẻ tội lỗi, kẻ dốt nát, phụ nữ, trẻ em, thường dân, công nhân, dân thiểu số, dân da đen, các tù nhân, những kẻ đồng tính luyến ái, những người mang bệnh AIDS, người say rượu, ghiền ma túy, những kẻ ly dị, các tu sĩ hồi tục, những người dị giáo, các bà mẹ độc thân, những người thất nghiệp, kẻ thất học, bệnh nhân, đó là, tất cả những kẻ bị xem thường như không phải là một phần của quỹ đạo tôn giáo, những người này, thường xuyên, có một cái nhìn sắc bén trong việc nhận thức về con đường công lý hơn chúng ta là những người sống cả ngày trong nhà thờ và là một phần của phẩm trật tôn giáo. Không phải vì một người thuộc về hàng phẩm trật mà người ấy có một cái nhìn thuần khiết cho phép họ có thể cảm nhận được những việc thuộc về Thiên Chúa trong cuộc sống.
Để làm sáng tỏ những Lời của Chúa Giêsu
* Phương pháp mới về giảng dạy người ta và nói về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không phải là một học giả (Ga 7:15). Không giống như thánh Phaolô Tông Đồ (Cv 23:3), Người đã không đi học ở Giêrusalem.
Người xuất thân từ miền quê, từ làng Nagiarét, một làng nhỏ trong xứ Galilê. Bấy giờ, người thợ mộc từ xứ Galilê, đi đến Giêrusalem, và không có phép của các người có thẩm quyền, bắt đầu giảng dạy dân chúng ở quảng trường phía trước đền thờ! Người đã nói những điều mới lạ. Người nói một cách lạ lùng, siêu phàm! Thiên hạ sửng sốt bởi cách giảng dạy của Người: “Một giáo lý mới mẻ! Giảng dạy như người có thẩm quyền chứ không như các kinh sư! (Mc 1:22-27). Điều Chúa Giêsu đã làm nhiều nhất là giảng dạy, đó là tập quán của Người. Nhiều lần các tác giả Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu đã giảng dạy. Nếu họ không luôn nói về những gì Chúa Giêsu đã dạy, đó không phải là vì họ không quan tâm đến nội dung, nhưng bởi vì nội dung hiện diện không những chỉ qua lời giảng dạy mà cũng còn qua cử chỉ và thái độ của Người đối với người ta. Phần nội dung không bao giờ tách biệt khỏi con người truyền đạt nó. Sự tốt lành và tình yêu mến trong cách cư xử của Người và sống với những người khác là một phần của nội dung. Chúng giống như “nhân tố”, nội dung tốt mà không có sự tốt lành thì thật là đáng tiếc.
* Sự giảng dạy qua các dụ ngôn.
Hơn hết cả, Chúa Giêsu giảng dạy qua các dụ ngôn. Người có một khả năng phi thường tìm thấy những sự so sánh để giải thích những điều thuộc về Thiên Chúa, những điều không rõ ràng, bằng cách dùng những ví dụ đơn giản và rõ ràng mà người ta biết và kinh nghiệm trong đời sống của họ, trong cuộc tranh đấu hằng ngày để sinh tồn. Điều này bao hàm hai điều: giữ những kinh nghiệm của đời sống và giữ những việc thuộc về Thiên Chúa, về Vương Quốc của Thiên Chúa.
Thông thường, Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn, nhưng nói: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!” hoặc “Các ngươi đã nghe. Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu!” Ví dụ, người làm nông nghe dụ ngôn về hạt giống nói: “Tôi biết rất rõ về hạt giống rơi trên đất ra sao! Nhưng Chúa Giêsu nói việc này có liên hệ tới Vương Quốc Thiên Chúa. Người muốn nói gì?” Khi ấy chúng ta có thể tưởng tượng ra được những cuộc đối thoại và thảo luận dai dẳng của người ta. Ngày kia một vị giám mục hỏi cộng đoàn: “Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải nên giống như muối. Muối được dùng vào việc gì?” Cộng đoàn đã thảo luận điều này, và cuối cùng đã đưa ra hơn mười mục đích cho việc dùng muối! Sau đó họ đã áp dụng tất cả những điều này vào đời sống của cộng đoàn và khám phá ra rằng trở thành muối thì khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức. Bài dụ ngôn đã thành công!
Trong một số dụ ngôn có những điều không thường xảy ra trong cuộc sống. Thí dụ, có bao giờ chúng ta đã từng nhìn thấy người chăn chiên rời bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc chưa? (Lc 15:4). Có khi nào chúng ta đã từng nhìn thấy một người cha chào đón đứa con hoang đàng với cỗ bàn linh đình và không một lời quở trách chưa? (Lc 15:20-24). Có bao giờ chúng ta đã từng thấy một người Samaritan tốt lành hơn một người tư tế hay một thày cả chưa? (Lc 10:29-37). Bằng vào cách này, dụ ngôn đưa ra những ý nghĩ. Nó mời gọi chúng ta tham gia vào trong câu chuyện và tự ngẫm nghĩ, bắt đầu từ kinh nghiệm đời sống và sau đó đối diện điều này với Thiên Chúa. Nó khiến cho chúng ta khám phá ra từ kinh nghiệm rằng Thiên Chúa hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dụ ngôn là một hình thức sư phạm giảng dạy có sự tham dự. Nó không đưa ra từng chi tiết nhỏ. Nó không cung cấp tất cả các dữ kiện, nhưng nó lôi kéo chúng ta đi khám phá. Dụ ngôn thay đổi quan điểm của chúng ta; nó khiến cho chúng ta suy gẫm, những người đi sâu vào thực tế. Đây là sự mới lạ của cách giảng dạy của Chúa Giêsu trong dụ ngôn. Nó khác với lối giảng dạy của các luật sĩ đã dạy rằng Thiên Chúa chỉ tỏ mình trong việc tuân giữ lề luật. Đối với Chúa Giêsu: “Triều Đại của Thiên Chúa không phải là kết quả của việc tuân giữ lề luật. Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông!” (Lc 17:21).
6. Thánh Vịnh 121
Ánh mắt chiêm niệm khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ để bạn ngủ quên.
Đấng gìn giữ Israel,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.