- Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin sai Chúa Thánh Thần ngự đến để chúng con có thể đọc Lời Chúa với tâm tình không bị ràng buộc bởi các định kiến, để chúng con có thể suy gẫm lời công bố của Chúa trong sự vô tư và toàn vẹn. Nguyện xin cho chúng con có thể được phát triển trong sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em chúng con. Cuối cùng, xin cho chúng con có thể thực thi, chiêm niệm thực tại mà chúng con đang sống ngày hôm nay với ân tình và lòng thương xót của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống cùng với Đức Chúa Cha và là Đấng ban cho chúng con Tình Yêu. Amen.
- Bài Đọc
a) Lời tựa:
Đoạn Tin Mừng này là phần cuối các lời giảng dạy công khai của Chúa Giêsu, đã bắt đầu từ Bài Giảng Trên Núi (các chương 5-7). Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem, thời điểm bị bắt giữ của Người đã gần kề, và Người đang phải khó khăn đối mặt với nhiều loại người: thượng tế, kỳ lão, kinh sư, Biệt Phái, v.v. Đức Giêsu đang nghi ngờ lòng mộ đạo của những người Do Thái đó, Người đã chỉ dùng những lời mạnh mẽ liên quan đến nỗ lực của một số người, đặc biệt là những người có thế lực, đã làm méo mó những giá trị đích thực của người Do Thái qua các thái độ không mạch lạc. Trong phần đầu của chương 23 này, Mátthêu ghi lại những lời của Chúa Giêsu, cảnh báo cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi chống lại việc tái tạo một loại đời sống không phù hợp với niềm tin vào Đức Giêsu. Đằng sau những lời này, chúng ta có cái nhìn thoáng qua cuộc xung đột giữa Giáo Hội bắt đầu chớm nở với hội đường Do Thái.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng:
Mt 23:1-7: Cảnh báo những người đang lắng nghe và tố cáo thái độ của các luật sĩ và Biệt Phái.
Mt 23:8-12: Lời dặn bảo đến cộng đoàn các môn đệ.
c) Phúc Âm:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: 2 “Các luật sĩ và các người Biệt Phái ngồi trên tòa Môisen: 3 vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ; vì họ nói mà họ không làm. 4 Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta; còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử! 5 Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. 6 Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là ‘Thầy’. 8 Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi bằng ‘Thầy’, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. 9 Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. 10 Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là ‘người chỉ đạo’: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. 11 Trong các ngươi, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. 12 Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.”
- Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để lắng nghe Chúa Thánh Thần và để cho Lời Chúa thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
- Một vài câu hỏi gợi ý:
– Đức Giêsu đang nói với ai?
– Tác giả Mátthêu đang trò chuyện với ai?
– Việc tuân giữ các giới răn và việc đạo đức giả có thể cùng sống chung với nhau không?
– Trong sứ điệp của Chúa Giêsu, có điều gì mới lạ không?
– Những thái độ nào đánh dấu căn tính cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu?
- Suy Niệm
Những lời này của Chúa Giêsu có vẻ như là nghiêm khắc và tranh cãi. Chúng ta hãy cố gắng suy gẫm chúng cùng chung với Bài Giảng Trên Núi đầu tiên của Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu. Điều này sau đó trở thành sự so sánh giữa lý tưởng đời sống của một môn đệ Chúa Giêsu và các thái độ không phù hợp với lý tưởng này, được nhìn thấy trong những người vẫn “tuân giữ Lề Luật”, như thánh Phaolô đã nói. Bài giảng được dành cho đám đông và cách riêng là cho các môn đệ, chứ không phải cho các luật sĩ và người Biệt Phái, ít ra là trong phần đầu của chương này. Tuy nhiên, cũng có những luật sĩ “không còn xa Nước Thiên Chúa là bao” (Mc 12:34). Ở khắp mọi nơi đều có những người “nói mà không làm”.
Về việc giảng dạy của các luật sĩ “ngồi trên tòa Môisen” là chuyện có thật trong các hội đường, bởi vì ngồi trên tòa Môisen đã trở thành một dấu hiệu của quyền lực, trong khi đó Chúa Giêsu đã ngồi trên đất để giảng dạy (Mt 5:1). Mối quan hệ của Chúa Giêsu với Lề Luật được làm sáng tỏ rõ ràng trong bài giảng trên núi khi Chúa nói rằng Người đến không phải để bãi bỏ lề luật mà kiện toàn nó (Mt 5:17-19), vì thế các giới răn thật phải được thực hành: “hãy làm và tuân giữ những gì họ nói với các ngươi”. Nhưng trong bài giảng trước, Chúa Giêsu thêm rằng: “Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Biệt Phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Chúa đã tiếp theo lời giải thích xác thực Lề Luật: “anh em đã nghe luật dạy … còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Chúa Giêsu đi xa hơn bản chất việc tuân giữ Lề Luật (Mc 7:15) bởi vì Nước Thiên Chúa đã đến (Mc 4:17), và với Tình Yêu của Nước Trời mang đến thì hơn hẳn cả Lề Luật. Không còn đủ lý do để viện vào Lề Luật mà biện minh cho tính chất hợp lệ của việc tuân giữ theo tôn giáo (ngày Sabbát, luật rửa tay), cũng như để bắt cáng đáng “những gánh nặng”. Bây giờ điểm quy chiếu phải được nhắm về tình yêu của Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể ban cho ý nghĩa chung cuộc về tư cách đạo đức của loài người. Đối với các môn đệ của Chúa Kitô, đông cơ nội tâm và ý định đích thực là những gì được cho là một hành động có giá trị (Mt 6:22-23). Bằng lời công bố rằng Nước Thiên Chúa đã đến, Chúa Giêsu đang ban cho chúng ta một tiêu chuẩn mới cho các hành động không ngăn cản Lề Luật mà lại cho thấy ý nghĩa đích thực của nó. Giới răn tình yêu là thước đo đối địch lại việc chỉ trích Lề Luật. “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta … Đúng, ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). “Gánh nặng” là tập quán được dựng nên bởi truyền thống truyền khẩu. Những điều này có thể giúp đỡ trong việc tuân giữ Lề Luật, nhưng chúng cũng có thể lấn lướt và thay thế phong tục loài người. Vì vậy, chúng chỉ áp đặt lên những người khác chứ không phải các người lãnh đạo: “liệu họ có sẽ nhấc ngón tay mà lay thử không?”
Tôn giáo cũng có thể là một phương tiện cho sự phô trương (các câu 5-7) trái với tất cả các giáo lý của Bài Giảng Trên Núi. “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6:1): bố thí (Mt 6:3), cầu nguyện (Mt 6:5), ăn chay (Mt 6:16), là những việc lành phúc đức thường làm nhất của người Do Thái, chúng phải được làm một “cách kín đáo” bởi người môn đệ của Chúa Kitô, bởi vì chủ ý duy nhất của họ là tôn thờ Thiên Chúa. Việc có ý nghĩa cho người môn đệ không phải là được xã hội tán dương hoặc được loài người kính trọng, cũng không phải là tước hiệu danh dự “thầy”, nhưng mà là có “tâm hồn nghèo khó” (Mt 5:3) bởi vì người ấy đã dâng đời mình trong bàn tay Thiên Chúa và không sở hữu một cái gì cho riêng mình, nơi cất giữ kho tàng của người ấy là ở trên thiên đàng. Điều này đưa đến sự bách hại (Mt 5:10-11) hơn là sự hoan hô hay trọng vọng (Mt 23:6-7). Thiên Chúa là “Cha của chúng ta” (Mt 6:9), không ai có thể chiếm lấy địa vị của Người. Đó là lý do tại sao người môn đệ của Chúa Kitô phải cẩn thận không nên mong chờ được sách phong những chức tước như thầy cả rabbi, cha, thầy. Làm người quan trọng và quyền lực có thể làm che mờ một thực tế rằng chỉ có một rabbi, cha, thầy. Và tất cả chúng ta đều là anh em. Khi Gioan Tẩy Giả trông thấy vị Thầy thực sự đi ngang qua, ông đã sai các môn đệ mình đến tìm Người (Ga 1:35), vị Thầy duy nhất, và đã không giữ lại cho riêng ông. Cộng đoàn của Chúa Giêsu là cộng đoàn được mô tả trong bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” vời tất cả các hệ quả căn bản của nó: một cộng đoàn của anh chị em có khả năng nhận lãnh Thiên Chúa là Đấng đã đến để cứu rỗi nhưng không. Lý tưởng của cộng đoàn này là “sự phục vụ” (Mt 20:28) của Con Người, mô hình của Giáo Hội. Quyền hạn của các người lãnh đạo mất sức hấp dẫn của nó và không còn là một lý tưởng nữa: “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (xem Mc 10:41-44; Ga 13), không có sự bàn luận về mô thức giai cấp nhưng về sự phục vụ và khiêm nhường, “ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”. Lời của Chúa Giêsu mang ý nghĩa sâu xa hơn là một cuộc tranh luận với các kinh sư và người Biệt Phái, rất nhiều hơn là một lời kêu gọi đoàn kết, chúng nhắc nhở chúng ta về danh tính của các môn đệ Chúa, về con đường mới trong đó họ được gọi để làm chứng nhân.
- Cầu Nguyện:
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Thánh Vịnh 131
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Ís-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
- Chiêm Niệm
Lạy Chúa, Chúa đã cảnh giác con về hành vi đạo đức giả rằng nó không phản ảnh phương cách mới linh ứng cho cộng đoàn các môn đệ của Chúa. Thật là dễ dàng cho người ta tự đặt mình làm trung tâm điểm, sống theo thói quen, bất động, trong khi lắng nghe Lời Chúa. Vâng, con cũng ở trong số những người “nói mà không làm” và Lời của Chúa làm cho con cảm thấy không thoải mái. Việc đi tìm kiếm các dấu hiệu bên ngoài, cho sự tán dương, cho các danh xưng và vinh dự làm quấy đảo tâm tư con và làm suy yếu tình huynh đệ. Xin hãy ban cho những ý định và cách cư xử của con được trong sáng như của Đức Maria, mẹ Người, để xây dựng một cộng đoàn theo thánh ý Chúa và cùng với lòng trắc ẩn như của Chúa cho tất cả mọi người. Amen.