Home / Event / Lectio Divina: Gioan 16:5-11

Lectio Divina: Gioan 16:5-11

Date: Thứ Ba 27 Tháng 5, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Thứ Ba Tuần VI – Mùa Phục Sinh

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,

Nếu chúng con thật sự tin vào Chúa và vào Con Chúa.

Chúng con không thể làm gì khác hơn là làm nhân chứng.                             

Xin sai Chúa Thánh Linh mạnh mẽ đến với chúng con,

Để chúng con không thể đưa ra những chứng cớ hời hợt

Vì đã không dũng cảm đứng lên cho Chúa

Vì tình yêu thương và quyền của người lân cận chúng con

Xin cho chúng con chỉ biết khiếp sợ

điều bất trung cùng Chúa và mọi người

Và không sợ hãi để ra làm chứng cho Chúa.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 16:5-11 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu?  Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.  Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt.  Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy.  Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy.  Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.  

3.  Suy Niệm

–  Ga 16:5-7:  Nỗi u sầu của các môn đệ.  Chúa Giêsu bắt đầu bằng một câu hỏi hoa mỹ cho thấy rõ nỗi u sầu của các môn đệ về việc phải xa lìa Chúa Giêsu:  “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu?”  Rõ ràng là đối với các môn đệ, việc lìa bỏ lối sống cùng với Chúa Giêsu hàm ý chịu đau khổ.  Chúa Giêsu thừa nhận điều này, Người nói:  “Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu” (câu 6).  Thánh Âu-tinh giải thích về cảm xúc bị bỏ rơi của các môn đệ như sau:  “Các ông đã sợ hãi khi nghĩ đến việc mất đi sự hiện diện hữu hình của Đức Kitô… họ đau khổ, buồn bã với tình cảm con người khi nghĩ rằng mắt của họ sẽ không còn được an ủi khi nhìn thấy Chúa nữa”  (Lời bình giải về sách Tin Mừng Gioan, 94:4).  Chúa Giêsu cố gắng xóa tan nỗi buồn này, vì trong thực tế họ sẽ không có sự hiện diện của Người, Chúa tỏ cho các ông việc ra đi của Người.  Chúa nói rằng nếu Người không rời bỏ các ông, thì Đấng Phù Trợ sẽ không thể đến được với họ; nếu Chúa trở về với Chúa Cha, thì Người sẽ có thể sai Đấng Phù Trợ đến với các môn đệ.  Việc ra đi của Chúa và việc rời xa các môn đệ tạo điều kiện cho Đấng Phù Trợ xuất hiện:  “vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con…” (câu 7).    

–  Ga 16:8-11:  Sứ mệnh của Đấng Phù Trợ.  Chúa Giêsu tiếp tục mô tả sứ mệnh của Đấng Phù Trợ.  Từ ngữ “Đấng Phù Trợ” có nghĩa là Đấng Bào chữa, đó là, đấng hỗ trợ, trợ giúp.  Tại đây, Đấng Phù Trợ được giới thiệu như là đấng tố cáo trong quá trình được thực hiện trước mặt Thiên Chúa và trong đó kẻ bị buộc tội là thế gian, kẻ đã tự kết tội mình khi lên án Chúa Giêsu:  “Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt.” (câu 8).  Trong ngôn ngữ Hy Lạp, động từ elègken có nghĩa là Người sẽ làm một cuộc điều tra, Người sẽ đặt câu hỏi, sẽ kiểm tra:  Người sẽ đưa ra ánh sáng về sự thực và sẽ cung cấp bằng chứng về tội lỗi.

Đối tượng của sự chứng minh là tội lỗi:  Người sẽ cung cấp cho thế gian bằng chứng về tội lỗi mà nó đã phạm liên quan đến Chúa Giêsu và sẽ phơi bày nó.  Tội lỗi trong vấn đề ở đây là gì? – đó là việc không tin (Ga 5:44 và các câu tiếp theo; 6:36; 8:21,24,26; 10:31).  Ngoài ra, vì thế gian đã nghĩ rằng Chúa Giêsu là một kẻ tội lỗi (Ga 9:24; 18:30) là một tội không thể tha thứ được (Ga 15:21 và các câu tiếp theo).

Ở ngôi vị thứ hai, Người sẽ “bác bỏ lý lẽ” thế gian “liên quan về công chính”.  Ở mức độ pháp lý, khái niệm về công chính thì gắn bó nhiều hơn với văn bản là việc bao hàm lời tuyên bố có tội hay vô tội trong một phán quyết.  Trong bối cảnh chúng ta, đây là lần duy nhất mà từ ngữ “công chính” xuất hiện trong sách Tin Mừng Gioan.  Ở những nơi khác, thì có chữ “chính đáng”.  Trong câu Gioan 16:8, sự công chính được liên kết với tất cả những gì Chúa Giêsu đã khẳng định về chính Ngài, đó là, lý do mà Người về cùng Chúa Cha.  Một bài giảng như thế liên quan đến sự vinh quang của Người:  Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha.  Các môn đệ sẽ không còn được trông thấy Người nữa.  Chúa sắp sửa phó thác và dìm mình hoàn toàn theo thánh ý của Chúa Cha.  Vinh quang của Chúa Giêsu xác nhận mối quan hệ phụ-tử thiêng liêng của Người và sự phê chuẩn của Chúa Cha về sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã hoàn tất.  Vì thế, Chúa Thánh Linh sẽ trực tiếp thể hiện nền công chính của Chúa Kitô (Ga 14:26; 15:26) bảo vệ các môn đệ và cộng đoàn giáo hội.

Thế gian đã phán xử Chúa Giêsu, lên án Người, Người bị kết tội bởi “thủ lãnh của thế gian này”, bởi vì hắn chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa (Ga 13:2,27).  Chúa Giêsu, khi chết trên Thập Giá, được giương lên cao (13:31) và Người đã chiến thắng Satan.  Bây giờ, Chúa Thánh Linh sẽ làm chứng cho ý nghĩa của cái chết của Chúa Giêsu trùng hợp với sự sụp đổ của Satan (Ga 12:32; 14:30; 16:33).

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Đây là khởi đầu của việc chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa Ba Ngôi.  Quan hệ của tôi với Thiên Chúa Ba Ngôi là gì?

 Bạn có để cho mình được Chúa Thánh Linh hướng dẫn bạn không, Đấng ban cho bạn sự chắc chắn về lỗi lầm của thế gian và giúp bạn trung thành với Chúa Giêsu, và do đó, dẫn đưa bạn vào sự thật về chính mình không?

–  Rất ít người ra đi với ý định phạm tội hoặc làm điều ác, nhưng đúng hơn, họ bị lừa dối hoặc nhầm lẫn.  Bạn sẽ làm gì để phân biệt được ảnh hưởng và lời khuyên đích thực của Chúa Thánh Linh với việc bị đánh lừa?

5.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,

Ngài đã nghe lời miệng con xin.

Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

Hướng về Đền Thánh, con phủ phục tôn thờ.

(Tv 138:1-2)

Check Also

Đây là lý do tại sao Satan ghét Áo Đức Bà

Date: Time: - Tác giả Philip Kosloski – 16/07/2018 Trong số nhiều á bí tích …