Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha nhân từ và hằng hữu,
Cha là nguồn gốc và là Đấng soi đường chỉ lối của chúng con,
Xin Cha ở gần bên chúng con
Và nhậm lời cầu nguyện của tất cả những ai ca tụng tôn vinh Cha.
Xin Cha tha thứ tội lỗi chúng con và phục hồi chúng con sống lại.
Xin Cha gìn giữ chúng con bình an trong tình yêu của Cha.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,
Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Mátthêu 17:1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây, ông Môisen và Êlia hiện ra đàm đạo với Người.
Bấy giờ, ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia.” Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ, Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ.” Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.”
3. Suy Niệm
– Hôm nay là ngày lễ kính Chúa Giêsu Hiển Dung. Việc Biến Hình xảy ra sau lần loan báo đầu tiên về cái chết của Chúa Giêsu (Mt 16:21). Lời loan báo này làm bối rối trí óc các Môn Đệ, đặc biệt là ông Phêrô (Mt 16:22-23). Các ông đang sống giữa những người nghèo khó, nhưng tâm trí thì lại chìm đắm trong ý thức hệ thống trị thời đó. Các ông đang mong đợi một Đấng Thiên Sai vinh quang. Cây thập giá là một trở ngại để tin vào Chúa Giêsu. Việc Biến Hình, lúc Chúa Giêsu hiện ra vinh quang trên đỉnh núi, giúp họ vượt qua đau thương của Thập Giá và khám phá ra Đấng Mêssia đích thực trong Chúa Giêsu. Nhưng ngay cả với điều này, nhiều năm sau đó, khi Tin Mừng đã được lan truyền ở Tiểu Á và ở Hy Lạp, Thập Giá tiếp tục là một trở ngại lớn đối với việc chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia. Người ta đã nói rằng: “Thập giá là sự điên rồ và ô nhục!” (1Cr 1:23). Một trong những nỗ lực lớn nhất của các Kitô hữu tiên khởi là giúp cho người ta nhận thức được rằng thập giá không phải là điều ô nhục, cũng chẳng là sự điên rồ, mà là việc thể hiện đẹp đẽ nhất và mãnh liệt nhất của sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1:22-31). Bài Tin Mừng hôm nay đóng góp vào nỗ lực này. Nó cho thấy rằng Chúa Giêsu đã nhận ra lời tiên tri và rằng Thập Giá là con đường dẫn đến Vinh Quang. Không có đường nào khác.
– Mt 17:1-3: Chúa Giêsu biến hình. Chúa Giêsu đi lên đỉnh núi. Thánh Luca thêm rằng Người đi lên đó để cầu nguyện (Lc 9:28). Ở đó, trên đỉnh núi, Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang, trước mặt các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Cùng với Chúa Giêsu, cũng còn có ông Môisen và tiên tri Êlia. Trên núi cao, gợi lại Núi Sinai, nơi mà ngày xưa, Thiên Chúa đã tỏ lộ ý muốn của mình cho dân chúng, ban cho họ những Tấm Bia Lề Luật. Áo trắng nhắc nhớ lại ông Môisen, người đã tỏa sáng khi ông thưa chuyện cùng Thiên Chúa trên Núi và nhận lãnh Lề Luật từ Thiên Chúa (Xh 34:29-35). Hai ông Êlia và Môisen, hai đấng có thẩm quyền cao nhất của Cựu Ước, đàm đạo cùng với Chúa Giêsu. Ông Môisen đại diện cho Lề Luật, Êlia, đại diện cho ngôn sứ. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng cuộc đàm đạo là về “Cuộc Xuất Hành” (cái chết) của Chúa Giêsu ở Giêrusalem (Lc 9:31). Do đó, rõ ràng rằng Cựu Ước, đó là Lề Luật cũng như những Ngôn Sứ, đã dạy rằng đối với Đấng Mêssia, con đường đi đến Vinh Quang phải đi qua Thập Giá. Không có con đường nào khác.
– Mt 17:4: Ông Phêrô hài lòng, nhưng ông không hiểu. Việc này làm ông Phêrô rất hài lòng và ông muốn giữ lại khoảnh khắc hài lòng đó trên Núi. Ông đề nghị dựng ba lều. Thánh Máccô nói rằng ông Phêrô sợ hãi, và đã không biết mình đang nói gì (Mc 9:6), và Luca thêm rằng các Môn Đệ đang ngủ mê mệt (Lc 9:32). Các ông cũng giống như chúng ta: rất khó để họ hiểu được Thập Giá!
– Mt 17:5-8: Tiếng nói từ Trời làm sáng tỏ sự thật. Khi Chúa Giêsu được bao phủ bởi vinh quang, có tiếng nói từ Trời phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.” Câu nói “Con Yêu Dấu” gợi lại con người của Đấng Thiên Sai Tôi Tớ, đã được Ngôn Sứ Isaia loan báo (xem Is 42:1). Câu nói “các ngươi hãy nghe lời Người” gợi lại lời tiên tri hứa hẹn sự xuất hiện của một Môisen mới (xem Đnl 18:15). Trong Chúa Giêsu, những lời tiên tri trong Cựu Ước đang được ứng nghiệm, các môn đệ không còn nghi ngờ gì nữa. Chúa Giêsu đích thực là Đấng Mêssia vinh quang và con đường đến vinh quang phải đi qua thập giá, căn cứ theo mọi điều được loan báo trong lời tiên tri về Đấng Thiên Sai Tôi Tớ (Is 53:3-9). Sự vinh quang của việc Hiển Dung chứng minh điều này. Các ông Môisen và Êlia xác nhận điều đó. Chúa Cha bảo đảm điều ấy. Chúa Giêsu chấp nhận nó. Trước khi mọi việc xảy ra, các Môn Đệ hết sức sợ hãi và ngã sấp xuống. Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ.” Các Môn Đệ ngước mắt lên và chỉ thấy một mình Chúa Giêsu, không có ai khác. Từ bấy giờ, Đức Giêsu là sự mặc khải duy nhất của Thiên Chúa cho chúng ta! Chỉ có Chúa Giêsu, và chỉ có Người, là chìa khóa để có thể hiểu được Kinh Thánh và Sự Sống.
– Mt 17:9: Biết cách giữ im lặng. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ không nói cho ai biết về thị kiến cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết. Máccô nói rằng các ông đã không biết sống lại từ cõi chết nghĩa là gì (Mc 9:10). Trong thực tế, người mà không chung phần đau khổ vào sự sống lại thì sẽ không hiểu được tầm quan trọng của Thập Giá. Cây Thập Giá của Chúa Giêsu là bằng chứng cho thấy sự sống thì mạnh mẽ hơn cái chết. Sự hiểu biết đầy đủ về những điều sau đây của Chúa Giêsu không thể có được bằng sự giảng dạy lý thuyết xuông, mà bằng sự dấn thân thực tế, đi cùng với Ngài trên con đường phục vụ, từ miền Galilêa cho đến Giêrusalem.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Đức tin của bạn vào Chúa Giêsu có đã cho bạn một vài thời khắc của sự biến hình và của niềm vui sâu xa không? Những thời khắc của niềm vui này đã cho bạn sức mạnh trong lúc gian nan khó khăn như thế nào?
– Ngày nay, bạn có thể biến đổi cuộc sống cá nhân lẫn cuộc sống gia đình của bạn, và cuộc sống cộng đoàn của nơi bạn ở như thế nào?
5. Lời nguyện kết
Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
Vị Chúa Tể toàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
Hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
(Tv 97:5-6)