Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,
Chính Chúa nhắc nhở chúng con qua các thánh của Chúa
Rằng tất cả những việc giữ đạo của chúng con,
Ngay cả hy lễ Thánh Thể này,
Sẽ chẳng có giá trị gì
Nếu chúng con dùng chúng để uốn nắn Chúa theo cách của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có thể đến với Chúa
Trong khiêm nhường và ăn năn,
Sẵn sàng để gặp gỡ Chúa trong tình yêu thương
Và quay về đường lối của Chúa.
Xin Chúa hãy chấp nhận chúng con như là con cái Chúa
Cùng với Đức Giêsu Kitô,
Con Chúa và là Chúa chúng con đến muôn đời.
2. Phúc Âm – Luca 18:9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Biệt Phái, một người thu thuế.
Người Biệt Phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi.’
Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.’
Ta bảo các người: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.”
3. Suy Niệm
– Trong bài Tin Mừng hôm nay, để dạy chúng ta cách cầu nguyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người Biệt Phái và người thu thuế. Chúa Giêsu có một cách nhìn khác khi trông thấy các sự việc. Người nhìn thấy điều gì đó tích cực trong người thu thuế, kẻ mà mọi người nói rằng: “Hắn ta không biết cách cầu nguyện!” Chúa Giêsu, qua lời cầu nguyện, đã sống rất hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi mà tất cả mọi thứ đã trở thành biểu hiện sự cầu nguyện của Người.
– Cách trình bày dụ ngôn thì mang phong cách rất giáo huấn. Thánh Luca đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn được dùng như là chìa khóa cho bài đọc. Sau đó, Chúa Giêsu nói dụ ngôn và cuối cùng chính Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn vào cuộc sống.
– Lc 18:9: Lời giới thiệu. Câu chuyện dụ ngôn được trình bày bởi câu sau đây: “Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác!” Câu nói này là của thánh Luca. Nó chỉ về thời đại của Chúa Giêsu. Nhưng nó cũng chỉ về thời đại của chúng ta. Luôn có những người và những nhóm người tự hào mình là người công chính và ngoan đạo và hay khinh bỉ kẻ khác, coi họ là những kẻ kém hiểu biết và bất trung.
– Lc 18:10-13: Câu chuyện dụ ngôn. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt Phái, một người thu thuế. Theo quan niệm người ta vào thời bấy giờ, người thu thuế thì bị khinh khi, và họ không thể nào tự mình thưa chuyện với Thiên Chúa bởi vì họ là những kẻ ô uế. Trong câu chuyện dụ ngôn, Người Biệt Phái cảm tạ Chúa vì ông ta tốt lành hơn những kẻ khác. Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là một lời tự khen ngợi mình, lời đề cao các phẩm hạnh của mình và khinh miệt đối với kẻ khác và đối với người thu thuế. Người thu thuế thậm chí không dám ngước mắt lên, nhưng ông ta đấm ngực và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” Ông ta tự đặt vào vị trí của mình, là vị trí của ông ta đứng trước mặt Thiên Chúa.
– Lc 18:14: Sự ứng dụng. Nếu Chúa Giêsu để cho người ta bày tỏ ý kiến của mình và nói ai trong hai người ấy ra về được nên công chính, thì tất cả mọi người sẽ nói rằng: “người Biệt Phái!” Bởi vì vào thời ấy, đây là ý kiến chung. Chúa Giêsu thì lại nghĩ theo cách khác. Đối với Chúa, kẻ ra về được nên công chính, nghĩa là trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, không phải là người Biệt Phái, mà lại là người thu thuế. Chúa Giêsu làm đảo lộn mọi thứ. Điều chắc chắn rằng các giới chức tôn giáo của thời ấy đã không hài lòng với sự ứng dụng mà Chúa đã cấu tạo trong dụ ngôn.
– Chúa Giêsu cầu nguyện. Thánh Luca cho chúng ta biết một cách đặc biệt, về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ông cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ. Sau đây là danh sách văn bản của sách Tin Mừng Luca, trong đó Chúa Giêsu xuất hiện trong lời cầu nguyện: Lc 2:46-50; 3:21; 4:1-12; 4:16; 5:16; 6:12; 9:16,18,28; 10:21; 11:1; 22:32; 22:7-14; 22:40-46; 23:34; 23:46; 24:30). Khi đọc sách Tin Mừng Luca, bạn có thể tìm thấy các lời khác nói về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sống trong liên kết với Chúa Cha. Thi hành ý muốn của Chúa Cha là hơi thở của cuộc đời của Chúa Giêsu (Ga 5:19). Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và, được nhấn mạnh để cho dân chúng và các môn đệ của Người sẽ làm như vậy, bởi vì từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa phát sinh ra chân lý và người ta có thể khám phá và tìm được chính mình, trong mọi thực tế và lòng khiêm tốn. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mật thiết gắn bó với sự kiện cụ thể của đời sống và với các quyết định mà Người phải làm. Để trung thành với chương trình của Chúa Cha, Người đã tìm cách gặp gỡ riêng với Ngài để lắng nghe lời Ngài. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh. Người đã làm như bất kỳ người Do Thái sùng đạo khác và Người thuộc lòng chúng. Thậm chí Chúa Giêsu đã thành công trong việc sáng tác bài Thánh Vịnh của riêng mình. Đó là Kinh Lạy Cha. Cả cuộc đời của Chúa là lời cầu nguyện thường trực: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm!” (Ga 5:19, 30). Đối với Người có thể ứng dụng với những gì Thánh Vịnh đã nói: “Phần con, con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109:4).
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Đối chiếu vào tấm gương của bài dụ ngôn này, tôi giống như người Biệt Phái hay như người thu thuế?
– Có những người nói rằng họ không biết làm thế nào để cầu nguyện, nhưng lúc nào họ cũng nói chuyện với Thiên Chúa. Bạn có biết ai như thế này không?
5. Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy
(Tv 51:1-2)