Home / Event / Lectio Divina: Máccô 4:1-20

Lectio Divina: Máccô 4:1-20

Date: Thứ Tư 29 Tháng Một, 2025
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa toàn năng và hằng sống,

Xin Chúa chiếu rọi tình yêu của Ngài trong chúng con,

Để những nỗ lực của chúng con khi nhân danh Con của Chúa

Có thể đem đến cho nhân loại sự hiệp nhất và hòa bình.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,

Đấng hằng sống và hằng trị với Chúa và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Bài Đọc Tin Mừng – Máccô 4:1-20 

Đức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ.  Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.  Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều.  Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:  “Các người nghe đây!  Người gieo giống đi ra gieo giống.  Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.  Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên chết khô.  Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.  Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả:  hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.”  Rồi Người nói:  “Ai có tai nghe thì nghe!”

Khi còn một mình Đức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn.  Người nói với các ông:  “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”

Người còn nói với các ông:  “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?  Người gieo giống đây là người gieo lời.  Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.

Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.

Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt:  đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”

3.  Suy Niệm

   Ngồi trên thuyền, Chúa Giêsu giảng dạy đám đông.  Trong những câu Tin Mừng này, tác giả Máccô mô tả cách mà Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông:  ven biển hồ, ngồi trên thuyền, đám đông tụ họp chung quanh Ngài.  Chúa Giêsu không phải là dân trí thức (Ga 7:15).  Người đã không thường lui tới tại Học Viện Ưu Tú của Giêrusalem.  Ngài xuất thân từ xứ đàng trong, từ miền thôn quê, từ làng Nagiarét.  Người là một kẻ vô danh tiểu tốt, một phần, vì Người là một bác thợ mộc, phần khác vì Người là dân quê.  Không xin phép những kẻ có thẩm quyền, Người đã bắt đầu giảng dạy đám đông.  Lối giảng dạy của Người rất khác lạ.  Dân chúng thích nghe Người nói.

  Bằng những dụ ngôn, Chúa Giêsu đã giúp cho mọi người nhận thức được sự hiện diện bí ẩn của Nước Trời trong những sự việc của cuộc sống.  Dụ ngôn là một sự so sánh.  Người dùng những điều đã biết và hiển nhiên để giải thích những điều vô hình và chưa ai biết về Nước Thiên Chúa.  Ví dụ, dân miền Galilêa đã hiểu khi Người nói về hạt giống, đất, mưa, mặt trời, muối, hoa, cá, mùa màng, v.v…  Và Chúa Giêsu dùng chính những điều này trong dụ ngôn của Ngài, những điều mà dân chúng đều biết, để giải nghĩa mầu nhiệm Nước Trời.

  Bài dụ ngôn người gieo giống là hình ảnh đời sống của người nông dân.  Vào thời ấy, sinh sống bằng nghề nông thì không phải là việc dễ dàng.  Đất đai thì đầy sỏi đá.  Nhiều gai góc; ít mưa, nhiều nắng.  Thêm vào đó, người ta còn thường đi ngang qua cánh đồng lúa và dẵm lên lúa (Mc 2:23).  Nhưng mặc dù vậy, hằng năm, nông dân vẫn gieo và trồng lúa, tin tưởng vào sự nẩy mầm của hạt giống, vào sự giúp đỡ của thiên nhiên.

  Ai có tai nghe, thì hãy nghe!  Đức Giêsu bắt đầu bài dụ ngôn rằng:  “Các người nghe đây!” (Mc 4:3).  Bây giờ, lời cuối, Người nói rằng:  “Ai có tai nghe, thì hãy nghe!”  Phương cách để hiểu được bài dụ ngôn là nghiên cứu, tìm hiểu, “Cố gắng hiểu!”  Bài dụ ngôn không cho chúng ta mọi thứ sẵn sàng, nhưng nó làm cho người ta lắng nghe suy nghĩ và khám phá, dựa trên kinh nghiệm sống mà họ có về hạt giống.  Nó đem lại sự sáng tạo và thông phần.  Nó không phải là một học thuyết được đưa ra sẵn sàng để được giảng dạy và trang trí.  Bài dụ ngôn không ban phát nước đóng chai, mà dẫn người ta đến nguồn suối hoặc giếng nước.  Người nông dân mà lắng nghe, sẽ nói rằng: Hạt giống trong đất, tôi biết đó là gì!”  Nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng điều này có liên quan đến Nước Thiên Chúa.  Điều này có nghĩa là gì?  Và người ta có thể đoán được những lời bàn tán của đám đông.  Bài dụ ngôn ảnh hưởng đến dân chúng, làm xúc động và thúc đẩy họ lắng nghe thiên nhiên và suy nghĩ về đời sống.

  Chúa Giêsu giải thích bài dụ ngôn cho các môn đệ.  Tại nhà, khi còn một mình với Chúa Giêsu, các môn đệ muốn biết ý nghĩa của bài dụ ngôn.  Các ông không hiểu.  Chúa Giêsu ngạc nhiên trước sự kém hiểu biết của các ông (Mc 4:13) và trả lời với một câu nói khó hiểu và bí hiểm.  Người nói với các môn đệ của mình:  “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ!”   Câu nói này khiến người ta tự hỏi.  Thế vậy, dùng dụ ngôn thì được ích lợi gì?  Để làm sáng tỏ hay để úp mở?  Có lẽ Chúa Giêsu dung dụ ngôn để cho người ta có thế tiếp tục sống trong sự kém hiểu biết và không đưa đến việc trở lại?  Chắc chắn là không!  Bởi vì tại một lúc khác, thánh Máccô nói rằng Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn “tùy theo mức độ mà họ có thể hiểu được” (Mc 4:33).

  Bài dụ ngôn mặc khải và đồng thời cũng ẩn chứa!  Nó mặc khải cho “những người ở trong”, những người đón nhận Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, Vua vinh quang.  Họ hiểu được những hình ảnh của bài dụ ngôn, nhưng họ không thành công trong việc nắm bắt được ý nghĩa.

  Lời giải thích về dụ ngôn trong các phần khác nhau của nó.  Lần lượt, Chúa Giêsu giải thích từng phần của bài dụ ngôn, hạt giống, đất cho đến thời điểm gặt hái.  Một số học giả cho rằng lời giải thích này đã được thêm vào sau đó, và có lẽ đã được thêm vào bởi một số cộng đoàn.  Điều này có thể lắm!  Bởi vì trong lộc chồi của bài dụ ngôn đã có sẵn nụ hoa giải thích.  Chồi và hoa, cả hai đều có cùng nguồn gốc đó là Đức Giêsu.  Vì lý do này, chúng ta cũng có thể tiếp tục phản ánh và khám phá những điều tốt đẹp khác trong dụ ngôn.  Có một lần, một người kia hỏi trong cộng đoàn:   “Chúa Giêsu đã nói rằng chúng ta phải là muối.  Muối dùng vào mục đích gì?”  Điều này đã được thảo luận và cuối cùng đã tìm ra được hơn mười mục đích khác nhau mà muối có thể được dùng!  Sau đó, những ý nghĩa này đã được áp dụng vào đời sống của cộng đoàn và người ta đã khám phá ra rằng để làm muối thì thực là khó khăn và nhiều đòi hỏi.  Bài dụ ngôn đã làm tròn công việc của nó!  Cũng như đối với hạt giống.  Ai ai cũng đều có ít nhiều kinh nghiệm về hạt giống.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Bạn đã có những kinh nghiệm gì với hạt giống?  Những kinh nghiệm này đã giúp bạn hiểu rõ hơn bài Tin Mừng ra sao?

 Bạn là loại đất nào?

5.  Lời nguyện kết

Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,

Không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.

(Tv 34:6)

 

Check Also

Thắp nến cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời

Date: Time: - THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN Cầu nguyện cho người …