Thứ Ba Tuần I Mùa Chay
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa,
Chúa phán lời oai hùng của Chúa với chúng con,
Nhưng chúng con không thể nghe được
Trừ phi lời ấy khuấy động đời sống chúng con
Và được nói bằng ngôn ngữ loài người.
Lạy Chúa, xin Người hãy tiếp tục nói Lời của Chúa với chúng con,
Và xin mở lòng chúng con ra với Lời ấy,
Để cho nó có thể đơm bông kết trái trong chúng con
Khi chúng con làm theo thánh ý Chúa
Và thực hiện những điều chúng con được sai đi để làm.
Chúng con cầu xin điều này nhờ Ngôi Lời Hằng Sống của Chúa,
Là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Mátthêu 6:7-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các ngươi đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các ngươi biết rõ điều các ngươi cần, ngay cả trước khi các ngươi xin.
Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen. Vì nếu các ngươi có tha thứ cho người ta những lỗi lầm của họ, thì Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các ngươi. Nếu các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các ngươi.”
3. Suy Niệm
– Có hai phiên bản của Kinh Lạy Cha: Trong sách Tin Mừng Luca (Lc 11:1-4) và Tin Mừng Mátthêu (Mt 6:7-13). Trong Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha thì ngắn hơn. Thánh Luca viết cho các cộng đoàn đến từ Dân Ngoại. Trong Tin Mừng Mátthêu, Kinh Lạy Cha được tìm thấy trong Bài Giảng Trên Núi, trong phần mà Chúa Giêsu giới thiệu cho các môn đệ trong việc thực hành ba việc lành phúc đức: bố thí (Mt 6:1-4), cầu nguyện (Mt 6:5-15), và ăn chay (Mt 6:16-18). Kinh Lạy Cha tạo nên một phần của nền giáo huấn cho những người Do Thái cải đạo. Họ đã quen thuộc với việc cầu nguyện, nhưng đã có một số thiếu sót mà thánh Mátthêu cố gắng cải sửa.
– Mt 6:7-8: Các lỗi lầm sẽ được sửa chữa. Chúa Giêsu chỉ trích những người mà đối với họ cầu nguyện là một việc lặp lại của hình thức ma thuật, của các lời lẽ cứng rắn, được nói với Thiên Chúa để buộc Người phải cung ứng cho nhu cầu của chúng ta. Việc Thiên Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta không tùy thuộc vào những lời lặp đi lặp lại, mà tùy thuộc vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, tùy thuộc vào Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu và đầy Lòng Thương Xót. Người muốn lòng thành của chúng ta và Người biết rõ các nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện với Người.
– Mt 6:9a: Những ngôn từ đầu tiên: “Lạy Cha” (Abba, Cha ơi), là tên mà Chúa Giêsu đã dùng để nói với Thiên Chúa. Nó mặc khải mối quan hệ mới với Thiên Chúa phải là đặc trưng cho đời sống cộng đoàn (Gl 4:6; Rm 8:15). Chúng ta nói “Lạy Cha chúng con” mà không là “Lạy Cha của con”. Tĩnh từ “chúng con” nhấn mạnh vào ý thức hay việc hiểu biết rằng tất cả chúng ta thuộc về đại gia đình nhân loại của mọi chủng tộc và tín ngưỡng. Cầu nguyện với Chúa Cha là bước vào sự mật thiết với Người, nó cũng có nghĩa là phải cảm thông với tiếng kêu cầu của tất cả các anh chị em đang cầu xin cho lương thực hằng ngày của họ. Nó có nghĩa là đi tìm kiếm chỗ trọng nhất trong Vương Quốc Thiên Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa là Cha của chúng ta là nền tảng cho tình huynh đệ trên thế giới.
– Mt 6:9b-10: Ba điều cầu nguyện vì Thiên Chúa: Danh Thiên Chúa, Nước Trời, Ý Thiên Chúa. Trong phần đầu, chúng ta cầu xin rằng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được tái lập. Thánh hóa Danh Thiên Chúa: Danh xưng Đức GIAVÊ có nghĩa là Ta sẽ ở với các ngươi! Chúa biết. Trong DANH XƯNG này của Thiên Chúa, Người mặc khải chính mình (Xh 3:13-15). Danh xưng của Thiên Chúa được thánh hóa khi nó được xử dụng với đức tin và không phải với sự mê tín; khi nó được xử dụng theo mục đích thật sự của nó, có nghĩa là không phải vì bị đàn áp mà là vì sự tự do của loài người và vì xây dựng Nước Trời. Nước Cha trị đến: Thiên Chúa duy nhất là Chúa và là Vua của đời sống (Is 45:21; 46:9). Nước Trời trị đến là sự viên mãn của tất cả mọi niềm hy vọng và lời hẹn ước. Đó là đời sống sung mãn, khắc phục được nỗi thất vọng phải chịu đựng với vua chúa và chính quyền thế gian. Nước Trời này sẽ đến khi Thánh Ý của Thiên Chúa được hoàn thành mỹ mãn. Làm theo Ý Thiên Chúa: Ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Lề Luật của Ngài. Ý muốn của Thiên Chúa sẽ được thực hiện dưới đất cũng như trên Trời. Trên Trời, mặt trời và tinh tú tuân theo quy luật quỹ đạo của chúng và tạo ra quy luật vũ trụ (Is 48:12-13). Việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa sẽ là nguồn gốc của sự trật tự và hạnh phúc cho đời sống nhân loại.
– Mt 6:11-13: Bốn điều cầu khẩn vì anh em: Lương Thực, sự Tha Thứ, Vinh Quang, sự Tự Do. Trong phần thứ hai của Kinh Lạy Cha, chúng ta xin rằng mối quan hệ giữa loài người có thể được phục hồi. Bốn lời cầu xin cho thấy sự cần thiết cải đổi hoặc thay đổi cấu trúc của cộng đoàn lẫn của xã hội như thế nào để tất cả con cái Thiên Chúa có thể có cùng một phẩm giá. Lương thực hằng ngày. Trong cuộc Xuất Hành khỏi đất Ai Cập, người ta nhận được bánh manna trong sa mạc mỗi ngày (Xh 16:35). Sự Quan Phòng của Thiên Chúa được chuyển qua các đoàn thể anh em, việc san sẻ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống cuộc sống Xuất Hành mới, một cách sống chung mới trong tình huynh đệ bảo đảm sẽ có lương thực hằng ngày cho mọi người (Mt 6:34-44; Ga 6:48-51). Tha nợ chúng con: Mỗi 50 năm là Năm Thánh buộc người ta phải xóa nợ của họ. Đó là một sự khởi đầu mới (Lv 25:8-25). Chúa Giêsu loan báo một Năm Thánh mới, “một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:19). Tin Mừng muốn mọi thứ bắt đầu mới lại! Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, xin đừng để cho chúng con bị thử thách: Trong thời kỳ Xuất Hành, người ta đã bị cám dỗ và đã sa cám dỗ (Đnl 9:6-12). Dân chúng đã phàn nàn và muốn quay trở lại (Xh 16:3; 17:3). Trong cuộc Xuất Hành mới, mọi cám dỗ sẽ được khắc phục bởi sức mạnh người ta nhận được từ Thiên Chúa (1Co 10:12-13). Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ: Sự dữ là Satan, là kẻ đã rời xa khỏi Thiên Chúa và là nguyên do của tội lỗi. Hắn ta đã thành công trong việc thâm nhập vào người ông Phêrô (Mt 16:23) và cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu đã vượt thắng hắn (Mt 4:1-11). Người nói với chúng ta: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
– Mt 6:14-15: Bất cứ ai không tha thứ thì sẽ không được tha thứ. Khi cầu nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta nói lên câu mà sẽ tha thứ cho chúng ta hay là sẽ kết án chúng ta. Chúng ta nói: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Chúng ta dâng lên Thiên Chúa đo lường của sự tha thứ mà chúng ta muốn. Nếu chúng ta tha thứ rất nhiều, thì Người sẽ tha thứ cho chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta tha thứ ít, thì Người sẽ tha thứ cho chúng ta ít. Nếu chúng ta không tha thứ, thì Người sẽ không tha thứ cho chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Chúa Giêsu cầu nguyện rằng “xin tha nợ chúng con”. Ở một số quốc gia, câu này được phiên dịch là “xin tha thứ cho các việc phiền lòng do chúng con đã phạm”. Điều nào thì dễ dàng tha thứ hơn, các việc làm phiền lòng hay là các món nợ?
– Các quốc gia Kitô giáo của Bắc Bán Cầu (Âu Châu và Hoa Kỳ) cầu nguyện hằng ngày: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con!” Nhưng họ không xóa các khoản nợ cho các nước nghèo khó thuộc thế giới thứ ba. Chúng ta có thể giải thích mâu thuẫn lớn lao này, nguồn gốc sự túng nghèo của hàng triệu người, như thế nào đây?
5. Lời nguyện kết
Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
Ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
Giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
(Tv 34:3-4)