Home / Event / Lectio Divina: Thánh Giacôbê Tông Đồ

Lectio Divina: Thánh Giacôbê Tông Đồ

Date: Thứ Năm 25 Tháng Bảy, 2024
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên                                              

 

1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, xin thương xót con cái Chúa đây.

Xin hãy đổ đầy chúng con với ân sủng của Chúa

Và làm cho chúng con luôn sẵn sàng phục vụ Chúa

Trong đức tin, hy vọng và tình yêu thương.

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị cùng với Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2. Phúc Âm –Mátthêu 20:20-28

Bấy giờ, bà mẹ của các con ông Giêbêđê đền gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.  Người hỏi bà:  “Bà muốn gì?”  Bà thưa:  “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”

Chúa Giêsu bảo:  “Các ngươi không biết các ngươi xin gì!  Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Họ đáp:  “Thưa uống nổi.”  Đức Giêsu bảo:  “Chén của Thầy, các ngươi sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.  Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói:  “Anh em biết:  thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.  Giữa anh em thì không được như vậy.  Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.   Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.  Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

3. Suy Niệm

  Chúa Giêsu và các Môn Đệ đang trên đường đi đến Giêrusalem (Mt 20:17).  Chúa Giêsu biết rằng Người sẽ bị giết (Mt 20:8).  Tiên tri Isaia đã loan báo điều này (Is 50:4-6; 53:1-10).  Cái chết của Chúa sẽ không thể là kết quả của một số phận không lối thoát hay là của một kế hoạch đã được vạch sẵn, mà nó sẽ là kết quả của việc tự hiến thân của lòng trung thành với sứ vụ mà Người nhận lãnh từ Chúa Cha cho những người cùng khốn của thế gian.  Chúa Giêsu đã nói rằng ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo (Mt 16:21, 24).  Nhưng các môn đệ đã không hiểu thấu những gì đang xảy ra (Mt 16:22-23; 17:23).  Chịu đau khổ và cây thập giá thì không phù hợp với ý tưởng mà các ông có về Đấng Thiên Sai.

 Mt 20:20-21:  Lời cầu xin của bà mẹ của các con ông Giêbêđê.  Các môn đệ không những không hiểu mà các ông còn tiếp tục chỉ nghĩ đến tham vọng riêng của mình.  Bà mẹ của các con ông Giêbêđê, phát ngôn viên của các con bà, là Gioan và Giacôbê, đến gần Chúa Giêsu và thỉnh cầu:  “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy.”

Họ đã không hiểu được lời đề nghị của Chúa Giêsu.  Họ chỉ quan tâm đến lợi ích cho riêng mình.  Điều này rõ ràng cho thấy có những mối căng thẳng trong cộng đoàn, vào thời Chúa Giêsu cũng như vào thời thánh Mátthêu, như chúng ta cũng thấy nó trong chính cộng đoàn chúng ta.

  Mt 20:22-23:  Phản ứng của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu phản ứng một cách kiên quyết.  Người nói với hai người con, mà không nói với người mẹ:  “Các ngươi không biết các ngươi xin gì!  Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Đây là câu hỏi về chén đau khổ.  Chúa Giêsu muốn biết các ông, thay vì vị trí danh dự, có sẽ chấp nhận dâng hiến cuộc đời mình cho đến chết không.  Cả hai đồng thanh đáp lại:  “Thưa uống nổi.”   Đây là câu trả lời chân thành và Chúa Giêsu xác định điều ấy:  “Chén của Thầy, các ngươi sẽ uống.”  Đồng thời, dường như đó là một câu trả lời vội vàng, bởi vì chỉ ít ngày sau đó, các ông đã bỏ rơi Chúa Giêsu và để Người trơ trọi một mình trong giờ khắc đau khổ (Mt 26:51).  Các ông không có một lương tâm phê phán mạnh mẽ, và thậm chí các ông cũng không ý thức được thực tế riêng của mình.  Và Chúa Giêsu đã nói tiếp:  “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”  Điều mà Chúa Giêsu có thể ban cho là chén đau khổ của thập giá.

 Mt 20:24-27:  “Giữa anh em thì không được như vậy.”  “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.”  Lời gửi gấm hai người con của bà mẹ, gây ra cuộc tranh cãi gay gắt trong nhóm.  Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và nói với các ông về việc thực thi quyền lực:  “Anh em biết:  thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.  Giữa anh em thì không được như vậy.  Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.”  Vào thời bấy giờ, những kẻ nắm giữ quyền hành đã không ngó ngàng gì đến dân chúng.  Họ đã hành động theo lợi ích riêng của họ (xem Mc 14:3-12).  Đế chế La Mã cai trị thế giới với vũ lực và, theo cách này, thông qua các loại thuế má, thuế nhập cảng, v.v.  đã thành công để tập trung tài sản qua việc đàn áp và lạm dụng quyền lực.  Chúa Giêsu đã có một phản ứng khác.  Người giảng dạy ngược lại với đặc quyền và lòng cạnh tranh.  Người phá bỏ định chế và nhấn mạnh vào thái độ phục vụ là phương thuốc đối chọi lại với tham vọng cá nhân.  Cộng đoàn phải chuẩn bị cho một sự thay đổi.  Khi đế chế La Mã tan rã, nạn nhân của những mâu thuẫn nội bộ của nó, các cộng đoàn nên chuẩn bị sẵn sàng để trao cho người dân một mẫu mực chọn lựa của đời sống chung xã hội.

  Mt 20:28:  Bản tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu xác định cuộc sống và sứ vụ của mình:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”  Trong lời tự khẳng định này của Chúa Giêsu được bao hàm ba danh hiệu xác định Chúa và cũng để dành cho các Kitô hữu đầu tiên khởi đầu cho nền Kitô học:  Con Người, người Tôi Tớ của Đức Chúa và người anh cả (người thân hoặc tiên tri Giôen).  Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng Tôi Tớ, được công bố bởi tiên tri Isaia (xem Is 42:1-9; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12).  Chúa đã học được từ mẹ mình, Đấng đã nói:  “Này, đây là tôi tớ Chúa!” (Lc 1:38).  Đây là một đề nghị hoàn toàn mới mẻ cho xã hội thời đó.

4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

  Các ông Giacôbê và Gioan cầu xin ân huệ.  Chúa Giêsu hứa hẹn đau khổ.  Và tôi, tôi đi tìm kiếm gì trong mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa và tôi cầu xin gì trong lúc cầu nguyện?  Tôi chấp nhận đau khổ đến với cuộc đời tôi và những điều trái ngược với những gì tôi cầu xin khẩn nguyện như thế nào?

–  Chúa Giêsu nói rằng:  “Giữa anh em thì không được như vậy!”  Cách sống của chúng ta trong Giáo Hội và trong cộng đoàn có đi đúng với lời khuyên này của Chúa Giêsu không?

5. Lời nguyện kết

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

“Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay!”

Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

(Tv 126:2-3)

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …