Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa,
Chúa là Đấng phò trợ và hướng dẫn chúng con,
Xin hãy làm cho tình yêu của Chúa là nền tảng của đời sống chúng con.
Nguyện xin cho tình yêu của chúng con đối với Chúa được thể hiện
qua việc chúng con sẵn lòng làm điều tốt lành cho tha nhân.
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Luca 10:1-9
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.
“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.
3. Suy Niệm
– Hôm nay, lễ kính Phúc Âm Thánh Sử Luca, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta việc sai đi của Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ, những người đi loan báo Tin Mừng của Chúa trong các làng mạc và phố thị của miền Galilêa. Chúng ta là Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ, những người đến sau Nhóm Mười Hai. Thông qua sứ vụ của các môn đệ, Chúa Giêsu tìm cách khôi phục lại các giá trị cộng đoàn về truyền thống của những người cảm thấy bị nghiển nát dưới ách nô lệ gấp đôi bởi đế quốc La-Mã và bởi các giới chức Tôn Giáo. Chúa Giêsu cố gắng đổi mới và tổ chức lại các cộng đoàn theo cách mà các cộng đoàn phải là sự biểu thị của Giao Ước, một ví dụ về Vương Quốc Nước Trời. Đây là lý do mà Chúa nhấn mạnh đến lòng hiếu khách, sự chia sẻ, hiệp thông, đón nhận những kẻ bị gạt ra ngoài. Điều nhấn mạnh này của Chúa Giêsu được tìm thấy trong lời khuyên bảo mà Chúa đã ban cho các môn đệ khi Người sai các ông ra đi làm sứ vụ. Vào thời Chúa Giêsu, đã có những những phong trào khác, giống như Chúa Giêsu, đang tìm kiếm một phương cách mới để sống và sống chung với nhau, ví dụ ông Gioan Tẩy Giả, người Biệt Phái và những người khác. Họ cũng đã thành lập các cộng đoàn môn đệ (Ga 1:35; Lc 11:1; Cv 19:3) và họ đã có các sứ vụ của mình (Mt 23:15). Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy rằng có sự khác biệt rất lớn.
– Lc 10:1-3: Sứ vụ. Chúa Giêsu sai các môn đệ đến những nơi mà Người sẽ tới. Người môn đệ là phát ngôn nhân của Chúa Giêsu. Ông ta không phải là sở hữu chủ của Tin Mừng. Chúa sai các ông đi từng hai người một. Điều đó giúp cho sự hỗ trợ lẫn nhau, bởi vì sứ vụ không phải là cho cá nhân, mà đúng hơn đó là một sứ vụ cho cộng đoàn.
– Lc 10:2-3: Đồng chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ đầu tiên là cầu nguyện để Thiên Chúa sai thợ đi. Tất cả các môn đệ phải cảm thấy rằng họ có trách nhiệm với sứ vụ. Đây là lý do mà chúng ta nên cầu nguyện cùng với Chúa Cha cho sự liên tục của sứ vụ. Chúa Giêsu sai các môn đệ của Người ra đi như chiên con ở giữa bầy sói rừng. Sứ vụ là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm; bởi vì xã hội mà trong đó các môn đệ đã sống và chúng ta đang sống đã và đang tiếp tục đối nghịch với việc tái tổ chức các cộng đoàn sống động.
– Lc 10:4-6: Lòng hiếu khách. Trái với các nhà truyền giáo khác, môn đệ của Chúa Giêsu không được mang theo bên mình bất cứ thứ gì, không bao bị, không giày dép; mà họ chỉ nên mang theo sự bình an. Điều này có nghĩa là các ông phải tin vào lòng hiếu khách của người ta; vì người môn đệ là kẻ ra đi không mang theo bất cứ vật gì, chỉ mang theo sự bình an, cho thấy rằng người đó tin tưởng vào dân chúng. Người môn đệ nghĩ rằng mình sẽ được chào đón, và người dân thì sẽ cảm thấy được tôn trọng và được thừa nhận. Bằng cách thực hành này, người môn đệ chỉ trích luật loại trừ và phục hồi các giá trị cổ xưa của cuộc sống trong một cộng đoàn. Đừng chào hỏi ai dọc đường có nghĩa là không nên lãng phí thì giờ cho những việc không thuộc về sứ vụ.
– Lc 10:7: Chia sẻ. Các môn đệ không nên đi từ nhà này sang nhà khác, mà họ nên ở lại một nơi. Có nghĩa là họ phải sống chung với những người khác một cách ổn định, tham gia vào cuộc sống và công việc của người dân, sống và ăn những thứ họ nhận được, bởi vì thợ thì đáng được trả công. Điều này có nghĩa là họ nên tin vào sự chia sẻ. Như vậy, bằng cách thực hành mới này, họ khôi phục lại truyền thống cổ xưa của dân gian, chỉ trích nền văn hóa vơ vét được đặc trưng cho hệ thống chính trị của Đế chế La Mã và họ đã công bố một mẫu mực mới cho việc sống chung.
– Lc 10:8: Sự chia sẻ bên bàn ăn. Khi người Biệt Phái đi rao giảng, họ chuẩn bị sẵn sàng. Họ cho rằng không thể tin vào thức ăn người ta dọn cho họ vì những thức ấy không phải lúc nào cũng được “tinh khiết”. Vì điều này, họ mang theo bên mình một bao bị và túi tiền để có thể mua thức ăn riêng cho bản thân. Như vậy, thay vì giúp để vượt qua những chia rẽ, việc tuân giữ Lề Luật thanh sạch đã làm suy yếu thêm những giá trị của đời sống cộng đoàn. Các môn đệ của Chúa Giêsu nên ăn bất cứ thức gì người ta dọn cho họ. Các ông không được sống tách biệt, ăn thức ăn riêng của mình. Điều này có nghĩa là các ông phải chấp nhận việc chia sẻ bên bàn ăn. Trong việc tiếp xúc với dân chúng, các ông không nên sợ sẽ không giữ được luật tinh khiết. Hành động theo cách đó, các ông bình phẩm luật lệ hiện hành, và các ông loan báo một lối vào mới cho sự tinh khiết, đó là sống thân mật với Thiên Chúa.
– Lc 10:9a: Đón nhận kẻ bị hắt hủi. Các môn đệ phải chăm sóc các người bệnh, chữa sạch người phong cùi và khử trừ ma quỷ (Mt 10:8). Điều đó có nghĩa là các ông phải chấp nhận những kẻ bị loại trừ vào trong cộng đoàn. Điều thực hành việc đoàn kết này đã chỉ trích xã hội sống loại trừ và chỉ ra phương cách cụ thể cho việc này. Đây cũng là công việc mục vụ dành cho những người bị hắt hủi, khách ngoại kiều và những kẻ bị thiệt thòi ngày nay.
– Lc 10:9b: Nước Trời sắp đến. Nếu những đòi hỏi này được tôn trọng, thì các môn đệ có thể và nên hét to lên cho tất cả mọi nơi trên thế giới biết: Vương Quốc Thiên Chúa đã đến! Để loan báo về Nước Trời thì việc đầu tiên không phải là dạy về chân lý và học thuyết, mà là hướng dẫn đến một phương cách sống mới và sống với nhau như anh chị em bắt đầu từ Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã loan báo cho chúng ta: Thiên Chúa là Cha và Mẹ của tất cả chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Lòng hiếu khách, chia sẻ, hiệp thông, đón chào và chấp nhận những người bị loại trừ: là những trụ cột hỗ trợ cho đời sống cộng đoàn. Làm thế nào để thực hiện điều này trong cộng đoàn của tôi?
– Là Kitô hữu có ý nghĩa gì đối với tôi? Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, một người đã trả lời nhà báo như sau: “Tôi là một Kitô hữu, tôi cố gắng sống theo Tin Mừng, nhưng tôi không tham gia trong cộng đoàn của Giáo Hội”. Và nhà báo đã nhận xét rằng: “Thế thì, ông/bà có nghĩ mình là một cầu thủ bóng đá mà không có đội bóng chăng!” Đây có phải là trường hợp của tôi không?
5. Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
(Tv 145:10-11)