Lớn lên trong một gia đình Công Giáo ở Ninh Bình-Phát Diệm, từ nhỏ tôi đã được hít thở trong bầu khí Kinh Mân Côi, mặc dù khi ấy tôi chưa hiểu biết gì nhiều. Còn nhớ, khi là một cậu bé 4-5 tuổi, tôi thường được ông nội cho ngồi bên khi ông bà tôi đọc kinh tối. Có những buổi tối mùa Đông trời rất lạnh, tôi ngồi lọt vào lòng ông nội, nửa tỉnh ngủ nửa mê, nghe ông bà nội tôi lần hạt Mân Côi. Ký ức tuổi thơ của tôi vẫn còn đó, vọng về âm thanh văng vẳng của lời thưa kinh qua lại, nhẹ nhàng, đều đặn trong ánh sáng mờ mờ của buổi tối gia đình quê, đơn sơ và bàng bạc nghèo.
Ông bà nội tôi gọi các màu nhiệm Mân Côi là các “Mùa.” Lạ thật, “mùa” là một khoảng thời gian của thời tiết dài mấy tháng làm sao mà so với Kinh Mân Côi, đọc có mấy chục phút là xong?! Ngày đó mới chỉ có ba mùa: Mùa Vui, Mùa Thương và Mùa Mừng. Giờ đây ngẫm nghĩ lại tôi thấy ngày xưa các ông bà cụ thật đơn sơ nhưng cũng rất sâu sắc: thay vì dùng từ “mầu nhiệm” khó hiểu và khó truyền đạt, các ngài dùng một chữ “Mùa” vừa dễ hiểu và lại không phải đụng chạm đến khía cạnh thần học. Có lẽ với các cụ, thôn quê và ruộng đồng là một ngôi nhà; làng xóm là anh chị em, và bốn mùa thời tiết là nhịp sống của cuộc đời. Ý nghĩa đời sống được diễn tả rất nhiều qua tương quan giữa con người với bốn mùa thời tiết.
Mùa, trong ký ức của tôi, không chỉ là tiết Xuân-Hạ-Thu-Đông, mà còn là “mùa cấy” của những ngày bà tôi và mẹ tôi lom khom gieo mạ, và cấy lúa trong trong cái tiết trời lạnh cắt da cắt thịt, và là “mùa gặt” khi người nông dân trong đó có bà và mẹ tôi hớn hở, dưới nắng mới, ròn rã trong tiếng nói cười cùng gặt lúa về. Khái niệm về mùa đối với những người nông dân là khái niệm của sự sống của con người hòa quyện vào thời gian và thời tiết, vào giọt nắng và hạt mưa, vào bóng tối và ánh sáng. Sự thay đổi của tiết mùa cũng ảnh hưởng rất lớn tới tâm tư nguyện vọng và cách diễn đạt cuộc đời của người nông dân.
Những ngày mùa đông, trời rét, rét lắm và gió bấc heo hút thổi về. Người nông dân như mẹ tôi đi cấy, liên tục tiếp xúc với ruộng đồng, chân tay nứt nẻ vì thời tiết. Những em bé như tôi mon men đến trường, chân đi dép lê, người quấn đầy quần áo, mặt mốc meo, và má nổi lên những vết nẻ chân chim vì trời lạnh. Trong khi đó, các ông bà già ngồi co ro bên bếp than củi. Mùa ở đây là sự hòa quyện đến đau thương, nứt da-nẻ thịt giữa con người và trời đất.
Khi gió Nồm (gió Nam) thổi về, cái lạnh tạm đi qua, những vết nứt nẻ lại có cơ hội lên da non và lành lặn trở lại; da thịt con người lại nở nang, đổi mới và lành lặn bồi hoàn. Người phụ nữ thôn quê lại kỳ cọ chân tay lấy lại chút “gót sen hồng;” đứa bé cởi áo rét cho bà hay cho mẹ giặt để da thịt tiếp xúc lại với hơi ấm của trời đất; ông bà cụ già lòng vui hơn, bê bếp sưởi đi cất, lom khom quét dọn cửa nhà và hong phơi chăn chiếu. Tất cả đều diễn ra hằng thường và lặng lẽ, nhưng đã có sự biến chuyển từ bên trong lòng người: từ chịu đựng, hy vọng đến phấn khởi mừng vui.
Từ cuối Thu qua đầu Xuân là cả một quãng thời gian dài; cuộc sống quanh làng quê thật là buồn tẻ. Người dân quê không có nhiều hoạt động giải trí; quanh đi quẩn lại là trẻ em đi học, người lớn một vài tuần mới đi chợ một lần, ngày hai chiều sáng tối cả người lớn và trẻ nhỏ đều đi nhà Thờ – đó là những hoạt động gọi là “xã hội” phổ biến đối với những người dân quê. Những lúc như vậy, ai ai cũng đều mong cho Đông mau tàn và Xuân đến sớm để hoa lá nở tươi, thời tiết ấm áp, và lòng người phơi phới trở lại. Vậy “Mùa” còn là cảm giác sống trong chờ đợi – chờ đợi đến não nề, và chỉ có hy vọng và niềm tin mới làm cho người ta vững vàng đồng hành trong cuộc sống. Cuộc sống, ai cũng muốn tốt hơn, muốn thay đổi, nhưng đâu phải lúc nào muốn thay đổi là làm được liền. Có những khi người ta cảm thấy không thể làm được gì để thay đổi cuộc sống, người ta đành chấp nhận, đón nhận và âm thầm tìm ý nghĩa thực tại của cuộc sống ấy.
Với những cảm nhận và trải nghiệm như vậy, người Công Giáo miền Bắc thế hệ xưa gọi Mầu Nhiệm Mân Côi là “Mùa”, rất thật, rất đơn giản, nhưng cũng rất sâu sắc. Nếu như bốn mùa là nhịp sống thể lý của con người, thì tổ tiên người Việt xưa khi liên hệ Mầu Nhiệm Mân Côi với tiết mùa, cũng ý chỉ Mầu Nhiệm Mân Côi là tiết mùa tâm hồn của mỗi chúng ta. Rất nhiều người chúng ta đã thực hành việc lần chuỗi Mân Côi và cảm nhận được sự bình an mà không biết phải giải thích thế nào. Có một số người không còn lần chuỗi nữa, vì không thấy hiệu quả và ý nghĩa của chuỗi Mân Côi. Dù có siêng năng hay không, chuỗi Mân Côi là hành trình tiết mùa đời sống tâm linh cùng Đức Maria khi Mẹ suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Năm 2002, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã thêm Năm Sự Sáng vào chuỗi Mân Côi. Giả dụ mỗi chuỗi Màu Nhiệm Mân Côi tương ứng với một mùa thời tiết, vậy ta đã có đủ bốn mùa tâm linh. Giờ đây hãy xếp đặt các Mầu Nhiệm vào các mùa. Giả như ta cứ đi theo trình tự: Vui, Thương, Mừng và Sáng, thì theo bạn, ta sẽ bắt đầu mùa Vui tương ứng với mùa nào trong thời tiết?
Cho lựa chọn của mình, tôi để mùa Vui là mùa Thu và như vậy ta có ba cặp còn lại: Thương tương ứng mùa Đông, Mừng – Xuân, và Sáng – Hè! Cứ tạm thời đồng ý như vậy, ta bắt đầu đi vào ký ức của các mùa thời tiết để làm sáng tỏ tiết mùa tâm linh.
Năm Sự Vui: Mùa Thu – truyền tin, thăm viếng, sinh Chúa, dâng Chúa, và tìm lại được Chúa Giêsu trong Đền Thánh
Tại sao tôi lại chọn mùa Thu cho Năm Sự Vui? Mùa Thu trong tâm thức của con người là cầu nối giữa mùa hè nóng bỏng sôi động và mùa đông lạnh lẽo tẻ nhạt, là khi lá xanh chuyển màu thành lá vàng và cuối mùa những cơn gió cuốn đi những lá vàng cuối cùng còn nằm lại trên cành. Trước cảnh vật đổi thay như vậy, nhịp sống con người cũng thay đổi: chậm lại, nhẹ lại, lặng lẽ hơn, cảm nhận nhiều hơn…nhịp đập của cơ thể con người trong tương quan với trời đất trong tiết Thu thường dành chỗ cho lắng đọng và suy tư nhiều hơn. Dù chưa phải là mùa Đông, nhưng sự sống trong mùa Thu đã báo hiệu nhiều gam lặng hơn là gam sôi động.
Mùa Thu nhẹ nhàng vì tiết Thu phải làm công việc khó: đó là đưa hồn sống đang say mê ra khỏi Hạ nóng tới trạm chờ xe để về lại với căn nhà yên ả của tâm hồn. Có lẽ cũng vì thế mà tấm lòng mùa Thu kiên nhẫn bao la. Tiếng nói của Mùa Thu cũng chỉ nhẹ nhàng khi Mùa Thu chẳng hứa hẹn được gì mở ngõ vào tương lai; có chăng thì chỉ có thể là Đông lạnh lại về! Lòng của Mùa Thu cũng chẳng vững vàng cứng nhắc khi bản thân mình cũng phải chấp nhận cảnh “lá chuyển vàng rồi tới lúc chiếc lá cuối cùng cũng phải rơi.” Phải chăng, khi ta phải tìm một cảm xúc đời thường đặc biệt thì đó phải là cảm xúc Mùa Thu. Mùa Thu là vậy: đơn sơ, khiêm tốn, nhẹ nhàng và kiên nhẫn đồng hành với thời gian. Mùa Thu muốn dạy ta một điều: nếu bạn muốn qua Đông lạnh để đón Xuân tươi về thì bạn phải có niềm tin.[1]
Vậy thì sao gọi mùa Thu là Mùa Vui được? Nếu ta nhớ lại trong Tin Mừng Luca (Lc 1:26-38), Màu Nhiệm thứ nhất trong Năm Sự Vui, “Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Bà chịu thai,” hoặc là cả bốn Màu Nhiệm của Mùa Vui sau đó đều là biến cố đáng để trời và đất vui mừng trọng đại cả, vì đó là những biến cố đánh dấu những khoảnh khắc đặc biệt Con Thiên Chúa làm người. Nhưng tất cả những biến cố đó chỉ được những ai có lòng tin vào Thiên Chúa cảm nhận được mà thôi. Phần còn lại của trần gian dường như không cảm nhận được. Vậy dẫu là biến có phổ quát, nhưng nó được cảm nhận một cách riêng tư nhiều hơn.
Tâm tình “xin vâng” để đón nhận mang thai con Thiên Chúa, dẫu hãnh diện vô ngần, nhưng là một quyết định vượt trên tầm nhận thức của Mẹ Maria, vì Mẹ không biết rồi đây sẽ ra thế nào, không biết dãi bày cùng ai, không biết giải thích thế nào với Giuse… Mang thai Con Thiên Chúa đấy nhưng Mẹ cũng không nhận được gì đặc biệt hơn ai cả ngoài lời động viên chân nhận của người chị họ hiếm muộn; sinh con Thiên Chúa đấy, nhưng Maria và Giuse cũng vất vả như những người nghèo khó nhất; trình diện con Thiên Chúa trong Đền Thờ đấy, nhưng ngoài lời tiên tri của cụ Simeon và bà Anna cũng chẳng còn ai biết đến nữa; nuôi dạy Con Thiên Chúa đấy, nhưng Maria và Giuse cũng phải chăm bẵm con trẻ từng ngày như bao đứa trẻ khác…Một niềm “Vui” không thể giãi bày cùng ai cho thỏa! Nếu có thể giãi bày, thì đó là một sự thấm thía: Thiên Chúa làm người đồng cảm bao la với tất cả mọi con người! Tâm tình của Mẹ và Thánh Giuse và cả hành trình làm người của Con Thiên Chúa rất khiêm tốn, rất đơn sơ, rất nhẹ nhàng, và rất lặng lẽ… đến nỗi để cho mọi sự vật, dù nhỏ bé nhất cũng có thể cất lên thành lời. Đó là tâm tình của Mùa Thu, của những chiếc lá Thu “xào xạc” rơi bên hiên nhà.
Vậy khi ta suy niệm và cầu nguyện Mầu Nhiệm Năm Sự Vui là khi ta: tin, hy vọng, không hứa hẹn, trở nên đơn sơ hơn, trở nên khiêm tốn hơn…Trải nghiệm này là trải nghiệm của những niềm hy vọng, những điều chỉ có thể chia sẻ với một số người, những giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời…
Năm Sự Thương: Mùa Đông – Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, vác thánh giá, và chịu chết trên cây thập tự
Khi lá Thu trút hết, Đông lạnh tràn về. Lúc đầu cũng chỉ là hơi lạnh, nhưng càng vào tiết đông càng lạnh – lạnh tái tê, lạnh cắt da cắt thịt, và có những lúc ta tưởng chừng như không còn chịu nổi. Trước những cơn lạnh dài và càng ngày càng tăng, lòng người ta cũng chuyển từ tình trạng ẩn nấp đến chỗ phải đón nhận và gồng mình lên để chịu đựng. Sự chịu đựng chuyển thành tê cứng và cảm nhận như đang chết dần. Đó cũng chính là những thử thách Chúa Giêsu phải hứng chịu trong Mùa Thương. Từ thể lý đến tâm lý, đến lý trí … nói chung là toàn thân, và cuối cùng Ngài đã chết trong sự sững sờ của triều thần Thiên Quốc, trong cơn say của tội lỗi trần gian, trong sự hả hê của ma quỷ, và trong sự thất vọng ê chề của các môn đệ và người thân…Nhưng đâu có ai ngờ, Phục Sinh đã trào vọt trong chính sự chết bi thương. Cái chết càng được thể xác cảm nhận bi thương thì sự phục sinh càng vang dội tâm hồn. Đó cũng là bức tranh của Mùa Đông.
Cực đỉnh của mùa Đông là khi cây cối rụng hết lá, ngoại trừ lác đác vài loài cây như thông, và băng tuyết phủ dày, trắng xóa một màu. Ai không có kinh nghiệm về mùa Đông, mới nhìn cứ tưởng cây chết hết, mọi sinh hoạt không còn gì, tất cả như bị dìm chết trong những cơn lạnh giá khủng khiếp dưới lớp băng tuyết của mùa Đông. Thế nhưng hoàn toàn không phải là vậy: bên dưới lớp băng tuyết đó, vẫn có sự sống đang được hun đúc, hơi nóng vẫn đang quy tụ những sức sống để chờ cho một mùa sống mới. Ngay khi những tảng băng tuyết cuối cùng tan chảy, từ trong lòng đất hàng loạt mầm sống bắt đầu trào vọt lên; bao nhiêu là những chờ đợi, những chịu đựng của Mùa Đông giờ đây khi Xuân về được trào dâng trong sức sống mới. Cây đâm chồi, ra nụ và nở hoa. Giáo hội cũng chọn thời điểm đó để mừng Lễ và Mùa Phục Sinh.
Kinh nghiệm của những người nông dân sống nơi có mùa đông lạnh cho thấy tuyết càng dày trong mùa Đông thì càng tốt cho vụ mùa sau đó; vì, tuyết dày sẽ làm đất thấm đẫm nhiều nước, và hơi ấm giữ kín hơn trong lòng đất. Khi Xuân về, hơi ấm được ấp ủ ấy sẽ đẩy vọt trào lên khỏi lòng đất một sức sống mãnh liệt, và sức sống ấy được nuôi bằng lòng đất thấm đẫm nước từ tuyết tan của mùa Đông lạnh giá.
Suy niệm mầu nhiệm Năm Sự Thương là khi ta làm sống lại ý nghĩa của những sự thương khó của Chúa Giêsu qua chính những biến cố đau thương chúng ta có thể đang gặp phải. Có những thử thách đau thương tưởng chừng như đã cướp hoàn toàn sự sống, sức sống nơi chúng ta, tạo cho chúng ta một cảm giác từ tê tái tới đông cứng và cao điểm là tưởng chừng như đã chết. Không có đức tin, không có kinh nghiệm về Thiên Chúa qua truyền thống của Hội Thánh, chúng ta sẽ sống trong trạng thái chết dần chết mòn và trong vô vọng. Nhưng nếu có đức tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, chúng ta biết rằng thử thách cuộc đời chúng ta đang hứng chịu vẫn đang tiềm tàng sự sống mới và sự sống mới sẽ trào dâng trở lại trong tâm hồn chúng ta. Mùa Đông – Năm Sự Thương là một giai đoạn cần thiết trong chu kỳ cuộc sống để sức sống mới tiềm ẩn trong ta nẩy nở, bén rễ và làm đẹp cuộc đời.
Năm Sự Mừng: Mùa Xuân – Chúa Giêsu sống lại, lên trời, Thánh Thần hiện xuống, Đức Bà lên trời, và Đức Mẹ được thưởng trên trời…
Từ Mùa Đông chuyển qua Mùa Xuân là một cảm giác tái sinh. Khi sự sống tưởng chừng như không còn chịu đựng thêm được sự lạnh giá nữa, thì ngạc nhiên thay, đó cũng là lúc Mùa Đông chuẩn bị tàn. Những cơn gió lạnh thưa dần và thay vào đó là những làn hơi ấm dần tràn về. Như một bản năng, mọi loài như được ban tặng cho một sức sống mới, bỗng từ trạng thái bất động, cảm giác tê tái, và ý thức như đang chết lâm sàng – tất cả đều thức dậy và sự sống ùa về từ khắp nơi. Từ lòng đất hơi ấm đẩy vọt lên sự sống như đã bị dìm chết trong băng tuyết. Từ phiến đá vô tri cho đến cỏ cây sinh động và động vật sống động đều lấp lánh, lung linh và tung tăng sức sống mới. Cả vũ trụ như đang chơi một bản giao hưởng của sự sống mới. Mùa Xuân đã trở về!
Trong bản giao hưởng mùa xuân ấy, con người vừa là thành viên ban nhạc vừa là những nhà “thẩm định” cảm nhận niềm vui. Một cản nhận vui tươi trước một sức sống mới không thể giấu giếm và lừa dối được, và chính khi đó, con tim nhân loại đã rộn ràng những nhịp đập yêu thương của Mùa Xuân. Con tim vui tươi như đang thắm đượm tình yêu chính là “bộ cảm nhận” (sensor) để đánh giá tiết xuân trong niềm vui của vạn vật.
Với con tim trong trạng thái vui tươi và ‘khơi tình’ như vậy, người Ki-tô giáo thế hệ cha ông mời gọi chúng ta cùng chia sẻ cảm nhận của “Mùa Vui” (Mầu Nhiệm Năm Sự Vui). Để hiểu và diễn tả huyền nhiệm của những khoảnh khắc đặc biệt: Chúa Giêsu sống lại, lên trời, Thánh Thần hiện xuống, Đức Bà lên trời, và Đức Mẹ được thưởng trên trời, có lẽ một trạng thái tâm hồn gần nhất phải có đó là tâm hồn của Mùa Xuân, hay nói cách khác phải là con tim vui tươi yêu thương đong đầy. Con tim ấy mang niềm vui của vũ trụ, niềm vui “Con Người” đã sống lại và lên trời – một chân trời mở ra vô tận, vượt xa tất cả mọi sự hiểu biết. Từ nay sự sống con người có bị lu mờ, dìm sâu trong im lặng cô độc chết chóc thế nào đi nữa, thì sự sống ấy vẫn có khả năng phục sinh và bay cao. Con tim ấy vui niềm vui của vũ trụ vì nó cảm nhận được sự lung linh huyền ảo của cả vũ trụ bao la này, trong đó con người được mời cảm nhận, khi vũ trụ này luôn được bao phủ bởi sức mạnh ân sủng Thánh Thần. Và con tim ấy vui tươi niềm vui của người môn đệ, vì người “con gái” đại diện của nhân loại về lắng nghe và làm “nẩy sinh” lời Chúa (Đức Maria) đã được cất nhắc và thưởng công trên trời.
Vậy Mầu Nhiệm Năm Sự Vui, một lần nữa, là tiết mùa của con tim vui tươi khơi tình, vui tươi một niềm vui của toàn vũ trụ và của diễm phúc làm người. Con tim vui tươi và khơi tình cùng hiện sinh nhân gian khi nó đã được giải phóng khỏi tất cả mọi tù ngục gông cùm: khỏ nỗi sợ, khỏi tham lam, khỏi sở hữu, khỏi chất chứa, khỏi sự thờ ơ lãnh đạm…; nghĩa là con tim ở trong trạng thái đơn sơ nhất và tự do nhất. Con tim không còn là những kho chứa của cảm xúc, của tâm lý, của kiến thức lý trí; nhưng giờ đây, nó là nơi phát xuất nhịp đập yêu thương và vui tươi.
Sống Màu Nhiệm Năm Sự Vui là sống với một tâm trạng hân hoan loan truyền Tin Mừng Nước Chúa chính trong cuộc đời chúng ta. Các môn đệ khi xưa, khi nhận tin Đức Giêsu sống lại và đón nhận Chúa Thánh Thần, họ đã ùa đi khắp các ngả nhân gian để loan báo Tin Mừng. Các ngài không có nhiều tư trang và hành trang, nhưng các ngài ra đi mang theo một con tim hân hoan. Các ngài không phải là những học giả cao siêu nhưng các ngài đã trở thành những “thầy giảng” Tin Mừng vì các ngài có một trong những thứ quý giá nhất mà trần gian khao khát, đó là con tim hân hoan. Con tim hân hoan (vui tươi) ấy mở ra với muôn người, muôn loài và muôn chiều kích để chia với họ niềm vui Phục Sinh, Vương Quốc Nước Trời và phúc kiến (viễn cảnh được chúc phúc) của nhân loại. Con tim ấy là con tim khơi tình, nghĩa là nó chia sẻ, nối kết, và khơi gợi tình yêu đang tiềm ẩn trong tâm hồn của nhân loại. Một Mùa Vui tràn ngập địa cầu đang đầy tràn tâm hồn nhân loại. Hãi ra đi với con tim vui tươi và khơi tình!
Năm Sự Sáng: Mùa Hè – Chúa Giêsu chịu phép rửa, dự tiệc cưới Cana, rao giảng nước trời, biến hình trên núi, lập bí tích Thánh Thể.
Nếu Mùa Xuân là một trạng thái của con tim, thì có lẽ Mùa Hè phải là những bưới nhảy vọt của giai điệu sống. Thi hào Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” đã dùng hai câu thơ để tả Mùa Hè:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.”
Sự thay đổi của tiết mùa kéo theo sự thay đổi của nhịp điệu sống. Có lẽ Mùa Hè là tiết mùa diễn tả nhịp sống sôi nổi nhất, sôi nổi cả ngày lẫn đêm. Sự sôi nổi ấy không chỉ bộc lộc qua nhiệt độ, nhiệt sống, mà còn kéo theo những hành động mang âm vang, gợi hình tượng, nâng tầm cao… để diễn tả một sự sống lên ngôi đến say mê. Ở câu thơ trên thì hào Nguyễn Du phần nào đã thể hiện hình bóng này bằng cách gửi gắm trong tiếng kêu của loài chim tu hú (Quyên) một lời mời gọi vào nhịp sống sôi động ngay cả trong cảnh sắc của đêm trăng. Nhịp sống ấy sôi động đến nỗi đêm trăng là lời mời gọi say mê và vì vậy ngày chắc chắn sẽ dài, nóng và sôi động biết là dường nào. Nguyễn Du đã dùng cụm từ “lửa lựu lập lòe” để diễn tả cảnh sắc đó. “Lửa lựu” là một trong những biểu tượng của mùa hè; dĩ nhiên đó vẫn là một loài cây tượng trưng cho sự sống, nhưng màu sắc của nó nói đến sức nóng của mùa hè. Trạng từ “lập lòe” được dùng như một lối chơi chữ vừa diễn ý nghĩa, vừa diễn âm sắc, lại vừa tượng hình. Qua hai câu thơ của Nguyễn Du, Mùa Hè phần nào lộ diện là mùa của sự sống ở những cung bậc cao ngất.
Con người lại một lần nữa được mời vào cuộc chơi. Đã mặc trên người áo dạ Mùa Thu, đã ngồi bếp hồng tránh rét Mùa Đông, đã “mặc áo the-đi guốc mộc-dự Hội Lim” của Mùa Xuân, thì cũng đến lúc người ta đơn giản vận quần soóc, áo ngắn tay, đi picnic để vui cùng sức nóng Mùa Hè. Đến với Sự Sáng là đến với một sự dấn thân trong cuộc đời, nghĩa là ra khỏi nơi ẩn nấp và thực hiện những sứ vụ trong cuộc đời.
Đón nhận Phép Rửa là một hành động khiêm tốn của Đức Giêsu nhưng cũng là một sự dấn thân của Con Thiên Chúa trong phẩm vị một con người. Con Thiên Chúa đã ra khỏi “nơi trú ẩn” để công khai thi hành sứ vụ. Ngài đến chúc phúc cho thể chế hôn nhân của loài người qua việc dự tiệc cưới Cana. Ngài mang Tin Mừng đến trần gian bằng cách rao giảng Vương Quốc Nước Trời ngự trị đang mở ra nơi trần gian. Ngài tiết lộ về “thiên tính” của Ngài qua biến cố Biến Hình. Và Ngài lập Bí Tích Thánh Thể như một bảo chứng của sự hiện diện yêu thương hằng nuôi dưỡng trần gian, và là dấu chỉ chắc chắn sự thánh thiêng hiện diện nơi đời sống con người nơi trần gian.
Suy niệm và sống Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng là sống với những hành động dấn thân vì nước trời trong chính đời sống của chúng ta, là khơi gợi sáng kiến và là những bước đột phá trong đời sống hàng ngày. Là con người, ai cũng muốn thể hiện mình – muốn đột phá, nhưng những đột phá mang dáng dấp đức tin là đột phá cùng với Đức Giêsu để thánh hóa trần gian, dấn thân làm sứ vụ, và làm hiển hiện sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta có sẵn sàng làm những người mang bánh và hơn thế nữa cùng với Đức Giêsu làm bánh cho trần gian chưa? Đó là một trong những lời mời gọi và sứ vụ của Năm Sự Sáng-Mùa Hè.
Qua đôi dòng suy niệm Bốn Màu Nhiệm – Bốn Tiết Mùa, tôi cảm nhận một phần ý nghĩa huyền nhiệm của Kinh Mân Côi. Qua Kinh Mân Côi, tôi như một lần nữa được ôm trong lòng ông bà nội tôi: truyền thống cha ông được cảm nhận tràn đầy nơi cuộc sống đương đại, Đức Tin đã đi vào lòng dân tộc qua nét đẹp văn hóa Việt Nam. Màu Nhiệm Kinh Mân Côi chính là một trong những nền linh đạo sâu sắc nhất về sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa diễn tả trong văn hóa Việt.
Sài-gòn 6/10/2013
Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm.