Home / Chia Sẻ / Tại Sao lại ngưng Thánh Lễ trong Mùa Dịch Covid19?

Tại Sao lại ngưng Thánh Lễ trong Mùa Dịch Covid19?

Ảnh minh hoạ

Giuse Nguyễn Kim Tùng

Tại Sao lại ngưng Thánh Lễ trong Mùa Dịch Covid19? Chẳng phải khi con người hãi sợ và hoang mang là lúc họ cần đến Chúa và Thánh Lễ nhất đó sao? Đình chỉ Thánh Lễ phải chăng chỉ là dấu chỉ của sự nhượng bộ vì sợ hãi? Chẳng phải đó là dấu hiệu của việc thiếu tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa? Có người còn nhìn việc không dám cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch như là dấu chỉ thất bại của niềm tin tôn giáo trước biến cố tai hoạ và đau khổ của nhân loại. Một số người nối kết chuyện các Giáo Phận tự ý đóng cửa nhà thờ với việc cấm đạo ở những nước độc tài. Nhiều người quá khích còn diễn dịch xa hơn khi cho rằng việc đình chỉ Thánh Lễ là quyết định của Satan đang hoạt động trong Giáo Hội. Nêu quan điểm của em để bảo vệ Giáo Hội.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Trong những tháng đầu năm 2020, sự quan tâm lo lắng của tất cả mọi người trên thế giới là dịch bệnh do Virus Corona gây ra. Dịch bệnh lan nhanh và không kiểm soát được ngay ở cả những nước tiên tiến nhất thế giới. Nó làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người, làm cho nền kinh tế bị trì trệ, các hoạt động thường ngày bị xáo trộn. Chính quyền các nước đều đang nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu lây nhiễm, trong đó có việc cấm tụ tập ở những nơi đông người, các trường học đều cho học sinh nghỉ không thời hạn…Về tôn giáo, mà cụ thể là Công giáo, Giáo Hội luôn đồng hành với con người và luôn luôn có những giải pháp, những lựa chọn cần thiết và khôn ngoan cho con chiên của mình. Cụ thể, ở nước ta, Đức Tổng Giám mục Sài Gòn và nhiều giáo phận vừa ra thông báo ngưng mọi thánh lẽ có cộng đoàn tham dự trong toàn giáo phận vì dịch bệnh. Thế nhưng lại có những ý kiến trái chiều về quyết định này. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy quyết định ngưng mọi thánh lễ trong giai đoạn này của Đức Tổng thật khôn ngoan và đầy tình bác ái.

Như chúng ta biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, Virus Corona có thể lây qua đường hô hấp và chúng có khả năng tồn tại trong không khí khá lâu. Vì vậy, nếu một người bình thường tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì khả năng nhiễm bệnh của họ khá cao, và càng nguy hiểm khi ở chỗ đông người. Virus Corona có khả năng thích ứng và thay đổi cấu trúc đối với từng cá thể mà nó kí sinh. Mỗi ngày, con số những người nhiễm bệnh trên thế giới tăng theo hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn. Và có một điều chắc chắn là cho đến giờ này vẫn chưa có thuốc đặc trị chúng. Thế nên, cách tốt nhất là đề phòng để tránh bị lây nhiễm. Chính vì vậy, giáo phận Sài Gòn và nhiều giáo phận đã cho ngưng các thánh lễ có cộng đoàn tham dự. Chúng ta cần nhớ rằng: thánh lễ bị ngưng là vì dịch bệnh chứ không vì bất kì nguyên nhân nào khác. Là người đứng đầu Tổng giáo phận, để đưa ra quyết định này chắc chắn là một khó khăn cho Đức Tổng. Vì trong lịch sử Giáo hôi Việt Nam chưa từng có trường hợp nào như vậy. Vừa tiếp nhận Tổng Giáo phận không lâu, lại phải đối mặt khó khăn với trách nhiệm hướng dẫn cả một đoàn chiên lớn, chắc hẳn Đức Tổng đã phải cầu nguyện rất nhiều và bản hỏi kĩ lưỡng với các vị hữu trách mới đi đến quyết định này. Bản thân tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định của Đức Tổng.

Thứ nhất là thể hiện sự khôn ngoan. Ngăn ngừa dịch bệnh bằng cách không tập trung đông người là một giải pháp hàng đầu mà Bộ y tế cũng như các chuyên gia phòng chống dịch bệnh khuyến khích thực hiện. Đối với người Công giáo, thánh lễ là quan trọng nhất, nhưng Thiên Chúa không phải là lá bùa bình an chống lại dịch bệnh, và nhà thờ cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm của Virus.

Thứ hai là thể hiện sự bác ái. Sự sống của con người là thiêng liêng cao quý nhất, và điều gì chống lại sự sống của con người thì đều phải bị loại trừ. Việc tiếp xúc với người mang bệnh có thể làm cho dịch bệnh lây lan một cách nhanh chóng, khi đó sẽ có nhiều người chết hơn.

Và thứ ba là quyết định ngưng mọi thánh lễ của Đức Tổng không đi ngược lại với Giáo Hội Hoàn Vũ. Vì trước đó, Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng đã cho phép ngưng mọi thánh lễ ở Vatican. Giáo hội luôn có những quyết định đúng đắn mặc dù đôi khi người tín hữu không hiểu được nỗi lòng của các Đấng bản quyền. Thế nên mới có những ý kiến trái chiều mà có vẻ như đang chỉ trích và cười nhạo Giáo hội. Nhìn từ khía cạnh tích cực, thì có lẽ đây là tiếng lòng thao thức của các tín hữu giàu lòng đạo đức và rất mực quan tâm đến Giáo hội và thánh lễ. Nhưng có lẽ họ chưa hiểu hết về sự nguy hiểm của dịch bệnh và đường lối của Giáo hội.

Thế nên có người cho rằng: chẳng phải khi con người sợ hãi và hoang mang là lúc họ cần đến Chúa và thánh lễ nhất đó sao? Vậy Thiên Chúa chỉ là nơi, hay là một vật gì của con người khi con người có nhu cầu cần đến Ngài thôi sao? Có một truyện tích của thánh Gioan Bosco khi ngài hỏi Đaminh Savio rằng: “Nếu Chúa muốn con về với Chúa ngay bây giờ thì con sẽ làm gì?” Savio trả lời: “Con sẽ tiếp tục chơi bóng.” Câu trả lời của Savio làm chúng ta phải suy nghĩ. Nếu chúng ta thực sự tin tưởng Thiên Chúa tốt lành và ăn ở công chính trước mặt Người, thì dù Chúa có đến ngay lúc ta ăn, ta chơi, hay ta đang làm bất kì điều gì, ta vẫn có thế tiếp tục công việc của ta. Không phải con người chết trong lúc đang cử hành thánh lễ, lúc đang cầu nguyện, hay đang ở trong một ngôi nhà thờ lớn là được lên thiên đàng. Thiên Chúa hiện diện ngay trong lòng mỗi người, Ngài không ở một vị trí chỗ này hay chõ kia. Nhà thờ chỉ là nơi để con người dễ hướng lòng trí về Thiên Chúa mà thôi.

Có ý kiến cho rằng, đình chỉ thánh lễ phải chăng là dấu chỉ của sự nhượng bộ vì sợ hãi? Giáo hội sợ ai? Sợ cái gì? Chỉ xét riêng Giáo hội Việt Nam, Giáo hội Việt Nam không sợ hãi cường quyền hay bất kì thế lực nào. Bằng chứng là trải qua bao thời bắt đạo dưới các triều đại phong kiến, càng nhều người nằm xuống thì hạt giống đức tin càng phát triển mạnh mẽ. Hạt giống đó cứ âm thầm lớn lên. Ngay cả khi thời thế thay đổi, Giáo hội Việt Nam vẫn phát triển. Giáo hội có thay đổi đường lối là để Giáo hội phát triển, nhưng tuyệt đối Giáo hội không đi ngược lại với các luân lí, đạo đức của xã hội. Giáo hội có nhượng bộ thế quyền trong một số vấn đề – điều này có – nhưng là để Giáo hội phát triển và từng bước vững vàng hơn.

Lại có một ý kiến khác cho rằng đó là dấu hiệu thiếu tin tưởng và phó thác vào sự thiếu quan phòng của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa ban cho con người có đầy đủ khả năng để cộng tác với Thiên Chúa trong việc phát triển thế giới và làm phát sinh mọi hoa lợi. Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác với Ngài trong mọi sự. Thiên Chúa quan phòng nhưng con người phải hành động. Thiên Chúa ban cho con người có trái cây, có cá, có gia cầm, gia súc…thì con người phải leo lên cây, hái trái và săn bắn để ăn. Thiên Chúa không làm sẵn đồ ăn để con người chỉ việc cho vào miệng. Như hoa huệ ngoài đồng thì nó cũng phải cắm rễ sâu xuống đất và hút chất dinh dưỡng; như chim trời cũng phải rời tổ và bay đi tìm thức ăn; như ong phải đi tìm mật… Đứng trước đại dịch Corona, con người cũng phải hành động, phải làm mọi việc trong khả năng của mình, phần còn lại Thiên Chúa mới làm. Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Không thể nói tôi tin Thiên Chúa sẽ bảo vệ tôi nên tôi cứ ngang nhiên đi vào vùng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, đó không phải là tín thác vào Thiên Chúa mà là đang thách thức Người một cách công khai. Ngưng mọi thánh lễ không phải là dấu chỉ của sự thiếu lòng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, nhìn theo một hướng tích cực, vẫn có các thánh lễ diễn ra hàng ngày. Các dòng tu, các linh mục vẫn dâng thánh lễ hàng ngày thay cho giáo dân, giáo dân sẽ tham dự theo cách của họ là hiệp thông vào các thánh lễ đó. Chúng ta thấy trong Giáo hội, mỗi khi gặp điều gì khó khăn thì đều có những sáng kiến mới lạ được đưa ra. Ví dụ như các thánh lễ trực tuyến trên các mạng xã hội, giáo dân vẫn được rước lễ thiêng liêng, vẫn được nghe các chủ chăn giáo huấn… Nếu chúng ta thực sự tin tưởng thì Đấng bản quyền quyết định thế nào vẫn luôn nằm trong ý định của Chúa.

Một ý kiến khác cho rằng Satan đang hoạt động trong xã hội. Chúng ta không phủ nhận ý kiến này, vì ngay từ đầu Satan đã là kẻ chống phá Giáo hội. Nhưng với Lời Chúa phán, Giáo hội Giáo hội được xây trên đá tảng Phêrô, mọi quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Vậy sẽ không nghi ngờ gì về sự thất bại của Satan mặc dù hiện giờ dường như có vẻ nó đang thắng thế.

Mọi hướng dẫn của Đức Tổng hiện nay và của các giáo phận khác đều nhằm vào mục đích ngăn chặn dịch bệnh, ngoài lí do này thì không còn bất kì lí do nào khác chính đáng hơn. Có thể có những biến chuyển trong Giáo hội, nhưng là người Công giáo chúng ta luôn tin tưởng vào Mẹ Giáo hội và Thiên Chúa, cùng phó thác mọi sự cho Thiên Chúa để Ngài dẫn dắt Giáo hội của Ngài theo ý Ngài muốn.

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai – Tuần I Mùa Vọng

Anh chị em thân mến, Khi chúng ta hành trình vào mùa Vọng và mong …