Đến hẹn lại lên, sáng ngày 14 tháng 11 năm 2022, trong tinh thần hiệp nhất và liên đới giữa các anh chị em trong đại gia đình Cát Minh, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm và các anh em Cát Minh O.Carm Việt Nam đã cùng nhau tề tựu tại Đan viện Cát Minh Bình Triệu để cùng với Mẹ Bề trên, quý sơ trong đan viện hiệp dâng thánh lễ truyền thống lần thứ 3 của Dòng và mừng kính các thánh Dòng Cát Minh cách trọng thể.
Thánh lễ được cử hành vào lúc 5h30 bởi cha chủ tế Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm – Bề trên Phụ tỉnh. Đồng tế với cha Giuse hôm nay, có sự hiện diện của cha Phaolô Trần Văn Hùng O.Carm – Bề trên Tu viện Học viện Đức Bà Núi Cát Minh, quý cha trong Dòng, quý thầy cộng đoàn Học viện Đức Bà Núi Cát Minh, quý thầy Tập viện, quý anh em ứng sinh cộng đoàn Tu viện Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu. Bên cạnh đó, thánh lễ hôm nay còn sự hiện diện của gia đình, người thân, bạn bè của sơ Marie Assumpta Chiên Thiên Chúa Nguyễn Thị Thu Tâm, mừng sơ lãnh nhận tu phục bước vào Tập viện.
Khởi đi từ bài ca nhập lễ – “ca mừng các thánh” trong niềm vui hân hoan đầy tràn mà ca đoàn cất lên, thánh lễ đã được khai mở trong một bầu khí vừa trang nghiêm, linh thánh, vừa tươi vui, đầm ấm.
Mở đầu thánh lễ, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng đã nói lên tâm tình của mình với niềm vui chung trong ngày mừng kính các thánh Dòng Cát Minh. Thánh lễ hôm nay là thánh lễ truyền thống lần thứ 3 của Dòng Cát Minh trong tinh thần hiệp nhất, yêu thương giữa Cát Minh O.Carm và Cát Minh OCD. Trong thánh lễ này, cha mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông, chung lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Dòng nhiều vị thánh lỗi lạc suốt hơn 800 năm lịch sử Dòng; tạ ơn Chúa đã nối kết tình thân hữu giữa các anh chị em trong gia đình Cát Minh, đồng thời cha cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho sơ Marie Assumpta Chiên Thiên Chúa Nguyễn Thị Thu Tâm trong ngày lãnh nhận tu phục bước vào Tập viện.
Sau các bài đọc và đáp ca, cha Phaolô Trần Văn Hùng O.Carm đã công bố lời Chúa và chia sẻ lời Chúa với cộng đoàn tham dự. Ngay từ đầu bài chia sẻ của mình, cha Phaolô đã định nghĩa: các thánh là ai? – Thưa, “Các thánh là những người được Ánh Sáng xuyên qua”. Câu trả lời của một em thiếu nhi trước câu hỏi của một chị giáo lý viên tuy rất đơn sơ nhưng lại rất đúng với ý nghĩa thần học và với tinh thần linh đạo Cát Minh. Bởi vì trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng. Thiên Chúa là Ánh Sáng và Đức Kitô là Ánh Sáng thật chiếu sáng thế gian. Thánh Phaolô, trong bài đọc 1, đã nói rằng “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”(Rm 8.29-30). Như thế, các thánh là những người phản chiếu ánh sáng của Đức Giêsu Kitô và để cho Ánh Sáng đó chiếu xuyên qua thân mình, như ánh sáng chiếu xuyên qua tấm kính. Tuy nhiên, muốn ánh sáng chiếu xuyên qua thì tấm kính ấy phải trong, phải sạch, không được vướng bận, không bị che khuất, không bị mờ tối. Điều này cũng phù hợp với linh đạo Cát Minh chúng ta, bởi vì Cát Minh là một trong những dòng tu hiếm hoi thời trung cổ đã làm sống lại tinh thần của phong trào sa mạc thế kỷ thứ 4-5. Tiêu biểu là Gioan Cassian – ngài đã mô tả và đúc kết về một điểm then chốt của phong trào sa mạc: “một trái tim trong sạch”- điều đã được đề cập đến trong chương 2 của Luật Dòng mà thánh Alberto đã viết cho chúng ta; rằng chúng ta phải bước theo Đức Giêsu Kitô, sống trong sự thân tình với Đức Kitô với một con tim trong sạch và một lương tâm ngay lành.
Cha Phaolô nhấn mạnh, “con tim trong sạch” là một chủ đề nền tảng để làm nên linh đạo Cát Minh. Và các thánh Cát Minh là những chứng nhân cho con đường đó. Nên thánh trong Cát Minh có nghĩa là chúng ta bước vào một hành trình biến đổi, một hành trình của tự hủy trên con đường thập giá của Đức Giêsu Kitô, để làm cho mình trở nên trong sạch để đón nhận Chúa, đón nhận chính ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô. Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về các mối phúc. Mối phúc thứ 6 nói rằng: “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa được không? Thánh Giáo phụ Gregory thành Nyssa đã chú giải câu nói này trong bài giảng của ngài để nói rằng, ai thanh luyện lòng mình khỏi vấn vương của trần tục và những cảm nghĩ xấu xa thì họ sẽ được nhìn thấy hình ảnh bản tính Thiên Chúa trong vẻ đẹp của lòng mình. Có nghĩa là, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa không phải ở bên ngoài mà ở bên trong vẻ đẹp của lòng mình. Và ngài nói tiếp, một khi con mắt linh hồn đã được thanh luyện khỏi những vấn vương, những ràng buộc của đam mê thế tục thì chúng ta sẽ được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa cách tỏ tường, trong một con tim trong sạch. Đó cũng chính là điều mà thánh nữ Elizabeth Chúa Ba Ngôi đã nói: tôi đã tìm được Thiên Đường ở hạ giới rồi. Bởi vì Thiên Đường chính là Chúa, mà Chúa ở trong lòng tôi”. Cho nên, ngài mời gọi cuộc trở về tìm kiếm Thiên Chúa bên trong cõi lòng mình. Muốn được như vậy thì chúng ta phải “gạn đục khơi trong,” làm cho con tim mình trở nên tinh tuyền, trong sạch. Đó là cuộc hành trình biến đổi Cát Minh. Thánh Bonaventura, trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài – “Lộ trình của tâm hồn đến với Thiên Chúa”, đã băn khoăn về câu nói được đưa ra trong Cựu ước, rằng bất cứ ai nhìn thấy Thiên Chúa sẽ phải chết. Thiên Chúa là nguồn sống. Vậy nếu chúng ta càng tiến gần về Thiên Chúa thì chúng ta càng sống chứ, lẽ nào lại chết? – Có gì đó sai sai. “Chết” ở đây là sao? “Chết” ở đây không phải là cái chết về thể lý, không phải Thiên Chúa thích đoạt mạng chúng ta mà là: chúng ta muốn tiếp nhận Thiên Chúa là Ánh Sáng thì chúng ta phải được thanh luyện, trở nên ánh sáng của Chúa Kitô. Chúng ta phải chết đi cho chính mình, chết đi cho những đam mê trần tục, phải tắt đi những ảo ảnh đời thường. Như thế, thay vì nói “ai nhìn thấy Thiên Chúa sẽ phải chết” thì hãy nói “Ai muốn gặp Thiên Chúa thì phải chết trước đã”. Đó là điều mà thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả một cách hệ thống, mạch lạc trong học thuyết của ngài, đặc biệt là qua hai tác phẩm “Đường lên núi Cát Minh” và “Đêm dày” trình bày lộ trình của biến đổi, của sự chết đi, chết đi cho chính bản thân mình. Đó chính là con đường Cát Minh mời gọi. Toàn bộ luật Dòng Cát Minh khá là ngắn gọn, không nói gì nhiều mà chỉ tóm trong một điều duy nhất: chúng ta hãy loại bỏ con đường của mình, hãy chết đi cho chính mình. Chúng ta đừng tôn thờ bản thân mình nữa, mà hãy để Đức Giêsu Kitô “chiếm chỗ” hết con tim của mình, hãy tôn thờ Đức Kitô. Đó chính là con đường chết đi, con đường tự hủy.
Con đường nên thánh của Therese Hài Đồng Giêsu – con đường bé nhỏ, nhắn nhủ rằng chúng ta chết đi, chúng ta tự hủy, chúng ta nên thánh không phải là theo con đường của sự gồng mình, nghiến răng, nghiến lợi, nhưng nhẹ nhàng, thơ thới như trẻ thơ trong vòng tay của người cha, người mẹ. Chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa theo một cách thức như vậy: đơn sợ và nhẹ nhàng. Và nếu con đường của Therese nhẹ nhàng như vậy thì chúng ta cũng hiểu rằng, nên thánh cũng có nghĩa là mỉm cười khi thực hiện con đường nên thánh. Điều đó cho chúng ta sự khích lệ. Thánh Alberto khi viết luật Dòng đã trình bày, chỉ dẫn các bước để làm sao để có được Đức Kitô, để sống vì Đức Kitô. Trong chương 20, ngài đã viết: đây là con đường thánh thiện và tốt lành, hãy bước đi trên đó. Ngài bảo đảm như vậy. Nhưng làm sao chúng ta biết được con đường đó nó tốt lành? Có chắc chắn hay không? Thưa, chính là ngày hôm nay, chúng ta mừng kính các thánh chính là một bằng chứng không thể chối cãi được. Chính các ngài cũng giống như chúng ta, đã từng mang áo Dòng Cát Minh. Các ngài đều là con cái Cát Minh – những bông hoa nở trên nền linh đạo Cát Minh, đã từng bước đi trên con đường đó và đã thành công. Cho nên, chúng ta có niềm tin, niềm khích lệ để chúng ta tự tin bước đi trên con đường đó.
Ngày hôm nay, chúng ta mừng kính các thánh Dòng Cát Minh như đang hít thở bầu khí Cát Minh như một điều quý giá để sống một sự sống tràn trề như thánh Therese Hài Đồng Giêsu. Và một điều mấu chốt ở đây đó là: để đạt được thành công trên con đường tự hủy, chết đi cho chính mình của Cát Minh thì một điều quan trọng mà Therese nhấn mạnh đó là con đường của tình yêu – chủ đề trung tâm – Tình yêu đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô, giống như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã nói rằng “trong tất cả mọi thử thách đó chúng ta được toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta – Đấng đã yêu mến chúng ta trước và chúng ta chỉ việc đáp lại thôi. Đó là chìa khóa để nên thánh, là chìa khóa để chúng ta can đảm, vui vẻ bước vào cuộc tự hủy và chết đi đó. Thánh Phaolô còn nhấn mạnh “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8,35). Không ai cả. Bắt bớ, gươm giáo đau khổ cũng không làm gì được, bởi tình yêu của Đức Giêsu Kitô quá mạnh, vượt trên tất cả. Chỉ có một người duy nhất tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài đó là chính “bản thân tôi”. Chính khi chúng ta khước từ tình yêu Ngài, không đáp trả lại, thì Chúa cũng “bó tay”. Vì thế, một lần nữa, cha Phaolô mời gọi cộng đoàn phụng vụ hãy cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của các thánh Dòng Cát Minh – những người đã từng sống như chúng ta theo linh đạo Cát Minh, chuyển cầu cho chúng ta, thêm sức cho chúng ta, khích lệ chúng ta có thêm niềm vui, niềm hân hoan để bước đi theo Chúa mỗi ngày. Ngài tin rằng qua mỗi ngày chúng ta bước đi theo linh đạo Cát Minh đúng nghĩa của sự chết đi hàng ngày để lấy Đức Giêsu Kitô – Hình ảnh trung tâm của cuộc đời mình thay thế cho “cái tôi” quy ngã của mình, thì chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu.
Kết thúc bài chia sẻ của cha Phaolô, cộng đoàn tiếp tục thánh lễ với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Sau thánh lễ, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse đã đại diện quý anh em Cát Minh O.Carm bày tỏ lòng tri ân đối với Mẹ Bề trên, quý sơ trong đan viện. Ngay sau đó, cha Giuse và quý cha đồng tế cũng đã chúc lành cho sơ Marie Assumpta Chiên Thiên Chúa Nguyễn Thị Thu Tâm trong năm Tập mới này. Sau bài ca kết lễ, quý cha, quý thầy đã chụp hình lưu niệm với Mẹ Bề trên, quý sơ trong đan viện và cùng nhau chia sẻ niềm vui cách thân thương, gần gũi qua bữa sáng tại nhà cơm đan viện.
Thánh lễ truyền thống lần thứ ba của Dòng đã khép lại, đánh dấu một chặng đường tốt đẹp cho mối tình thân hữu của các anh chị em trong Dòng Cát Minh, đồng thời mở ra một tương lai tươi sáng cho một sự hiệp nhất trọn vẹn giữa những “ơn gọi” đa dạng và phong phú trong vườn hoa mà Thiên Chúa đã vun trồng trên nền linh đạo Cát Minh đang từng ngày tỏa hương, khoe sắc.
TS. Giuse Maria Phạm Thành Linh O.Carm.