Làm sao để biết một người thánh thiện hay không?
Đây là một câu hỏi phổ biến nhưng xem ra lại khó trả lời. Có người cho rằng thánh thiện là đọc kinh nhiều. Người khác lại cho thánh thiện là ăn ở ngăn nắp. Kẻ khác nữa thì bảo thánh thiện là làm việc từ thiện. Còn bạn nói thánh thiện là gì nhỉ?
Trong Cựu Ước, khá nhiều nơi ta nghe lời mời gọi này: “Hãy trở nên thánh thiện, vì Ta, Thiên Chúa của ngươi, là Đấng Thánh.” Trong Tân Ước, Thầy Giêsu thì dạy chúng mình: “Anh chị em hãy trở nên hoàn (thánh) thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Thánh.”
Những lời này chỉ rõ cho ta một điều rằng: sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa là “nguồn mạch mọi sự thánh thiện” (Kinh nguyện Thánh Thể II) và ta phải lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi đánh giá về thánh thiện. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là: Thiên Chúa thánh thiện như thế nào?
Có rất nhiều lời Kinh Thánh nói về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Xin được mời bạn đọc ngay với mình Lời Chúa mà Hội Thánh đề nghị chúng ta suy niệm hôm nay. Trước hết, Lời Chúa phán qua miệng ông Mô-sê: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh…. Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận… ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Ðức Chúa.” (Lv 19: 2, 17-18)
Rồi chính miệng Thầy Giêsu dạy ta: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng bào và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?… Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:43-46, 48) Cùng một dòng văn như thánh Mat-thêu, thánh Lu-ca nói một cách khác: “Hãy nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36)
Bạn thân mến, tất cả 3 bản văn với 3 từ Kinh Thánh đồng nghĩa trên đều quy hướng ta về một điểm chung: Thiên Chúa là Đấng thánh thiện qua tình yêu vô điều kiện của Người và ta cũng phải làm như thế nếu ta muốn làm con cái Người. Đến đây, mình có thể nói: thánh thiện là nhìn bằng ánh mắt và yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa.
Nói như vậy có lẽ vẫn còn hơi mơ hồ phải không bạn? Xin mời bạn đi sâu hơn để cùng nhìn vào hình ảnh rõ nét và trung thực nhất về Thiên Chúa để thấy thánh thiện trong yêu thương là thế nào. Hình ảnh ấy là: Thầy Giêsu. Ai thấy Thầy là thấy chính Thiên Chúa (Ga 14:9) Thầy Giêsu đã nhìn và yêu ra sao?
Câu trả lời rất đơn giản: trong mắt Thầy Giêsu không ai là kẻ thù và trong tim Thầy không tồn tại hận căm. Ai đến với Thầy đều được đón nhận và hướng về yêu thương. Cung cách đối xử với tha nhân của Thầy gói trọn vẹn trong một chữ “yêu”, “yêu cho đến cùng”. Mặc dù xung quanh Thầy có nhiều người mang lòng ghen ghét, ích kỷ, ác tâm, thù địch muốn tiêu diệt Thầy, Thầy vẫn tình thương của Thầy vẫn không hề suy xuyển. Mọi người đều biết rõ chuyện gì đã xảy ra vào buổi chiều kinh hoàng ấy: Từ thập tự tủi nhục và đau đớn đến tột cùng, Giêsu vẫn cất lên lời cầu nguyện cho những kẻ đang giết chết mình: “Cha ơi, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34)
Bạn mến, hẳn là bây giờ tụi mình đã hiểu phần nào về sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời mình thông dự. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên “thánh” nghĩa là “yêu”, yêu người Chúa yêu ta.
Vẫn còn đó một vấn đề khá thực tế: Liệu rằng việc trở nên thánh thiện như Thầy Giêsu có vượt quá khả năng của con người không? Bạn thấy thế nào?
Mời bạn cùng nhìn vào con người thật Stêphanô: Khi chấp nhận bị người ta xử tử bằng cách ném đá để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, anh đã ngước mắt lên trời mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” (Cv 7:60) Mời bạn chiêm ngắm cô thiếu nữ Maria Goretti, sau khi bị kẻ cuồng dâm 20 tuổi Alessandro đâm nhiều nhát dao vào người vì chống trả, đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh ấy và muốn anh ấy sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.” Mời bạn nhìn vào con người linh mục Maksymilian Kolbe đã tình nguyện chịu chết thay cho một người tù không hề quen biết trong trại tập trung Đức Quốc Xã năm 1941. Cuối cùng, mời bạn chứng kiến hình ảnh Gioan Phaolô II, đích thân xin nhà cầm quyền Ý tha cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Agca và vào tù thăm anh ta để nói với anh rằng: “Tôi tha thứ cho bạn.”
Bạn thấy đấy, đây là những con người bằng xương bằng thịt như tụi mình, và họ đã sống thánh thiện theo gương Thầy Giêsu. Hoá ra sự thánh thiện này là yêu con người và yêu đến nỗi có thể hy sinh cho họ. Một hành động mang hình thức yêu thương chưa chắc đã là tình yêu thật sự phải không bạn?! Một tình yêu thật sự phải xuất phát từ trái tim chỉ mong muốn điều tốt lành và hạnh phúc cho tha nhân.
Nếu câu hỏi mở đầu suy niệm này là “Làm sao để biết một người thánh thiện hay không?” thì câu trả lời kết thúc là “Người đó có yêu thương thật sự hay không?”
Joseph Viet, O.Carm.