Tuần Thánh là thời gian đỉnh cao của các mầu nhiệm Kitô giáo. Có lẽ chính xác hơn là lúc tôi và bạn được mời gọi để trở về với trung tâm điểm của đức tin mà mình vẫn tuyên xưng và cố gắng sống mỗi ngày. Xin được gửi đến bạn hai gợi ý nhỏ cho Tuần Thánh năm nay.
Thứ nhất, có một quan niệm cho rằng cái chết của Đức Giêsu là do sự công bình của Thiên Chúa. Nói cách khác, con người xúc phạm đến Thiên Chúa qua tội lỗi của mình. Nhưng Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi nên không muốn trừng phạt con người. Tuy nhiên khổ nỗi Thiên Chúa là Đấng công bằng tuyệt đối nên sự công bằng của Người bắt buộc phải trừng phạt tội lỗi của con người. Vì thế phải có ai đó chịu thế án phạt ấy cho con người thì sự công bằng của Thiên Chúa mới được thoả mãn. Đức Giêsu đến chính là để thế chỗ bị phạt ấy cho con người. Bạn có đồng ý với quan niệm đó không? Còn tôi, tôi chọn quan niệm của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô quả quyết rất mạnh mẽ và nhiều lần rằng: Tất cả những gì Đức Giêsu Kitô làm cho con người cũng chính là những việc Thiên Chúa làm cho con người. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng ra tay cứu độ con người, từ việc có ý định cứu độ con người cho đến việc thực hiện ý định đó một cách cụ thể trong biến cố Nhập Thể, trong cuộc sống thăng trầm với con người, trong cuộc khổ nạn, trong sự chết đi, và trong sự phục sinh. Tất cả những việc làm yêu thương ấy đều là sáng kiến và công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người.
Thứ hai, xin mời bạn cùng chiêm ngắm thập giá nơi Đức Giêsu chịu treo. Bạn thấy gì nơi thập giá đau thương ấy? Tôi thấy ít nhất hai điểm đáng lưu ý.
Điểm thứ nhất: Đức Giêsu trung thành cho đến cùng với con đường mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã chọn để cứu độ con người: con đường từ chối sử dụng bạo lực. Vây quanh Đức Giêsu toàn là những lời khiêu khích, sỉ vả, nguyền rủa, lên án, thoá mạ, thách thức cùng với bản án tử hình bất công của những kẻ chống đối. Đức Giêsu hoàn toàn bị dồn vào chân tường. Nếu bạn và tôi ở vào vị trí của Đức Giêsu, chúng ta sẽ làm gì? Đức Giêsu hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ vì Người quyền năng kia mà. Bạn có nghe trong mình một khuynh hướng, một cám dỗ rằng: “Bọn khốn nạn ấy sẽ phải chết hết!” Bạn có thấy mình muốn dùng bạo lực để trả đũa bạo lực không? Có lẽ ít nhiều ! Nhưng Đức Giêsu đã không dùng bạo lực mà dùng yêu thương để đáp trả bạo lực. Nghe rất xuôi tai nhưng điều này thật sự là một việc khó làm khủng khiếp. Điều đó không có nghĩa là Đức Giêsu ủng hộ bất công và áp bức. Sở dĩ Đức Giêsu có thể chống lại cám dỗ muốn trả thù bằng bạo lực ấy là vì Người biết chắc chắn rằng bên kia thập giá là Phục Sinh. Bạn và tôi là môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Thầy mình để khử trừ khuynh hướng bạo lực trong bản thân. Đây là cách thức duy nhất để con người chúng ta có thể xây dựng một gia đình nhân loại thật sự hoà bình và yêu thương.
Điểm thứ hai: khi Đức Giêsu bị treo lên thập giá chính là lúc Thiên Chúa giương cao tình yêu của mình, một tình yêu đi đến tận cùng. Khi Đức Giêsu được giương cao khỏi mặt đất chính là lúc Thiên Chúa tôn vinh Người Con yêu dấu của mình, Người Con đã yêu thương và tôn vinh Cha mình bằng một tình yêu đi đến tận cùng. Giây phút của thập giá Giêsu là khoảnh khắc của tình yêu Thiên Chúa tự hiến trọn vẹn cho con người. Giây phút tôi và bạn nhìn lên thập giá của Giêsu là giây phút chúng ta được mời gọi tự hiến hy sinh cho nhau. Thập giá đau khổ kia đã biến thành Thánh Giá trong tình yêu tự hiến. Hy sinh vì yêu thương đã biến đổi hoàn toàn bản chất của thập giá và khổ đau. Chúa đã tự hiến cho tôi và bạn một cách cụ thể trên thập giá, ta cũng hãy xin Người giúp ta tự hiến cho nhau một cách cụ thể trong hoàn cảnh của mình. Có như thế, chúng ta mới là những môn đệ chân chính của Thầy Giêsu vì Người đã nói: “Dấu chỉ để mọi người nhận ra anh chị em là môn đệ của Thầy là anh chị em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh chị em.” (Gioan 13: 35; 15:13)