Home / Lectio Divina / Phương Pháp Đọc, Suy Niệm Lời Chúa Và Cầu Nguyện (Lectio Divina)

Phương Pháp Đọc, Suy Niệm Lời Chúa Và Cầu Nguyện (Lectio Divina)

PHƯƠNG PHÁP ĐỌC, SUY NIỆM LỜI CHÚA

VÀ CẦU NGUYỆN  (LECTIO DIVINA)

  1. MỤC ĐÍCH

Giúp anh chị em giáo dân biết cách thực hành – hoặc một mình, hoặc với một nhóm bạn bè – một phương pháp tuy đơn giản nhưng rất hữu hiệu để tiếp cận Lời Chúa trong các bản văn Kinh Thánh. Sử dụng thành thạo phương pháp “Đọc, Suy Niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện” này, đời sống đức tin của người giáo dân sẽ thêm sâu sắc và xác tín. Đồng thời việc chia sẻ Lời Chúa trong nhóm nhỏ hay Cộng đoàn Giáo hội cơ bản sẽ dễ dàng thuận lợi hơn.

  1. TRÌNH BÀY PHƯƠNG PHÁP:

2.1 TIẾN TRÌNH 6 BƯỚC CỦA PHƯƠNG PHÁP ĐỌC, SUY NIỆM LỜI CHÚA & CẦU NGUYỆN.

Phương pháp «Đọc, Suy Niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện» được tiến hành theo 6 bước như sau:

  1. Chuẩn bị – xin ơn Chúa Thánh Thần (Preparatio).
  2. Đọc và tìm hiểu bản văn (Lectio).
  3. Suy niệm (Meditatio).
  4. Cầu nguyện (Oratio).
  5. Chiêm niệm (Contemplatio).
  6. Dấn thân hành động (Actio).

2.2 GIẢI THÍCH TỪNG BƯỚC CỦA TIẾN TRÌNH.

B1. Chuẩn bịXin ơn Chúa Thánh Thần (Preparatio)

Ở bước 1 này, chúng ta nên lưu ý những điều sau đây:

“Khi mở Sách Thánh, bạn cần ý thức rằng đọc Lời Chúa là để nghe Chúa nói với bạn. Việc lắng nghe này không tùy thuộc ở bạn hay do bạn cố gắng, nhưng do Chúa, Đấng muốn bạn nghe được tiếng Ngài. Vậy bạn hãy lắng nghe Chúa nói qua Lời của Ngài, trong tâm tình khiêm tốn của người nghèo của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận và thực thi Lời Chúa.

“Bạn cũng nên nhớ cuốn sách này không phải của riêng bạn, mà là của cộng đoàn Hội Thánh. Khi cầu nguyện với Lời Chúa, bạn được hòa mình vào truyền thống của Hội Thánh đã có từ bao đời. Dù đọc Lời Chúa một mình di chăng nữa, bạn vẫn không cô đơn vì được liên kết với bao anh chị em tín hữu khác đã và đang “suy niệm luật Chúa đêm ngày” (Tv 1,2).

“Bạn hãy đặt mình trước mặt Chúa để đi vào cuộc đối thoại với Người. Bạn cũng hãy xin Người cử Thánh Thần đến giúp bạn hiểu Lời Chúa; đồng thời đi vào sự thinh lặng nội tâm để đón nghe Lời Chúa” (1) như lời chia sẻ của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta:

          «Tôi luôn bắt đầu việc cầu nguyện bằng sự thinh lặng. Thiên Chúa nói trong sự thinh lặng của trái tim. Chúng ta cần lắng nghe, vì điều quan trọng không phải là điều chúng ta nói mà là điều Người nói với chúng ta và qua chúng ta»

B2. Đọc và tìm hiểu Lời Chúa (Lectio)

Đọc chậm rãi từng chữ từng câu một đoạn văn Kinh Thánh. Không cần đọc lấy nhiều.  Đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhất là những câu ngắn mà chúng ta thấy hay thấy thích, chúng ta có thể lặp đi lặp lại nguyên văn các câu ngắn ấy nhiều lần. Đọc trong tâm tình yêu mến, lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận ơn soi sáng và ơn tác động của Thánh Thần. Đọc Lời Chúa trong cầu nguyện, xin Thiên Chúa, xin Chúa Giê-su nói với chúng ta, tỏ lộ Ý Ngài cho chúng ta, chỉ đường vạch lối cho chúng ta, soi sáng hướng dẫn chúng ta.

Ở bước 2 này chúng ta có thể dùng phương pháp sau đây để nắm bắt được nội dung bản văn:

           a/ Quan sát bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi như: Ở đâu? khi nào? //Ai?// Làm gì? //Nói gì? (2).

Thí dụ: Lc 19,1-10

 

Ở đâu?

Khi nào?

Ai? Làm gì? Nói gì?
Giê-ri-khô

 

Đức Giê-su đi ngang qua
Da-kêu Tìm biết Đức Giê-su Chạy tới trước leo lên cây 
Đức Giêsu tới chỗ ấy, nhìn lên,  nói:   “Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
Da-kêu Vội vàng tụt xuống Mừng rỡ đón Chúa
Đám đông Thấy vậy xầm xì “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”
Da-kêu Đứng lên thưa Chúa   “Phân nửa tài sản, tôi cho người nghèo, và nếu đã cưỡng đoạt…xin đền gấp bốn!”
Đức Giê-su Nói  “Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này, vì cũng là con cháu Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

 

         b/ Giải thích bằng cách tự đặt cho mình những câu hỏi như: tại sao? … có ý nghĩa gì? ….  ám chỉ hay ngụ ý gì?

Ví dụ:

(1o) H: Tại sao Gia-kêu tìm biết Đức Giê-su?

T: Gia-kêu tìm biết Đức Giê-su (có thể) vì Gia-kêu đã nghe nói nhiều về Người nên tò mò muốn biết Đức Giê-su là người thế nào và (cũng có thể) vì trong tâm hồn, Gia-kêu có nỗi khắc khoải sâu kín về đời sống công chính, về ơn cứu độ.

(2o) H: Tại sao Gia-kêu leo lên cây?

T: Gia-kêu leo lên cây vì có rất nhiều người đứng chật hai bên đường, không còn chỗ trống nào cho Gia-kêu xen vào và vì Gia-kêu là người thấp bé.

(3o) H: Tại sao Đức Giê-su lại nhìn lên cây?

T: Đức Giê-su nhìn lên cây vì thấy có người đứng trên cây ấy và (có thể) vì Chúa đã biết rõ tâm hồn và sự chờ mong thầm kín của Gia-kêu.

(4o) H: Câu nói của Đức Giê-su “Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” có ý nghĩa gì?

T: Có nghĩa là Chúa Giê-su muốn đến thăm ông và ở lại nhà ông, tức trở thành  khách hay bạn bè thân thuộc của Gia-kêu.

(5o) H: Tại sao đám đông lại xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ?”

T: Tại vì đối với người Do Thái thì những người làm nghề thu thuế – đừng nói chi đến người đứng đầu ngành thuế như Gia-kêu – là những người có ít nhất là 3 tội: (a) tội cộng tác với chính quyền ngoại bang đô hộ đất nước (b) tội ức hiếp người dân phải nộp thuế cao (c) tội cắt xén tức biển thủ tiền thuế của dân. Cho nên dân chúng không hiều và chấp nhận được việc Đức Giê-su vào nhà ông Gia-kêu.

(6o) H: Li Gia-kêu thưa với Chúa Giê-su: “Phân nửa tài sản, tôi cho người nghèo, và nếu đã cưỡng đoạt…xin đền gấp bốn!” có ý nghĩa gì?

T: Có nghĩa là Gia-kêu quyết định thay đổi cuộc sống bằng những việc làm cụ thể là chia sẻ của cải với người nghèo và đền bù những người đã vì ông mà phải thiệt thòi.

(7o) H: Li tuyên bố của Chúa Giê-su: “Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này, vì cũng là con cháu Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” có ý nghĩa gì?

T: Có nghĩa là Chúa Giê-su nhìn nhận ông Gia-kêu đáng được Ơn cứu độ của Thiên Chúa vì ông cũng thuộc thành phần con cái Áp-ra-ham. Chúa Giê-su còn khẳng định sứ mạng của Người là cứu vớt các tội nhân là “những gì đã mất.”

        c/ Tóm kết ý nghĩa đoạn văn trong một câu vắn gọn:

(1o) Trong đoạn Kinh Thánh này, chúng ta khám phá Chúa Giê-su là ai?

(2o) Chúng ta học được điều gì từ đoạn Kinh Thánh này? Hay Lời Chúa trong đoạn Kinh Thánh này đem sứ điệp gì đến cho chúng ta?

Ví dụ:

(1o) H: Trong đoạn Lc 19,1-10, chúng ta khám phá Chúa Giê-su là Ai?

T: Trong đoạn Lc 19,1-10, chúng ta khám phá Chúa Giê-su là Đấng

(a) nhanh nhạy và tinh tế trong quan sát và thấu hiểu cõi lòng con người,

(b) tự do và chủ động mà không bị thành kiến não trạng người đời cản trở trong việc thực thi sứ mạng của mình,

(c) đem Ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những ai cần đến và chờ mong Ơn ấy (dù cách âm thầm).

(2o) H: Trong đoạn Lc 19,1-10, chúng ta học được điều gì?

T: Trong đoạn Lc 19,1-10, chúng ta học được các điều sau:

(a) lòng khát khao sự công chính của Gia-kêu, một con người bị xã hội coi là đáng ghét và xa lánh,

(b) sự tinh tế và lòng can đảm của Chúa Giê-su trong cách đối xử với Gia-kêu và đương đầu với đám đông đầy thành kiến,

(c) Thiên Chúa ban Ơn cứu độ cho hết mọi người, mà ưu tiên là cho những ai cần đến và ước mong.

B3. Suy niệm Lời Chúa (Meditatio)

Trong thinh lặng, chúng ta tự hỏi trong lòng: Lời này, câu này, sự kiện này có ý nghĩa gì? Thiên Chúa, Chúa Giê-su có dành riêng cho tôi lời này, câu này, biến cố  này không? Thiên Chúa, Chúa Giê-su muốn nòi gì với tôi qua lời này, câu này, biến cố này? Thiên Chúa, Chúa Giê-su mời gọi tôi làm gì?

Ví dụ:

(1o) “Gia-kêu tìm biết Đức Giê-su”: Tôi có tìm biết/thấy/gặp Chúa Giê-su không? Tôi tìm biết/thấy/gặp Chúa Giê-su bằng những cách nào?

(2o) “Gia-kêu vội vàng tụt xuống, mừng rỡ đón Chúa”: Tôi có mau mắn và vui mừng với việc đón rước Chúa Giê-su đến thăm tôi không?

(3o) Gia-kêu nói với Chúa Giê-su: “Phân nửa tài sản, tôi cho người nghèo, và nếu đã cưỡng đoạt…xin đền gấp bốn!”: Tôi có sẵn sàng chia sẻ với người nghèo một phần của cải, thời gian, tài năng của tôi không? Tôi có quan tâm đền bù những bất công và thiệt hại mà tôi gây cho người khác không?

(4o) “Hôm nay ơn cứu độ đến với nhà này, vì cũng là con cháu Áp-ra-ham”: Chúa Giê-su có công bố lời ấy khi đến với tôi không? Tại sao tôi không nghe được lời công bố ấy?

Cũng chỉ trong thinh lặng của tâm hồn mình, chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa nói và khám phá ra ý muốn của Chúa và rồi chúng ta sẽ biết mình phải làm gì.

B4.Cầu nguyện tức để Lời Chúa đánh động tâm hồn tạo nên những tâm tình cầu nguyện (Oratio)

Trong thinh lặng, chúng ta để Lời Chúa đánh động tâm hồn mình, để Thánh Thần làm dậy lên những tâm tình thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ, khát khao, cảm thông, chia sẻ, sám hối ăn năn và quyết tâm sửa đổi. Và chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình mà Thánh Thần đã khơi lên trong tâm hồn chúng ta.

Ví dụ:

(1o) Tôi có tâm tình gì khi đọc đi đọc lại đoạn Phúc Âm Lc 18,1-10 này?

(2o) Khi đọc đi đọc lại đoạn Phúc Âm Lc 18,1-10  tôi có ngưỡng mộ ông Gia-kêu  và nhất là Chúa Giê-su không?

(3o)Khi đọc đi đọc lại đoạn Phúc Âm Lc 18,1-10  tôi có muốn noi gương bắt chước Gia-kêu không?

B5. Cầu nguyện chiêm niệm: chiêm ngưỡng Chúa và để tâm hồn cháy lửa yêu mến Chúa (Contemplatio)

 

Trong thinh lặng tuyệt đối, chúng ta hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, để yêu mến Người. Chúng ta cố giữ cho tâm hồn trống rỗng, không vướng bận một việc gì khác….để lòng kề lòng với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su.

B6. Dấn thân hành động theo lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa (Actio) 

Cách “Đọc, Suy Niệm Lời Chúa và Cầu Nguyện” chỉ hoàn hảo khi chúng ta đáp lại lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa mà chúng ta đón nhận được trong quá trình các bước kể trên.

Chúng ta đáp lại lời mời gọi, sự gợi ý của Chúa bằng một quyết tâm. Nhưng quyết tâm ấy phải có hành động cụ thể kèm theo. Chỉ có quyết tâm không thì chưa đủ, mà phải có việc làm cụ thể, thiết thực mới là nghe và thực thi ý muốn của Chúa (3)

Ví dụ: Để thực thi Lời Chúa trong Lc 18,1-10, tôi sẽ thực hiện một/hai/ba điều này:

(1o) Tôi sẽ tìm gặp Chúa Giê-su bằng cách

(a) mỗi ngày đọc Phúc Âm 15 phút,

(b) tập trung và ý thức cũng như chuẩn bị tích cực đón rước Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

(2o)Tôi sẽ tìm gặp Chúa Giê-su bằng cách mỗi tuần dành một tiếng đồng hồ để thăm viếng người già hay người tàng tật hay trẻ em mồ côi hay bệnh nhân hay nạn nhân HIV-AIDS.  

(3o) Tôi sẽ dành 10% hay 20%….. lương (hay thu nhập) tháng này của tôi để giúp hoặc các nạn nhân bão số 7 (ở Miền Trung và Miền Bắc Việt Nam) hoặc các nạn nhân bão Katrina (ở Lousiana, Hoa Kỳ) hoặc các nạn nhân động đất vùng Nam Á (ở Pakistan, Ân độ).  

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Chú thích

(1) Chương trình huấn luyện linh hoạt viên giới trẻ của Mục vụ Giới Trẻ Tgp TpHCM 2001, trang 122-123.

(2) Sđd trang 129-130.

(3) Nội dung các bước 2-6: dựa tài liệu nước ngoài.

Check Also

Tuần Tĩnh Tâm Anh Em Khấn Trọng 2024

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 6, các anh em khấn trọng Dòng Cát …