Lịch phụng vụ La Tinh cử hành vào ngày 16/7 hằng năm lễ Đức Bà núi Cát-minh. Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến lễ này lúc đọc kinh truyền tin trưa Chúa nhật tuần qua.“Nguyện xin Đức Maria mà chúng ta sắp mừng lễ Nữ Vương Cát-minh của Người, trợ giúp chúng ta thấu hiểu được trong vẻ đẹp của tạo vật sự phản ánh vinh quang của Thiên Chúa, và khuyến khích chúng ta nỗ lực hết sức mình vươn lên chóp đỉnh thiêng liêng của sự thánh thiện”, Đức Giáo hoàng nói trước khi truyền tin từ căn nhà gỗ ở miền núi xứ Combes d’Introd.
Cha Jesús Castellano, dòng Cát-minh và là giáo sư của phân khoa thần học “Teresianum”, ở Rôma, đã thổ lộ những lời sau đây với đài phát thanh Vatican: “Chúng ta biết rằng Đức Gioan Phaolô II, sinh ra ở Wadowice, ngay từ lúc nhỏ, ngài đã có mối liên hệ mật thiết với núi Cát-minh. Ngài đã nhận áo Đức Bà Cát-minh, và mang cho đến bây giờ, như chính ngài đã nói rõ trong nhiều dịp khác nhau. Mối liên hệ ưu ái này với núi Cát-minh và với các Thánh của Cát -minh làm cho ngài rất gần gũi với Đức Trinh nữ Cát-minh, dù do lòng sùng kính áo Đức Bà Cát-minh, hay là bởi chiều sâu của kinh nguyện. Chúng ta đừng quên tình yêu của ngài đối với Đức Maria như một người mẹ, ngài cảm nhận mình được bao bọc bằng sự hiện diện và tình mẫu tử của Mẹ. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của mối tình thắm thiết giữa núi Cát-minh với Đức Trinh nữ: nhìn thấy Đức Maria như một người chị em đồng hành với chúng ta, dẫn đưa chúng ta trong cuộc hành trình tiến lên những chóp đỉnh của sự thánh thiện.”
Dưới khía cạnh lịch sử, Cha Castellano nhắc lại rằng “Lòng sùng kính Đức Trinh nữ núi Cát-minh được phát sinh vào đầu thế kỷ XII khi các tu sĩ dòng Cát-minh đầu tiên đã hiến thánh đời sống của họ cho Chúa Giêsu, và xin Đức Trinh nữ Maria làm Thánh Bổn mạng, làm người chị em và làm mẹ của họ. Họ cung hiến cho Mẹ một nhà nguyện nhỏ trong thung lũng của núi Cát-minh (Các-men) nổi danh trong Kinh thánh, nơi ghi dấu lời cầu nguyện của ngôn sứ Êlia (1V18,36). Lòng sùng kính này sau đó được phổ biến, khi bị trục xuất khỏi Thánh Địa, các tu sĩ Cát-minh đã mang theo mình trên khắp nẻo đường thế giới, đến Chypre trước tiên, rồi đến tất cả các quốc gia châu Âu, lòng sùng kính đầy tình thắm thiết với Đức Trinh nữ, mà họ gọi Người không chỉ là “mẹ” nhưng cũng là “chị em”. Lễ Đức Trinh nữ núi Cát-minh được đặt vào ngày 16 tháng bảy, bởi vì vào ngày này, lúc diễn ra Công đồng Chung Lyon thứ II (1274), Dòng Cát-minh, bấy giờ có nguy cơ bị bãi bỏ, thì ngược lại đã được Giáo hội chính thức phê chuẩn. Các tu sĩ Cát-minh nhận ra biến cố này như một dấu chỉ có sự can thiệp đặc biệt của Đức Maria.”
Thần học gia này nhìn thấy hai “tính thời sự” song đôi trong lễ phụng vụ Đức Bà núi Cát-minh: “Một bên là lòng đạo đức bình dân mang lại tầm quan trọng cho lễ này. Khi trao áo Đức Bà, dấu hiệu nhỏ này trở thành một loại lễ nghi thánh hóa lòng đạo đức, và như vậy là hiến thánh, Đức Trinh nữ chắc chắn đã ban cho một bảo đảm phần rỗi và được hưởng kiến Thiên Chúa. Và một phương diện khác, sâu sắc hơn, thân thiết hơn: như những vị thánh của núi Cát-minh, chúng ta nhìn thấy Đức Trinh nữ Maria như là Đức Trinh nữ của sự chiêm ngắm, của thinh lặng, như là người mẹ tinh thần dẫn dắt chúng ta nên thánh. Đã có những vị thánh thật vĩ đại, như thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêxa Avila, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, hay thánh Edith Stein đã nói cho chúng ta về tầm quan trọng của lòng sùng kính này, nhờ đó đã sản sinh cho Giáo hội những hoa trái khôn ngoan, thánh thiện, và là nguồn cảm hứng không ngơi cho đời sống tu đức của Giáo hội”.