Home / Event / Lectio Divina: Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gábriel, và Ráphael

Lectio Divina: Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gábriel, và Ráphael

Date: Thứ Sáu 29 Tháng Chín, 2023
Time: 12:00 sáng - 12:00 sáng
Lectio Divina

Mùa Thường Niên

Ga 1:47-51

 

 1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha,

Xin Cha cho chúng con thấy sức mạnh toàn năng của Cha

Thể hiện trong lòng thương xót và tha thứ của Cha.

Xin Cha tiếp tục đổ tràn đầy chúng con với ân sủng tình yêu của Cha.

Xin Cha hãy giúp cho chúng con mau mắn hướng về cuộc sống vĩnh cửu theo như lời hứa của Cha

Và chia sẻ niềm hân hoan của Nước Trời.

Chúng con cầu xin vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,

Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,

Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Phúc Âm – Gioan 1:47-51

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Náthanaen đi tới Mình, thì nói về ông rằng:  “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối!”

Náthanaen đáp:  “Sao Ngài biết tôi?”  Chúa Giêsu trả lời rằng:  “Trước khi Philípphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi.”

Náthanaen thưa lại rằng:  “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel.”

Chúa Giêsu trả lời:  “Vì Ta đã nói với ngươi rằng:  Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin.  Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa.”  Và Người nói với ông:  “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”

3.  Suy Niệm

  Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Náthanaen trong đó xuất hiện câu sau đây:  “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”  Câu nói này giúp làm sáng tỏ điều gì đó liên quan đến các tổng lãnh thiên thần.

  Ga 1:47-49:  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Náthanaen.  Ông Philípphê dẫn ông Náthanaen đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1:45-46).  Ông Náthanaen đã thốt lên:  “Từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được?”  Ông Náthanaen quê ở Cana, gần làng Nagiarét.  Trông thấy ông Náthanaen, Chúa Giêsu nói rằng:  “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối!”  Và Chúa khẳng định rằng Người đã thấy ông ấy khi ông còn ở dưới cây vả.  Làm thế nào mà ông Náthanaen có thể là một “người Do Thái chân chính”, khi mà ông đã không công nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế?  Ông Náthanaen “ở dưới cây vả”.  Cây vả là biểu tượng của dân Israel (xem Mk 4:4; Dcr 3:10; 1V 5:5).  “Ở dưới cây vả” cũng giống như lòng trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa của dân tộc Do Thái.  Người Do Thái chân chính là kẻ biết cách từ bỏ ý nghĩ của riêng mình khi người ấy nhận thức rằng những ý tưởng ấy không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa.  Người Do Thái không sẵn sàng để hoán cải thì không phải là người Do Thái chân chính cũng chẳng phải là kẻ thành thực.  Ông Náthanaen là người Do Thái đích thực.  Ông mong đợi Đấng Cứu Thế theo các giáo huấn chính thức của thời bấy giờ, theo đó Đấng Cứu Thế xuất thân từ đất Bêlem trong miền Giuđêa.  Đấng Cứu Thế không thể đến từ Nagiarét ở miền Galilêa (Ga 7:41-42, 52).  Đây là lý do tại sao ông Náthanaen thoái thác chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Nhưng cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đã giúp ông nhận thức được rằng kế hoạch của Thiên Chúa thì không luôn giống như người ta tưởng tượng hay mong ước, rằng chính ông Náthanaen phải nhận ra sự phỉnh gạt của riêng mình, ông đã thay đổi lối suy nghĩ, đã chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và tuyên xưng:  “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel!”

–  Sự da dạng của lời mời gọi.  Các sách Tin Mừng của Máccô, Mátthêu, và Luca trình bày lời mời gọi các môn đệ đầu tiên một cách khá ngắn gọn:  Chúa Giêsu đang đi dọc theo bờ biển, và Người gọi các ông Phêrô và Anrê.  Sau đó, Người gọi các ông Gioan và Giacôbê (Mc 1:16-20).  Tin Mừng theo thánh Gioan có cách miêu tả khác về sự bắt đầu của cộng đoàn đầu tiên được thành hình chung quanh Đức Giêsu.  Thánh sử Gioan thực hiện bằng cách thuật lại những câu chuyện rất cụ thể.  Điều đáng nói là sự đa dạng của các lần mời gọi và những cuộc gặp gỡ của người ta với nhau và với Chúa Giêsu.  Do đó, thánh Gioan đã chỉ dạy những điều cần thiết phải làm để khởi đầu một cộng đoàn.  Nó được thực hiện qua phương tiện gặp gỡ và lời mời gọi cá nhân, và điều ấy cũng xảy ra như vậy ngay cả ngày hôm nay!  Chúa Giêsu kêu gọi một số môn đệ cách trực tiếp (Ga 1:43).  Một số khác được gọi qua cách gián tiếp (Ga 1:41-42).  Một ngày, Chúa đã gọi hai môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả (Ga 1:39).  Ngày hôm sau, Chúa đã gọi ông Philípphê là người sau đó đã gọi ông Náthanaen (Ga 1:45).  Không lời mời gọi nào được lặp lại bởi vì mỗi người thì khác nhau.  Người ta sẽ không bao giờ quên những lời mời gọi quan trọng đã đánh dấu cuộc đời của họ.  Người ta thậm chí còn nhớ cả ngày và giờ (Ga 1:39).

–  Ga 1:50-51:  Các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.  Lời thú nhận của ông Náthanaen chỉ là mới bắt đầu.  Bất cứ ai thành tín, sẽ thấy tầng trời mở ra và các thiên thần lên xuống trên Con Người.  Họ sẽ trải nghiệm rằng Chúa Giêsu là giềng mối mới cho sự kết hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại chúng ta.  Đó là việc thực hiện giấc mơ của ông Giacóp (St 28:10-22).

  Các thiên thần đi lên xuống bậc thang.  Ba Tổng Lãnh Thiên Thần:  Gábriel, Ráphael, và Micae.  Thiên thần Gábriel đã giải thích cho Tiên Tri Đanien ý nghĩa của thị kiến (Đn 8:16; 9:21).  Thiên thần Gábriel cũng đã trao sứ điệp của Thiên Chúa đến bà Êlisabéth (Lc 1:19) và đến Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu (Lc 1:26).  Tên Gábriel có nghĩa là “Thiên Chúa dũng mãnh”.  Thiên thần Ráphael xuất hiện trong Sách Tôbia.  Thiên thần đã hộ tống ông Tôbia, con ông Tôbít và bà Anna, trong suốt chuyến đi và bảo vệ ông khỏi mọi nguy hiểm.  Thiên thần giúp ông Tôbia giải thoát bà Sara khỏi ác quỷ và chữa lành ông Tôbít, cha của ông, khỏi bị mù lòa.  Tên Ráphael có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”.  Thiên thần Micae đã giúp Tiên Tri Đanien trong lúc ông gặp gian nan và khó khăn (Đn 10:13, 21; 12:1).  Trong thư của Giuđitha nói rằng tổng lãnh thiên thần Micae đã tranh dành với quỷ về thi hài của ông Môisen (Gđ 1:9).  Chính tổng lãnh thiên thần Micae đã thắng được Satan, tống khứ hắn ra khỏi Thiên Đàng và ném hắn vào hỏa ngục (Kh 12:7).  Tên Micae có nghĩa là:  “Ai được giống như Thiên Chúa!”   Từ ngữ “thiên thần” có nghĩa là sứ giả.  Vị nhận lãnh sứ điệp từ Thiên Chúa.  Trong Kinh Thánh, toàn bộ bản chất có thể là sứ điệp của chính Thiên Chúa, khi Chúa hướng nhìn về phía chúng ta và mặc khải sự hiện diện đầy yêu thương của Người cho chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi cá nhân

  Bạn đã có bao giờ có những cuộc gặp gỡ ghi dấu cả cuộc đời bạn chưa?  Làm cách nào mà bạn đã nhận ra ở đó có lời mời gọi của Thiên Chúa?

  Thỉnh thoảng bạn đã có từng quan tâm, giống như ông Philípphê, đi kêu gọi người khác để tham gia vào cộng đoàn chưa?

5.  Lời nguyện kết

Lạy CHÚA, con hết lòng cảm tạ,

Ngài đã nghe lời miệng con xin.

Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

Hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.

(Tv 138:1-2) 

 

Check Also

CƠ HỘI ĐỂ BIẾT

Date: Time: - CƠ HỘI ĐỂ BIẾTTuần 18 TN-B: Ga 6, 24-35Cha ông ta có …