Francis X. Pio Nguyễn Văn Khoa, O.Carm.
“Hồi đó, Bà Maria vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabét” (Lc 1:39-40).
Bối cảnh cuộc thăm viếng bà Êlisabét của Mẹ Maria xảy ra sau khi Mẹ được sứ thần Gabriel truyền tin. Tức là ngay giây phút này đây, Mẹ đang cưu mang trong mình chính Con Thiên Chúa. Một đặc ân lớn lao dành cho Mẹ đến nỗi sứ thần phải thốt lên lời tán tụng: “Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa luôn ở cùng Bà” (Lc 1:28).
Theo lẽ bình thường, khi một người thành đạt trong cuộc sống: được giàu sang, phú quý, hay được thăng quan tiến chức, thì điều đầu tiên họ làm là muốn càng nhiều người càng tốt biết việc thành đạt của họ. Cũng dễ hiểu thôi, họ làm như vậy vì thành công hôm nay là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những cố gắng lao nhọc vất vả bấy lâu, họ làm vậy để minh định với người khác rằng từ đây tôi đã là một người khác, một người có chức, có quyền.
Mẹ Maria là người hơn hết thảy chúng ta về khía cạnh thành đạt đó. Mẹ đã được Thiên Chúa ân ban cho một chức vị cao trọng nhất mà chính bà Êlisabét phải lớn tiếng nói rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm?” (Lc 1:43). Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng có quyền tự hào về việc đó chứ? Mẹ cũng có quyền báo cho mọi người biết Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chứ? Mẹ cũng muốn nhiều người đến với Mẹ, chúc mừng Mẹ, cầu xin Mẹ chứ?
Thế nhưng, đoạn cuối của cuộc Truyền Tin, Mẹ đáp lại lời sứ thần: “Này tôi là tì nữ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như những gì sứ thần nói” (Lc 1:38). Chúng ta không còn đủ ca từ để tán dương sự khiêm nhường của Mẹ. Trong mọi sự, Mẹ luôn ý thức Thiên Chúa mới chính là Người mà Mẹ hằng tín thác. Còn Mẹ chỉ là một thụ tạo, một tuyệt tác của Người. Mẹ đã tự nhận mình chỉ là một tì nữ của Thiên Chúa, một công cụ của Người. Mẹ đã khiêm nhường hạ mình xuống đến mức thấp nhất, đến độ gần hóa ra không trước mặt Chúa. Chính vì thế Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên ở một chức vị tuyệt hảo nhất là cho Mẹ được làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, và cho Mẹ hưởng trước hoa trái của ơn cứu độ.
Sau khi nghe sứ thần loan báo chị họ Êlisabét đang mang thai. Mẹ đã “vội vã” đi thăm. Từ “vội vã” ở đây không phải là hấp tấp, nhưng diễn tả thái độ mau mắn và lo lắng của Mẹ muốn được đến ngay bên chị để chia sẻ niềm vui và san sẻ những vất vả trong những ngày tháng sắp sinh con của chị.
Bà Êlisabét là một phụ nữ son sẻ. Đối với người Do Thái, việc một phụ nữ đã lập gia đình mà không sinh con luôn bị người khác khinh bỉ, chê bai. Họ cho rằng người phụ nữ đó bị chúc dữ vì tội của chị ta hay của cha mẹ chị ta. Đôi vợ chồng Êlisabét và Giacaria đã cao niên giờ đây có thể ngẩng cao đầu vì bà Êlisabét đang mang thai. Niềm vui lớn như vậy của người chị họ lẽ nào Mẹ Maria lại không đến để chia sẻ.
Mẹ đến thăm chị và còn đem đến cho chị một niềm vui lớn lao hơn nữa: chính Đấng Cứu Thế mà Mẹ đang cưu mang. Niềm vui đó quá lớn lao đến nỗi bà Êlisabét phải thốt lên lời tan dương: “Khi chị vừa nghe lời em chào, thì hài nhi trong bụng chị nhảy lên vì vui sướng” (Lc 1:44). Hài nhi mà chúng ta đang đề cập ở đây chính là Gioan Tẩy Giả, người mà sau này chính Chúa Giêsu đã minh định: “Trong số những người nam bởi người nữ mà sinh ra, thì không ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7:28). Vậy tại sao Gioan lại nhảy mừng, tại sao Gioan lại được Chúa Giêsu khen là cao trọng? Vì Gioan ngay khi còn tượng thai trong lòng bà Êlisabét đã được Thiên Chúa đến thăm, đã được đầy tràn Thánh Thần của Người. Niềm vui ấy không thể đến với bà Êlisabét nếu Mẹ Maria không viếng thăm bà.
Để thực hiện được cuộc viếng thăm này, Mẹ Maria đã phải “vội vã ra đi, tiến lên miền núi”. Từ làng Nazarét, xứ Galilê, nơi Mẹ sinh trưởng và cũng là nơi Mẹ được truyền tin đến xứ Giuđa, nơi Mẹ thăm bà Êlisabét là một quãng đường rất xa. Ít nhất phải đi qua hai dãy núi Ebal và Gerizim. Mẹ không ngần ngại những vất vả phía trước. Mẹ không ở lại ngôi nhà êm ấm. Nhưng Mẹ đã lên đường “ra đi”, chấp nhận khó khăn để đến thăm viếng người chị họ của mình. Rồi khi Mẹ đến nhà người chị họ, Mẹ đã “vào nhà” chị, Mẹ đã “chào hỏi” chị và Mẹ đã “ở lại” với chị không phải chỉ một đôi ngày nhưng suốt ba tháng trời cho đến khi chị sinh con. Mẹ đến thăm người chị họ không chỉ đơn thuần là chia sẻ niềm vui với chị, nhưng hơn thế nữa, Mẹ còn muốn san sẻ ngay cả những khó khăn, vất vả của chị.
Nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta tin chắc rằng, mỗi ngày Mẹ đang thăm viếng chúng ta. Mỗi ngày Mẹ muốn giới thiệu và mang Chúa Giêsu, Người Con của Mẹ, đến cho chúng ta. Mỗi ngày Mẹ đều muốn “vào tâm hồn” chúng ta, “nói chuyện” với chúng ta và “ở lại” với chúng ta để chia sẻ niềm vui và san sẻ khó khăn với chúng ta.
Chúng ta đã mở lòng ra để đón nhận Mẹ Maria chưa? Chúng ta có qua Mẹ học biết Chúa Giêsu và dọn lòng để đón nhận Ngài trong Bí Tích Thánh Thể chưa? Chúng ta có biết noi gương Mẹ luôn khiêm nhường và mau mắn đến với người khác để chia sẻ niềm vui và san sẻ những lo toan vất vả của họ chưa?
Hãy đến với Mẹ Maria và hãy học những điều đó từ nơi Mẹ.