Hội Thánh cử hành công trình cứu độ của Chúa Kitô qua chu kỳ một năm gọi là năm Phụng vụ. Năm phụng vụ bắt đầu bằng Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng và kết thúc vào thứ bảy trong tuần Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua. Trong năm phụng vụ này, năm 2017, Năm A, Giáo Hội suy niệm Phúc Âm Theo Thánh Mátthêu. Tất cả các bài đọc Phúc Âm Chúa Nhật Năm A điều trích từ Phúc Âm của Ngài. (Thánh Máccô năm B và Thành Luca Năm C). Riêng Phúc Âm theo Thánh Gioan không thuộc trình thuật Phúc Âm Nhất Lãm, Giáo Hội dùng Phúc Âm của Ngài cho toàn bộ Mùa Phục Sinh.
Năm A – Suy ngẫm Phúc Âm theo Thánh Mátthêu.
Chúa Giêsu đã chọn một trong những người đáng ghét nhất làm tông đồ của mình đó là Mátthêu. Ngài là người Do Thái làm việc cho đế quốc xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái (Matthew 9:9), nên những người thu thuế thường bị khinh miệt và được xem là người phản bội dân Do Thái. Người Pha-ri-siêu coi họ là hạng “tội lỗi” và là kẻ đáng ghét. Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Ngài.
Không giống hầu hết như các tông đồ khác, là những ngư dân chài lưới lành nghề, Máthêu lành nghề với những con số và với ngòi bút của mình. Thật vậy, Thánh Sử Máthêu đã viết 1.068 câu trong Phúc Âm của Ngài, trong khi đó Máccô chỉ viết 661 câu mà thôi. Có lẻ Matthew đã viết Phúc Âm vào khoảng những năm 85 đến105.
Phúc Âm Máthêu được đặt đầu tiên trong sách Tân Ước, không phải vì Ngài là người đầu tiên viết Phúc Âm (một số thư của Thánh Phaolô và Tin Mừng của Mác Cô được viết trước đó) nhưng vì Phúc Âm của Ngài được mô tả như là một cầu nối giữa Cựu và Tân Ước, Matthew cho thấy những gì Cựu Ước tiên báo đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu nên Phúc Âm của Ngài đuợc đặc trước hết trong sách Tân Ước.
Điểm chính
Phúc Âm của Thánh Máthêu chủ yếu nhấn mạnh vào bản chất giáo huấn của Đức Giêsu. Việc giáo huấn này chủ yếu nhấn mạnh về “Nước Thiên Chúa”. Chúng được phân thành năm phần rõ rệt: (1) Bài giảng trên núi, Luật nước trời: chương 5-7, (2) Các hướng dẫn về truyền giáo cho các tông đồ và nhiệm vụ của các người lãnh đạo Nuớc Trời: chương 10; (3) các dụ ngôn về Nước Trời: chương 13; (4) các chủ đề về “người làm lớn” và “sự tha thứ” trong Nước Trời: chương 18, và (5) “Nước Thiên Chúa đang đến gần” chương 24-25.
Đức Kitô trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu
Trong Tin Mừng của mình, Máthêu đã thuyết phục những người Do Thái rằng Đức Giêsu là đấng Messiah, đấng được xức dầu, Đức Kitô, là Con Thiên Chúa và là người “sáng lập” nước Thiên Chúa. Máthêu dùng 50 lần từ “vương quốc”, và “32 lần từ “nước trời”. Matthew cũng cho thấy quyền lực của Đức Giêsu qua việc làm phép lạ, quyền lực trên tội lỗi bằng cách tha thứ tội lỗi, và quyền trên cái chết và sự sống lại của chính Ngài.
Máthêu viết như một Người Do Thái và cho đồng bào Do Thái để trình bày cho họ những bằng chứng cho thấy Đức Giêsu tuyên bố Ngài là “Vua dân Do Thái”. Máthêu trích dẫn rộng rãi từ các vị ngôn sứ trong Cựu Ước để chứng tỏ rằng Đức Giêsu đã hoàn thành tất cả những gì được nói về Đấng Messia, Người sẽ đến để thiết lập triều đại [hoặc vương quốc] nước Thiên Chúa. Máthêu thường xuyên trích dẫn: “để ứng nghiệm lời ngôn sứ…”.” hoặc “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã được nói bởi các ngôn sứ …” Máthêu 9 lần đề cập đến Chúa Giêsu là “Con Vua Đavid”. Các ngôn sứ đã báo trước rằng “Đấng Cứu Thế sẽ là hậu duệ trực tiếp của Vua Đavid”. Máthêu bắt đầu Phúc Âm của mình bằng gia phả của Đức Giêsu, truy gốc Ngài từ Đavid, vua của Israel, và sau đó đến Abraham, Người Do Thái đầu tiên. Máthêu truy nguồn gốc của Đức Giêsu qua dòng dõi Giuse, cha nuôi của mình, không phài là Đức Maria, mẹ đẻ của Ngài [đối với Luca thì không]. Vì Máthêu là người người Do Thái nên phả hệ phải theo dòng dỏi từ người cha.
Qua việc cử hành Phụng Vụ Năm A, Chúng ta sẽ khám phá gương mặt của Đức Kitô và các lời giáo huấn của Ngài qua lời kể của Thánh Mát Thêu.
Ý NGHĨA CỦA NĂM PHỤNG VỤ
Năm Phụng Vụ là chu kỳ thời gian một năm Hội Thánh “cử hành mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô từ nhập thể, Giáng Sinh, đến Thăng thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến” (PV số 102). “Nguồn mạch” và “Đỉnh Điểm” của Năm phụng vụ là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, mầu nhiệm nầy được báo trước trong các biến cố Cựu Ước và được đào sâu nơi các mầu nhiệm mà Giáo Hội mừng kính sau nầy.
Năm Phụng Vụ được chia thành 5 gian đoạn khác nhau nhưng có mối quan hệ đặc biệt với nhau. Mỗi giai đoạn mô tả những khoảnh khắc đa dạng về mầu nhiệm của Đức Kitô (SC 10; LG 11).Chúng đi theo một trình tự cao dần: Mùa Vọng và Giáng sinh, mùa Chay và Lễ Vượt Qua hay mùa Phục Sinh; và mùa Thường Niên.
Mùa Vọng và Giáng Sinh
Mùa Vọng (tiếng Việt nghĩa là “sự trông chờ”, “hy vọng”; tiếng Latinh: adventus nghĩa là “đến”) là mùa đầu tiên của năm phụng vụ bao gồm khoảng thời gian bốn Chủ nhật trước Lễ Giáng sinh và kết thúc vào Đêm Giáng Sinh. Chủ đề chính của Mùa Vọng mang hai đặc tính: một mặt Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa trở nên xác phàm trong sự khiêm hạ và nghèo khó và mặt kia loan báo về “Ngày Lại Đến” của Đức Kitô trong vinh quang: Đây là một thời gian diễn tả các hành động của chờ đợi, hy vọng, ước muốn, cầu nguyện, truyền giáo, tin tưởng và hân hoan.
Giáng sinh là một thời gian vui tươi, cử hành mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Người đã đến để cứu độ chúng ta “Ngài đã trở thành Người ở giữa chúng ta.
Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.
Mùa Chay bắt đầu vào Thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào Thứ bảy Tuần Thánh (tròn 40 ngày) là thời gian chuẩn bị nhằm mục đích hướng đến việc tham dự sâu rộng hơn vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong thời gian này các dự tòng trãi qua một tiến trình với nhiều mức độ khác nhau để gia nhập Giáo hội mà đỉnh điểm của nó là Ba Bí Tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức Và Mình Thánh Chúa) mà họ sẽ được lãnh nhận trong đêm Vọng Phục Sinh.
Mùa Chay với màu tím truyến thống mang bầu không khí trầm buồn thể hiện các chiều kích: ăn năn thống hối, Sự trở về, tha thứ và Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Cao điểm của Mùa Chay là Tam nhật Thánh hay “Tam Nhật Vượt Qua” bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh tới chiều Chúa Nhật đại lễ Phục Sinh. Phụng vụ Tam Nhật Vượt Qua trỗi vượt trên mọi cử hành và mùa phụng vụ khác. Lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất trong Năm Phụng vụ. Ngoài ra, Ngày Chúa Nhật cũng được Hội Thánh đề cao và họp mừng long trọng.
Mùa Phục sinh: từ lễ vọng Phục sinh đến lễ Hiện xuống: mừng việc Chúa Kitô toàn thắng tội lỗi và tử thần.
Mùa Thường Niên
Khoảng 34 tuần lễ, bao gồm 2 thời kỳ: Từ sau mùa Giáng sinh đến đầu Mùa Chay và Từ sau lễ Hiện xuống đến hết tuần lễ Chúa Kitô Vua. Hội Thánh dùng thời gian này giúp tín hữu sống mầu nhiệm cứu độ cách đầy đủ hơn. Ngoài ra, rải rác suốt năm Phụng vụ, Hội Thánh còn dành nhiều ngày lễ để: Tôn kính cách đặc biệt Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Tôn kính thánh Giuse, các thánh Tử đạo, các thánh khác là những Đấng đã tới đỉnh cao trọn lành, đáng nêu gương cho ta và rất thần thế cầu bầu cho ta trước tòa Chúa.
MÀU SẮC PHỤNG VỤ
Phụng vụ cử hành trong các mùa khác nhau của năm phụng vụ với thánh nhạc đặc biệt cho từng muà, những bài đọc, lời nguyện, và nghi lễ khác nhau, qua đó để phản ánh tinh thần và bầu khí cho từng mùa cụ thể. Các màu sắc của áo mà linh mục mặc trong phụng vụ cũng giúp thể hiện các tính chất của mầu nhiệm được cử hành.
Màu trắng: màu của niềm vui và chiến thắng, được sử dụng cho các mùa Phục sinh và Giáng sinh. Nó cũng được sử dụng cho các ngày lễ của Thiên Chúa , các ngày lễ Đức Mẹ Maria, các thiên thần, và cho các thánh không phải là thánh tử đạo. Màu Vàng cũng có thể được sử dụng trong những dịp trang trọng.
Màu đỏ: (màu của máu) được sử dụng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Màu đỏ cũng được dùng cho các lễ sinh nhật của các thánh Tông Đồ, thánh Sử, và các thánh Tử vì Đạo. Màu đỏ (màu của lửa) nhớ lại Chúa Thánh Thần và được sử dụng vào Lễ Ngũ Tuần (Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) và trog ngày lễ ban Bí Tích Thêm Sức.
Màu xanh lá cây: nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong nhà máy và các loại cây, tượng trưng cho cuộc sống và hy vọng và được sử dụng trong mùa Thường Niên.
Màu tím: được sử dụng cho Mùa Vọng giúp nhắc nhớ rằng chúng ta đang chuẩn bị cho sự kiện ngày lại đến của Đức Kitô. (Tuy nhiên, Mùa Vọng năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi dùng màu tím xanh: biểu lộ rõ hơn màu hy vọng và chờ đợi). Màu tím đậm dành cho mùa Chay, mùa của sám hối ăn năn và đổi mới.
Màu hồng: có thể được sử dụng vào ngày chủ nhật thứ ba của Mùa Vọng (Gaudete Sunday) , và vào ngày Chủ Nhật thứ tư của Mùa Chay (Laetare Sunday), cũng có thể sử dụng trong ngày cử hành bí tích hôn phối.
Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm.