Tu viện Đức Bà Núi Cát Minh, 19/09/2020
Tin: Joseph Mary Thành Linh
Hình ảnh: Ts. Peter Phạm Trọng, O.Carm.
TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG
“NGHỆ THUẬT” ĐỂ BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI
Cổ nhân có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Kinh nghiệm sống quý báu ấy của cha ông xưa đã được đúc kết và lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu. Ngày nay, câu nói ấy vẫn còn được vang lên và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong kinh doanh, trong giao tiếp, trong đối nội, đối ngoại, trong tư vấn tâm lý…để xây dựng các mối quan hệ trong xã hội, đối tác, bạn bè, anh em… sao cho thuận lợi nhất, thành công nhất. Trong đời sống tu trì cũng thế; việc “biết mình, biết người” cũng là điều cần thiết vì nhờ đó mà các mối tương quan giữa mọi thành viên được cải thiện, đời sống cộng đoàn được thăng tiến, triển nở và vững chắc.
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến thuật “biết mình, biết người”, sáng ngày 19/09/2020, tại tu viện học viện Đức Bà núi Cát Minh, anh em Cát Minh phụ tỉnh Thánh Giuse đã tổ chức buổi học hỏi chuyên đề “Tâm lý học Ứng dụng” dưới sự diễn giải và chia sẻ của Nữ tu Anna Trần Thị Ngọc Huyền, CND., Dòng Đức Bà – Nữ Kinh sĩ Thánh Âutinh.
Tham dự học hỏi chuyên đề hôm nay có sự hiện diện của quý nữ tu Dòng Cát Minh Thánh Giuse; Dòng Cát Minh Chúa Quan Phòng La Pommeraye; Dòng Nữ tử Cát Minh (Putri Karmel); Dòng Nữ Lao Động Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (Cộng đoàn Nước Hằng Sống); quý cha Bề trên các tu viện, quý thầy Cát Minh đến từ các Tu viện Thánh Giuse, Tu viện Đức Bà Núi Cát Minh, cùng anh em ứng sinh Tu viện Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu.
Chuyên đề được bắt đầu vào lúc 8h00.
Mở đầu buổi học hỏi, Sơ Anna đã giới thiệu khái quát về chuyên đề “Tâm lý học Ứng dụng” đặc biệt là khía cạnh Tâm lý-Hình học – môn khoa học nghiên cứu về tính cách con người qua các biểu tượng hình học. Thông qua Tâm lý-Hình học, mỗi người sẽ xác định được tính cách của mình, nhận biết được điểm mạnh điểm yếu của bản thân, hiểu được tại sao mỗi người có cách giao tiếp và ứng xử khác nhau, đồng thời bớt đi những mâu thuẫn, xung đột với mọi người và biết cách giao tiếp khéo léo, ứng xử tinh tế hơn trong công việc và trong cuộc sống.
Để diễn tả một cách sinh động và đem lại một sự hiểu biết rõ hơn, cụ thể hơn về việc ứng dụng Tâm lý-Hình học, mỗi thành viên của lớp học đã trải qua một bài test nhanh. Đây là bài trắc nghiệm đơn giản và thú vị. Bài trắc nghiệm có 3 phần:
+ Phần A: Các nét tính cách
+ Phần B: Các hành vi
+ Phần C: Tương quan với mọi người.
Trong mỗi phần, mỗi học viên sẽ chọn 7 câu hay cụm từ đúng với mình nhất. Các câu và cụm từ trong bài trắc nghiệm này được chọn lọc để mô tả rõ nét các tính cách, sở thích và đặc điểm tâm lý của mọi người. Sau đó sẽ đếm số lượng các biểu tượng hình học (vuông, tròn, tam giác, chữ nhật, lượn sóng) mà mỗi học viên có. Biểu tượng hình học nào nhiều nhất sẽ nói lên tính cách của một người.
Chẳng hạn như, những người chọn biểu tượng hình vuông nhiều nhất sẽ cho thấy họ là những người có tổ chức, ngăn nắp, trật tự, tỉ mỉ, chăm chút đến từng chi tiết. Họ thích các số liệu cụ thể, chính xác chứ không thích các lý thuyết trừu tượng hay những thông tin đầy cảm tính. Họ được mệnh danh là “những con ong” chăm chỉ, kiên định và nhẫn nại, đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ và là những người trọng chữ tín. Trong khi đó, những người chọn biểu tượng hình tam giác nhiều nhất sẽ cho thấy họ là những người có khả năng tập trung cao, không thích vòng vo, quyết đoán, tự tin, đầy tham vọng. Họ được mệnh danh là “những người sinh ra để làm lãnh đạo”. Trong các sự kiện, hội họp, họ luôn là người đến sớm để “nắm bắt” tình hình và chọn chỗ ngồi tốt nhất. v.v.
Các kết quả của mỗi bài test nhanh đã giúp cho các học viên cảm thấy hứng thú vì nhận ra được tính cách của mình. Nhiều người trong lớp học đã tâm đắc và phải thốt lên rằng “đúng quá!”, “quá chuẩn”, “chính xác !” hay “99% những điều viết trong đây đều đúng với con người của em.” v.v. Tất cả đã làm cho lớp học trở nên sôi động, vui vẻ.
Sau những trắc nghiệm và khám phá được tính cách của bản thân, hiểu rõ hơn về mình, các học viên được chia thành các nhóm có chung một biểu tượng hình học và cùng nhau chia sẻ những cảm nhận về kết quả mà mình nhận được. Sau khoảng 30 phút, các nhóm đã cử đại diện để diễn tả và chia sẻ về những tính cách chung của người thuộc nhóm biểu tượng hình học của mình.
Sau cùng, sơ Anna đã tóm lược lại và diễn tả một cách cụ thể hơn về tính cách của mỗi một người thông qua các biểu tượng hình học khác nhau: hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, hình tròn, hình lượn sóng. Từ đó, ứng với tính cách của mỗi đối tượng, sơ Anna đã chỉ ra cách làm thế nào để sống chan hòa, giao tiếp và làm việc hiệu quả với từng người trong số họ. Đây là một điều quan trọng và mang ý nghĩa lớn lao của ứng dụng Tâm lý-Hình học. Vì nhờ “biết mình, biết người” mà mỗi người có thể điều chỉnh mọi mối quan hệ trong những tương quan, hoàn cảnh khác nhau ngõ hầu làm cho chúng trở nên gắn kết, tốt đẹp, thân thiện và bền vững hơn, đúng như những gì mà Tâm lý học ứng dụng nhắm tới “hiểu mình để hạnh phúc hơn, hiểu người để thành công hơn”.
Kết thúc buổi học, thầy Giuse Nguyễn Văn Tâm, O.Carm. đã đại diện cho các thành viên trong lớp học nói lên lời tri ân chân thành tới sơ Anna sau những giảng giải và chia sẻ đầy lý thú của sơ về chuyên đề Tâm lý học ứng dụng hôm nay. Đáp lại, sơ Anna cũng gởi lời cám ơn tới quý cha Bề trên, quý anh chị em trong lớp học đã lắng nghe và cộng tác. Sơ hy vọng, chuyên đề hôm nay sẽ giúp ích được cho mọi người trong việc tìm và hiểu biết chính mình cũng như những người khác.
Buổi học đã khép lại trong niềm vui tươi, phấn khởi vì ai lấy đều khám phá ra được ít nhiều về tính cách của bản thân, thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời cũng hiểu ra được những khác biệt giữa mình và những người xung quanh, để từ đó dễ cảm thông và chia sẻ. Niềm vui tươi và phấn khởi trên mỗi gương mặt hiện diện hôm nay còn kéo dài và tiếp nối trong bữa cơm trưa thân mật đã gắn kết chặt chẽ hơn tình huynh đệ, tỉ muội thắm thiết của anh chị em đại gia đình Cát Minh.
Ước gì những kiến thức thâu lượm được hôm nay sẽ được anh chị em ghi nhớ và áp dụng tốt nhất trong đời sống của mình, để “biết mình, biết người”, ngõ hầu làm triển nở và thăng tiến hơn linh đạo và lối sống Cát Minh.