Khi suy niệm về hành trình của ngôn sứ Êlia, tôi lại thấy mình cứ khúc mắc với một câu hỏi liên quan đến người Cát Minh trong thời đại hôm nay. Câu hỏi đó là: làm thế nào để tôi có thể sống linh đạo Cát Minh – “chiêm niệm và hoạt động”- giữa lòng thế giới hôm nay? Nêu lên câu hỏi có tính thẩm định này không phải để chúng ta chán nản giống ngôn sứ Êlia đã từng chán nản: “Lạy Ðức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19:4), nhưng là để mỗi người trong chúng ta có cơ hội dừng lại, xem xét và phân định xem mình đã diễn tả ơn gọi Cát Minh như thế nào trong đời sống hằng ngày.
Nhân dịp mừng kính trọng thể ngôn sứ Êlia, người cha tinh thần và nguồn gợi hứng tuyệt vời cho linh đạo Cát Minh, chúng ta thử soi mình vào trong mẫu gương của vị ngôn sứ bốc lửa này để một lần khám phá ra đâu là động lực để vị ngôn sứ đã từng chán nản này thốt nên lời xác quyết khẳng khái: “Lòng nhiệt thành đối với Ðức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con” (1 V 19:14). Nếu như Thiên Chúa cũng hỏi chúng ta như Ngài đã hỏi Êlia: “ngươi làm gì ở đây?”, liệu chúng ta có dám xác quyết cùng một câu trả lời như Êlia chăng? Thế nên, đây sẽ là dịp tốt để chúng ta soi mình trong mẫu gương ngôn sứ Êlia và để khám phá mình đang đứng đâu trong hành trình thiêng liêng này.
Trước hết, để thực sự soi mình theo mẫu gương ngôn sứ Êlia, chúng ta thử khám phá coi ngôn sứ Êlia, với tư cách là một ngôn sứ của Thiên Chúa Hằng Sống, đã tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa trong cuộc đời của ngài như thế nào. Ngài đã sống tinh thần chiêm niệm vào hoạt động ra sao. Kế đến chúng ta thử gợi lên một vài hướng đi như định hướng cho hành trình sắp tới của cộng đoàn Cát Minh trong hành trình tiếp theo.
Tinh thần Êlia: Chiêm niệm và hoạt động
Khi nói về ngôn sứ Êlia, chúng ta có thể liên hệ đến hàng loạt những việc mà ngài đã thực hiện nhân danh Thiên Chúa hằng sống, Đấng ngài phụng sự. Nhưng đâu là động lực khiến Êlia có thể xả thân với tất cả nhiệt huyết để sống cho Thiên Chúa như vậy? Đó cũng có lẽ là câu hỏi mà mỗi thế hệ Cát Minh luôn phải tìm kiếm câu trả lời cho chính mình.
Câu hỏi này có thể được tóm gọn trong việc tìm trả lời cho vấn đề: thế nào là tinh thần ngôn sứ? Tinh thần ngôn sứ bắt đầu từ một niềm tin. Tin vào Đấng Tuyệt Đối – là Thiên Chúa Hằng Sống và tin vào sự hiện diện tối quan trọng của Ngài trong hiện hữu của con người. Hay nói khác đi, trước tiên ngôn sứ là người cảm nghiệm được sự hiện diện thiêng liêng và tròn đầy của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nhưng đồng thời với sự cảm nghiệm đó, ngôn sứ lại khám phá ra một thực tại khác có đôi chút phủ phàng về sự thiếu vắng Thiên Chúa nơi những con người và những thực tại chung quanh mình. Ở đây, phải minh định rõ rằng sự thiếu vắng này không phải vì Thiên Chúa không hiện diện, nhưng vì người ta muốn chối từ hay muốn quên lãng sự hiện diện của Ngài trong dòng lịch sử của họ. Hay còn tệ hơn nữa là người ta để cho những cám dỗ, những sa hoa phù phiếm, những ngẫu tượng của cuộc đời này làm cho người ta mất ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ (xem 1Vua 18 – Hy lễ trên núi Cát Minh). Mà thiếu vắng Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với sự thiếu vắng Nước Thiên Chúa. Chính trong sự thiếu vắng này và khi người ta bị lấp đầy bởi sa hoa phù phiếm, thì nước của Satan sẽ ngự trị trong cuộc đời họ thay vì Nước Thiên Chúa. Trái lại, nhờ cảm nghiệm về Thiên Chúa và hạnh phúc trong sự hiện diện cách tròn đầy của Ngài, ngôn sứ được thúc bách phải chỉ ra sự thiếu vắng Ngài và đồng thời công bố về một thực tại mới trong ân sủng trong sự hiện diện của Thiên Chúa nơi dòng lịch sử của con người.
Do đó, nếu chỉ đóng khung tầm nhìn trong những giới hạn trần gian, con người không thể chấp nhận được sứ mệnh ngôn sứ. Nhưng trong con người chúng ta, mà đặc biệt là trong các ngôn sứ, luôn tồn tại một khả năng hướng tới vô biên, hướng về tương lai được hoàn thiện trong Thiên Chúa. Vì thế, khi ngôn sứ là người đại diện Thiên Chúa, luôn sống trong sự hiện diện của Ngài và được tràn đầy nhiệt tâm vì Đức Chúa – Thiên Chúa các đạo binh, thì chính ngôn sứ cũng được Thiên Chúa sai đến nói cho người khác biết mạc khải về chính mình Ngài. Khi thực thi sứ mạng Thiên Chúa ủy thác, chính ngôn sứ cũng đang cùng với mọi người hoàn thành hành trình cuộc đời mình là hướng về tương lai tuyệt đối trong Thiên Chúa. Nếu không tin nơi Chúa, ngôn sứ không thể là ngôn sứ và con người không thể đón nhận những lời ngôn sứ. Nhưng nếu tin Thiên Chúa, mỗi người sẽ thấy ơn gọi ngôn sứ vượt qua mọi tính toán trần gian.
Vì thế, khởi điểm của ơn gọi ngôn sứ là niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin này lại được diễn tả trong sự khao khát tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa và trung thành phụng sự Ngài với một con tim trong sáng và một lương tâm ngay thẳng (Luật Dòng Cát Minh ch. 2). Khi đã khao khát, đã tìm kiếm và cảm nghiệm được hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ngôn sứ lại bị thúc bách để chỉ ra cho tha nhân thấy Thiên Chúa đang thiếu vắng trong họ hay trong những thực tại chung quanh họ.
Chính qua những điểm này, nếu chúng ta đem so sánh với cuộc đời và hành trình tâm linh của ngôn sứ Êlia, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng khởi điểm và động lực dấn thân của ngài đều phát xuất từ Thiên Chúa và qui hướng về Thiên Chúa. Êlia đã tin vào Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, tìm kiếm Thiên Chúa, cảm nghiệm Thiên Chúa và đồng thời công bố Thiên Chúa cho tha nhân. Nói cách khác, hành trình tâm linh của ngôn sứ Êlia diễn tả cách trọn vẹn hai khía cạnh của một đời sống, đó là: chiêm niệm và hoạt động; Trong chiêm niệm Êlia trải qua những bước như tin tưởng, khao khát, tìm kiếm và cảm nghiệm Thiên Chúa; trong hoạt động, Êlia công bố về Thiên Chúa cho tha nhân. Đây cũng là nét đặc trưng nơi ơn gọi Kitô của mỗi người chúng ta; mà cụ thể hơn nữa là ơn gọi Cát Minh mà chúng ta đang được mời gọi để sống. Người Cát Minh được mời gọi để tin vào Thiên Chúa, khao khát Ngài, tìm kiếm Ngài, cảm nghiệm Ngài và công bố về Ngài theo gương ngôn sứ Êlia.
Nhưng dẫu biết hành trình tâm linh của Êlia và của mỗi người chúng ta là thế, chúng ta vẫn luôn gặp những trở ngại trong việc diễn tả ơn gọi chiêm niệm và hoạt động như ngôn sứ Êlia trong thời đại chúng ta hôm nay. Thế thì làm sao để mỗi chúng ta có đủ lý do và để có được cùng một động lực tinh thần như ngôn sứ Êlia trong hành trình ơn gọi của mình. Chúng ta thử cùng nhau suy tư về ơn gọi Cát Minh trong bối cảnh chúng ta hiện nay.
Người Cát Minh giữa lòng thế giới
Êlia cũng như các ngôn sứ đã tin vào Thiên Chúa, khao khát Ngài, tìm kiếm Ngài, cảm nghiệm Ngài và công bố về Ngài. Thì chúng ta cũng được mời gọi trải qua hành trình tương tự trong cách thế và điều kiện của mỗi chúng ta hiện nay. Để có thể dấn thân vào hành trình này trong điều kiện của chúng ta hôm nay, xin được gợi lên những tóm lược sau đây hầu giúp chúng ta có định hướng cụ thể và rõ ràng hơn cho hành trình của mỗi người.
Hành trình tâm linh như đã trình bày ở trên có thể tóm gọn lại vào hai việc để làm trong cuộc đời này, đó là: cầu nguyện và thực thi đức công bình (Ernest E. Larkin, O.Carm.). Trước hết, chúng ta cầu nguyện để biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và để chúng ta có đủ khả năng đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa. Ở đây cần thiết để nhấn mạnh rằng qua việc chúng ta sống tương quan yêu thương với Thiên Chúa, chúng ta cũng đang thực thi đức công bình bằng việc sống tương ngay thẳng với chính Thiên Chúa. Thứ đến, qua việc thực thi đức công bình, chúng ta chia sẻ tình yêu mà chúng ta đã cảm nhận được từ Thiên Chúa qua việc phục vụ tha nhân. Đức công bình bao gồm tất cả những mối tương quan ngay thẳng; đó cũng là ước muốn điều thiện hảo nhất trong mối tương quan của chúng ta với tha nhân. Lại nữa, nếu chỉ đóng khung tầm nhìn trong những giới hạn trần gian, chắc chắn chúng ta khó có thể sống trọn vẹn được hai điều kể trên. Chính vì thế, tương quan với Thiên Chúa là tương quan khởi đầu và nền tảng cho tương quan với tha nhân. Nó giúp chúng ta vượt lên trên những chuẩn mực, những giới hạn trần thế, để đạt được hạnh phúc thật trong chính Thiên Chúa cùng với tha nhân.
Cả hai yếu tố trên đều mang tính thiết yếu đối với ơn gọi Cát Minh nói riêng và ơn gọi Kitô Hữu nói chung. Hai yếu tố này chỉ là cách gọi khác của linh đạo Cát Minh là: chiêm niệm và hoạt động. Hai thuật ngữ chiêm niệm và hoạt động lại hàm chứa ngay trong chúng một lời mời gọi dấn thân. Mà như đã biết, chúng ta được mời gọi dấn thân để trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa qua việc trở nên những con người chiêm niệm và những ngôn sứ. Người chiêm niệm cảm biết Thiên Chúa qua con đường tình yêu. Ngôn sứ nói lên tiếng nói của Thiên Chúa và thực thi những công việc của Thiên Chúa. Nói cách khác, ơn gọi của chúng ta là một ơn gọi kép. Mà cụ thể là cầu nguyện và dấn thân, chiêm niệm và hoạt động, yêu Chúa và yêu người. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả lời mời gọi kép này một cách tuyệt vời bằng những từ ngữ sau:
“Chúng ta cần những sứ giả Tin Mừng, những chuyên gia về nhân sinh, những người thấu hiểu những chiều sâu tận đáy lòng con người, những người có khả năng chia sẻ những niềm vui và hy vọng, những lo âu khắc khoải và những nỗi khốn cùng của con người hôm nay, nhưng đồng thời họ cũng phải là những con người ‘cầu nguyện’ và chiêm niệm luôn sống trong tình yêu với Thiên Chúa.” (Huấn từ tại Hội Nghị Các Giám Mục Châu Âu Khoá Sáu, 1985).
Cầu nguyện và chiêm niệm giúp chúng ta sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa và thực hiện điều cần thiết đó là vượt ra khỏi thế giới hạn hẹp của cái tôi ích kỷ để vươn tới một tầm mức lớn hơn trong tương quan với tha nhân. Cầu nguyện đặt chúng ta trong tương quan với những chân lý lớn hơn chính mình và với chính Nguồn Chân Lý. Hơn nữa cầu nguyện cũng giúp chúng ta khiêm tốn hơn và cảm thông hơn với tha nhân trong tương quan hàng ngày. Chính trong cầu nguyện chúng ta khám phá ra mình là ai trong tương quan với Chúa và với tha nhân.
Nếu đem so sánh tất cả những diễn giải trên đây với những gì chúng ta nghiệm thấy trong hành trình ơn gọi của mỗi người, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng kết luận rằng tất cả những gì chúng ta làm trong cuộc đời đều qui về việc xây dựng các mối tương quan đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng đâu là tương quan nền tảng mà trên đó chúng ta có thể xây dựng tất cả các mối tương quan khác. Câu trả lời đã rõ: tương quan với Thiên Chúa. Cũng thế, người Cát Minh giữa lòng thế giới hôm nay cũng được mời gọi để sống tương quan với Thiên Chúa qua niềm tin vào Thiên Chúa, khao khát Ngài, tìm kiếm Ngài, cảm nghiệm Ngài và công bố về Ngài theo gương ngôn sứ Êlia.
Chính trong tương quan nền tảng này mà ngôn sứ Êlia và những thế hệ Cát Minh đi trước đã khám phá ra Thiên Chúa mà họ hằng chiêm ngắm; một Thiên Chúa hiển trị, Đấng khát khao mang lại hạnh phúc cho con người. Chính vì khát khao mang lại hạnh phúc cho con người mà Thiên Chúa luôn đối kháng với tất cả những đau khổ, những bất công, những gì hạ thấp nhân phẩm con người, vì thế Ngài cũng là vị Thiên Chúa tiếp tục gửi Thần Khí của Ngài đến để kiện toàn vương quốc của Ngài; một vương quốc chan chứa tình thương, chan chứa bình an. Nói cách khác, Thiên Chúa mà Êlia và những người Cát Minh chiêm ngắm không phải là một vị Chúa nghỉ yên, nhưng Ngài là Thiên Chúa liên lụy với cuộc đời. Ngài vẫn tiếp tục liên luỵ với cuộc đời qua việc mời gọi và biến đổi chúng ta trở nên những ngôn sứ công bố một thế giới ân sủng trong Ngài.
Kết luận
Sở dĩ qua tất cả những diễn giải trên đây, chúng ta lại chỉ quay về với một điều duy nhất là tương quan, là để chúng ta không thể tránh né được những chất vấn của ơn gọi chúng ta; thứ ơn gọi đặt nền trong tương quan với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, kể cả những người sống đời đan tu và ẩn sĩ, tất cả đều đang diễn tả những gì mà ngôn sứ Êlia đã thực hiện trong cuộc đời ngài mà thôi.
Vấn đề còn lại của chúng ta là: 1/ tôi đã sống ơn gọi chiêm niệm của tôi nghiêm túc tới mức nào, để có thể được gọi là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống; 2/ tôi đã sống ơn gọi ngôn sứ nghiêm túc tới mức độ nào, để có thể được gọi là nhiệt thành vì nhà Chúa, Thiên Chúa các đạo binh. Những câu hỏi này không nhằm mục đích làm chúng ta chán nản, nhưng như là một lời mời gọi để một lần soi mình trong mẫu gương ngôn sứ Êlia. Để khi chúng ta bước vào giai đoạn mới của hành trình theo Chúa, thì chúng ta được hâm nóng lại với khẩu hiệu của ngôn sứ Êlia: “lòng nhiệt thành vì nhà Chúa thiêu đốt tôi.” Để chúng ta lại tiếp tục đi vào cuộc đời và làm hai việc duy nhất của hành trình ơn gọi của mình là: cầu nguyện và thực thi đức công bình trong tương quan với Chúa và với tha nhân.
Qua tương quan hằng ngày, chúng ta hy vọng góp phần xây dựng một thế giới càng ngày càng trở nên người hơn, khi người ta biết yêu thương nhau hơn vì Thiên Chúa. Chính nơi điều này mà chúng ta được gọi để sống như chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “ơn gọi của tôi là Tình Yêu.” Như thế chúng ta được mời gọi để yêu thương cuộc đời, để liên lụy với cuộc đời và để thánh hóa cuộc đời như chính Thiên Chúa của chúng ta vẫn hằng thực hiện qua các ngôn sứ và hôm nay qua mỗi chúng ta.
Giuse Trần Thanh Trung, O.Carm