Lòng sùng kính trong phụng vụ đối với Mẹ Thiên Chúa
Các giáo phụ dạy rằng Thiên Chúa sinh ra như con người bởi một phụ nữ và vì thế mặc khải hoàn hảo nhất của Thiên Chúa phải được tìm kiếm nơi con người. Thiên Chúa được nhận biết qua hình ảnh của Người (cf. Stk 1:26-27). Nhưng không phải mọi hình ảnh của Người đều có cùng mức độ hoàn hảo so với khuôn mẫu (archetype). Theo các ngài, việc tạo dựng con người không phải là một hành động của Thiên Chúa diễn ra một lần và đã hoàn thành trong quá khứ nhưng tiếp tục diễn ra một cách năng động, liên tục. Vì con người là những hữu thể không có nơi mình nguồn mạch của sự sống nên họ cần không ngừng tích lũy sự sống của Thiên Chúa nơi mình. Con người phát triển cách chủ động không những từ điểm xuất phát (từ Thiên Chúa) mà còn ở đích đến (về Thiên Chúa). Hành trình này diễn ra không ngưng nghỉ vì Thiên Chúa chính là mẫu mực vô tận của con người. Có một sự “tiến hóa” nơi con người.
Từ cách nhìn về con người mà các giáo phụ triển khai suy tư của mình về Đức Maria. Các giáo phụ lớn (như Irenaeus, Origen, Basil, Gregory Nyssa) phân tích Sáng Thế Ký 1:26-27 thành hai hạn từ: hình ảnh Thiên Chúa và sự giống Thiên Chúa (image and likeness) khi con người được tạo dựng nên. Hình ảnh Thiên Chúa chỉ phần tạo thành mà Thiên Chúa ưu ái trao ban cách nhưng không. Sự giống Thiên Chúa là việc đáp trả tư do của con người đối với món quà nhưng không này.
Origen nói rằng hình ảnh Thiên Chúa thì không bao giờ có thể mất đi. Sự giống Thiên Chúa thì tùy thuộc vào việc đáp của con người đối với sự hướng dẫn trợ giúp bên trong của Thánh Thần mà họ phát triển nó hoặc làm mất nó. Irenaeus mô tả con người giống như một tuyệt tác được Người Nghệ Sĩ quyền năng tạo nên. Tác phẩm này có tự do và lý trí nên có khả năng đáp trả, hiệp thông với Thiên Chúa nhờ cộng tác với ơn Thánh Thần.
Từ cái nhìn trên, suy tư về Mẹ Maria được phát triển. Nguyên lý căn bản rất đơn giản: hình ảnh càng hoàn hảo thì càng sáng láng trong khuôn mẫu mà nó phản ánh. Maria là rất thánh vì Mẹ đã đạt đến độ giống Thiên Chúa một cách đặc biệt, đỉnh điểm. Một vị thánh trong Giáo Hội Nga được gọi là prepodobnyi, nghĩa là người rất giống (the one that is very similar). Maria được gọi cùng thuật ngữ này và là người giống nhất trong những người giống Thiên Chúa.
Từ việc nhìn Maria là hình ảnh giống hoàn hảo nhất, các tác giả tâm linh dùng cho Mẹ danh hiệu “tuyệt mĩ”. Vladimir Soloviev (1853-1900) dùng hình ảnh than và kim cương để đối chiếu và làm nổi bật ý nghĩa. Cả hai loại cùng có chung các thành phần cấu tạo hóa học nhưng than làm nghẹt ánh sáng trong khi kim cương phản chiếu ánh sáng. Than xấu xí trong khi kim cương lại đẹp lỗng lẫy. Maria là kim cương qua sự biến đổi đặc biệt nhất của cuộc Nhập Thể.
Con người là hình ảnh năng động phát triển theo khuôn mẫu của Thiên Chúa. Theo ngôn ngữ của các giáo phụ Hy Lạp, được phải khắc kỉ (Stoic) dùng theo, sự thánh thiện Kitô giáo là nỗ lực hướng về việc phát triển hạt giống đã được Thiên Chúa gieo trong hữu thể ta. Mọi hoạt động của ta đều có chiều kích hợp tác nhân-thần, nghĩa là giữa việc làm của ta và ân sủng của Thánh Thần. Đương nhiên, đỉnh cao của sự hợp tác này là cuộc Nhập Thể nơi Thánh Thần ngự xuống tràn ngập Maria trong khi Maria dâng hiến toàn bộ sự hợp tác phía con người cho sự linh hứng của Thánh Thần. Kết quả của sự hợp tác này là Thiên Chúa-làm-Người (God-Man), Đức Kitô.
Công đồng Ephesus (431) với tín điều Maria là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) đã khởi xướng lòng tôn sùng Maria trên thế giới. Tại Roma, thánh giáo hoàng Lê-ô Cả hiểu tầm quan trọng của tín điều này để suy tư về sự tương đồng giữa sự sinh ra của Đức Kitô và của tín hữu, giữa việc là mẹ của Đức Maria và mẹ thiêng liêng (spiritual motherhood) của Giáo Hội. Pavel Evdokimov (1901-1970) nói rằng đức tin của mọi tín hữu có nguồn gốc từ hành động có giá trị vũ hoàn của Đức Maria, tức là lời Fiat (xin vâng). Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom) gọi Truyền Tin là “lễ gốc” (Feast of the root), nhiệm cục cứu độ trở về “nguồn gốc Maria” của mình và thánh mẫu học (Mariology) là một phần hữu cơ của Kitô học. Nhiều giáo phụ giải thích rằng mọi Kitô hữu, noi gương Đức Maria, được mời gọi trở nên mẹ Thiên Chúa theo cách riêng của mình bằng việc sinh ra Đức Kitô theo nghĩa tinh thần và mang Thiên Chúa đến cho thế giới.
Các sách đạo đức ít trình bày Maria như một mẫu gương cho các việc bác ái từ thiện, phục vụ, chẳng hạn như việc đi giúp bà Elizabeth. Truyền thống Đông Phương ngược lại nhìn Maria như là gương mẫu của chiêm niệm đỉnh cao. Sự khác biệt về ý tưởng này có nền tảng từ bản chất của Giáo Hội: bên phía Tây thì có tính hoạt động sôi nổi hơn trong khi bên phía Đông thì chiêm niệm hơn. Dĩ nhiên là không nên đi quá xa trong việc phân biệt này. Thánh Augustine nói rằng thiên thần đem thông điệp đến, Maria cảm nhận, tin và thụ thai: trước hết niềm tin trong tâm trí, sau đến là Đức Kitô trong dạ. Thật vậy, Maria là tín hữu đầu tiên của Tân Ước, và đức tin là khởi điểm chắc chắn của chiêm niệm và nhìn thấy. Theo thánh Basil thì việc kết hiệp tâm trí với Thiên Chúa tự nó đã là một loại nhập thể của Thiên Chúa trong thế giới, mà trường hợp của Đức Maria là hoàn hảo, trước khi sự kiện duy nhất của lịch sử cứu độ xảy ra: sự hạ sinh của Đức Kitô trong thân xác.
Trong ngữ cảnh của chiêm niêm, các tác giả tâm linh cũng cho thấy đặc ân trong đời đồng trinh của Đức Maria. Sự tinh khiết của Maria như là điều kiện để thông dự vào các màu nhiệm của Thiên Chúa đã được Origen và các tác giả bên Đông sau ông cử hành một cách đầy hào hứng. Điều kiện của chiêm niệm được giải thích liên quan đến hai yếu tố: sự trong sạch của tâm trí và sự hiện diện soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chủ đề chiêm niệm xuất hiện thường xuyên trong các bản văn của lễ Mẹ Thiên Chúa vào đền thờ, ngày 21 tháng 11.
Theo truyền thuyết, Maria dâng mình cho việc đan màn che nhà tạm trong đền thờ. Đây là biểu tượng cho màn che nhân tính Đức Kitô, biểu tượng được dùng cho chủ đề chiêm niệm, đã được Origen đề cập đến. Đền thờ, nhà Thiên Chúa, có ý ám chỉ về các bước thần nhiệm (mystical steps) để tiến đến gần nơi của Thiên Chúa tối cao trong cầu nguyện. Bản chất của chiêm niệm là khám phá những điều kì diệu của Đấng Thánh trong thế giới… Và Maria, trong việc giúp đan màn che của thân xác con người Giêsu, ý thức đầy đủ thực tại của Logos (Ngôi Lời) vừa ẩn giấu vừa tỏ hiện đồng thời. Mức độ cao nhất của chiêm niệm, theo Evagrius Ponticus, là chiêm niệm Ba Ngôi. Con người sống trong tương quan với Cha qua Con trong Thánh Thần nơi cầu nguyện. Nơi bản thân Maria thì tương quan này xuất hiện một cách đặc biệt theo đúng nghĩa của từ ngữ. Các tác giả cảm thấy khó diễn tả điều này nếu không dùng những biểu tượng phụng vụ như gọi Maria là “bàn thờ”, “hương”, “đền thờ”, và cùng với văn chương truyền thuyết, giới thiệu Maria như một cô gái trong nơi cực thánh (the holy of holies), nơi mà Mẹ đã được nuôi dưỡng bằng bánh thiên thần.
Một lời cầu nguyện hoàn hảo có quyền năng thần linh (divine power). Đó là niềm tin chung của các Kitô hữu về quyền thế sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Chỉ cần minh họa điều này bằng một bản văn của một nhà thần nhiệm Nga gần đây, John of Kronstadt (1829-1908). Ông viết: “Lúc bạn đến gần để cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa, trước khi cầu khẩn, hãy tin chắc rằng bạn sẽ không đi về mà không nhận lãnh ân sủng. Mẹ là Mẹ của lòng nhân hậu tràn đầy…là nguồn bất tận của khoan dung và từ bi…. Vì thế, đến với Mẹ mà không có niềm tin này sẽ là thiếu khôn ngoan và xúc phạm…”
Thần học phụng vụ thánh mẫu Byzantine
Kế hoạch của Thiên Chúa, luôn ẩn giấu mà cả thiên thần lẫn con người không biết, đã trở thành hiện thực khi Maria hiện hữu nơi cung lòng thánh Anna. Đây là màu nhiệm đức tin. Thiên Chúa đã chọn từ trước muôn đời đấng sẽ trở thành mẹ Người và giúp Người thực hiện kế hoạch của mình.
Việc chọn lựa Maria trong các bản văn phụng vụ hầu như luôn luôn được quy chiếu về Ngôi Lời vì Người là Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể vũ trụ cùng với Chúa Cha. Ngôi Lời chỉ có thể chọn một người mẹ tinh tuyền tuyệt mĩ. Ngôi Lời là Tân Lang của Thiên Chúa, còn Mẹ là Tân Nương của Thiên Chúa. Người chọn Mẹ chỉ vì yêu Mẹ. Sự tiền định của Thiên Chúa và tự do của con người hợp lại với nhau trong chọn lựa của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu và chọn Mẹ vì Người thấy nơi Mẹ sự tinh khiết thánh thiện, là một đền thờ vô nhiễm vượt trên mọi thụ tạo trên trời dưới đất của mọi thời. Tất nhiên sự tinh khiết và tuyệt mỹ này là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng đó cũng là sự đáp trả của con người. Maria là thụ tạo đáp trả Thiên Chúa tròn đầy nhất. Chúng ta có những liên hệ gần gũi với Ba Ngôi nhưng Maria có một tương quan khá khác và độc nhất vô nhị: Mẹ là Nương Tử của Chúa Cha theo một cách thức đặc biệt vì là Mẹ của Ngôi Lời thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần. Từ tương quan độc nhất này với Thiên Chúa xuất phát nơi Maria một phẩm giá duy nhất: vượt trên ca đoàn các thiên thần, các tầng trời, các thụ tạo cao cấp nhất vô hình và hữu hình, bởi vì Mẹ mang trong dạ mình Đấng Tạo Hóa của tất cả, Đấng không thể chứa đựng. Trong phụng vụ Byzantine, có lời kinh nguyện nổi tiếng của thánh Gioan Kim Khẩu được hát lên sau lời truyền phép và cuối mỗi giờ kinh: “Thật diễm phúc ôi Mẹ Thiên Chúa, đấng toàn thánh và vẹn sạch, Mẹ của Thiên Chúa chúng con. Mẹ cao quý hơn cherubim và sáng láng hơn seraphim, không hề có bóng dáng tì ố, ôi đấng cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa, Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Chúng con xưng tụng Mẹ!”
Sự siêu việt của Maria nằm ở việc kết hiệp (union) với Thiên Chúa. Đặc điểm sự thánh thiện của Maria là sự trinh trong bất khả so sánh. Lý do tối hậu của sự thánh thiện như thế là việc cứu độ nhân loại: Thiên Chúa muốn qua Mẹ loài người được thanh tẩy, thánh hóa để đạt đến sự kết hiệp với Ngôi Lời, thiết lập trong Người một thân thể thật sống động.
Tội lỗi, sự hư nát và cái chết đã đi vào thế gian do sự bất tuân của cha mẹ đầu tiên của chúng ta. Đức Kitô qua phép Rửa đã giải thoát ta khỏi tội Adam nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu chống lại đam mê nổi lên trong chúng ta. Các Kitô hữu Đông Phương ý thức rõ lý do và nhu cầu dâng về Thiên Chúa sự thống hối và tình yêu: vì tội của cả nhân loại bắt đầu từ cha mẹ đầu tiên, nhưng cũng vì có nhiều cám dỗ, vấp ngã mà ta phải chiến đấu cho đến chết. Vì thế, trở lại, sám hối mang tính chính yếu cho cuộc sống mỗi ngày. Maria cộng tác vào sự giải thoát sâu xa cho con người. Theo truyền thống phổ biến, không bao giờ phủ nhận sự kết hợp mật thiết giữa Đức Kitô và Đức Maria trong công cuộc cứu độ, các từ ngữ được áp dụng chung mặc dù hiển nhiên là có sự cách biệt rất lớn giữa Con Thiên Chúa – Đấng giao hòa chúng ta với Chúa Cha – và Mẹ Đồng Trinh. Trong phụng vụ Đông Phương, Đức Maria không được gọi là “Eva mới”. Tuy vậy, đây là một nội dung trong phụng vụ. Đôi khi Maria được nói đến như là người thay thế cho người mẹ đầu tiên, người đàn bà đã bị con rắn lừa. Nhiều bản văn diễn tả Maria là thiên đường mới. Chính Maria, tất nhiên là phụ thuộc vào Đức Kitô và màu nhiệm của Đức Kitô, xóa bỏ lời nguyền xưa và cho chúng ta phép lành của Đức Kitô. Maria vì tự do khỏi vòng nô lệ của Satan tên lừa đảo quỷ quyệt nên cũng giúp giải thoát chúng ta khỏi án chết, đau khổ và bại hoại. Các thánh thi thích đặt sự tương phản giữa việc đau đớn sinh con của Eva với việc sinh con đồng trinh trong niềm vui của Maria.
Cứu chuộc có nhiều khía cạnh: làm cho ngay thẳng lại, biến đổi, làm mới, canh tân, thần hóa. Trước hết, con người, được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa, đã sa ngã phạm tội và rơi vào tình trạng hỗn độn lí trí (irrationality), Maria được gọi là người sửa lại (corrector) cho Adam va Eva vì đã sinh ra Logos. Chính Mẹ kéo chúng ta ra khỏi vực thẳm tội lỗi, chữa lành ta và đặt ta vào lại trật tự đúng đắn.
Con người thoái hóa (decayed) không thể tự mình đạt đến Thiên Chúa và hạnh phúc được. Nhưng Thiên Chúa gọi họ lần nữa. Maria là điểm gặp gỡ và biểu trưng cho tiếng gọi này của Thiên Chúa dành cho cả loài người. Maria nhắc nhở ta tránh cái chết dẫn đến hỏa ngục, tránh con đường sai lầm và khổ đau, tránh nô lệ và băng hoại để gọi ta trở về với sự sống thần linh.
Trong khi Eva không cộng tác trong công trình tạo dựng cũ thì Maria có một chỗ nổi bật trong công trình tạo thành mới. Việc sáng tạo con người mới bắt đầu nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ. Bởi thế, Maria thực là con gái của Adam và Eva vì Mẹ đã tái tạo (remade) Đức Kitô là Adam mới cùng tất cả nhân loại. Qua Mẹ, Thiên Chúa canh tân bản chất con người. Đích điểm của canh tân là con người được thần hóa (divinized). Tất cả Cựu Ước chuẩn bị cho việc xuất hiện của Đấng Cứu Thế và ơn gọi thần linh mới của loài người. Mặc dù được ẩn giấu một cách tiên tri, việc Mẹ sinh ra Đức Kitô làm cho Cựu Ước được ứng nghiệm. Theo phụng vụ Byzantine, tất cả các ngôn sứ loan báo Đức Trinh Nữ. Các tác giả của các sách phụng vụ không bao giờ tách rời Đấng Cứu Độ và Mẹ Người vì nhận biết các Ngài gắn bó không thể phân ly trong công cuộc cứu độ. Khi các lời tiên tri đã trở thành hiện thực về Đức Kitô thì Mẹ Maria cũng được ca tụng như là sự hoàn thành của những lời tiên tri xưa. Sau đây là một vài hình tượng Cựu Ước cho Mẹ:
a/ Thang Gia-cóp (Stk 28:12-13): đầu thang chạm tới trời. Thiên Chúa xuống qua thang để đến với con người và đem họ lên trời. Maria được ca ngợi trong phụng vụ Byzantine như là thang trời sống động.
b/ Vài biểu tượng của lửa:
+ Bụi cây cháy mà không rụi (Xh 3:1-16): biểu tượng cho một lời tiên tri về việc thụ thai và sinh con đồng trinh. Tất cả thần tính hiện diện trong Maria mặc dù chỉ có một Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể.
+ Lò lửa Babylon (Daniel 3:26-90): giống ý niệm của bụi cây cháy, lò lửa không thiêu cháy ba cậu bé, Ngọn Lửa Thần Linh cũng không làm cháy Đức Trinh Nữ nhưng thanh tẩy nhân tính.
+ Hình ảnh cục than hồng trong Isaiah 6:1-7: nhà ngôn sứ cảm thấy ghê tởm về sự dơ uế của mình trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Một trong các seraphim mang một cục thang hồng từ bàn thờ và thanh tẩy lưỡi của ông, biểu tượng cho Trinh Nữ Maria đang ôm Chúa Con là Than Hồng thanh tẩy.
c/ Vài biểu tượng từ sách Xuất Hành:
+ Hòm Bia giao ước là biểu tượng cho Maria, nhưng hòm bia Cựu Ước chỉ được che phủ bởi cánh của các cherubim trong khi Maria được rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần.
+ Ngai thương xót/từ bi.
+ Bình đựng manna (Xh 16:32-33): Đức Kitô là manna, Maria là bình đựng.
+ Gậy Aaron (Ds 17:6-11): gậy của Aaron nở hoa một cách lạ lùng là dấu chỉ của Maria nở hoa cứu độ mà không có sự can thiệp của đàn ông. Gậy Mô-sê và Aaron thỉnh thoảng được hợp lại để chỉ sự chia sẻ của Maria với Đức Giêsu trong công cuộc cứu độ. Thậm chí gậy của Jesse, như được tiên báo trong Isaiah 11:1, cũng chỉ về Maria: Mẹ là gậy trên gậy ấy nở hoa Giêsu.
+ Bàn thờ hương hoặc trầm hương (Xh 30:1-10): thường xuyên trong các bản văn Maria được gọi là bình xông hương vì dạ đồng trinh của Mẹ tỏa hương thơm chữa lành các hôi tanh của dục vọng và than hồng mang Đấng Thánh xóa bỏ tội lỗi.
+ Chân nến: chân nến có bảy ngọn là một trong những hình ảnh phổ biến nhất đối với người Do Thái. Hình ảnh này cũng được sử dụng cho Maria là người mang Ngọn Lửa thần linh, Ánh Sáng thần linh cho thế giới. Maria được gọi là Mẹ của Ánh Sáng vĩnh cửu.
+ Nhà Tạm: là nơi Thiên Chúa ngự trong đền thờ. Dạ của Mẹ là nhà tạm thực sự. Maria thường được gọi là nhà tạm lớn hơn cả Thiên Đàng vì đã cưu mang Lời Thiên Chúa.
+ Màu tím (Xh 35-36): nhân tính của Đức Kitô được gọi là áo (choàng) tím được đan dệt bởi Mẹ bằng máu tinh tuyền của Mẹ. Mẹ là màu tím tinh khiết của Đức Vua vinh hiển.
+ Chiếc áo lông của Gideon (Gideon’s fleece) là một trong những biểu tượng rõ nhất về Maria thường được thấy nơi các cửa sổ bên Tây Phương và được ca tụng trong các bản văn của Đông Phương.
d/ Hình ảnh của nước: Diễm ca 4:12 nói về nguồn nước niêm phong được dùng làm biểu tượng cho Maria ở Tây Phương. Các bản văn Byzantine nối kết suối nguồn này với suối nguồn từ trời tưới gội mặt đất.
e/ Các lời ngôn sứ của thánh vịnh được áp dụng cho suy tư về Maria: nữ hoàng (44:10); hòm bia giao ước và đền thờ (95:6; 131:8); hoàng thành (45:5; 47:2; 86:3); đất thánh và nho sai trái (84); núi thánh của Thiên Chúa (67:16-17; 132:3)
f/ Vài biểu tượng từ Diễm Ca như hoa đồng nội, hoa huệ trong thung lũng được bên Đông dùng nhiều hơn bên Tây. Ngay cả giường của Salomon cũng được xem là biểu tượng của Maria nơi Đức Kitô nghỉ ngơi trong cuộc Nhập Thể.
g/ Các lời ngôn sứ of Isaiah:
+ Is 7:14 dùng khá nhiều trong phụng vụ.
+ Is 11:1 chồi non từ gốc tổ Jesse
+ Is 6:6 Maria là ngai Thiên Chúa
+ Is 19:1 các hình ảnh về mây, mây sáng
h/ Cửa khóa trong Ezekiel 44:1-3: Maria là cửa của Thiên Chúa, cửa của ánh sáng tràn đầy, cửa của thống hối và từ bi duy nhất qua đó Thiên Chúa xuống trần gian và con người được cứu lên trời.
i/ Núi trong Habakkuk (3:19) và Daniel: Maria là núi rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần.
Đức Mẹ trong phụng vụ thường được biểu tượng như là người báo hiệu ánh sáng, nhà tạm, đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự, ánh sáng, chân nến bằng vàng, đám mây sáng, hừng đông của Mặt Trời không bao giờ lặn, cửa ánh sáng. Hình ảnh Maria như ngôi sao ít được dùng hơn trong phụng vụ Đông phương. Thay vào đó, hình ảnh hừng đông được sử dụng.
Kinh Thánh không nói đến việc thụ thai và sinh ra của Đức Maria. Các tác giả phụng vụ chịu ảnh hưởng lớn của Tin Mừng theo Gia-cô-bê, một tác phẩm ngụy kinh của thế kỉ thứ hai.
Biến cố thứ nhất trong cuộc đời Đức Maria được phụng vụ Byzantine cử hành là sự thụ thai Maria: Kế hoạch của Thiên Chúa, ẩn giấu bao đời mà ngay cả các thiên thần cũng không biết đến, bây giờ bắt đầu sống động nơi lòng bà Anna, như lời hát của các thánh thi. Maria, con gái của Gioakim và Anna, nhiều lần được gọi là con gái độc nhất và của riêng Thiên Chúa. Lễ Vọng của Lễ Vô Nhiễm là một bùng nổ của niềm vui. Adam-Eva sẽ được canh tân và hoa bất tử sẽ đến; đất khô cằn sẽ nảy sinh hoa trái; tình trạng vô sinh sản sẽ chấm dứt… Tất cả các ngôn sứ đã loan báo ngày Đức Trinh Nữ được thụ thai. Thật vậy, việc hội tụ của tất cả Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa đã nghĩ đến Mẹ Người và chuẩn bị cho chúng ta đón nhận khoảnh khắc này như thế nào. Phụng vụ rất giàu những hình ảnh, biểu tượng được áp dụng cho Maria như đã phân tích.[1] Bởi thế, mặc dù có những người thuộc Giáo Hội Đông phương không chấp nhận hoặc thậm chí thách thức thuật ngữ La-tinh “vô nhiễm” (nguyên tội), bản chất của nó đã hiện diện trong tất cả các sách phụng vụ. Phụng vụ Byzantine không hề có một ấn tượng nào cho rằng Maria lệ thuộc tội lỗi, ở dưới ách thống trị của Satan. Thêm nữa, các lời hát ca tụng Maria như là nguyên nhân sự giải thoát của chúng ta. Phụng vụ Byzantine không chấp nhận rằng Đức Trinh Nữ được thụ thai theo cách phép lạ, tức là không có sự can thiệp của con người, nhưng Maria đã được thụ thai giống như tất cả mọi người khác với thời gian 9 tháng trong dạ mẹ. Ngay từ những thế kỉ đầu, không có tác giả Byzantine nào nói rằng Maria đã bị tỳ ố bởi nguyên tội. Maria là “con gái Thiên Chúa” một cách hoàn hảo. Sự thụ thai Maria quả thật là khởi đầu của một dòng chảy ân sủng xuống gian trần mà Đức Kitô sẽ tuôn đổ dạt dào. Vì thế, Maria được xem như đấng trung gian các ân sủng từ Đức Kitô, đặc biệt là ân sủng của hoan lạc và sự sống. Mẹ còn được gọi là Trạng Sư của chúng ta, là Tân Nương của Thiên Chúa.
Biến cố thứ hai được phụng vụ cử hành là sự sinh ra. Lễ sinh nhật Đức Maria đã có từ lâu. Câu chuyện được gợi hứng từ Tin Mừng Gia-cô-bê và ngày Lễ được bắt đầu từ thế kỉ thứ 6 tại Constantinople. Chủ đề chính là công bố niềm vui đã tràn ngập thế trần. Niềm vui của cha mẹ Maria vì không còn khổ tâm son sẻ và hơn nữa vì họ đã đem đến cho thế giới khởi đầu của ơn cứu độ. Niềm vui của các thiên thần trên trời, của con người dưới thế. “Ôi Đức Nữ Đồng Trinh, ngày sinh của Mẹ loan báo niềm vui cho toàn thế giới.” Niềm vui của Adam và Eva, của tất cả các ngôn sứ, các tổ phụ đã chứng kiến sự ứng nghiệm của những lời ngôn sứ, các tông đồ, các vị tử đạo, các thánh và người công chính. Niềm vui tràn ngập cả vũ trụ. Niềm vui của David và Jesse. Và trên hết, niềm vui của chính Đức Trinh Nữ: “Hãy mừng vui lên, hỡi Mẹ, là đền thờ Thiên Chúa, là núi thánh, là bàn tiệc thánh, là ánh sáng nến lung linh, là vinh quang của Chính Thống khả kính. Maria, hãy mừng vui lên, hỡi Mẹ của Đức Kitô Chúa chúng con, mừng vui lên hỡi đấng vô nhiễm, hân hoan lên hỡi ngai vàng rực lửa, mừng vui lên hỡi nhà tạm…” Một lời chào đến Mẹ nhân lễ sinh nhật.
Tất cả những ý tưởng này đều hướng về chìa khóa là kế hoạch từ muôn thuở của Thiên Chúa để đến thời thuận lợi thì Anna son sẻ sinh ra “con gái Thiên Chúa”, người sẽ trở thành nơi ở của Đấng Tạo Hóa. Các hạn từ như tạo thành mới, ơn gọi mới…được trở về để đánh dấu niềm vui này. Cũng thế, các hình ảnh và nhân vật của Cựu Ước loan báo về Maria, cách đặc biệt là hình ảnh gốc Jesse nơi Đức Kitô sẽ nở hoa, khẳng định rằng Maria là nương tử hoàng tộc, giống dòng của David. Mẹ được mô tả như Thiên Đàng của Thiên Chúa nơi trần gian, như cuốn sách mới nơi ngón tay Thiên Chúa viết Lời (Logos), như sách niêm phong dành riêng cho Lời mà không phàm nhân nào có thể đọc…. Vì thế, sự sinh ra của Maria mang đến ân sủng cho mọi cấp độ: cho tư tế, vương đế, phụ nữ, Israel, thế giới. Hừng đông (dawn, aurora) của ơn cứu độ là hừng đông của niềm vui, sự giải phóng, công cuộc tạo thành mới: Maria là hừng đông của Đức Kitô.
Biến cố thứ ba (không theo nghĩa hẹp của lịch sử) trong cuộc đời Đức Maria mà phụng vụ cử hành là việc Maria vào đền thờ. Đây là Lễ đã có từ lâu đời, vào khoảng dịp cung hiến thánh đường Đức Maria Giêsurusalem Mới vào năm 543. Lễ được gợi hứng từ Tin Mừng Giacôbê: Lúc Maria lên ba thì được cha mẹ đem vào đền thờ, có các trinh nữ đi theo với đèn sáng. Thượng tế Zachariah đón chào và đưa vào Nơi Cực Thánh (The Holy of holies). Maria ở lại đó đến năm mười hai tuổi, được các thiên thần nuôi dưỡng. Nghiên cứu xa hơn một chút văn chương ngụy kinh (apocraphal) để làm giàu suy tư, có 6 chân lý sau đáng để ý:
1/ Maria, qua biến cố Nhập Thể, trở thành đền thờ thật của Thiên Chúa.
2/ Chỗ thiêng liêng nhất của đền thờ là Nơi Cực Thánh. Vị thánh của các thánh là Maria. Maria được đưa vào Nơi Cực Thánh để Thánh Thần chuẩn bị cho việc trở thành Mẹ Thiên Chúa
3/ Đức Trinh Nữ được thánh hiến để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sự thánh hiến này ngụ ý một lời kêu gọi từ Thiên Chúa và một sự đáp trả từ người được gọi.
4/ Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Maria đáp trả bằng cách cho đi chính mình.
5/ Maria đã được thụ thai cách vô nhiễm. Nhưng lúc này Mẹ được thánh hiến cách đặc biệt để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Đuốc sáng của các trinh nữ hộ tống đấng sẽ mang đến Ánh Sáng cho trần gian.
6/ Lễ dâng Đức Trinh Nữ trong đền thờ thực sự là một lễ đính hôn giữa Ngôi Lời với Đức Trinh Nữ được tuyển chọn từ muôn đời. Mẹ trở thành Tân Nương của Thiên Chúa.
Biến cố thứ bốn được cử hành trong phụng vụ về cuộc đời Mẹ là việc công bố cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời. Ngày Lễ Truyền Tin 25 tháng 3 còn được gọi là Lễ Truyền Tin của Maria và Lễ Nhập Thể của Ngôi Lời. Lễ này đã được cử hành từ thế kỷ thứ 6 bên Đông phương. Thiên Chúa nhìn thấy công trình tay Người sáng tạo đã bị nô lệ cho ma quỷ, bị lôi cuốn vào dục vọng và thờ ngẫu tượng, đã sai Con Duy Nhất của Người đến để cứu vớt nó khỏi tay ma quỷ. Bởi vì Người không muốn màu nhiệm này bị Satan biết cũng như kể cả các thiên thần nên đã giao phó cho thiên thần Gabriel. Nhiều lần phụng vụ hát rằng thiên thần Gabriel mạc khải cho Maria kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa, tức là màu nhiệm Nhập Thể từ góc nhìn cứu độ: Con Thiên Chúa trở thành con người để cứu độ. Để hiểu được chiều sâu của lòng từ bi lân tuất này, ta cần hiểu được chiều sâu của sa ngã và mức độ nó đã kéo nhân loại đi xuống như thế nào. Bản chất con người cần được cứu chuộc khỏi sự suy vong của Adam. Nhưng đứng trước sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa thì không thụ tạo nào xứng đáng. Thiên Chúa chọn Maria từ muôn thuở vì Người đã tìm được thụ tạo tuyệt vời nhất trong mọi thụ tạo, giống như hoa huệ giữa bụi gai. Tất cả phụng vụ của Lễ Truyền Tin hát khen sự trinh trong vô nhiễm của Maria như là bồ câu khiết trinh, hoa hồng trong thung lũng, hương huệ tỏa ngát. Để có được sự trinh trong này, cần phải đón nhận bụi cây bốc cháy mà Mô-sê thấy trong sa mạc, và thật lạ lùng khi phụng vụ Byzantine ghi nhớ một hình ảnh không mấy phổ biến của Đức Trinh Nữ: lửa thần linh đi vào Maria nhưng không gây cháy bỏng. Tuy vậy, cần nói rõ rằng mặc dù Maria là thụ tạo tinh tuyền nhất thì vẫn luôn là thụ tạo. Một sự tinh tuyền có khả năng đón nhận Thiên Chúa thật sự cần một hành động riêng của Thiên Chúa để Maria có thể cưu mang Thiên Chúa mà không bị cháy bỏng. Một lí do khác cho sự tinh tuyền vượt trên mọi diễn tả là: Maria là người cộng tác với Ngôi Lời nhập thể để cứu nhân loại.
Biến cố thứ năm trong cuộc đời Mẹ được phụng vụ cử hành là sự làm mẹ Thiên Chúa. Giáo Hội ngay từ đầu vẫn luôn tin rằng Đức Giêsu Kitô – Con Duy nhất của Thiên Chúa – đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Đây là chân lý đức tin mà Tin Mừng công bố. Các thánh thi thường lặp lại nhiều lần rằng Maria sinh ra “một trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Tất nhiên không có gì được thêm vào thần tính. Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi này là Con Duy Nhất của Chúa Cha, được Cha sinh ra từ trước muôn đời. Các bản văn lập lại rằng Maria thụ thai Con “không có người cha”, Con là Đấng mà Chúa Cha đã sinh ra “không người mẹ”. Đây là cách diễn tả trong các bài giảng cổ xưa. Tương quan với Thiên Chúa của Maria vượt trội bản chất nhân loại. Mọi sự thật tuyệt vời, ở trên các năng lực tự nhiên.
Nhưng Maria cũng là một con người và Giêsu là một con người hoàn hảo. Phép lạ không phá hủy tự nhiên nhưng canh tân nó. Maria canh tân tự nhiên. Cách nói này không phải chỉ nói về sự đồng trinh của Mẹ Thiên Chúa mà con ngụ ý rằng Thiên Chúa Cha và Mẹ Maria gặp nhau tại một Người Con Duy Nhất của cả hai. Về phần Chúa Cha, Người Con là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, là Phản Ảnh vinh quang của Cha và thần tính. Sự sinh ra từ trước muôn đời dĩ nhiên là một mầu nhiệm. Về phần Maria, liệu Maria có thể là mẹ của Ánh Sáng không? Nhiều bài hát tuyên xưng rằng Đức Kitô đi lên từ ánh sáng của Đức Trinh Nữ hoặc Đức Trinh Nữ mang đến cho thế giới Ánh Sáng; Mẹ là cửa của Ánh Sáng, là áng mây sáng đem đến cho chúng ta Mặt Trời không bao giờ lặn, là hừng đông của Mặt Trời vinh quang. Tóm lại, Người Con là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, là hình ảnh sáng ngời của Cha, được sinh ra từ trước mọi sự, đã xuất hiện như là Ánh Sáng từ cung lòng Đức Trinh Nữ trong dòng thời gian.
Không thường xuyên lắm nhưng các thánh thi cũng xưng tụng rằng Đức Trinh Nữ đã hạ sinh sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của hai bản tính hòa hợp (hyspostatic Wisdom). Chúa Con sinh bởi Chúa Cha không hề có sự thay đổi, tức là cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người cũng sinh ra bởi Mẹ Maria và cũng có cùng bản thể con người như Mẹ. Đồng bản thể với Cha và Thánh Thần, Con xuống nơi dạ của Đức Trinh Nữ mà “không rời cung lòng Cha” (thánh Gioan Kim Khẩu). Cách diễn tả này thường được dùng để nói rằng thần tính không thay đổi trong Nhập Thể. Ngôi Lời tự hạ, mang lấy nhân tính chúng ta nhưng không thêm gì vào thần tính, không rời xa Cha và Thánh Thần, không bị vương khổ lụy theo nghĩa thần tính ngay cả trên thập giá.
Trong kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa, Chúa Con nhập thể để tái tạo một nhân loại mới, mang nó trở về với Thiên Chúa bằng sự vâng phục cho đến chết trên thập giá. Vì thế, Ngôi Lời phải trở nên con người và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Sự nhập thể của Người là có thật (Phil 2:7). Với cuộc Nhập Thể, Thiên Chúa nhận lấy nơi mình bản tính con người, canh tân, biến đổi để thần hóa nó.
Các sách phụng vụ Byzantine theo sát thuật ngữ của công đồng Chalcedon trong việc nhận biết một Đức Kitô là Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa, trong hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không chia cắt, không tách rời. Sự hợp nhất này vừa duy nhất vừa vượt lên trên trí hiểu của con người. Đây là sự hòa hợp bản tính (hypostatic union). Cách diễn tả này trở đi trở lại thường xuyên; vì thế, ta có thể kết luận rằng phụng vụ Byzantine giữ ta trung thành với thuật ngữ của công đồng. Đồng bản thể và đồng vĩnh cửu (co-eternal) với Chúa Cha, Chúa Con luôn luôn là Ngôi Vị thần linh và không có một sự thay đổi nào về mặt thần tính khi trở thành xác phàm. Con có sự thông minh, năng lượng và ý chí con người nhưng con là Sự Khôn Ngoan Thiên Chúa, là Thiên Chúa toàn năng sáng tạo và chủ quản mọi sự mọi vật. Sự hòa kết này bắt đầu nơi dạ Đức Trinh Nữ và là gốc cội của ơn cứu độ chúng ta.
Thiên chức thánh mẫu (divine maternity) có thể được xét dưới bốn giai đoạn: thụ thai, mang thai, sinh hạ và lớn lên.
1/ Giai đoạn thụ thai: là phép lạ vì Trinh Nữ thụ thai bởi sự can thiệp trực tiếp của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng đó là sự thụ thai thật sự vì nhân tính của Đức Kitô được thành hình từ máu huyết tinh khiết của Trinh Nữ Maria. Thụ thai không có sự can thiệp của con người là hành động riêng của Ba Ngôi. Maria là đối tượng đặc biệt của sự tốt lành của Thiên Chúa. Thế giới cũng là đối tượng của lòng nhân hậu Người. Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người và Người yêu Ngôi Lời nhập thể. Các bản văn thánh thi khẳng định nhiều về vai trò chủ động của Thánh Thần trong cuộc Nhập Thể giống như khi tạo dựng vũ trụ muôn loài.
2/ Giai đoạn mang thai: giống như mọi phôi thai con người khác, Ngôi Lời trở thành xác thịt và lớn lên trong dạ mẹ suốt 9 tháng. Không có gì hơn thế để hiểu sự khiêm nhường của Ngôi Lời. Các tác giả thánh ca thường dừng lại để chiêm ngắm sự hiện diện của Người Con trong cung lòng Maria, một chiêm ngắm hầu như bất tận. Quả thế, có rất nhiều biểu tượng Cựu Ước được áp dụng cho sự hiện diện này: bụi gai bốc cháy, lò lửa Babylon, suối nguồn Isaiah, lều thánh, đền thờ, hoàng cung vinh hiển, hòm bia giao ước, bình đựng manna, bàn thờ hương, ngai của cherubim,… Maria là đền thánh tận hiến cho Thiên Chúa. Sự bao la của mầu nhiệm một Thiên Chúa trở thành con người nhờ máu huyết của Mẹ Đồng Trinh hớp hồn họ, không những họ mà còn hết cả công trình tạo thành này. Vì Ngôi Lời trở nên xác thịt, chính trong dạ củaTrinh Nữ Maria mà Thiên Chúa đã cưới nhân loại. Vô số các bản văn tán tụng Đức Trinh Nữ như là phòng tân hôn của Ngôi Lời hoặc như giường cưới.
3/ Giai đoạn hạ sinh: thiên chức Mẹ Thiên Chúa là đối tượng nền tảng của các bài thánh thi. Ta chỉ tập hợp ở đây một vài điểm chính: thiên thần nơi khung cảnh Giáng Sinh phục vụ Nữ Vương của họ. Họ kinh ngạc chiêm ngắm trên tay Maria Đấng mà họ không dám nhìn. Sự sinh hạ này vừa là siêu nhiên vừa thật sự, vượt quá hiểu biết của thiên thần lẫn con người; không tỳ ố, không đau đớn nhưng có thật. Làm sao giải thích đây? Ồ, chỉ có Thiên Chúa biết rõ. Maria, sinh ra Đấng Tạo Hóa, vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ.
4/ Giai đoạn lớn lên: Việc làm thánh mẫu không dừng lại ở việc hạ sinh Giêsu. Sau khi sinh, Mẹ nuôi dưỡng con lớn lên. Thật ngọt ngào biết bao khi chiêm ngắm Thiên Chúa được dưỡng nuôi bởi một phụ nữ. Trinh Nữ nuôi Con, Đấng nuôi cả thế giới. Kinh Thánh không nói rõ nhưng cả Giáo Hội bên Đông đã hiểu và diễn tả qua nhiều icon hình ảnh Mẹ cho Con bú. Các thiên thần tròn xoe mắt nhìn đôi tay Maria ẵm bồng Đấng Toàn Năng chủ tể vũ trụ. Họ chúc tụng Mẹ Thiên Chúa – Đấng trở nên xác phàm, Đấng làm chủ vạn vật lại đang bú sữa. Tuy vậy, có một điểm các sách phụng vụ không nhấn mạnh là việc sinh trưởng của Giêsu Nazareth, việc được Mẹ dạy dỗ về cầu nguyện, hát thánh vịnh, học hỏi về lịch sử thánh, vâng phục ý Thiên Chúa,… Các dấu ấn của Mẹ để lại sâu đậm nơi cuộc đời con người của Đức Giêsu.
Biến cố thứ sáu trong cuộc đời Mẹ được phụng vụ cử hành là việc trọn đời đồng trinh. Sự đồng trinh của Maria trong sáng hơn cả các thiên thần. Những ai hôm nay đang phủ nhận sự đồng trinh của Maria gợi lại tranh luận của Celsus là người chống thánh Origen. Sự đồng trinh của Maria vẹn sạch thì khác với những sự đồng trinh khác. Có hai khía cạnh trong cuộc thụ thai đồng trinh: khía cạnh phủ định và khía cạnh khẳng định.
Khía cạnh phủ định, dễ cho trí hiểu của con người tiếp cận hơn, diễn tả trong nhiều hạn từ. Đức Trinh Nữ được gọi là “vô ý thức về hôn nhân” (unawareness of marriage). Hạn từ này được dùng nhiều, đặc biệt từ thời thượng phụ Proclus ở Constantinople thế kỉ thứ 5. Nó cũng được tìm thấy nơi các troparia (dạng thánh thi ngắn có một hay nhiều đoạn cùng giai điệu) hát về nỗi u buồn của Maria dưới chân thập giá, làm nổi lên tương phản giữa sự tinh khiết của Mẹ và sự ác độc của những kẻ giơ tay đóng đinh Đức Giêsu. Từ này còn được dùng khi nói về Maria như là đấng trung gian (mediator) như thể sự đồng trinh của Mẹ cho Mẹ lý do để cầu bầu, tẩy xóa vết nhơ cho ta. Hạn từ thứ hai được dùng thường xuyên là “không biết đến người nam”. Đức Trinh Nữ sinh Đấng Emmanuel không bị vương vào thoái hư (without corruption), nghĩa là không bị tổn thương đến trinh tiết. Hạn từ này nhận ta chìm vào trong chiều sâu của Nhập Thể. Hạn từ thứ ba là “không hạt giống” ám chỉ sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa nơi lòng Đức Trinh Nữ mà không có sự liên quan của người nam. Hạn từ thứ tư là “không kết hôn” thường gợi lên hình ảnh uy nghi. Maria không kết hôn đã thụ thai Thiên Chúa trong một cách thức không thể diễn tả được. Quả vậy, Maria là “Tân Nương của Thiên Chúa” (Bride of God) nhưng không kết hôn (not married) theo nghĩa Đức Giêsu Kitô không có người cha thế gian. Giuse trong các bản văn phụng vụ chỉ là bạn trai dù Kinh Thánh có dùng từ bạn đời hay chồng của Maria và cha của Đức Giêsu. Giuse là chú rể đồng trinh của Maria, người bảo vệ sự đồng trinh của Maria. Các thánh thi gia so sánh người giống như thiên thần. Bốn hạn từ phủ định này đương nhiên không nên bị đẩy quá xa vì sẽ dẫn đến sai lạc. Maria là trinh nữ trước, trong và sau khi sinh con. Sự đồng trinh của Maria đã phần nào bị một số người bác bỏ trong các thế kỉ đầu, nhưng toàn thể Hội Thánh thế kỉ thứ tư đã đối lại. Sự đồng trinh toàn vẹn của Maria được các sách phụng vụ công nhận cách phổ quát. Maria trọn đời đồng trinh là chứng từ cho thiên tính của Con. Đây chính là thần học của các giáo phụ.
Là một con người, Đấng Emmanuel đã mở “cánh cửa tự nhiên”, thực sự được sinh ra, nhưng không phá vỡ dấu niêm phong (seal) của sự đồng trinh: Người bước ra khỏi lòng mẹ giống như cách Người đã đi vào. Sự thụ thai siêu nhiên này đã luôn làm các tín hữu vui mừng. Thiên Chúa, Đấng tạo nên tự nhiên cùng các định luật của nó, có thể làm gián đoạn luật tự nhiên khi Người muốn. Việc hạ sinh đồng trinh (virginal birth) cũng chỉ về sự sinh ra của Chúa Con từ trước muôn đời. Ánh Sáng bởi Ánh Sáng. Dạ Maria là nhà cho Ánh Sáng. Chúa Con sinh ra giống như tia mặt trời xuyên qua kính mà không làm vỡ kính. Một trong những danh hiệu phổ biến nhất dành cho Maria cách đặc biệt trong phụng vụ Byzantine là “Nương Tử của Thiên Chúa”. Sự mật thiết trinh trong của Nương Tử đối với Thiên Chúa Ba Ngôi vượt ra khỏi quan niệm phu-thê có tính chất bổ túc qua lại (complementary) cho nhau và sinh ra kết quả phi thường. Maria chấp nhận hành động của Thiên Chúa để tạo lập một Adam mới; nhờ Người, với Người và trong Người, một nhân loại mới được tạo thành theo hình ảnh giống Thiên Chúa mà độ tuyệt vời đạt đến đỉnh cao ngay từ đầu. Sự làm cha của Thiên Chúa muốn Maria trở thành Nương Tử yêu dấu. Thiên Chúa đã chọn, chuẩn bị và thánh hóa con người yêu quý nhất bằng tình yêu tuyệt đối. Khi thời gian đến hồi viêm mãn, Nương Tử hoàn toàn tận hiến cho cuộc Nhập Thể, trọn vẹn phục tùng thánh ý. Máu huyết tinh khiết của Maria tạo nên thân xác của Chúa Con. Nhập Thể là công việc chung của Ba Ngôi Thiên Chúa và Maria. Để là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Maria cần thiết là Nương tử của Thiên Chúa. Cả bên Đông và Tây, người ta đặt hy vọng nơi Mẹ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã chọn phục hồi và thần hóa nhân loại qua Mẹ. Mẹ được ủy thác trách nhiệm chữa lành các vết thương của chúng ta và giải cứu chúng ta khỏi mọi kẻ thù ác độc.
Maria được gọi là trung gian, nơi nương ẩn của tội nhân, đấng an ủi kẻ khổ đau. Tất cả xuất phát từ phẩm giá của thụ tạo này, thụ tạo được chọn từ muôn đời để làm Nương Tử của Thiên Chúa và trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Cả bên Đông và Tây, hầu như mọi quốc gia đều kêu cầu Mẹ lúc nguy khó đức tin cũng như cả cuộc sống hôn nhân. Maria được gọi là Lệnh Bà chiến thắng. Tại Israel, Thiên Chúa đã lập một giao ước với dân. Tất cả Cựu Ước làm chứng về giao ước này, về sự dịu hiền của Thiên Chúa dành cho Israel mà các ngôn sứ đã không ngần ngại gọi là kết hôn. Khi người vợ (Israel) chung thủy, Thiên Chúa bảo vệ nàng, chiến đấu và dẫn nàng đến thắng lợi. Hòm Bia giao ước làm quân địch phải tháo chạy, đảm bảo chiến thắng cho dân Thiên Chúa. Khi vợ bất tín phản bội, thờ ngẫu tượng, thì cơn giận của Lang Quân trở thành các tai họa khủng khiếp, nội chiến, lưu đày Babylon, ách nô lệ… Đó là câu chuyện của ngày xưa đã qua. Còn Nương Tử hôm nay – Maria – thì lại là một điềm lạ vĩ đại trên trời, các địch thù phải tán loạn bỏ chạy, giống như đối với Hòm Bia giao ước khi Israel trung thành. Mẹ đánh bại sai lầm lạc giáo, đạp dập đầu con rắn (Satan), bảo vệ mọi người, thành phố, quốc gia và toàn thể Hội Thánh. Nhiều sách còn gọi Maria là vợ (wife) của Chúa Cha. Chúa Cha và Maria có chung một Người Con, Con của Cha trong tư cách Thiên Chúa, Con của Maria trong tư cách con người. Bên Giáo Hội Tây phương, chúng ta không có thói quen gọi Maria là vợ của Chúa Cha như bên Đông phương. Có khi Maria còn được gọi là Tân Nương của Chúa Con (Bride of the Son). Maria là một danh hiệu độc nhất vô nhị cho Nương Tử không tỳ ố mà Đức Kitô yêu thương: Người cưới Maria trong tất cả nhân tính. Bên Giáo Hội Đông phương, chỉ có một ít bản văn gọi Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, như trong Lễ Mẹ vào đền thờ: lúc được ba tuổi, Maria đã đính hôn (betrothed) với Thánh Thần Thiên Chúa. Cách diễn đạt thì có khác biệt giữa bên Đông và Tây nhưng không có bất đồng về cách nghĩ và nội dung tuyên xưng một niềm tin chung: Thiên Chúa thực là Con của Đức Maria và Mẹ thực sự là Mẹ của Người. Đây là tín lý.
Tuy vậy, bên Tây phương, ta ưa nói Maria là con của Chúa Cha, mẹ của Chúa Con và hiền thê của Chúa Thánh Thần. Bên Đông phương thích xem Maria là Nương Tử của Thiên Chúa, Nương Tử của Chúa Cha, hoặc của Chúa Con theo nghĩa là người cộng tác để mang ơn cứu độ cho thế giới, và tiếp đến là Mẹ của Hội Thánh.
Biến cố thứ bảy được phụng vụ Byzantine cử hành trong đời Mẹ là việc tham dự của Mẹ vào các đau khổ của Con. Phụng vụ Byzantine thường chiêm ngắm đau khổ của Maria dưới chân thập giá. Mẹ Thiên Chúa liên kết với hiến tế thập giá. Đức Trinh Nữ được gọi là “Chiên Nữ” (female Lamb, Agnella). Danh hiệu này khá cổ xưa, được tìm thấy trong các bài giảng Phục Sinh của Melito of Sardis từ thế kỷ thứ hai. Theo lễ Vượt qua của sách Xuất Hành, con chiên phải không tỳ ố. Khá thú vị khi thấy các sách phụng vụ nhấn mạnh đến sự trong trắng của con chiên. Lúc vào đền thờ, Maria đã là Chiên Nữ không tỳ vết, là bồ câu tinh khiết. Giáng Sinh hát về Chiên Nữ thanh sạch chuẩn bị sinh Chiên Con. Chiên sinh ra là để hiến tế. Trên hết, nơi đồi Golgotha, Chiên Nữ không tỳ ố được ca tụng cách đáng kinh ngạc như Chiên vẹn sạch, rất vẹn sạch (Agnella immaculatissima).
Khi Đức Giêsu trên thập giá, Người nhìn thấy sự đau đớn tột bậc của Mẹ và chiêm ngưỡng sự khiết tinh kì diệu nơi Mẹ. Hơn bao giờ hết, chính lúc này, Mẹ được ví tựa hoa huệ giữa bụi gai. Từ ngữ được dùng ở đây là “vẹn sạch” (tuttapura, all pure). Khi Con của đấng vẹn sạch nằm lên thập giá, Đấng Tạo Hóa đã đồng ý chịu bị đóng đinh, lúc ấy cũng là lúc đấng “đầy ân sủng” cùng hi sinh với Người. Để tiến đến gần thập giá Đức Kitô, ta cần một sự tinh sạch cao độ, nếu không ta sẽ tăng thêm đau khổ vào đau khổ của Người. Maria Magdalene đã được tẩy sạch bằng tình yêu bao la của Thầy Giêsu. Gioan là môn đệ đồng trinh đứng kế bên Mẹ đồng trinh. Thậm chí, hạn từ đồng trinh theo nghĩa “không có kinh nghiệm hôn nhân” (no experience of marriage) được dùng khi hát về Mẹ nơi thập giá. Nếu không có một sự thân mật đủ với Mẹ Thiên Chúa, ta sẽ không bao giờ hiểu được trái tim bị đâm thâu của Mẹ trên đồi Golgotha. Dưới chân thập giá, Đức Trinh Nữ biết người đang hấp hối là Thiên Chúa của mình và biết Người sẽ chỗi dậy. Mẹ luôn tin vào thần tính của Con, ngay cả trước khi chứng kiến bất cứ một phép lạ nào. Giờ đây Mẹ mang sự đau khổ của Thiên Chúa vì chỉ có Mẹ biết rõ sự thật. Không ai hiểu được sự rộng lớn của việc thờ phượng này. Không nói nên lời như thế là một đau khổ ghê gớm.
Có những bản văn tương phản sự tốt lành của Đức Kitô với sự bội ơn của người Do Thái vì họ đã yêu cầu Philatô đổ máu Đấng đã ban phát cho họ bao nhiêu ơn lành. Tuy vậy, chính những Kitô hữu dẫm đạp lên máu của Đức Kitô mới khiến Mẹ Sầu Bi buồn không thành lời. Đứng trước sự vô ơn của con người, toàn thể công trình tạo dựng thấy đau thương và chia sẻ nước mắt của Mẹ. Mặt trời tối sầm, đất chyển rung, đá xẻ nát ra, lời tiên tri của Simeon đã thành sự thật. Ta có thể nói Maria thông dự vào cuộc khổ nạn của Con và toàn bộ công trình tạo dựng liên kết với Đức Kitô đang chết của Mẹ. Nỗi đau đớn của Maria là một thờ phượng tràn đầy mà Mẹ dâng lên Con và Thiên Chúa của mình. Nỗi đau khổ này vượt xa trí tưởng tượng của ta, chính xác là vì đức tin của Mẹ dưới chân thập giá. Mẹ là người duy nhất nhìn ra sự hủy mình ra không của Thiên Chúa để cứu độ thế giới. Mặc dù Mẹ luôn nhớ cảnh Truyền Tin hôm nào với những lời của thiên thần, cảnh tượng tương phản hoàn toàn của thập giá Mẹ đang chứng kiến làm cho thực tại trở nên vô lý. Nhưng với đức tin, Đức Trinh Nữ biết Thiên Chúa đang ở với mình và mình đang có Thiên Chúa, và cuộc khổ nạn của Con là ơn cứu độ cho thế giới.
Mẹ yêu Đấng Tạo Hóa của mình, Đấng phán một lời thì mọi sự liền có, trời đất phải run rẩy trước thánh nhan, vậy mà giờ đây đang chịu treo trên cây gỗ thập hình, đau đớn và chết đi. Maria yêu Người. Mẹ biết khổ nạn là giá của ơn cứu chuộc. Sẽ không khó để thấy từ điểm này sẽ xuất phát ra một nền thần học cứu độ về sự đau khổ có tính cứu độ (redemptive suffering). Qua khổ nạn của Người, Đức Kitô công chính hóa chúng ta, chữa lành các khốn cùng của ta, cứu ta khỏi thoái hóa và sai lầm, giảm thiểu sự dữ hoành hành, làm trống địa ngục, phá vỡ xích xiềng, xé nát bản viết các tội lỗi chúng ta. Nhưng ơn cứu độ thế giới xem ra lại gây cho Mẹ một nỗi u buồn đau đớn vô cùng. Trong ý nghĩa này, đau khổ của Mẹ cũng mang giá trị cứu độ. Dưới chân thập giá, Maria không bao giờ hoài nghi sự phục sinh của ĐứcGiêsu Kitô. Đức tin của Mẹ chiếu tỏa như ánh sáng. Nơi đây, đức tin-cậy-mến của Mẹ Thiên Chúa đã đạt đến sự trưởng thành vượt lên trí hiểu của ta. Lưỡi gươm mà Simeon đã tiên báo đâm thấu tâm hồn Mẹ. Origen, Basil và Cyril thành Alexandria giải thích rằng lưỡi gươm này là sự hoài nghi của Maria khi cảnh tượng thập giá quá tương phản với những gì Mẹ đã được báo lúc Truyền Tin. Tuy nhiên, cách giải thích này biến mất từ thế kỷ thứ sáu, không còn dấu vết hoài nghi trong các sách phụng vụ. Có các hạn từ khác nhau được dùng cho phần bị đâm thâu qua, ví dụ: linh hồn, trái tim, lòng,…
Tóm kết lại những gì đã phân tích, ta có thể nói rằng sự đau khổ quá mức của Maria có thể dẫn đến cái chết. Lưỡi gươm xuyên thấu linh hồn Mẹ, tức là sự sống, là chính nguyên lý sự sống của Mẹ. Như Đức Giêsu Kitô trong vườn Gethsemane, Mẹ có thể đã thốt lên rằng linh hồn mình buồn đến chết được. Chết quả thật còn dễ chịu hơn nỗi đau khổ này. Việc kết hợp ngọn giáo đâm thâu cạnh sườn ĐứcGiêsu Kitô với lưỡi gươm đâm thâu linh hồn Mẹ được nhấn mạnh nhiều đến nỗi ta cần kết luận rằng nỗi đau khổ của Mẹ thật sự là một sự chết đi nhiệm màu (mystical immolation). Trong khi các vị tử đạo, các thánh và các tín hữu tham gia vào thập giá của Đức Kitô, hi sinh của Mẹ thuộc về cấp độ cao hơn vì sự tinh khiết không thể so sánh được và nỗi đau khổ của Mẹ lớn hơn mọi thứ đau khổ. Nhưng sự đau khổ này là để cho chúng ta, vì chúng ta. Bởi vậy, Giáo Hội nhận ra sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ và tha thiết nguyện xin Mẹ: “Xin đừng bao giờ ngừng chuyển cầu cho chúng con với Chúa, ôi Mẹ rất thánh, vì lời Mẹ đem lại ơn tha thứ cho chúng con.” Trong mọi sự, đức tin của Mẹ không hề suy giảm dù trong khoảnh khắc đau khổ tăm tối nhất. Đức tin của Mẹ chính là đặt mình hoàn toàn vào vị trí phục tùng thánh ý mà không hề giữ lại điều gì.
Biến cố thứ tám trong cuộc đời Mẹ Maria được phụng vụ cử hành là việc Mẹ về Thiên Đàng. Sau khi Đức Giêsu thăng thiên, các môn đệ xuống núi Ôliu, tụ họp nhau ở lầu trên (upper room), chờ đợi Thánh Thần đến, chuyên tâm cầu nguyện cùng Maria, thân mẫu Đức Giêsu (xem Cv 1:14). Đây là nét tiểu sử cuối cùng của Maria trong Kinh Thánh. Từ dữ liệu Tân Ước, ta không biết Mẹ sống thêm bao lâu nữa, qua đời ở đâu,… Nhưng có những nguồn ngụy kinh (apocryphal writings) được ra đời vài thế kỉ sau đó như là một nỗ lực lấp vào những lỗ hổng thông tin mà các sách Phúc Âm quy điển không nói đến. Các sách này cũng ảnh hưởng lên phụng vụ và văn học dân gian cả bên Đông lẫn bên Tây. Chủ đề Đức Maria lên trời trong ngụy kinh sớm lan ra rộng rãi trong thế giới Kitô. Tuy vậy, chúng không phải là nền tảng đức tin, cũng không phải lý do tại sao Giáo Hội tin và cử hành Lễ Ngủ của Maria (Dormition of Mary). Nhưng huyền thoại (legend) và đức tin ít nhiều có giao thoa trong phụng vụ Byzantine như một số troparia cho thấy. Giáo Hội Byzantine mừng Lễ này từ thế kỉ thứ 6 vào ngày 15 tháng 8. Ban đầu, đây là một cử hành phụng vụ địa phương tại Giêrusalem trong một ngôi nhà thờ được cho là đã chôn cất Đức Maria. Sau đó phụng vụ này phát triển rộng ra ở Constantinople và được hoàng đế Maurice (584-602) hạ chỉ cho toàn thể đế quốc bên Đông cử hành. Từ thế kỉ thứ 9, lễ này có thêm phần ăn chay. Thánh John Damascene, tác giả của một trong hai bài Canon được hát trong kinh sáng ngày 15 tháng 8, diễn giải ý nghĩa của việc “ngủ” này như một sự đi vào nơi tốt lành hơn với Thiên Chúa.
Phụng vụ không định tín nhưng thay vào đó giới thiệu các màu nhiệm để tín hữu sống xa hơn. Ở đây phụng vụ đưa ta vào một cơn mưa của các hạn từ phong phú về thực tại của Mẹ lên trời, ví dụ: chuyển tiếp, đi lên, bước trên trời, đi qua, bay lên,…
Một trong những icon nổi tiếng tổng hợp các hình ảnh thần học với các khía cạnh ta đang bàn là bức “Dormition of the Theotokos” như minh họa dưới đây:
Bức icon này không theo thứ tự thời gian nhưng diễn tả các chiều kích tâm linh. Trung tâm là Đức Kitô. Có 2 đường thẳng dọc và ngang gặp nhau tại điểm trung tâm. Đường thẳng dọc theo thân hình Đức Kitô, đường thẳng ngang theo thân hình Đức Maria. Biểu hiện trên nét mặt của Đức Kitô thì mạnh mẽ, tươi sáng trong khi các môn đệ rầu rĩ nói lên chiến thắng phục sinh và sự sống là nơi Đức Kitô. Hai đường này hội tụ nơi Đức Kitô có ý nói nhân tính và thiên tính của Người hợp nhất với nhau. Trên tay Đức Kitô bế một em bé cuốn đồ trắng có xọc biểu thị linh hồn của Mẹ Maria, một linh hồn tinh khiết, thánh thiện.
Theo truyền thống nhân học, linh hồn lìa khỏi xác lúc chết. Trường hợp của Mẹ cũng thế nhưng chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Việc trao linh hồn là việc trao hiến cuối cùng của chính Mẹ trong chuỗi hành vi tự nhiên của một tình yêu tận hiến chính mình cao cả đã đánh dấu cả cuộc sống của Mẹ. Mẹ nhắm mắt, các môn đệ buồn, linh hồn lìa khỏi xác đang được Đức Kitô ôm bế, cho thấy một điều rằng phụng vụ Byzantine không hề nghi ngờ về việc Mẹ qua đời. Việc Mẹ qua đời là chứng thực cho thân phận thụ tạo phụ thuộc vào các định luật tự nhiên, và như thế thân xác Mẹ tạo ra cho Đức Kitô cũng là thật. Điều này chứng minh tính xác thực của Nhập Thể. Thân xác Mẹ đương nhiên không bị hư nát vì không có dấu vết tội lỗi. Xác Mẹ chỉ ở trong mồ 3 ngày như Đức Kitô vì ngày thứ tư là ngày xác bắt đầu phân hủy (xem Gioan 11:39)[2]. Như thế, chết không phải là vấn đề. Vấn đề chính là sự hư nát. Trong trường hợp của Mẹ, Thiên Chúa không cho phép sự hư nát xảy ra. Phụng vụ Byzantine cũng không hoài nghi về sự chuyển tiếp của Mẹ lên trời, không chỉ linh hồn mà cả thân xác nữa.
Một tác giả Chính Thống nổi tiếng là Bulgakov viết rằng Mẹ Thiên Chúa lãnh nhận từ Ba Ngôi Thiên Chúa năng lực (power) không thuộc về bản tính thụ tạo, nghĩa là nơi cuộc lên trời của Mẹ diễn ra một sự thần hóa (deification, divinization) do ân sủng Thiên Chúa thực hiện. Một trong những lí do của việc Mẹ được đưa lên trời dựa trên lòng hiếu thảo của quý tử Giêsu.
Một điểm chú ý nữa trong bức icon này được đặt ở nền trước: có một nhân vật giơ tay để chạm vào quan tài của Mẹ thì có một thiên thần dùng gươm cản lại. Ngày xưa, Hòm Bia giao ước cũng được các thiên thần canh giữ cẩn thận, không ai được tùy tiện chạm vào. Như Hòm Bia giao ước, Mẹ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa nên được giữ gìn, bảo vệ khỏi những tỳ ố (2Sam 6:6-7)[3]
Cuối cùng, ta tìm thấy một lí do nữa cho việc “Ngủ” (Dormition): Maria đến cùng Đức Vua Con của Mẹ để cùng chia sẻ vương quyền của Người. Thật vậy, Mẹ được phụng vụ của Lễ này gọi là Nữ Vương của tất cả, Nữ Vương hoàn vũ, Hoàng Hậu,… Lúc sinh Con, Mẹ giữ vẹn toàn trinh khiết. Khi “ngủ”, Mẹ không rời bỏ thế giới. Mẹ đi từ sự chết đến sự sống, và với lời chuyển cầu của Mẹ, Mẹ cứu linh hồn chúng ta khỏi chết. Mẹ là Trạng Sư cho chúng ta.
Bulgakov viết: “Với sự phục sinh và lên trời của Đức Trinh Nữ, thế giới kết thúc cuộc tạo thành của mình, mục đích của nó đã được thành tựu… Mẹ Thiên Chúa được tôn vinh. Maria là trái tim của thế giới và ngôi nhà thiêng liêng của nhân loại.” Quả vậy, toàn vũ trụ đã được biến hình bởi việc Thiên Chúa ban vinh quang cho Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ trong Hội Thánh vẫn luôn hoạt động. Bên phương Tây, ta thường nói về sự làm mẹ thiêng liêng của ân sủng (spiritual motherhood of grace) hoặc sự làm mẹ để ban bố ơn lành cho cá nhân, Giáo Hội và nhân loại. Bên phương Đông, Maria được nói đến như là “Mẹ Thiên Chúa” hoặc đơn giản là “Mẹ” thôi. Các bản văn phụng vụ chưa bao giờ gọi Maria là “Mẹ nhân loại”, “Mẹ chúng ta”, “Mẹ của các tín hữu” hay “Mẹ của Giáo Hội”.[4] Thay vào đó, Maria được cử hành như Mẹ của Lời, của Ánh Sáng, của Sự Sống, vì qua việc sinh hạ Giêsu, Mẹ giúp thần hóa bản tính chúng ta. Mẹ làm mọi sự cho chúng ta: cầu bầu, bảo vệ, cứu giúp, dẫn ta về quê trời. Vì thế, Maria là Nữ Vương Thiên Đàng cho chúng ta, Nữ Vương hòa bình, Nữ Vương giải thoát chúng ta khỏi ác thần, Nữ Vương vượt trên các phẩm thiên thần và Nữ Vương từ bi nhân hậu của chúng ta. Vương quốc của Maria là vương quốc của lòng từ bi… Bởi những đặc điểm này, phụng vụ Byzantine có rất nhiều lời nguyện dâng lên Mẹ.
Một vài điểm ghi nhận thêm về Đức Maria trong phụng vụ Đông phương
+ Khi Mẹ hạ sinh Đức Giêsu, một nhân loại mới được sinh ra. Maria sinh Đức Giêsu là Adam mới, Đấng đồng quy (recapitulate) tất cả công trình tạo dựng. Maria là Eva mới giúp Adam mới đưa nhân loại về cùng Thiên Chúa, phục hồi cho họ hình ảnh (và sự) giống Thiên Chúa.
+ Tội lỗi và lầm lạc của ta dù có lớn hay nhiều thế nào thì ta cũng không được thất vọng vì ta luôn có lời Mẹ cầu bầu để cậy nhờ. Mẹ chiến đấu với chúng ta và chữa lành khi chúng ta bị thương tích.
+ Mẹ là cây sự sống cho quả là Đức Kitô, Đấng nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình-Máu Người.
+ Ngày phán xét, các tông đồ ngự trên tòa thẩm phán, nhưng Mẹ thì không, Mẹ đứng ở vị trí nài xin cho ta được giải thoát khỏi án đời đời.
+ Hình ảnh đời ta giống như con thuyền trên đại dương có một chỗ phổ biến trong tư tưởng các tác giả từ kinh nghiệm di chuyển bằng đường biển với nhiều hiểm nguy khó khăn từ vùng Constantinople đến Ai Cập, Syria, Palestine. Maria thường được kêu cầu dưới danh hiệu “bến” (port).
+ Maria cứu chúng ta trước hết bằng việc cho chúng ta Đấng Cứu Thế, rồi bằng việc trợ giúp chúng ta chiến đấu chống lại xác thịt, ma quỷ, tội lỗi.
+ Mặc dù Mẹ Thiên Chúa thuộc về cộng đoàn các thánh, Mẹ có một vị trí độc nhất vô nhị: Mẹ ngự bên hữu Đức Kitô, Đức Vua bị giết, như là Hoàng Hậu trang phục vàng ròng (Tv 44:10), biểu tượng nói lên phẩm giá và quyền năng vượt trên các thụ tạo, kể cả thụ tạo trên trời.
+ Năm phụng vụ bắt đầu từ tháng 9. Nhiều giáo hội bên Đông cũng chọn một ngày trong tuần để cử hành riêng tôn kính Mẹ, đó là ngày thứ tư, ngày được cho là ngày diễn ra các sự kiện sinh nhật, Truyền Tin và “Ngủ” của Mẹ.
Các tín điều về Đức Maria
Các giáo hội Đông phương, đặc biệt là giáo hội Chính Thống (Orthodox) có chung lòng sùng kính như Giáo Hội bên Tây phương, nhưng phụng vụ của họ biểu hiện có phần rõ ràng hơn.
Trong các phụng vụ Đông phương, tín điều Theotokos (Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa) được thiết lập và tuyên xưng như là nền tảng. Giáo hội Chính Thống không sẵn sàng lắm trong việc chấp nhận thêm các tín điều khác mà đối với họ chỉ là phụ (chẳng hạn: tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mẹ Hồn Xác Lên Trời). Đối với họ, tín điều Theotokos đã chứa đựng tất cả mọi khía cạnh chính yếu cho đức tin và lòng sùng kính. Tuy có những khác biệt từ góc nhìn nhân học (anthropology) giữa Giáo Hội Đông và Tây, những khác biệt này không mâu thuẫn nhau về nội dung đức tin.
Tại sao lại có khó khăn với hai tín điều Mẹ Vô Nhiễm và Mẹ Lên Trời đối với các tín hữu Đông phương? Như chúng ta đã biết, tuyên xưng Theotokos là hệ quả của các tranh luận mang tính Kitô học xoay quanh các vấn đề bản tính của Đức Kitô trong khoảng thế kỉ thứ 4 và 5, cách riêng là định tín của công đồng Ephesus năm 431. Sau công đồng Ephesus, lịch sử chứng kiến một sự phát triển rộng khắp của lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trong nhiều lĩnh vực khác nhau: phụng vụ, nghệ thuật, kiến trúc, nhất là các bài giảng và thánh thi về Mẹ Maria.
Như chúng ta đã bàn trước, trong phụng vụ Byzantine thường có các thuật ngữ như “vô nhiễm” (immaculate), “vẹn sạch” (tuttapura, all pure), “Mẹ thánh thiện” (Holy Mother) để diễn tả tình trạng nhân loại (anthropological condition) của người phụ nữ mà Thiên Chúa đã chọn để sinh ra Ngôi Lời. Tuy nhiên, các thuật ngữ này không định nghĩa hoặc giải thích mà chỉ đưa ra các biểu tượng, hình ảnh, đối chiếu để gợi lên màu nhiệm đồng trinh được ngầm chứa trong tuyên xưng của Theotokos. Chúng ta không tìm thấy trong bảy công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội một định tín nào về sự đồng trinh trọn đời của Maria, trừ trường hợp Canon VI của công đồng Constantinople (553) dùng tước hiệu này một cách mặc định khi nói về Theotokos: “Nếu ai nói rằng Đức Maria thánh thiện vinh hiển và trọn đời đồng trinh chỉ gần là chứ không thật sự là Mẹ Thiên Chúa… thì hãy để người ấy bị chúc dữ (anathema)”. Theo các sách Tin Mừng, thật sự Trinh Nữ Maria thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và Giêsu chính là con của Mẹ. Hoa trái này đến từ Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Hội Thánh không hề nghi ngờ về sự đồng trinh của Mẹ. Ta cũng đã thấy phụng vụ Byzantine gọi Maria là “Nương Tử của Thiên Chúa” (Bride of God) vì Maria là Mẹ Thiên Chúa và là “đấng vẹn sạch” (tuttapura, all pure). Phụng vụ dùng các hình ảnh Kinh Thánh ở đây, chẳng hạn: ngày xưa dân Israel đi vào giữa lòng biển khô ráo thì ngày nay Đức Trinh Nữ sinh Đức Kitô không hề ô nhơ. Biển Đỏ là hình ảnh tiên tri của Đức Maria. Sau khi dân Israel đã lên bờ, biển trở lại êm ả như trước, “đấng vô nhiễm” (l’immaculata) vẫn trinh nguyên sau khi sinh Emmanuel: “Cao vời thay sự thụ thai của Mẹ, thật trinh trong (vô nhiễm, immaculate), việc Mẹ hạ sinh không thể hiểu thấu được: Khi Thiên Chúa muốn, trật tự thế giới tự nhiên bị khuất phục.” [Kinh chiều thứ bảy, Giáng Sinh] Thêm nữa, hình ảnh bụi cây cháy mà không rụi Mô-sê thấy trong sa mạc (Xh 3:2) được sử dụng để chỉ về sự khiết trinh của Maria: Như bụi cây không bị lửa cháy, dạ Đức Trinh Nữ cũng không bị cháy bởi Lửa Thần Linh. Đến đây thì đã thấy rõ rằng màu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là một niềm tin khác. Bên Giáo Hội Tây phương, ta cảm thấy cần định nghĩa thực tại càng rõ càng tốt, từ đó phát triển các tín lý trong khi Giáo Hội phía Đông thì chấp nhận chúng một cách tự nhiên và diễn tả chúng trong đời sống phụng vụ. Bên Đông chỉ cảm thấy có nhu cầu thảo luận và định tín một chân lý nào đó khi gặp nguy cơ lạc giáo, giống như trường hợp của các công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội. Vì thế, sau công đồng Ephesus, các giáo phụ không thấy cần phải đưa ra thêm các tín lý nào để tuyên xưng niềm tin vào Theotokos. Trong truyền thống Đông phương, Maria vô nhiễm cũng bởi vì sự khiêm nhường của Mẹ. Theo nghĩa này, Mẹ là khuôn mẫu cho tất cả mọi Kitô hữu. Sự đồng trinh của Mẹ là khuôn mẫu chỉ cho một số người. Trong truyền thống Đông phương, sự đồng trinh, lòng khiêm nhường và sự đầy tràn Chúa Thánh Thần là 3 khía cạnh không thể tách rời trong mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa. [có cùng ý tưởng với 3 tín điều sau đó của Giáo Hội Tây phương]
Niềm tin vào sự thánh thiện của Đức Maria giống nhau cả bên Đông và Tây. Khó khăn nằm ở mối quan hệ giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ không nên chỉ được xem như sự thiếu vắng tội lỗi trong quá trình truyền sinh mà như sự thánh hóa diễn ra trong quá trình này, theo cách mà ân sủng Đức Kitô hoạt động để giữ gìn Đức Trinh Nữ khỏi tình trạng tội lỗi. Điều này cả bên Đông và Tây đều thống nhất. Maria Mẹ Thiên Chúa không thể bị tổn thương vì nguyên tội được. Tội lỗi không thể tương thích (incompatible) với tình trạng “đầy ân sủng” nơi Mẹ. Thêm nữa, không ai trong nhân loại này có thể tự công trạng mình mà không vương tội lỗi. Cho nên, cần một ân sủng riêng của Thiên Chúa để lấy đi, để tẩy xóa mọi dấu vết nguyên tội hay cá nhân. Đây cũng là đức tin của cả Đông và Tây. Việc chống đối tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là ý kiến của một số thần học gia Chính Thống đương thời chứ không phải là quan điểm chính thức của huấn quyền giáo hội Chính Thống vì giáo hội này chưa bao giờ đặt vấn đề này một cách chính thức. Chúng ta đã thấy rõ Maria trong tín điều Theotokos được gìn giữ khỏi tội lỗi được truyền thống của cả Giáo Hội hoàn vũ khẳng định ngay từ các thế kỷ đầu. Bởi thế, khó khăn tranh luận thật ra là vấn đề về góc nhìn. Ta cần hiểu đặc ân vô nhiễm như “không có tội, không vết nhơ” hay như “đầy ân sủng”? Giáo sư Spidlik giải thích sự khác nhau như sau: “Tây phương tìm kiếm nguyên nhân thành sự/hữu hiệu (efficient cause) trong khi Đông phương chú ý đến nguyên nhân mô hình/mô phạm (exemplary cause) suy gẫm ý nghĩa của những gì diễn ra.” Ta thấy các bản văn phụng vụ từ thế kỷ thứ 4 đã dùng các từ ngữ như thanh tẩy trước (prepurificazione), thánh hóa (santificazione) cho Maria trong ngày lễ Truyền Tin do hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Maria là người được thanh tẩy theo nghĩa được làm cho trở nên thanh khiết và thánh thiện (resa pura e sacra) tận gốc căn để trở thành Mẹ Thiên Chúa và lãnh nhận trong cung lòng mình Đấng Tự Thánh.
Thế trước khi Chúa Thánh Thần thánh hóa Maria trong ngày lễ Truyền Tin thì sao? Ta có thể nói thế nào: Maria đã tinh tuyền rồi và vì vậy Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ hay Mẹ trở thành như thế vì có Thánh Thần ngự xuống? Thật ra ta không thể không khẳng định cả hai vế trên vì ân sủng được Mẹ lãnh nhận ngày Truyền Tin cũng có hiệu quả lên cả quá khứ của Mẹ. Ở đây ta cần nắm rõ cách nhìn sau: Đối với Thiên Chúa thì không thể áp dụng được các phân chia thời gian. Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng thì Người tạo dựng từ muôn thuở, từ ngàn đời trước mọi chiều kích thời gian. Chỉ đối với thụ tạo trong đó có con người thì những gì đã được tạo dựng mới dần lộ diện và phát triển trong dòng thời gian cụ thể. Trong Thiên Chúa không hề hiện hữu khái niệm “khi nào”, “bao lâu” vì tất cả đều nằm trong vĩnh cửu.
Ta có thể kết luận rằng khởi đi từ một niềm tin và màu nhiệm chung, thần học Công Giáo suy gẫm về chiều kích Maria được gìn giữ (khỏi tội lỗi) trong khi thần học Chính Thống để ý đến chiều kích điều ở trong Maria (đầy ân sủng). Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng công thức phủ định của đặc ân Maria (vô nhiễm), đã được tranh luận nhiều bên truyền thống Tây phương khi suy tư về nguyên tội, cần phải được bổ túc bởi tuyên xưng về sự thánh thiện của Mẹ trong truyền thống Đông phương.[5]
Một khẳng định tương tự có thể áp dụng cho trường hợp tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cả Đông và Tây đều cử hành ngày Lễ vào ngày 15 tháng 8. Như ta đã biết, giáo hội Chính Thống nhìn sự bất hoại của thân xác (incorruttibilità del corpo) của Mẹ trong liên hệ tương đồng với thân xác Đức Kitô và việc Người lên trời. Thực tế rằng nhiều nhà thờ La-tinh cung hiến cho Đức Mẹ sử dụng icon “Dormition” (Dormizione, ngủ) [ ví dụ: Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Roma] cho thấy không còn một khác biệt lớn nào giữa Lễ Mẹ Lên Trời và Lễ Ngủ. Thật vậy, trong các thế kỷ đầu tiên, Lễ Ngủ được cử hành bởi toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Lễ Ngủ khẳng định Maria thuộc trọn vẹn về trật tự thụ tạo trong việc trải qua cái chết và đồng thời cũng cho thấy thực tại của một công trình tạo dựng mới diễn ra trong cuộc đời Mẹ khi thân xác Mẹ không còn bị cảnh hư nát chi phối. Phụng vụ Byzantine ngày 15 tháng 8 xưng tụng Mẹ là “Mẹ của những người sống”, “thánh hóa người sống” và là “hình ảnh báo trước việc ngủ của chúng con”; những cách diễn đạt này không khác với những gì Giáo Hội Công Giáo khẳng định trong Lumen Gentium số 68 của công đồng Vatican II: “Từ đây được vinh hiển trên trời cả hồn lẫn xác, Mẹ của Đức Giêsu là hình ảnh và hoa trái đầu tiên của Hội Thánh sẽ được thành tựu trong tương lai.”
Giá trị đại kết
Suy tư cuối cùng này về các tín điều Maria cho thấy Giáo Hội Đông và Tây cần bổ túc cho nhau, cần “thở bằng hai lá phổi” (lời Đức Gioan Phaolô II), cách riêng là vấn đề còn tranh luận về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Một khía cạnh cần quan tâm có thể học hỏi cho Giáo Hội Tây phương từ Giáo Hội Đông phương là đời sống phụng vụ rất giàu có và phong phú.
Giuse Việt, O.Carm. phỏng dịch
[1] Ngoài ra, việc dùng các hình ảnh Cựu Ước còn cho thấy những điều quan trọng trong tâm thức của Đông phương sau đây: + Có một sự nối tiếp không ngừng trong kế hoạch của Thiên Chúa, thể hiện suốt dòng lịch sử gồm cả Cựu và Tân Ước; + Hình ảnh chọn lọc để áp dụng cho Maria (mà không phải tất cả mọi hình ảnh) có ý chỉ cho thấy sự tiến lên đến đỉnh điểm của biến cố Maria-Giêsu, cách riêng trong cuộc Nhập Thể, ví dụ: hình ảnh Hòm Bia giao ước (trong Hòm Bia là “Lời Chúa”, một thực tại rất quan trọng rồi, nhưng sẽ đạt đến độ quan trọng nhất khi “LỜI CHÚA” xuất hiện trong dạ Đức Maria); + Các hình ảnh và biểu tượng được dùng từ nhiều nguồn như thánh vịnh, ngôn sứ, Diễm ca, và các sách Cựu Ước khác cho thấy đức tin cần phải được nhìn trong một tổng thể, tức là chỉ có một đức tin cho tất cả mà thôi.
[2] Ðức Giêsu nói: “Ðem phiến đá này đi”. Cô Mácta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”.
[3] Khi đoàn người tới sân lúa Na-khôn, thì ông Út-da giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. Ðức Chúa nổi cơn thịnh nộ với ông Út-da, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa.
[4] Đông phương không dùng những tước hiệu này cho Đức Maria vì nhìn Mẹ từ cách nhìn đối với Đức Kitô. Họ không gọi Đức Kitô theo những nét trên nên Mẹ cũng thế. Ví dụ: Đức Kitô là Vua thì song song Maria sẽ là Nữ Vương (dùng hình ảnh thánh vịnh).
[5] GIOVANNI PAOLO II, Immacolata: la definizione dogmatica del privilegio, in «L‘Osservatore Rornano», 13 giugno
1996, p. 4.