Home / Tin Tức / THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ – LINH MỤC DÒNG CÁT MINH 2024

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ – LINH MỤC DÒNG CÁT MINH 2024

Lời Ngài gọi con đi, lòng còn ngại chi.
Xin thánh ân tuôn tràn dìu con bước trong bình an.
Gieo ơn cứu độ vào tâm hồn nhân thế
sống mến thương hiệp thông trọn tin yêu và cậy trông.
Tình Ngài dìu con qua ngàn dặm đường xa
chia nỗi đau phận người cùng vui với ai cười tươi.
Bao dung giữa đời ngợi ca lòng thương xót,
nối kết nhân loại trong tình yêu bao người chờ mong.

Đó là những ca từ mừng vui, phấn khởi mời gọi người tông đồ của Chúa lên đường trong bài ca nhập lễ “Đi trong Thần Khí” mà Giám mục, nhạc sĩ Phê-rô Kiều Công Tùng (Cung Trầm) sáng tác đã được vang lên giữa thánh đường giáo xứ Tân Định, trong Thánh lễ truyền chức Phó tế & Linh mục của Dòng Anh Em Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh lúc 9h00 sáng ngày 14/03/2024. Thánh lễ truyền chức hôm nay là hoa trái và công khó sau những tháng ngày dấn thân không mệt mỏi của quý thầy: Antôn Nguyễn Công Thành, O.Carm., Gioan Baotixita Hoàng Thừa Thế, O.Carm., Phaolô Đặng Văn Tuấn, O.Carm. và Phê-rô Phạm Trọng, O.Carm., trước lời mời gọi tình yêu của Đức Ki-tô qua linh đạo và đặc sủng Dòng Cát Minh.

Thánh lễ truyền chức hôm nay đã được cử hành bởi Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng – Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn. Cùng đồng tế với Đức Tổng Giuse còn có cha Bề trên Giám tỉnh, Tỉnh Dòng thánh Ê-li-a Bắc Mỹ – Mario Esposio, cha Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm – Bề trên Phụ tỉnh Thánh Giuse Việt Nam, quý cha Bề trên và quý cha các cộng đoàn tu viện Dòng Cát Minh, cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng – Quản hạt, chánh xứ Tân Định, quý cha giáo, quý cha khách, cùng đông đảo quý nam nữ tu sĩ đến từ nhiều Hội Dòng khác nhau ở trong và ngoài giáo phận, quý ân nhân, thân bằng quyến thuộc, bạn bè xa gần của các tiến chức đồng tham dự.

Mở đầu thánh lễ, với tâm tình của người cha chung của Giáo phận, Đức Tổng Giuse đã mời gọi cộng đoàn phụng vụ cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với các anh em Dòng Cát Minh và cầu nguyện cách riêng cho các tiến chức sắp lãnh nhận tác vụ Phó tế và Linh mục, để các tiến chức “thực sự trở thành người của Chúa, một người có ý thức về sự thiêng thánh, một người trở thành hiện thân của Chúa ở giữa trần gian, một người đầy tớ biết phục vụ, biết cảm thông và thương xót đoàn chiên của Chúa.”

Trước khi chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng Giuse mời gọi cộng đoàn dân Chúa dành ít phút để lắng nghe xem lời Chúa hôm nay nói với chúng ta điều gì và đặc biệt nói với các tiến chức điều gì. Đức Tổng đã chia sẻ “trong bài đọc thứ nhất, sách Dân số kể lại, Chúa đã nói với ông Môsê kêu gọi con cái của chi tộc Lê-vi tới để trao cho họ nhiệm vụ trông coi, gìn giữ, sắp xếp tất cả các vật dụng trong nhà Tạm. Nhiệm vụ của con cái Lê-vi, đó là công việc phụng tự, mà cụ thể là trông coi nhà Tạm, trông coi các vật dụng đó. Ngày hôm nay có ba thầy tiến chức Phó tế, một trong những công việc của các thầy đó chính là phụ giúp các linh mục trong việc tế lễ. Các thầy cũng phải giống con cái Lê vi, cũng phải trông coi nhà Tạm – nhà Chầu- nhà Thánh Thể – Bàn thờ- sách thánh. Hơn ai hết, anh em là những người gần bàn thờ, anh em phải có ý thức thánh thiêng với sự cao cả của nhà thờ, sự cao cả của bàn thờ cũng như của tất cả các vật dụng. Nói một cách cụ thể là gì? Các anh em phải chăm lo làm sao để khi chúng ta giúp việc bàn thờ cũng như sau này anh em trở thành linh mục, anh em trở thành những người có ý thức về sự thánh thiêng để cử hành các nghi thức thánh một cách rất thánh thiện.” Và không phải chỉ là các vật dụng mà thôi, mà anh em phải chăm lo làm sao để Lời chúng ta đọc được rõ ràng, khoan thai. Phải đọc với tất cả sự tôn kính, trang trọng của Lời Chúa. Khi cử hành các nghi thức cũng vậy, anh em phải đọc làm sao để dân Chúa cảm nhận được sự thánh thiêng của bí tích này. Đừng đọc, nhất là khi đã làm phó tế, linh mục lâu năm rồi, thuộc lòng rồi, đọc như một cái máy. Không! Phải có ý thức về sự thánh thiêng của nghi thức chúng ta cử hành, cũng như các động tác giơ tay, rồi cầm Mình Thánh Chúa, đi lại, phải biểu lộ cái sự thánh thiêng của nghi thức. Chúng ta đang sống trong thời đại gọi là tục hóa, cho nên cái ý thức về sự thánh thiêng của dân Chúa nói chung và ngay cả của hàng mục tử chúng ta đã bị giảm sút rất nhiều. Cần phải khơi dậy ý thức về sự thánh thiêng của bàn thờ, của Lời Chúa, của các nghi thức. Tuy đơn giản nhưng không hề dễ. Không có gì khó hiểu hết. Mà để thực hành, để giữ được trọn đời của mình thì không hề dễ. Chúng ta dễ rơi vào thói quen của cái sự nhàm chán.

Qua bài đọc 2, Đức Tổng Giuse cũng chỉ ra rằng:“Khi anh em tiến lên chức phó tế và đặc biệt là tiến lên chức linh mục, con người chúng ta được thánh hiến và từ khi chúng ta được thánh hiến, con người của thừa tác viên được đặt trong một sự nghịch lý, một sự giằng co muôn thuở, một sự giằng co nằm trong chính bản thể của mình, trong hữu thể của mình. Một đàng, linh mục là con người rất cao cả, nhưng đằng khác lại là một con người rất yếu đuối. Đó là sự nghịch lý, một sự giằng co ngay trong chính bản thân của cuộc đời linh mục. Tác giả thư Híp-ri nói, khi chúng ta được phong chức linh mục, chúng ta giống như Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa, được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn. Chúng ta được nâng lên, được thánh hiến để trở thành người của Chúa. Chúng ta là hiện thân của Chúa, và chính vì thế, cho nên, anh em phải sống làm sao và cử hành các công việc phụng vụ của mình như thế nào để chứng tỏ sức mạnh của ân sủng Chúa trong con người chúng ta. Lời anh em đọc không phải lời của mình mà là Lời của Chúa. Lời rao giảng của mình phải làm sao để trở thành Lời của Chúa. Hãy ý thức để dọn bài giảng của mình cẩn thận. Lời của mình khi rao giảng không phải là lời của mình nữa mà trở thành lời của Chúa. Làm sao cho lời của mình nói ra xứng đáng để trở thành Lời của Chúa. Những lời nói phàm tục, những lời nói ba hoa không thể nào trở thành Lời của Chúa được, và không có sức mạnh thánh hóa. Cũng vậy, khi anh em cử hành Bí tích Thánh Thể, làm sao chúng ta có thể đọc “này là mình Thầy”. Linh mục không đọc là “đây là mình Chúa Ki-tô” mà “đây là mình Thầy”. Một cách nào đó Chúa Ki-tô tự đồng hóa với chính bản thân của chúng ta. Và vì thế làm sao cho xứng đáng… Đọc vội vã, đọc không ý thức và với một tư thế, một thái độ, một tâm trạng không xứng đáng thì làm sao dám nói  “đây là mình Thầy”, cùng lắm mình chỉ có thể nói là “đây là mình Chúa Ki-tô thôi”. Cho nên phải làm sao để nói “đây là mình Thầy”. Cũng vậy, trong Bí tích Giải tội, anh em không đọc là “Chúa Ki-tô tha tội cho con”. Không! “Ta tha tội cho con”. Chúa Ki-tô tự đồng hóa với con người của linh mục cho nên anh em phải làm sao để hôm nay thầy Trọng cũng như ba thầy Phó tế sau này khi cử hành các bí tích mình phải cho thấy sự cao cả Chúa Ki-tô ở trong chúng ta. Bởi vì Chúa Ki-tô ở trong chúng ta cho nên lời chúng ta đọc, việc chúng ta cử hành nghi thức, chúng ta cử hành mới có khả năng được cứu độ dân Chúa. Đó là cái sự cao cả của linh mục. Ngược lại, con người linh mục là con người rất yếu đuối. Tác giả thư Do Thái nói, chúng tôi là những con người yếu đuối lắm. Mang thân phận yếu đuối. Mỗi một ngày khi dâng lễ thì không phải chỉ là cử hành hy tế của Chúa Giêsu, không phải chỉ để mà tha tội cho dân Chúa mà các linh mục phải dâng lễ để đền tội cho chính mình trước. Dâng lễ không phải chỉ để cầu cho linh hồn này, linh hồn kia mà thôi, mà trước hết là để đền tội cho chính mình, và cầu xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Bởi vì linh mục là con người yếu đuối, mà vì yếu đuối như vậy, cho nên các mục tử có khả năng để cảm thông, để chia sẻ, để thương xót đoàn dân Chúa là những người mà tác giả thư Do Thái gọi là những người mê muội và lỗi lầm. Chỉ có những con người yếu đuối cảm nhận được sự yếu đuối của mình mới có thể cảm thông được với cái thân phận yếu đuối của dân Chúa. Mỗi một ngày, anh em hãy ý thức mình là con người yếu đuối để tiếp tục tu luyện, để tiếp tục được đào tạo, để tiếp tục sám hối và nên thánh. Về phần anh chị em giáo dân, anh chị em hiểu rằng, chúng tôi mang trong mình cái con người bị giằng co như vậy, một đằng là rất cao cả, một đằng khác thì rất là yếu đuối và rất thấp hèn. Anh chị em thông cảm với chúng tôi. Sống được điều này, sống được cái nghịch lý này, không hề dễ dàng chút nào hết. Anh chị em dân Chúa đừng có thần thánh hóa các linh mục để đòi các linh mục trong một giây phút nữa đây, ngắn ngủi đặt tay trên các linh mục trở thành các con người thần thánh. Không hề có chuyện đó. Và anh chị em phải vui. Vui bởi vì chúng tôi là những con người yếu đuối. Chúng tôi mà không yếu đuối, chúng tôi không hiểu được và không cảm thông được với những sự yếu đuối của anh chị em đâu. Chúng tôi sẽ dễ trở thành những con người biệt phái, tự phụ, tự hào là công chính và coi khinh tất cả người khác. Cám ơn Chúa vì chúng tôi yếu đuối. May cho anh chị em vì chúng tôi yếu đuối. Anh chị em hãy cầu nguyện để chúng tôi sống kết hợp thực tại nghịch lý này một cách quân bình, không tự tôn và không tự ti; cần phải có ơn Chúa, cần phải cầu nguyện.

Điều thứ ba, trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải trở thành những người đầy tớ biết phục vụ. Để sống với thực tại nghịch lý trong con người linh mục, thì một trong những điều rất là cụ thể đó là chúng ta phải nhận ra sự thấp hèn của chúng ta và phải có sự khiêm tốn. Trở thành một phó tế là trở thành một người đầy tớ đi phục vụ. Cho nên, cuộc đời của thừa tác viên phải tập luyện để làm sao để mình có khả năng hạ mình xuống, thời gian tu luyện không phải chỉ là học để cử hành bí tích, học điều này, điều kia nhưng mà rất quan trọng là: học để hạ mình xuống. Là phó tế để phục vụ và rồi hôm nay là linh mục cũng vẫn là con người tôi tớ để phục vụ. Cho nên quý ông bà cố đừng tưởng là con mình hôm nay lên thêm một chức, có một vị trí nào đó, địa vị cao hơn rồi. Đừng có nghĩ vậy; mà hãy nghĩ rằng, hôm nay con của mình đi xuống. Con của mình hôm nay trở thành đầy tớ thêm một cấp nữa, trở thành con người phục vụ một cách sâu xa hơn nữa. Càng tiến lên thì lại càng hạ xuống. Cũng như Chúa Giêsu, Chúa nói, Chúa là Đấng cao cả, Đấng rất lớn mà Chúa hạ mình xuống. Con Người đến không phải để được phục vụ mà để làm đầy tớ thì chúng ta dù là phó tế, linh mục hay là giám mục thì cũng đều phải hạ mình xuống hết, để trở thành một con người phục vụ, một mục tử theo gương Chúa Giêsu. Thánh chức linh mục rất là màu nhiệm. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho cộng đoàn dân Chúa những người tôi tớ là phó tế và linh mục đây, và anh chị em hãy cầu nguyện cho các thầy cũng như cho tất cả chúng tôi nữa. Ước gì cuộc đời phục vụ của anh em trong thánh chức phó tế và linh mục sẽ được đầy tràn Thần Khí Chúa, được biến đổi để chúng ta đáp lại niềm hy vọng của Hội Thánh, niềm hy vọng của toàn thể dân Chúa. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến tràn đầy trên anh em. Amen.”

Ngay sau bài chia sẻ của Đức Tổng Giuse, nghi thức Truyền chức Phó tế và Linh mục được cử hành tuần tự theo 3 nghi thức: Nghi thức tuyển chọn, Nghi thức phong chức và Nghi thức diễn nghĩa.

Mở đầu Nghi thức Tuyển chọn, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng O.Carm đã giới thiệu quý thầy ứng viên Phó tế: Thầy Antôn Nguyễn Công Thành, O.Carm., Gioan Baotixita Hoàng Thừa Thế, O.Carm., Phaolô Đặng Văn Tuấn, O.Carm. với Đức Tổng Giuse. Và với sự xác nhận của Bề trên Giám tỉnh – Mario Esposito, Đức Tổng Giuse đã tuyển chọn ba thầy lên hàng Phó tế. Ngài đã ban huấn dụ, giải thích ý nghĩa và nhiệm vụ của các thầy phó tế. Ngài nhấn mạnh: “Được dũng mạnh nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các thầy sẽ giúp Giám mục và hàng linh mục của ngài, đồng thời tỏ mình là tôi tớ mọi người trong thừa tác vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái. Các thầy sẽ là thừa tác viên phục vụ bàn thờ, loan báo Phúc Âm, chuẩn bị lễ tế, trao Mình và Máu Thánh Chúa cho các tín hữu. Theo lệnh Giám mục, các thầy sẽ khuyên bảo lương dân cũng như tín hữu, dạy giáo lý, chủ tọa kinh nguyện, ban phép Rửa Tội, chứng hôn và chúc lành cho hôn phối, đem Của Ăn Đàng cho người hấp hối, chủ sự các nghi thức an táng. Qua việc đặt tay từ thời các Tông Đồ truyền lại, các thầy được thánh hiến và liên kết chặt chẽ hơn với bàn thờ, sẽ nhân danh Giám mục hay các linh mục quản xứ chu toàn thừa tác vụ bác ái. Nhờ ơn Chúa giúp, các thầy hãy làm mọi công việc ấy, để anh chị em biết rằng họ thật sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”. Bên cạnh đó, Đức Tổng Giuse cũng nhắn nhủ các thầy: “phó tế là thừa tác viên của Đức Giêsu Ki-tô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các con hãy hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ tha nhân như thế… Được bén rễ sâu trong đức tin, các con hãy ăn ở trong sạch và không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa và người đời, là điều phù hợp với thừa tác viên của Đức Ki-tô và với các người ban phát những mầu nhiệm Thiên Chúa. Các con đừng để mất niềm tin cậy vào Phúc Âm, vì các con không phải chỉ là những người nghe, mà còn phải là thừa tác viên Phúc Âm. Gìn giữ mầu nhiệm đức tin trong lương tâm ngay thẳng, các con hãy minh chứng bằng việc làm Lời Chúa mà các con rao giảng bằng miệng, để dân Ki-tô hữu được Chúa Thánh Thần làm cho sống, trở nên của lễ tinh tuyền được Chúa chấp nhận.”

Cũng trong phần Nghi thức tuyển chọn, Thầy Phê-rô Phạm Trọng, O.Carm. cũng đã được xướng tên bởi cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse. Và cùng với sự xác nhận của cha Bề trên Giám tỉnh Mario Esposito, thầy Phê-rô cũng được Đức Tổng Giuse tuyển chọn lên hàng Linh mục. Ngài cũng đã ban huấn dụ, giải thích ý nghĩa và nhiệm vụ của người mục tử. Như một người cha, Ngài nhắn nhủ thầy Phê-rô rằng “con sắp lên chức linh mục, con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Ki-tô…Con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm Luật Chúa, con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy…Giáo lý con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Ki-tô, để lời nói và gương lành con xây dựng nhà Thiên Chúa là Hội Thánh. Con cũng phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Ki-tô…, phải ý thức việc con làm, phải noi theo điều con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, con cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.” Bên cạnh đó, Đức Tổng Giuse cũng nhắn nhủ thầy Phê-rô “Khi rửa tội quy tụ người ta vào dân Thiên Chúa, khi nhân danh Đức Ki-tô và Hội Thánh ban phép Giải Tội, khi Xức Dầu Thánh nâng đỡ bệnh nhân, khi cử hành các nghi lễ thánh, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa, mà còn thay cho toàn thế giới: những khi ấy, con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người và được nhắc lên thay thế họ để lo những việc thuộc về Thiên Chúa…Con hãy luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm vụ của Đức Ki-tô Thượng Tế trong đức mến chân thật, không tìm kiếm những gì thuộc về mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giê-su Ki-tô…

Cuối cùng, Đức Tổng Giuse nhắn nhủ các tiến chức thêm rằng “Các con hãy cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để các con có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn luôn ngắm nhìn gương sáng của Mục Tử tốt lành: Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ. Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất.”

Sau đó, quý thầy tiến chức đã nói lên ước muốn nhận lãnh và quyết tâm thực thi nhiệm vụ của một người phó tế, linh mục rồi phủ phục trước bàn thờ Chúa trong lời ca kinh cầu các thánh. Tiếp theo đó là nghi thức phong chức qua việc đặt tay của Đức Giám mục và lời nguyện thánh hiến, quý thầy tiến chức từng người một lãnh nhận ấn tín của Bí tích Truyền chức thánh, để rồi sau giây phút ấy, quý thầy chính thức gia nhập hàng giáo sĩ để phục vụ Chúa Ki-tô và Hội thánh trong thừa tác vụ mới, vâng phục Đức Giám mục, quý cha Bề trên và các vị kế nhiệm, đồng thời trợ giúp hàng Linh mục trong việc phục vụ dân thánh. Và qua nghi thức diễn nghĩa ngay sau đó, các tân phó tế đã nhận dây vai Phó tế, sách Phúc Âm và trao hôn bình an để ý thức cách sâu sắc rằng từ nay “Các con đã trở thành người rao giảng; hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”.

Cũng qua nghi thức diễn nghĩa, tân Linh mục mặc áo lễ, được Đức Giám mục xức dầu trong lòng hai bàn tay và được trao chén thánh, đĩa thánh, để từ đây tân linh mục nhận lễ vật của dân thánh để dâng lên Thiên Chúa, ý thức việc mình làm, noi theo điều mình cử hành và khuôn đúc đời sống theo mầu nhiệm thập giá của Chúa như lời Giám mục truyền. Đồng thời, Đức Giám mục cùng quý cha đồng tế trao hôn bình an đối với Tân Linh Mục không chỉ là một cử chỉ biểu lộ sự đón nhận đầy ưu ái và chúc phúc, cũng như nhìn nhận Tân Linh Mục từ nay sẽ là những cộng sự viên tốt của hàng Giám mục, mà còn là một cử chỉ hiệp nhất và vui mừng chào đón tân chức khi giờ đây chính thức gia nhập vào hàng Tư tế của Chúa.

Khép lại nghi thức Truyền chức thánh, Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể trong bầu khí trang nghiêm và linh thánh.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, đại diện các tân chức cũng như đại gia đình Cát Minh, cha Bề trên Phụ tỉnh Giuse Trần Thăng Hưng đã chúc mừng bổn mạng sớm đến Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, đồng thời cha Giuse cũng gửi lời cám ơn, lòng tri ân tới Đức Tổng, quý cha đồng tế, quý nam nữ tu sĩ, quý cộng đoàn đã đến tham dự thánh lễ, hiệp thông và cầu nguyện cho các tân chức hôm nay. Cha Giuse cũng xin Đức Tổng, quý cha đồng tế và toàn thể cộng đoàn tham dự tiếp tục yêu thương, nâng đỡ và cầu nguyện cho các tân chức cũng như cho Hội Dòng.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng Giuse, quý cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với các tân chức, gia đình các tân chức, quý cộng đoàn tham dự và sau đó cùng chung chia niềm vui của ngày hồng phúc với các tân chức nói riêng và gia đình Cát Minh nói chung qua bữa cơm thân mật tại hội trường nhà xứ.

Cây Viết Chì

Nguồn ảnh: Ban Truyền thông Tổng Giáo phận Sài Gòn

Check Also

Tuần Tĩnh Tâm Anh Em Khấn Trọng 2024

Từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 6, các anh em khấn trọng Dòng Cát …