Tên là để phân biệt những người và các sự việc khác nhau. Tên chỉ có nghĩa thực của nó khi nó được diễn tả ra một cách cụ thể trong cuộc sống. Nói cách khác, nếu tên không được sống đúng nghĩa, nó sẽ không thật mà chỉ là một âm thanh đơn thuần trống rỗng, thậm chí là giả tạo. Tên gắn liền với căn tính của người mang tên. Chính vì thế mà tôi sẽ không đề tên mình vào thẻ căn cước của người khác hay để người khác ký tên vào lý lịch của tôi. Tôi là tôi và tôi có một cái tên gắn liền với lịch sử làm nên căn tính của tôi.
Nếu mỗi cá nhân đều có tên riêng thì mỗi tổ chức cũng có tên riêng để phân biệt và diễn tả mình. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa tên của một cá nhân và tên của một tập thể, ví dụ như cộng đoàn. Tên của một cá nhân thường là do cha mẹ đặt cho khi còn nhỏ, và như thế không có sự lựa chọn một cách ý thức của cá nhân ấy. Vì vậy, không lạ gì khi ta thấy có những cá nhân sống hoàn toàn ngược lại với ý nghĩa của tên gọi mình. Trong trường hợp này, người sống không đúng với ý nghĩa tên của mình không bị chê trách hay lên án nhiều. Tuy nhiên, tên gọi của một tổ chức hay tập thể lại là một lựa chọn rất ý thức. Khi chọn một cái tên nào đó cho tập thể của mình, người ta đều chọn sao cho tên ấy diễn tả căn tính của tập thể mình một cách trung thực và rõ ràng nhất. Tên mà tập thể ấy chọn chính là ý nghĩa, đường hướng sống và hoạt động của cả tập thể. Theo một nghĩa nào đó, tên chính là định nghĩa súc tích nhất và căn bản nhất của một tập thể. Tắt một lời, tên chính là căn tính của tập thể đó.
Khi tự nguyện sát nhập một tập thể, đặc biệt là một tập thể dân chủ như cộng đoàn, cá nhân phải phân định rõ xem mình có muốn sống lối sống của tập thể đó hay không; nghĩa là phải cân nhắc kỹ lưỡng xem mình có yêu mến và muốn mang tên của tập thể cũng như quyết tâm sống tên gọi ấy không. Khi lựa chọn gia nhập một cộng đoàn, cá nhân mặc lấy tên của cộng đoàn ấy. Tên của cộng đoàn, tuy không thay thế tên gọi cá nhân của tôi, diễn tả lựa chọn sống của tôi một cách ý thức.
Tên của cộng đoàn chúng ta là Dòng Anh Em Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh.
Từ khởi đầu, chúng ta đã là anh em. Anh em theo nghĩa bình đẳng triệt để. Lịch sử Dòng là một chứng tá sống động cho tinh thần anh em bình đẳng ấy. Chúng ta không có một vị sáng lập như các Dòng khác. Những người Cát Minh đầu tiên là những anh em tự nguyện tìm đến nhau và quy tụ lại với nhau để cùng chia sẻ một lối sống, một tinh thần. Bản thân Luật Dòng được Thánh Albert thành Jerusalem viết ra, thể theo yêu cầu của những anh em tiên khởi, dựa trên nền tảng lối sống và tinh thần đã có của họ. Có thể đây chỉ là một suy đoán, nhưng Luật Dòng có một chi tiết khá thú vị: tên của tu viện trưởng đầu tiên không rõ rang ví dụ như anh “B” (B có thể là Brocard???). Đây là do mất mát trong văn bản Luật Dòng vì ngoại cảnh như thời tiết, chất liệu văn bản? là một ngẫu nhiên? hay là một cố ý lựa chọn? Lịch sử của Dòng đôi khi có phỏng đoán về tên của vị tu viện trưởng đầu tiên, nhưng thật sự chẳng ai coi đó là điều quan trọng cho đặc tính Cát Minh như trong trường hợp của các hội dòng khác. Từ sự kiện chúng ta không được thành lập do một cá nhân nào mà do một tập thể huynh đệ, người gọi là “tu viện trưởng” trong Luật Dòng Cát Minh thật sự không phải là ‘bề trên’ mà là một người anh em được tín nhiệm và chọn lựa để lo lắng cho các anh em khác. Trong Anh Ngữ, người anh em này được gọi là Prior (First Brother), dịch sát nghĩa là “người anh em đầu tiên”. “Anh em đầu tiên” nghĩa là người tiên phong trong việc sống tinh thần huynh đệ, chứ không phải là người có quyền điểu khiển, sử dụng hay làm chủ những anh em khác. Lẽ dĩ nhiên, để có thể lo lắng chu đáo cho cộng đoàn, người anh em ấy phải được trao quyền quyết định những vấn đề quan trọng trong tinh thần yêu thương và tôn trọng mọi anh em khác.
Do đặc điểm của văn hoá, Tiếng Việt xưa nay vẫn quen dùng những từ ngữ mang tính cấp bậc. Thật ra, tính cấp bậc phần lớn bắt nguồn từ Nho giáo Trung Quốc. Tất nhiên không nên phủ nhận một số mặt tích cực của tính tôn ti trật tự mà Nho giáo đã đóng góp cho nền đạo đức và cơ cấu xã hội. Mặc dầu vậy, não trạng cấp bậc đã gây ra nhiều tiêu cực và căng thẳng trong các mối quan hệ nhân sinh. Hơn nữa, não trạng cấp bậc không phải là cốt lõi hay tinh hoa của văn hoá Việt Nam. Thật ra, nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy những nét đẹp trong truyền thống rất tình người của văn hóa Việt Nam đã bị đường lối Nho giáo bóp méo, thậm chí giết chết. Dĩ nhiên, để phân tích mổ xẻ vấn đề cho tương đối rốt ráo, cần phải có nhiều thời gian và giấy mực. Nhưng tóm lại, não trạng cấp bậc, óc danh giá, phẩm trật, … không phải là căn tính của văn hóa Việt Nam. Chúng ta vẫn có thể hoàn toàn là người Việt Nam mà không cần phải bám vào những điều này. Đặc biệt hơn, căn tính của người môn đệ Chúa Kitô đòi chúng ta phải vượt qua đầu óc phân cấp, cha chú, thống trị. Chính Chúa chúng ta đã làm gương và truyền dạy chúng ta yêu thương nhau trong bình đẳng và phục vụ: “Thầy gọi anh em là bạn hữu …. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em…. Anh em hãy rửa chân cho nhau.”
Do phong tục tập quán lâu ngày đã trở thành nếp nghĩ và khế ước xã hội, tạm thời chúng ta cần chấp nhận thực tế phân cấp trong các mối quan hệ và môi trường thích hợp. Về mặt mục vụ và giao tế, hiện tại điều này có khi cần được khéo léo tôn trọng để đạt được hiệu quả cần thiết. Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn Cát Minh là một trường hợp riêng biệt, chính xác hơn là đặc biệt. Chúng ta có đủ lý do chính đáng và nền tảng trong chính căn tính của mình để vượt qua và phải vượt qua những khế ước và não trạng xã hội không thuộc bản chất của văn hóa Việt Nam mình. Như đã nói, chúng ta có lịch sử Dòng, tước hiệu Dòng, Luật Dòng,… cổ võ tinh thần anh em bình đẳng. Chúng ta có gương mẫu và lệnh truyền của Chúa Kitô. Chúng ta có văn hóa Việt Nam nhân ái và trọng tình người hơn lễ giáo cấp bậc. Gần đây nhất, trong Tu Nghị Tỉnh Dòng (20/6 – 23/6/2006), rất nhiều ý kiến, trực tiếp và gián tiếp, nói lên ưu tư về tầm quan trọng của đời sống huynh đệ Cát Minh như một điều căn cốt cho đặc tính Cát Minh.
Ước mơ của Việt là được thấy anh em mình sống đúng với tên của Dòng trong các cộng đoàn Cát Minh mình đang nỗ lực xây dựng trong ơn Chúa. Sau này, khi mỗi người có một chức vụ, mang chức năng và vai trò riêng trong mục vụ, sẽ có một khuynh hướng đánh mất dần tinh thần và cảm hứng anh em bình đẳng ban đầu, như lịch sử đã nhiều lần cho thấy. Cảm nghiệm sâu sắc nhất trong hành trình mười năm qua của Việt là tình cảm và tinh thần bình đẳng anh em. Đó chính là nét đẹp tuyệt vời của Cát Minh có sức lôi kéo và tiếp sức cho hành trình của Việt đến ngày hôm nay. Sẽ thật là uổng phí và đáng tiếc nếu tinh thần anh em ấy bị những tinh thần khác (đến từ xã hội hay văn hoá) trấn áp. Mình đã chọn Cát Minh và mặc lấy tên Anh Em Cát Minh thì đó chính là đường hướng và căn tính của mình. Tinh thần Cát Minh căn bản phải là văn hóa của mình hơn tất cả những văn hóa khác. Đó là nền Văn Hóa Anh Em. Ước gì bất cứ anh em nào, ngay từ ngày đầu tiên đặt chân vào miền đất Cát Minh, sẽ được đón nhận một cách bình đẳng và tôn trọng như mọi anh em Cát Minh khác.