Giuse Trần Thanh Trung, O.Carm.
Mỗi một linh đạo là một nẻo đường tâm linh. Mỗi nẻo đường tâm linh đều dẫn đưa con người tới nhận thức sự thật mang lại hạnh phúc cho mình. Chính vì thế, linh đạo Cát-minh hay nẻo đường tâm linh Cát-minh cũng là một trong những nẻo đường dẫn đưa con người tới việc nhận thức hay ‘giác ngộ’ ra SỰ THẬT; mà SỰ THẬT này phải mang lại hạnh phúc thật cho con người. Chính vì thế mà trong phạm vi bài viết ngắn gọn này, tôi muốn diễn tả khát mong đi đến hạnh phúc của người Cát-minh qua con đường tiệm tu của việc thực hành chấp và phá chấp nhờ kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu.
Đường tu tập của Phật giáo thiền tông hệ tại ở chỗ nhận ra hay “ngộ” cách đúng đắn cái sâu xa nhất và chân thật nhất của con người và vũ trụ, gọi là “tâm” – là “nguyên tánh” – là “chân như” hay “bản lai diện mục”, vì đây là cái không hề thay đổi và mất đi, cái duy nhất có thật và cũng là cái duy nhất đem lại hạnh phúc. Đặt linh đạo Cát-minh trong văn hóa Việt Nam, anh chị em Cát-minh có thể nhận ra rằng đường tu tập Cát-minh cũng hệ tại ở chỗ ngộ ra “chân như” trong tương quan với Chúa. Chính trong việc khám phá ra tương quan với Chúa qua chiêm niệm mà tâm sẽ an và thần sẽ định; nhờ đó, chúng ta mới có thể hy vọng đạt được hạnh phúc thật. Thánh Âu-tinh với cuộc đời đầy trải nghiệm đã làm chứng cho tương quan đặc biệt này bằng một câu nói nổi tiếng: “Vì Ngài đã tạo nên con cho chính Ngài nên tâm hồn con sẽ mãi bồn chồn thao thức cho tới khi tìm được bến đỗ nghỉ ngơi trong Ngài, Chúa ơi!” [1] Tuy mỗi đường lối tu tập vẫn có những nét đặc trưng riêng biệt và cách thức tu tập khác nhau, nhưng dẫu sao chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là việc ngộ ra sự thật cuối cùng ấy [“kiến tánh” – “đốn ngộ”-“giác ngộ”] không hề dễ dàng chút nào, và càng khó khăn hơn khi vận dụng nó vào đời sống tu tập hàng ngày [“tiệm tu”].
Thật vậy, trong thực tế chúng ta đã bị vướng vào nhiều sai lầm do cuộc sống, do giáo dục, môi trường, do bối cảnh văn hóa, do vốn trải nghiệm, do não trạng xã hội, do cơ cấu mà chúng ta đã quen, do tiện nghi vật chất mà chúng ta có…. Chúng ta đã quen tới mức hầu như không dứt bỏ được, thậm chí còn ra sức bảo vệ [gọi là “chấp” hay câu nệ], đôi khi còn xây dựng và cổ vũ cho những sai lầm đó, và tệ hơn đôi khi lại đồng hóa chính mình với nó: biến giả thành thật. Cụ thể, khi chúng ta mới bước vào tu, chúng ta thường hay có những suy nghĩ: tôi sẽ làm cái này cho Giáo Hội, tôi sẽ thực hiện kế hoạch kia cho con người, tôi sẽ biến môi trường chung quanh mình thành một môi trường thánh thiện, đồng hóa đời tu mình với quá nhiều thứ bên ngoài. Trong khi ở bước căn bản này của hành trình tu tập, chúng ta được mời gọi làm một điều duy nhất đó là “thánh hóa bản thân”; đây là tiến trình xây dựng tương quan với Chúa bằng việc tập “ở lại với Chúa” trong cầu nguyện, chiêm niệm và đào sâu học hỏi về Chúa. Có như thế, chúng ta mới hy vọng để giác ngộ được. Vì thế, bước căn bản cho hành trình tu tập Cát-minh là phải “phá chấp”, tức là giải gỡ mình khỏi những mê lầm hay những niềm tin sai lệch, những thành kiến, những thói quen thâm căn, và khỏi những gì giả tạo mà chúng ta đã tưởng là thật.
Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải phân định coi xem có những loại “chấp” nào chúng ta có thể vướng phải. Hy vọng với việc nhận diện này, chúng ta dần dần “phá chấp” để đi đến việc ngộ ra điều căn bản duy nhất cho mình. Tối muốn trình bày hai thứ chấp căn bản cần phải phá là “chấp ngã” và “chấp pháp”. Bản thân “chấp ngã” lại có hai loại “chấp ngã cá nhân” và “chấp ngã tập thể.”
1. Chấp ngã cá nhân: đó là tin rằng cái tôi mà mình đang biết là cái tôi thật, cái tôi vĩnh cửu. Trên thực tế, có thể tôi đang đồng hoá bản thân với hình dáng, đường nét, cơ thể, tính tình, ý kiến, quan điểm… của chính mình. Thế mà đây lại là những cái rất bất tất và dễ thay đổi. Hóa ra chúng ta đang bị cám dỗ biến giả thành thật, biến hình ảnh mình có về mình hay hình ảnh người ta có về mình thành chính sự thật của mình, dù không hẳn luôn luôn thế. Một người thích được người khác trọng vọng sẽ cho mình là người đáng trọng vọng và ra sức làm cho mình được trọng vọng. Một lời nói hay cử chỉ nào của mình được tán thưởng cũng đều được thổi phồng là có giá trị tuyệt vời, xứng đáng cho mình được trọng vọng. Ngược lại, một lời nói hay cử chỉ nào của mình bị phê bình cũng đều được phóng đại là tai hại, có thể hủy hoại bản thân mình. Vì vậy, mỗi khi bị đụng chạm trong những điều ấy, tôi lại cảm thấy và đinh ninh là đã đụng chạm đến ‘tôi’ một cách sâu xa. Cũng như mỗi khi được đề cao trong điều ấy, tôi lại cảm thấy và đinh ninh là chính mình đang được tôn vinh. Từ đó dẫn tới những thái độ và hành vi ích kỉ, tự tôn hay tự ti, tránh xa hay khinh thường người khác.
2. Chấp ngã tập thể: đó là tin rằng tập thể mà mình đang thuộc về, cùng những cơ chế, con người, hoạt động và lý tưởng của tập thể đó là chính mình, là cái tôi sâu xa nhất của mình, là cái duy nhất sẽ tồn tại mãi. Chẳng hạn, một người tu sĩ có thể đồng hoá mình với cơ cấu của nhà Dòng, với tu phục của Dòng, với những hoạt động và lý tưởng của Dòng, với tiện nghi vật chất mà nhà Dòng đang có… . Vì vậy, mỗi khi bi đụng chạm hay được đề cao trong những điều ấy, người ấy cảm thấy và đinh ninh như chính mình đang bị tiêu diệt hay đang được tôn vinh tới trời, không cần biết những đụng chạm và đề cao ấy đúng hay sai, thật hay giả. Từ đó mới sinh ra những hành vi, thái độ quá khích và cực đoan, hiếu chiến và tàn bạo, phe cánh và cục bộ…
3. Chấp pháp: đó là tin vào sự có mặt và giá trị của vạn vật chung quanh mình tới mức đặt tất cả hạnh phúc và sinh mệnh của mình lệ thuộc vào đó, dường như không thể sống mà không có chúng. Chẳng hạn như tin vào các phương pháp tu trì, các cách lý giải, hay sống dưới bóng của những giáo thuyết của những người đi trước và tin rằng những điều đó có giá trị tuyệt đối như thể ngoài chúng ra không có phương hướng tu trì hay cách lý giải nào là đúng nữa.
Tóm lại, chúng ta có thể đang bị “mê” một cách nào đó vì cứ ngỡ những điều mình đang tin, đang yêu, đang chờ là chân như, là chính tâm, là điều cuối cùng, là giá trị trên hết. Ý thức như thế nên đối với người Cát-minh, điều đầu tiên cần làm ngay và làm luôn là tỉnh dậy, kéo mình ra khỏi những mê lầm ấy. Với ý thức rằng dù mang hình thức nào, các cám dỗ ấy rốt cuộc cũng chỉ hệ tại vào những thứ bên ngoài và vào những khao khát bên trong để tung hỏa mù làm mờ mắt khiến chúng ta không phân biệt được giả với thật.
Ở đây cũng cần thiết phải nói rằng, không phải chỉ riêng chúng ta mà cả Thánh Phaolô cũng hiểu nguyên do của cám dỗ và thất bại cách tương tự: không do người ta chủ ý muốn như thế ngay từ đầu, mà đúng ra là do mê lầm của con người về các giá trị – một sự mê lầm ăn sâu và chi phối mạnh tới mức khuất phục được ý muốn kháng cự của chúng ta, làm ta có cảm tưởng như có ai đó nơi ta làm điều ấy. Thánh nhân đã diễn tả rằng “điều tốt tôi muốn lại không làm, nhưng điều xấu tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:14-20, 24-25). Theo ngài, đây là hai khuynh hướng tồn tại trong ta và chi phối chúng ta rất nhiều.
Chính vì thế, hành vi phá chấp hay triệt phá các ngẫu tượng (iconoclast) là hành vi cần thiết của người Cát-minh chiêm niệm. Theo một giáo sư thần học Dòng Cát-minh, Cha Donald Buggert, “Người chiêm niệm thật sự là người loại bỏ các ngẫu tượng“[2], loại bỏ những gì không phù hợp với Thiên Chúa. Đây dĩ nhiên là hành vi chẳng những gây đau đớn vì những mê lầm kia đã lận vào trong người chúng ta từ bao giờ rồi, mà chúng còn làm cho chúng ta rất vất vả vì đòi hỏi thời gian rất nhiều, đôi khi suốt cả đời để thoát khỏi những mê cung ngẫu tượng. Suy cho cùng, ai đã bước vào nẻo đường Cát-minh là đã bước vào một hành trình tiệm tu đòi hỏi cả một đời người. Bản chất của ơn gọi Cát-minh suy cho cùng là chiêm niệm, mà trung tâm của đời sống chiêm niệm là chính Thiên Chúa.
Nếu như chúng ta thử đặt ra những câu hỏi như: “Chúng ta đã sống ơn gọi chiêm niệm và ngôn sứ của mình nghiêm chỉnh đến đến chừng mực nào để thực sự gọi là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống và nhiệt thành phụng sự Ngài?”[3], thì chúng ta sẽ phải đặt tất cả những gì từ trước đến giờ mình đã chấp vào một tương quan đối diện với chính Thiên Chúa – Đấng là trung tâm của đời sống của chúng ta. Mà khi đối diện như vậy, rõ là chúng ta phải tiến hành ‘phá chấp’ mà thôi. Phá chấp ở đây đối với người Cát-minh là loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa và để chỉ còn lưu lại chính Thiên Chúa nguyên tuyền và trọn vẹn mà họ tôn thờ và yêu mến. Chính Ngài, ‘Đấng sâu hơn cõi sâu thẳm của lòng người’, là nguồn hạnh phúc duy nhất mà người chiêm niệm ước mong tìm kiếm.
Có phá chấp chúng ta mới dần dần tiến lại gần với Thiên Chúa, nguồn sáng đích thực của lòng ta. Như vậy chúng ta mới là người sáng mắt đang dẫn người sáng mắt, mới là người khôn xây nhà trên đá. Và “Tâm Như” duy nhất cần thiết được giữ lại trong chúng ta là Đức Kitô – Đấng là Đường – Sự Thật – Sự Sống. Vì thế, bí quyết cuối cùng là gì, nếu không phải là bám chắc vào điều căn bản nhất là chính Đức Giêsu Kitô, rồi bình tĩnh nhận diện để phát hiện chân tướng sự vật và tiến hành phá chấp – iconoclast.
Câu tiêu chí: “Tâm Như” duy nhất cần thiết được giữ lại trong chúng ta là Đức Kitô – Đấng là Đường – Sự Thật – Sự Sống.
[1] Thánh Âu-tinh, Confessions, cuốn 1, chương 1, http://www.wf-f.org/StAugustine.html (truy cập: 6/7/2011)
[2] Donald Buggert, The Contemplative as Iconoclast (Washington DC: ICS Publication – Institute of Carmelite Studies, 2000), tr. 64.
[3] Donald Buggert, The Contemplative as Iconoclast (Washington DC: ICS Publication – Institute of Carmelite Studies, 2000), tr. 67.