Fr. Leopold Gluekert, O.Carm.
Cuộc hội thảo thứ hai về đề tài chiêm niệm Cát-minh diễn ra ngày 17-19 tháng 01, năm 2013 tại Trung Tâm Thánh Alberto Rô-ma. Thành viên của Viện Nghiên Cứu Cát-minh quốc tế (Institutum Carmelitatum) chào đón các vị khách mời, học giả, và những thành phần khác cùng tham gia loạt hội thảo với những phần thuyết trình hào hứng.
Một trong những khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là việc định nghĩa hoặc giải thích khái niệm “chiêm niệm” vì những tác giả linh đạo Cát-minh tiên khởi không thường sử dụng thuật ngữ này. Mô tả khái niệm chiêm niệm, linh hồn Cát-minh, đòi hỏi phạm vi nghiên cứu rộng cũng như sự chính xác. Chúng ta cần xem lại tất cả những ví dụ cụ thể trong những văn bản sâu sắc thuộc lăng kính đức tin, cùng lúc chúng ta phải suy tư tìm hiểu từ những kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta phải lắng nghe tất tả, đừng cố đánh giá cái nào đúng nhất, cái nào sâu sắc nhất. Sự hiểu biết về chiêm niệm được phát triển và tiến triển qua những thế kỷ mà chúng tôi sẽ bàn đến trong kỳ hội thảo này.
Quả là một thách đố để giữ được sự thăng bằng khi mô tả những đặc trưng Cát-minh chúng ta như những người chiêm niệm hoạt động hoặc là những người chiêm niệm trong hành động. Chúng ta vẫn tiếp tục tự hỏi từ thế hệ này qua thế hệ khác rằng, liệu đời sống mục vụ của chúng ta có thực sự là một tác nhân cho đời sống cầu nguyện hay không. Hay là ngược lại, mục vụ của chúng ta lại là một sự sao nhãng đối với đời sống cầu nguyện, và vì vậy là thứ chúng ta phải tránh? Sự đối lập giữa hai chiều kích pha trộn này, hai lối cầu nguyện mãnh liệt, trở thành nguồn thảo luận và tranh luận bất tận. Đôi khi tôi suy nghĩ, chúng ta tranh luận về vấn đề này kịch liệt đến nỗi chúng ta bắt đầu mất sự thăng bằng mà chúng ta muốn đạt tới.
Khi nhìn về quá khứ với nỗi nhớ khôn nguôi cội rễ ẩn sĩ một thời, chúng ta cần chân thành đặt câu hỏi liệu rằng đời sống cầu nguyện ẩn sĩ có là cách duy nhất đụng chạm đến diện mạo Thiên Chúa. Chúng ta vẫn có thể theo chân một số bậc tiền bói cực kỳ năng động của chúng ta, như tu sĩ Gerard-Bologna hoặc tu sĩ Baptist-Mantua, những người luôn bận rộn với vô số công việc. Họ là những cá nhân vô cùng thánh thiện, rất đáng để chúng ta noi theo, ngay cả khi chúng ta không thể bắt kịp tốc độ điên rồ của họ. Chúng ta còn nhớ đoạn kết vẫn thường bị lãng quên của chương 10 trong Luật Dòng của chúng ta, dạy chúng ta tỉnh thức cầu nguyện ngày đêm, trừ phi bận việc gì khác. Và đừng quên rằng cũng chính Luật Dòng này dạy chúng ta phải làm việc.
Bài thuyết trình chính của hội thảo được giáo sư Gert Melville thực hiện, giáo sư đã lần theo đoạn văn trên từ Thời Trung Cổ cho đến đầu kỷ nguyên Hiện Đại. Ông nhấn mạnh rằng căn tính Cát-minh đã tiếp tục tiến triển trong những thế kỷ bận rộn này. Vào cuối thế kỷ 13 tươi đẹp, thời kỳ thành lập nền móng của chúng ta, chúng ta mới chỉ vừa định cư tại Châu Âu giữa tất cả những mô gò lồi lõm của hành trình. Thời hoàng kim này ngay lập tức tiếp nối bằng thế kỷ 14 và 15, khi tất cả mọi thứ đều tan rã! Những cuộc chiến liên tu bất tận xảy ra, thời kỳ Giáo hoàng đầy nghi ngờ Avignon ngay lập tức được tiếp nối bằng Cuộc Ly Giáo Tây Phương khủng khiếp, và xen giữa tất cả là trận Dịch Hạch kinh hoàng. Nếu trận Dịch Hạch (Đen) này cướp đi nửa dân số Châu Âu, thì tệ hơn, nó đã cướp đi hơn nửa số huynh đệ Cát-minh. Bất chấp tất cả “cuộc bể dâu” này, chúng ta vẫn có những đại học vĩ đại, những tác phẩm của những học giả tiên khởi, sự phát triển của đời sống cầu nguyện và nền linh đạo Cát-minh, và nhiều vị thánh lớn.
Giáo Sư Marville chỉ ra một số đường hướng trái ngược nhau nội trong những cấp bậc của chúng ta. Chúng ta thấy có một sự trao đổi giữa một bình diện là những sự suy sụp, sự sao nhãng, và sự trụy lạc, với một một bình diện khác là sự canh tân, sự tăng trưởng, và một sức sống tâm linh hừng hực. Trong thế kỷ 15, chúng ta đã có một số cộng đoàn cải tổ mạnh mẽ xuất hiện, cùng với sự hiện diện đầy nhiệt thành của Cha John Soreth, vị Tổng Quyền cải tổ không biết mệt mỏi của chúng ta. Như Giáo Sư Marville cho biết, Cha Soreth cố gắng vận hành một phần cải tổ của Nhà Dòng mà không để cho nó tách ra khỏi thân thể mẹ (gốc). Và ngay cả những cộng đoàn đã tách biệt, mà vẫn chịu sự quản lý trên danh nghĩa của Cha Soreth, vẫn có chức năng như một gương mẫu sinh động cho những cộng đoàn khác, và chưa từng bao giờ tách biệt hoàn toàn.
Vào thế kỷ 14, chúng ta nhận thấy sự suy giảm chung về việc tuân giữ đời sống khó nghèo, chất lượng của cộng đoàn, sự nhiệt tình trong đời sống cầu nguyện. Tuy nhiên, cũng cùng giai đoạn này, chúng ta lại thấy sự tăng trưởng trong “thần thoại” về căn tính Cát-minh. Khoảng năm 1380, tu sĩ Felip Ribot sáng tác cuốn Sách Về Những Đan Sĩ Tiên Khởi (Book of the First Monks), chứa đựng những gì chúng ta có thể tạm gọi là “ngụ ngôn” về những nguồn gốc Cát-minh. Nó không hẳn là một câu truyện không có thật, nhưng thay vào đó nó được đánh giá cao về chức năng giáo huấn của nó. Rõ ràng nó KHÔNG phải lịch sử, nhưng là cái gì đó còn quan trọng hơn lịch sử rất nhiều. Tác phẩm của cát-sĩ Ribot là một dáng dấp rõ nét về những gì Huynh đệ Cát-minh suy nghĩ về bản thân. Sau Kinh Thánh và Luật Dòng, cuốn sách của Robot là tác phẩm linh đạo nổi tiếng nhất dành cho Huynh đệ Cát-minh trước thời Thánh Tê-rê-xa (Tê-rê-xa Avila).
Học giả Simon Nolan thực hiện một bài thuyết trình thú vị về Cha Gerard-Bologna. Mặc dù là một bề trên Tổng quyền vô cùng bận rộn, Cha Gerard trân trọng chiều kích chiêm niệm như điều gì đó gắn liền với thị kiến hạnh phúc (kiến phúc: beatific vision). Tuy nhiên, học giả Simon cho thấy, Cha Gerard nói rất ít về chiêm niệm một cách trực tiếp, khi ngài sử dụng thuật ngữ này. Ngài chia sẻ đặc tính này với nhiều nhà tư tưởng thế hệ kế tiếp của chúng ta. Học giả Mario Alfarano cho thấy tư tưởng gia Michele Aiguani cũng không cụ thể nêu đích danh thuật ngữ chiêm niệm. Ngài liên đới sự hoạt động mang tính chiêm niệm với Chúa Ba Ngôi, và sự suy niệm Kinh Thánh như là sự biểu lộ và một “nam châm” cho việc chiêm ngắm Thiên Chúa hiện diện.
Học giả Carlo Cicconetti trình bày một Cha John Baconthorpe luôn tập trung vào sự hiện diện của Thiên Chúa, và cũng như vậy không đề cập đến chiêm niệm. Ngài dùng đời sống của Đức Maria như một mẫu gương hoàn hảo cho đời sống Cát-minh và khuân mẫu của Luật Cát-minh. Chúng ta nhớ rằng Đức Maria trên hết là một người phụ nữ cầu nguyện và là một nhân chứng quy Ki-tô đối với tất cả những gì Đức Giêsu đã làm chứng. Chúng ta trân trọng một thực tế là Đức Maria có thể xuất hiện trong các Tin Mừng dưới bất kỳ hình thức nào nhưng không phải là người ba hoa (nói nhiều vô bổ). Mẹ nói rất ít, nhưng chúng ta biết rằng Mẹ luôn hiện diện nơi hậu cảnh. Mẹ luôn ủng hộ lời giảng dạy của Đức Giêsu, khuyến khích người khác lắng nghe lời Ngài. Lời đề nghị dịu dàng của Mẹ “Các bạn (ngươi) hãy làm những gì Ngài nói” tại tiệc cưới Cana, nơi mà Mẹ tỏ lộ vai trò thực sự là một người mẹ Do-thái, cũng làm chứng cho sự chuyên tâm của Mẹ theo lời dạy của Người Con mình. Mặc dù rất ít khi Mẹ lên tiếng, thì một trong những điều hùng hồn nhất mà chúng ta từng được nghe thuật lại chính là Kinh Magnificat. Cách thức làm “sứ vụ” này là một công bố đức tin mà tất cả chúng ta đều hãnh diện được noi gương.
Học giả Paul Chandler bàn về tu sĩ John-Hildesheim, tác giả cuốn Truyền Thuyết Ba Vua nổi tiếng (Legend of the Three Kings), một bản suy niệm tuyệt vời về mầu nhiệm Nhập Thể. Tu sĩ John tập trung cao độ nơi Kinh Thánh, và thu thập những câu truyện, thị kiến, và những suy gẫm về mầu nhiệm bao lần Thiên Chúa tương quan với nhân loại. Cách tiếp cận chiêm ngắm với sự chú ý say mê của ngài làm chúng ta liên tưởng đến Môi-sê và Ê-li-a, những người đã kinh nghiệm thị kiến cao độ nhất về Thiên Chúa trong cuộc sống riêng tư của các ngài, và cũng như trên Núi Biến Hình. Tu sĩ John nói đến hoạt động huyền nhiệm của linh hồn, điều đó cũng ăn khớp thú vị với cuộc nghiên cứu về ý nghĩa Cát-minh của tu sĩ Ribot, với chủ đích không phải là lịch sử theo nghĩa khoa học thuần túy. Xét cho cùng, có một sự hiểu biết căn bản như vậy mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với nắm giữ những chi tiết lịch sử lẻ loi không mang nhiều ý nghĩa nữa.
Học giả Emanuele Boaga giới thiệu về tu sĩ Jean-Beetz, một người hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Tu sĩ Beetz là một trong những người đồng đạo đầu tiên khuyến khích thực hành những hành động đơn giản mà sau này có thể dẫn đến thực hành chiêm niệm. Ngài bàn về việc thánh hóa ngày lễ. Đây quả là một cầu nối đáng ngạc nhiên. Huynh đệ Cát-minh hiếm khi nói về việc thêm yếu tố niềm vui vào hoạt động thiêng liêng, vì chúng ta hiểu niềm vui là yếu tố thuộc về bản năng. Chúng ta không phải là người xa lạ với hạnh phúc và những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực thi cho những ai yêu mến Ngài. Người ngoài quan sát chúng ta, và đó chính xác là điều họ thấy nơi chúng ta. Niềm là điều thu hút nhiều người đến với đời sống Cát-minh hơn cả những áng văn chương bất hủ nhất giới thiệu về ơn gọi. Tu sĩ Beetz tập trung vào những điều bé nhỏ, những thực hành đạo đức có thể giúp chúng ta sẵn sàng thực hành việc chiêm niệm sau này. Ngài nhấn mạnh tới một nền linh đạo phụng vụ, theo sát các Lễ kính nhớ trong năm phụng vụ, và dùng những hiệu quả thiêng liêng từ việc mừng kính này để giúp những ai đang cần nâng đỡ. Ngài cũng bàn về việc suy niệm, tách biệt với chiêm niệm, mặc dù cái trước trợ giúp dẫn đến cái sau. Tu sĩ Jean-Beetz sử dụng những những điều hết sức thân quen, thường chúng ta không coi đó là thiêng liêng, làm phương tiện để đạt tới cứu cánh (mục đích thiêng liêng). Nền linh đạo thực tế và thoải mái sẽ giúp chúng ta chuẩn bị được điều gì đó sâu sắc hơn nhiều thông qua việc sử dụng chiêm niệm “như một trạng từ” (chiêm niệm mang tính bổ trợ/thông qua những hoạt động khác hơn là đòi hỏi một cách thức rõ ràng)[1].
Học giả Giovanni Grosso bàn về một Bartolomeo Fanti đầy tình mục tử, một ví dụ điển hình về phương thức “trạng từ.” tu sĩ Fanti ưa thích dùng những thực hành thông thường như kinh Mân Côi và những cách thức cầu nguyện sùng kính làm những phiến đá lót nền lối đi. Ngài quảng bá những phương thức thực hành thân quen này trong cộng đoàn những người chất phác giản dị, và ngài ý thức rằng nhiều người sẽ chẳng tiến xa hơn nữa được. Ngài trông chờ vào khả năng có thể xảy ra là một phần trăm nhỏ có thể thực sự vượt qua tinh thần cầu nguyện thuần túy để trở thành một trạng thái chiêm niệm đích thực. Như tôi đã đề cập, sử dụng chiêm niệm như một trạng từ có nghĩa là chúng ta thực hiện những điều căn bản, giống như đi bộ, lái xe, rửa chén đĩa, hoặc là đọc kinh Mân Côi “một cách chiêm niệm” hay nói cách khác “trong một trạng thái chiêm niệm.” Chúng ta nỗ lực đạt đến sự phi thường trong những điều bình thường ở chừng mực Chúa cho phép chúng ta.
Tiếp theo, học giả Johan Bergström-Allen giới thiệu về một số tác giả người Anh, bao gồm Cha Richard Misyn, một nhân vật đặc biệt đã khởi đầu là một ẩn sĩ và kết thúc là một giám mục. Điều đặc biệt mỉa mai ở chỗ Richard ủng hộ lối sống khép kín và ẩn sĩ thời bấy giờ trong khi luật Cát-minh lần thứ hai nới lỏng vào năm 1432 cho phép các huynh đệ Cát-minh thoát khỏi những giới hạn trên. Dĩ nhiên, Luật Dòng cũng không ngăn cấm lối sống khép kín, và cũng không hề cấm cản việc kiêng thịt. Sau năm 1432, luật buộc hạn chế ăn thịt trong một số ngày, và nghiêm ngặt quy định tu sĩ mỗi khi đi xa tu viện phải có chủ đích thực sự. Một khi sự nghiêm ngặt đã được nới lỏng, bất cứ ai muốn ra khỏi nhà cần phải có một lý do chính đáng, và phải có một người khác đi cùng.
Học giả Edeltraud Kleuting nói về một Battista Spagnoli viết rất nhiều, và là người cũng không dùng nhiều nhiều ngôn từ nói về chiêm niệm, nhưng tất cả những gì ngài viết đều mang tính Thánh Mẫu rõ ràng và mang chiều kích chiêm niệm. Tôi rất thích ba phương diện ngài đã dùng: lập trường Ê-li-a/chiều kích ngôn sứ, thân phận Maria/chiều kích Cát-minh, và phương pháp tiếp cận theo chiều kích chiêm niệm/ẩn sĩ (cô tịch). Những phương diện này dường như đóng vai trò như những giai đoạn trong một hành trình phát triển. Dĩ nhiên không phải ai cũng hiểu được hết những phương diện này, nhưng chúng thực sự là những bảng chỉ đường hữu dụng.
Học giả Hein Blommesteijn và Jos Huls hợp sức giới thiệu về tu sĩ Jan van Paeschen, một khám tuyệt vời khác nữa. Tu sĩ Paeschen có một chương trình rất chi tiết về cách tiếp cận chiêm niệm vừa mang tính tự nhiên và kỳ thực lại vừa rất nên thơ. Ý tưởng về một cuộc hành hương 365 ngày của ngài, bao gồm cả Đường Thập Giá, khá hùng hồn qua cách thức ý tưởng đó chọn những hình thức thực hành sùng kính cách nào đó đã lâu đời phổ biến trong Giáo Hội, và đưa những thực hành này vào bối cảnh chiêm niệm mang tính rộng rãi hơn với điểm dừng cuối thực sự tuyệt vời. Và cuối cùng, học giả Elisabeth Hense bàn về tu sĩ Françoise Amelry tác giả của cuốn Bảy Ngày Đối Thoại với Linh Hồn phỏng theo sách Diễm Ca rất hay. Thật khó từ chối lòng yêu mến dành cho con người này và những tác phẩm của ngài. Giống như Paeschen, ngài quảng bá thực hành gia tăng làm mất cái tôi, và từng bước kết hợp yêu thương với Thiên Chúa, ở nơi mà cái tôi cá nhân mỗi người gần như không còn nữa.
Đối với huynh đệ Cát-minh ngày nay, thật là quý giá khi ta được nhìn lại quá khứ với một tâm tình cảm mến tri ân, nhưng nó cũng thật là quý giá khi ta nhận ra rằng Thiên Chúa hằng gần gũi yêu thương chúng ta cũng đang mời gọi chúng ta tiến bước vào tương lai. Chúng ta có sứ vụ nghiên cứu và trân trọng sự trưởng thành trong hiểu biết của chúng ta về chiêm niệm. Kế đến, hy vọng rằng nếu chúng ta trân trọng một thực tế là chúng ta không phải đang sống trong một thế giới mà tất cả thời hoàng kim của chúng ta đã là quá khứ, và thời nay đang cạn dần năng lượng, và những hứa hẹn tương lai chưa trở thành những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta phải nhớ rằng chính chúng ta đang leo núi, và không vượt qua được những bậc tiền bối. Linh đạo của chúng ta không phải là một viễn cảnh đơn nhất, và không nên như vậy. Mỗi thời đại, bao gồm cả thời đại chúng ta, đều có phần đóng góp của riêng mình. Những vị thánh của chúng ta trong quá khứ đã chứng minh rằng họ có thể cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động, và thực hiện điều này rất tốt. Tiếp bước hành trình của chúng ta, hãy nhớ rằng viễn cảnh linh đạo của chúng ta luôn không ngừng tiến triển. Nếu nó không trở nên tốt hơn, thì chúng ta phải đánh giá lại vai trò của chúng ta đối với những gì đã và đang xảy ra.
[Chuyển ngữ từ: “Carmelite Contemplation in XIV-XVI Centuries” – Citoc Magazine, III-No. 2-2013, pages 28-30]
Giuse Đinh Văn Điệp, O.Carm.