Home / Chia Sẻ / Con đường yêu thương Chúa đã sắp đặt

Con đường yêu thương Chúa đã sắp đặt

Thuộc nhóm những linh mục đầu tiên của dòng Cát Minh nam Việt Nam, dù công việc của dòng còn khá bộn bề, nhưng lúc nào cũng đau đáu về những mảnh đời kém may mắn nên cha Phêrô Nguyễn Quốc Hoàng (O.Carm) luôn tìm cách đến với họ.

TỪ MỘT SINH VIÊN NGÀNH XÃ HỘI HỌC…

Khi còn đang là sinh viên ngành Xã hội học của Đại học Mở, qua một người bà con, Chúa đã đánh tiếng mời cậu Hoàng tìm hiểu về đời dâng hiến của dòng Cát Minh, thuộc tỉnh dòng Mỹ đang tìm kiếm ơn gọi tại Việt Nam. Tuổi trẻ cùng sự tò mò, chàng trai trẻ đi tìm hiểu và đến tham gia sinh hoạt mỗi tháng một lần. Nhớ lại những buổi đầu đơn sơ ấy, cha Phêrô không nghĩ mình sẽ đi tu: “Con đường Chúa sắp đặt thật lạ lùng, không ngờ tôi đi tìm hiểu thử mà trở thành linh mục thiệt”.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học, cậu thanh niên quyết định nghe theo lời mời gọi của tỉnh dòng sang thành phố New York (Mỹ) học tiếng Anh và bắt đầu bước vào nhà tiền tập. Đến năm 2002, cha trở về nước học triết và 2 năm sau quay lại Mỹ học tiếp chương trình thần học tại thủ đô Washington. “Ở đấy, dòng đào tạo về thần học nhưng lại tập trung nhiều về mục vụ. Vì thế trong thời gian học, tôi phải kết hợp đi giúp giáo xứ, ca đoàn, dạy giáo lý và Việt ngữ cho con cháu người Việt di dân. Ngoài ra, mỗi thứ 7 hằng tuần, tôi cùng với một tổ chức bác ái đi chia sẻ đồ ăn, thức uống cho người nghèo. Đó là một trải nghiệm  khó quên, bởi vùng đông bắc Washington D.C nổi tiếng nhiều tội phạm nguy hiểm. Tuy sợ, nhưng nhờ ơn Chúa gìn giữ, tôi cố gắng vượt qua, đi riết rồi dân địa phương cũng quen nên bình an vô sự”, cha Hoàng kể.

Cũng tại thủ đô Mỹ, cha đã được thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mới đó mà đã 9 năm sống trong ơn gọi của dòng Cát Minh, cha dùng chính những điều mà mình học được để đem áp dụng vào sứ vụ mục tử: “Khi về Việt Nam, tôi cùng với anh em tìm hiểu nhu cầu mục vụ tại nơi  mình giúp, tùy cơ mà có cách phục vụ thích hợp. Bên cạnh đó, tuy là dòng chiêm niệm nhưng Cát Minh lại có linh đạo khá uyển chuyển, cho phép chúng tôi dấn thân vào nhiều môi trường khác nhau như giáo xứ, nhà thương, trung tâm tĩnh tâm, trường học và các điểm truyền giáo. Điều này mở ra cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình phục vụ tha nhân”.

Ngày lãnh nhận thiên chức linh mục

… ÐẾN MỘT LINH MỤC NHIỆT THÀNH

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) là câu châm ngôn mà cha Phêrô đã chọn làm kim chỉ nam trong đời sống hiến dâng của mình. Thêm nữa, chính ngành xã hội học đã giúp vị mục tử biến Lời Chúa thành hành động cụ thể trên những nẻo đường phục vụ tha nhân.

Sau khi được thụ phong, cha Hoàng trở về quê hương cùng với anh em bắt tay xây dựng cộng đoàn. Thời gian đầu chưa có nơi ổn định, các vị phải thuê nhà ở gần giáo xứ Tân Thành giúp mục vụ giáo xứ. Bên cạnh đó, cha còn nhiệt thành tham gia vào ban truyền thông của Caritas Việt Nam từ những ngày website chưa có tên miền Caritasvietnam.org. Mọi thứ đều phải bắt đầu với những điều nhỏ nhặt nhất. Đã hơn 20 năm cộng đoàn Cát Minh hiện diện tại Việt Nam, nhưng đến bây giờ vẫn còn quá nhiều việc cần làm. Mỗi ngày cha phải chạy tới chạy lui giúp việc xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực cho tu viện. Khi website Caritas của Hội đồng Giám mục Việt Nam đi vào hoạt động ổn định, cha bàn giao lại cho người khác.

Thăm mái ấm không tên ở Đăk Mil

Vị linh mục dòng Cát Minh tâm niệm: “Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa qua tình huynh đệ  trong cộng đoàn và ra ngoài dấn thân vào cuộc đời, tùy theo từng hoàn cảnh mà tìm cách nâng đỡ những người đang gặp khó khăn cho phù hợp”. Hiện cha giúp tham vấn, tư vấn cho những trường hợp có vấn đề trong đời sống hôn nhân gia đình, những người bỏ đạo lâu năm, giúp giải tội và mang họ trở lại đạo: “Những người có vấn đề trong cuộc sống thường khó chia sẻ, phải mất 3 – 4 tháng họ mới trải lòng được. Tôi đã giúp được nhiều trường hợp như vậy. Đều là những hoàn cảnh đặc biệt như trầm cảm, dễ dẫn đến nguy cơ tự tử… Khi nói ra được là tôi có manh mối để giúp họ tháo gỡ từ từ và giúp họ có cơ hội được chữa lành. Làm việc này dễ bị hiểu lầm, nhưng tôi không quan tâm bởi biết đối tượng cần giúp, và khi mình giúp thì sẽ giúp đến nơi đến chốn, tháo gỡ được vấn đề mới thôi”.

Những kiến thức được học trước đây đã giúp cha Hoàng nhiều trong các hoạt động bác ái với người cùng khổ. Cảm thông và yêu thương họ bằng chính tình yêu của Chúa Giêsu, vị mục tử tự hiến mình vào giữa thế gian, tìm đến những mảnh đời bất hạnh để ủi an và nâng đỡ. Lúc nào cũng trăn trở và tìm mọi phương thức để giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Cha rảo bước đi gom góp nhu yếu phẩm, lương thực, quần áo, bàn ghế, thuốc men… gởi lên cho trẻ em, đồng bào nghèo khó vùng cao như tỉnh Đăk Nông và các địa điểm vùng sâu vùng xa khác. Ngoài ra, cha cùng với ân nhân xây nhà tình thương cho gia đình không có tổ ấm nương thân. Nói về những việc làm của mình, cha Phêrô từ tốn: “Sống đời sống bác ái Kitô giáo rất khó. Bởi không chỉ dừng lại ở việc làm từ thiện cho xong, mà phải xuất phát từ tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa. Sống từng giây phút, hằng ngày, thậm chí cả đời với tình yêu này. Nếu không có ân sủng của Chúa thì khó mà theo đến cùng được”.

Tặng quà giáng sinh cho trẻ em

Giữa chốn phố thị huyên náo, cái nắng gay gắt giữa trưa của Sài Gòn như dịu hẳn đi vì những chia sẻ rất đời, rất người của vị tu sĩ Cát Minh: “Nhận thấy ở các tỉnh vùng cao dường như chưa có nhà tình thương cho người cao niên nên kế hoạch sắp tới của tôi là mở một mái ấm dưỡng lão cho các cụ già neo đơn và người cơ nhỡ ở tỉnh Đắk Lăk, bắt đầu từ ngôi nhà nguyện, chốn nghỉ ngơi, phòng ăn, phòng y tế… tạo một cảnh quan trong lành, an tĩnh cho các cụ già có nơi ở và cầu nguyện khi bước vào tuổi xế chiều”. Dẫu đôi mắt ngài có thoáng lên sự mệt mỏi vì bộn bề công việc, nhưng thẳm sâu vẫn là sự bình an và niềm hoan lạc bởi những bộn bề ấy xuất phát từ tình yêu của Đức Kitô.

NGỌC LAN

Check Also

Suy Niệm Thứ Hai – Tuần I Mùa Vọng

Anh chị em thân mến, Khi chúng ta hành trình vào mùa Vọng và mong …