Home / Tin Tức / Dòng Cát Minh học hỏi và thảo luận tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương

Dòng Cát Minh học hỏi và thảo luận tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương

Trước tình trạng hôn nhân đang diễn ra một cách đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và có nhiều bất cập trong xã hội và Giáo Hội hiện nay, sáng ngày 27 tháng 01 năm 2018, tại ngôi nhà chung của các chị em Nước Hằng Sống đã diễn ra buổi học hỏi về tông huấn “Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương” của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, đặc biệt là các cặp vợ chồng Kitô hữu và tất cả các tín hữu trên toàn thế giới. Đây là tông huấn hậu thượng hội đồng về “Tình Yêu trong gia đình”, đã được ký vào ngày 19/03/2016 – Lễ kính trọng thể thánh Giuse. Tông huấn này là sự tổng hợp lại các kết quả của hai thượng hội đồng về gia đình được Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi vào năm 2014 và 2015. Tông huấn được trình bày bởi cha Giuse Trần Thăng Hưng OCarm.

Hiện diện trong buổi giao lưu và học hỏi này có quý cha, quý thầy Dòng Cát Minh OCarm, các chị em Cát Minh Giuse, các chị em Nữ Tử Cát Minh Putri Carmel, Cát Minh Chúa Quan Phòng, quý cô Dòng Ba Cát Minh OCarm, cùng toàn thể các chị em Nước Hằng Sống. Buổi học hỏi và thảo luận về tông huấn “Niềm vui yêu thương” được bắt đầu vào lúc 8h30 trong sự háo hức và chăm chú của tất cả các học viên tham dự.

Trong phần mở đầu của buổi học, Cha Giuse đã giới thiệu sơ bộ về nội dung của tông huấn “Amoris Laetitia” và những phần trọng tâm của tông huấn mà cha sẽ trình bày trong suốt buổi học. Theo Cha Giuse, tông huấn Amoris Laetitia có tính sâu rộng và chi tiết với nội dung gồm 325 số được trải dài trong 9 chương sau:

Chương I: Dưới ánh sáng Lời Chúa (gồm 22 số, từ số 8 -30)

Chương II: Những thực tại và thách đố của gia đình ( gồm 26 số, từ số 31-57).

Chương III: Cái nhìn hướng lên Đức Giê su: Ơn gọi của gia đình ( gồm 30 số, từ số 58-88)

Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (75 số, từ số 89- 164)

Chương V: Tình yêu trở lên phong phú (33 số, từ số 165-198)

Chương VI: Vài viễn tưởng mục vụ (59 số, từ số 199-258)

Chương VII: Củng cố việc giáo dục con cái ( 31 số, từ số 259-290)

Chương VIII: Đồng hành, phân định và hòa nhập (gồm 21 số, từ số 291- 312)

Chương IX: Linh đạo hôn nhân và gia đình (gồm 12 số, từ số 313 – 325)

Tông huấn Amoris Laetitia đã cho thấy niềm vui của tình yêu trong đời sống gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Nó là sự mong muốn giáo hội gặp gỡ mọi người nơi chính con người họ cũng như sự phức tạp của cuộc sống con người và tôn trọng lương tâm mọi người về các quyết định luân lý. Đồng thời Tông huấn này cũng là một thông điệp về đời sống gia đình và nâng đỡ các gia đình, và là lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha, rằng Giáo hội cần phải tránh việc đơn thuần phán xét mọi người và áp đặt lề luật mà không nghĩ đến những đấu tranh vất vả của họ. Vì thế, dù khẳng định giáo huấn của giáo hội về đời sống gia đình, nhưng Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh vai trò của lương tâm riêng và nhận định mục vụ. Ngài thúc giục giáo hội xem trọng mọi hoàn cảnh sống của con người hiện nay, và giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn, để từ đó giúp đỡ các gia đình nếm cảm được tình yêu Thiên Chúa và biết rằng tất cả mọi người đều được chào đón trong Giáo hội. Tông huấn đã đưa ra những định hướng suy tư, đối thoại và thực hành mục vụ, đồng thời khuyến khích các gia đình trong các dấn thân và thách đố hàng ngày của họ. Tông huấn cũng là lời mời gọi các gia đình Kitô hữu trân quý các hồng ân hôn nhân và gia đình, và kiên trì trong một tình yêu được tăng cường nhờ các nhân đức đại lượng, dấn thân, trung tín và kiên nhẫn. Bên cạnh đó, tông huấn cũng là sự khuyến khích mọi người trở nên dấu chỉ của lòng thương xót và gần gũi nhau dù ở bất cứ nơi nào, dù đời sống gia đình vẫn còn nhiều bất toàn, hay thiếu vắng bình an và niềm vui, hạnh phúc.

Sau phần giới thiệu sơ bộ về tông huấn, Cha Giuse đi vào trình bày nội dung chi tiết từng chương của tông huấn, đặc biệt là hai chương chính mà cha cho rằng nó rất cần thiết đối với mỗi người nam nữ tu sĩ khi mục vụ. Đó là các chương: Chương I và Chương VIII của tông huấn.

“Dưới ánh sáng Lời Chúa” là chương đầu tiên của tông huấn, được đưa ra như một suy niệm về Thánh Vịnh 128:

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

ăn ở theo đường lối của Người.

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái;

và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.

Ðó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.

Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn

được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

được sống lâu bên đàn con cháu.

Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.

Thánh vịnh trên đây là một bức họa đặc sắc về gia đình – chủ đề đã được kinh thánh nhắc đến nhiều lần, về các thế hệ, những câu chuyện tình, những cuộc khủng hoảng gia đình. Theo đó, hình ảnh các cặp vợ chồng nhân loại được xem là hình ảnh sống động và hữu hiệu, là dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo. Đời sống vợ chồng và sự sản sinh con cái là hình ảnh chân thực, sống động, chứ không phải ngẫu tượng. Nó là hình ảnh để khám phá và diễn tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa Ba Ngôi: sự hiệp nhất, yêu thương và ngôi vị. Lời Thiên Chúa cho ta hay: gia đình đã được ủy thác cho một người đàn ông, một người đàn bà và con cái họ, để họ trở nên một hiệp thông các bản vị theo hình ảnh kết hợp Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Về phần mình, việc sinh sản và dưỡng dục con cái đều đã phản ánh công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được kêu gọi kết hợp trong việc cầu nguyện hàng ngày, đọc lời Thiên Chúa và chia sẻ hiệp thông Thánh Thể, và nhờ đó, lớn lên trong yêu thương và mỗi ngày một trọn vẹn, trở nên một đền thờ hơn để Chúa Thánh Thần cư ngụ. Bởi thế, cha mẹ được xem như nền móng của gia đình, và con cái chính là những viên đá sống động củng cố hơn cho gia đình thêm vững chắc. Theo đó, tông huấn cũng nói lên trách nhiệm của cha mẹ với con cái và bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Bên cạnh đó, gia đình còn được xem là Hội Thánh tại gia, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, có kinh nguyện chung và là trường dạy giáo lý cho con cái.

Song song với vẻ đẹp của gia đình êm ấm, thuận hòa, Kinh Thánh cũng không bỏ qua bộ mặt trái của gia đình đau khổ và đầy nước mắt. Khởi đi từ những trang đầu: những cảnh xung đột, chém giết giữa anh chị em, cũng như những cảnh tang chế trong gia đình; thêm vào đó, ta còn đọc thấy những câu chuyện vất vả làm ăn, cũng như những tệ nạn xã hội mà các gia đình cùng chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi gia đình cũng được mời gọi chiêm ngắm gia đình thánh gia Nazareth, để thấy được rằng, bên cạnh những niềm vui và hạnh phúc thì gia đình cũng phải đối diện với nhiều thử thách; và họ được mời gọi can đảm, giám đương đầu với các thách đố của gia đình mình, trong những lúc gian nan cũng như lúc hạnh phúc, và ghi nhớ trong lòng các kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện. Gia đình phải gắn liền với Đức Kito và Tin Mừng của Người. Người đã mang lại một tia sáng mới, đó là tình yêu trao hiến, tình yêu lân tuất, biết tha thứ. Tình yêu được diễn tả qua những cử chỉ âu yếm mà chúng ta cần khám phá lại. Và như thế, qua những suy tư của chương đầu tiên này, Đức Thánh Cha cho thấy, Lời của Thiên Chúa không phải là một chuỗi các ý niệm trừu tượng nhưng là nguồn an ủi và đồng hành cho mọi gia đình đang kinh qua những khó khăn và đau khổ.

Tiếp đến, Cha Giuse nhấn mạnh đến các nội dung của chương VIII trong tông huấn. Có thể nói, chương VIII là một lời mời gọi đến với lòng thương xót và sự biện phân mục vụ trong các hoàn cảnh không hoàn toàn phù hợp với điều mà Thiên Chúa đưa ra. Đức Thánh Cha đã sử dụng ba động từ rất quan trọng: hướng dẫn, biện phân và hoà nhập, vốn là nền tảng trong việc nói đến các hoàn cảnh mỏng manh, phức tạp hay bất thường. Chương này bắt đầu với vài nhận định căn bản rằng lý tưởng về sự thánh thiện của hôn nhân là một chuyện, thực tế là một chuyện khác, xét vì tính yếu đuối của con người. Giáo Hội gặp thấy các bệnh nhân nhiều hơn là người lành mạnh, và vì thế cần phải thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng trong chương này, Đức Thánh Cha cũng nói đến sự tiệm tiến trong mục vụ. Thực tế cho thấy, có những đôi vợ chồng tuy là “rối” xét theo Giáo luật nhưng có những đặc tính chung thủy và giáo dục con cái với trách nhiệm. Giáo Hội cần phải đồng hành với tất cả các con cái của mình, tìm cách giúp họ tăng trưởng về nhân bản và tâm linh. Và vì thế, trong việc phân định những hoàn cảnh rối ren của hôn nhân, Ngài nhấn mạnh: đừng xét đoán vội vàng khi đứng trước những tình trạng phức tạp. Lòng thương xót của Thiên Chúa đưa tới sự hòa nhập chứ không loại trừ. Nghĩa là Giáo Hội cần nhắm đến sự hòa nhập các con cái của mình, thay vì loại trừ họ, ngay cả khi chính họ tỏ ra ngoan cố. Đừng quên rằng tất cả chúng ta cũng đều được Thiên Chúa xót thương không do công trạng của mình. Vì thế, tất cả đều được chào đón. Giáo hội phải giúp đỡ mọi gia đình, mọi người, thuộc mọi hoàn cảnh sống, với nhận thức rằng, dù bất toàn nhưng họ được Thiên Chúa yêu thương, và có thể giúp cho những người khác cảm nhận được tình yêu đó. Như thế, các mục tử phải làm sao để mọi người cảm nhận được: họ được chào đón trong Giáo hội. Ý thức về sự phức tạp của vấn đề, Tông huấn không chủ trương đề xuất một quy tắc Giáo luật có thể áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh, nhưng kêu gọi các mục tử hãy sử dụng sự biện phân mục vụ.

Kết lại phần thuyết trình, Cha Giuse nhấn mạnh: Tông huấn ‘Amoris Laetitia’ đem lại viễn tượng về một giáo hội mục vụ và thương xót, tạo điều kiện cho mọi người cảm nhận được “Niềm vui yêu thương”. Gia đình là một phần tuyệt đối cần thiết của giáo hội, bởi Giáo hội là “gia đình của các gia đình.” Đồng thời Cha Giuse cũng đưa ra những câu hỏi thảo luận cho các tham dự viên xoay quanh chủ đề “hôn nhân và gia đình”, và được các tham dự viên đón nhận, thảo luận và trả lời hết sức nhiệt tình và thấu đáo. Ngay sau đó, Cha Giuse cùng cộng đoàn đọc kinh cám ơn, và cầu nguyện cùng gia đình thánh gia Nazareth, khép lại buổi thảo luận và học hỏi tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui yêu thương.

Sau buổi học, Cha Giuse và các tham dự viên cùng chung chia niềm vui với các chị em Nước Hằng Sống tại “nhà hàng có tiếng” của các chị em trong bữa cơm thân mật nói lên tình nghĩa huynh đệ, tỷ muội trong đại gia đình Cát Minh.

Xin cám tạ và tri ân Thiên Chúa đến muôn đời !

Giuse Phạm Sơn Linh

Check Also

THÁNH LỄ MỪNG KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH DÒNG CÁT MINH

Trong tinh thần hiệp hành, củng cố và gia tăng sự kết nối giữa các …