CÙNG VỚI ĐỨC MARIA, MẸ CHÚA GIÊSU
(Công Vụ Tông đồ 1, 14)
Bản dịch của Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm.
Thư của hai Bề Trên Tổng Quyền dòng Cát Minh
và dòng Cát Minh Cải Tổ
Nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày Áo Đức Bà Cát Minh
Aylesford, Anh Quốc, ngày 16 tháng 5 năm 2001
Lễ kính Thánh Simon Stock
ĐỨC MẸ TRONG ĐỜI SỐNG CÁT MINH
Chúng tôi thật là vui mừng nhận được thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về vị thế của Đức Mẹ trong Cát Minh. Được thông điệp của Đức Giáo Hoàng truyền cảm hứng, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy niệm về tầm quan trọng của Mẹ Maria trong linh đạo Cát Minh.
Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ, người Chị và Đấng Bảo Trợ chúng ta, chắc chắn là một trong những quà tặng lớn lao chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa và chia sẻ với Hội Thánh. Mẹ là thành phần chính yếu trong gia sản của chúng ta. Trong tất cả các nhánh của gia đình Cát Minh, có một sự quan tâm rộng rãi về việc canh tân thần học và linh đạo, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mẹ Maria. Trải qua bao thế kỷ, lòng sùng kính và yêu mến ấy đã được tập trung vào trong chiếc Áo Đức Bà Nâu của dòng Cát Minh. Các anh chị em Cát Minh cao niên hẳn còn nhớ dịp cử hành năm 1951 kỷ niệm 700 năm Áo Đức Bà, được đánh dấu bằng những lời tán dương nồng nhiệt của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII trong một lá thư người gửi cho Hai Tổng quyền của Dòng, Nemine profecto latet. Thật là thích hợp, năm mươi năm sau, chúng ta nhìn lại các ân phúc của Mẹ Maria đã dành cho dòng Cát Minh và suy gẫm ý nghĩa của các ân phúc ấy đối với bản thân chúng ta cũng như Hội Thánh hôm nay.
Chúng tôi rất ý thức về sự phổ biến của dòng Cát Minh trên khắp thế giới. Dòng được thiết lập vững chắc trên tất cả năm châu, mỗi châu với lịch sử và văn hóa riêng của mình. Hiển nhiên là cách hiểu, cách rao giảng và cách chia sẻ về Thánh Mẫu Thiên Chúa với cộng đoàn dân Chúa sẽ có khác biệt giữa nước này với nước khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ kia. Chúng tôi nhận thấy rằng mình chỉ có thể đưa ra một vài cái nhìn và hướng dẫn trọng tâm; chúng tôi xin nhường lại cho những người khác trách vụ suy tư về gia sản của chúng ta trong môi trường văn hóa cụ thể cũng như việc chia sẻ gia sản ấy trong Giáo Hội địa phương.
MỘT DI SẢN TRONG ĐỐI THOẠI
“Các thế hệ Cát Minh, từ những thời kỳ đầu cho đến ngày nay, vẫn tìm cách noi gương Mẹ Maria.” Trách nhiệm của mỗi thế hệ không phải chỉ là sống gia sản Cát Minh mà còn làm phong phú và truyền thụ lại gia sản ấy. Gia sản là điều gì đó sống động phải được phơi bày ra cho thế giới thật và phải được tỏ lộ ra trong kinh nghiệm thực tế của Giáo Hội. Đời sống Cát Minh phải đối thoại liên lỷ với cả hiện tại lẫn quá khứ. Sự phong phú của truyền thống quả thật cần được bảo tồn nhưng trong cách thức sao cho tương hợp và có ý nghĩa đối với hiện tại. Chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em Cát Minh hãy nhân cơ hội này về thăm lại quá khứ của chúng ta nhưng với những câu hỏi bắt nguồn từ việc đọc các dấu chỉ thời đại.
NHỮNG CHỦ ĐỀ THÁNH MẪU CHÍNH
Dòng Cát Minh nhìn lên Đức Maria như là Hiền Mẫu, Đấng Bảo Trợ, người Chị và Gương Sáng. Những danh xưng này không phải chỉ là những tước hiệu hoặc các chủ đề cho lòng sùng kính. Một cách nào đó, những danh xưng này thể hiện cảm nghiệm của Dòng Cát Minh trải qua nhiều thế kỷ. Chúng tôi mời gọi tất cả anh chị em Cát Minh một lần nữa nhìn lại chứng tá của những người đã đi trước chúng ta và suy xét cách thức chia sẻ sự phong phú này cho nhau cũng như với cộng đoàn rộng lớn hơn.
Đức Maria như là Mẹ
Khi các anh em Cát Minh tiên khởi trở về Châu Âu, ý tưởng Đức Maria là người mẹ thiêng liêng đã được chấp nhận rộng rãi theo như các bài giảng của tu sĩ dòng Xi-tô, Guerric d’Igny (+ 1157). Các tu sĩ Cát Minh nhận lấy chủ đề này một cách rất dễ dàng, cầu khẩn Mẹ như Mẹ và Nữ Trinh của mình, như ta thấy trong Flos Carmeli: “Mẹ vô cùng dịu hiền, không biết đến người nam.” Ẩn trong tiếng “Mẹ” là cả một ý tưởng chủ chốt trong gia sản của chúng ta, tức là mối tương quan với Đức Maria – trong trường hợp này chúng ta là con trai, con gái của Mẹ. Tước hiệu “Mẹ” đã rất được yêu chuộng trong Dòng, qua danh hiệu “Mẹ và nét tuyệt mỹ Cát Minh”, vọng lên thông điệp trong Is 35:2 được dùng trong phụng vụ từ cuối thời kỳ Trung Cổ.
Các Thánh Cát Minh đều nói về chủ đề Đức Maria là Mẹ. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu phát biểu một cách rất đáng ghi nhớ rằng: “Người là Mẹ hơn là Nữ Vương.” Trải qua nhiều thế kỷ, phụng vụ Cát Minh đã cho thấy sự yêu mến đặc biệt dành cho khung cảnh Tin Mừng dưới chân thập giá (Ga 19:25-27) nơi Đức Maria “trở nên Mẹ của tất cả mọi người, liên kết với hiến tế của Con Mẹ và được trao ban cho mọi người khi chính Đức Giêsu trao Mẹ lại cho người môn đệ dấu yêu.”
Việc nhìn nhận Đức Maria là Mẹ khuyến khích chúng ta suy gẫm mối tương quan của mình với Mẹ: Mẹ chăm sóc chúng ta như Hiền Mẫu còn chúng ta yêu mến và quý trọng Mẹ như những người con. Hơn nữa, sự nhìn nhận này hướng cho chúng ta đến với Người Con Chí Thánh của Mẹ, Đấng chúng ta trung thành với. Ngay từ những thời kỳ đầu, các Giáo phụ đã nhận thấy rằng một nền Thánh Mẫu học đúng đắn sẽ bảo đảm một nền Kitô học xác thực.
Cái nhìn về Đức Maria như là Hiền Mẫu và Mỹ Lệ Cát Minh có thể là một cống hiến quan trọng cho toàn thể Hội Thánh. Cách đây một phần tư thế kỷ, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã mọi gọi các thần học gia hãy xem con đường của cái đẹp như một cách thức xác đáng để tìm hiểu Đức Maria. Trong một thế giới đầy dẫy khổ lụy và xấu xí, chúng ta được mời gọi ngẩng cao đầu, thư giãn trong sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đức Maria, vì Mẹ là dấu chỉ ân sủng Thiên Chúa dành cho Hội Thánh ngay từ ngày khai sinh và là lời hứa cho sự tuyệt hảo của Hội Thánh, hiền thê rực rỡ diễm lệ của Đức Kitô.” Chúng tôi khuyến khích các thần học gia của Dòng hãy suy tư thêm về lãnh vực còn khá bị lãng quên này trong Thánh Mẫu học Cát Minh.
Đức Maria là Đấng Bảo Trợ
Danh hiệu Đấng Bảo Trợ Cát Minh có một chiều dài đáng kể trong lịch sử nhà Dòng. Sự dâng hiến cho Đức Maria nguyện đường đầu tiên, toạ lạc giữa các tu phòng trên núi Cát Minh, là một bằng chứng biểu hiện việc nhận lấy sự bảo trợ của Người (đây là một cách nói để chỉ mối liên hệ và phục vụ hỗ tương trong thời kỳ phong kiến). Từ khi trở về Châu Âu, khoảng năm 1230 và kéo dài chừng 150 năm sau đó, dòng Cát Minh gặp khá nhiều bấp bênh. Trong thời gian ấy, anh em học cách cậy thác vào sự nâng đỡ và bảo bọc của Đức Maria. Sự sống còn của nhà Dòng được phó thác cho Người. Sự bảo bọc chăm sóc của Người khiến các anh em cảm thấy vững lòng. Chúng ta đọc thấy (trong một số tài liệu viết) vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XIII ý tưởng rằng Dòng Cát Minh đã được thiết lập một cách đặc biệt cho danh dự và vinh quang của Đức Maria.
Ngay cả khi ngôn ngữ ‘sự bảo trợ’ không có âm hưởng trực tiếp trong một số nền văn hóa nơi Cát Minh được thành lập, thực tại này vẫn là một phần đời sống Thánh Mẫu phong phú. Sự bảo trợ có ý nói về một mối quan hệ hỗ tương. Chúng ta ý thức về sự chăm sóc của Đức Maria dành cho Hội Thánh, cho nhà Dòng và cho bản thân mình. Những sự thật ấy là để mang đến cho ta một nguồn hy vọng và tự tin. Tuy nhiên, sự bảo trợ cũng nhắc nhớ cho ta về sự đáp trả của mình: ta cần phải tôn kính, phụng sự và yêu mến Mẹ là Đấng Bảo Trợ mình. Những văn bản hiến pháp đầu tiên, hiện vẫn còn lưu trữ, và các sách kinh cho thấy rất cụ thể các cách thức tôn vinh Đức Maria qua những động tác, những lời cầu nguyện và các cử hành lễ lạc. Từ thế kỷ XIII chúng ta có những điệp ca vẫn được đọc thường xuyên, Salve Regina và Ave Maris Stella. Một thời gian ngắn sau đó, Chặng Đàng Ngày Thứ Bảy (Saturday Station) có một chỗ đứng ưu việt trong các cách tôn sùng Đức Maria của Dòng. Vào thời Trung Cổ, các Thánh Lễ với ý chỉ tôn vinh Người được cử hành như một thường lệ. Tất cả những điều này là các dấu chỉ về cách thức anh chị em Cát Minh dùng để tôn vinh Đấng Bảo Trợ của mình.
Một thách đố của các cộng đoàn địa phương là tìm ra cho họ cũng như các tín hữu khác trong Hội Thánh những cách diễn tả phù hợp cho tương quan của họ với Đức Maria. Nhờ vậy thực tại của sự bảo trợ, nếu không phải tự bản thân từ ngữ này, sẽ được gia tăng cho thời đại chúng ta.
Đức Maria là Chị
Khi các anh em ẩn sĩ trở về Châu Âu từ Núi Cát Minh, họ được dân chúng gọi tên và được các Đức Giáo Hoàng đề cập đến như là Các Anh Em của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Núi Cát Minh. Mặc dù sự việc này trong thời kỳ đầu ắt đã ám chỉ nguồn gốc của họ, và lúc đó các dòng khác cũng xem mình là anh em của Đức Maria, nhưng các anh em Cát Minh dần dần đã rút ra từ danh hiệu của mình sự thật rằng nếu họ là anh em của Đức Maria thì Người chính thực là Chị của họ. Arnold Bostius (mất năm 1499), một người tổng hợp truyền thống lâu đời của chúng ta, đã viết: “Người anh em hèn mọn của Cát Minh có thể reo ca xướng hát: ‘Hãy nhìn! Nữ Vương Thiên Đàng [là] Chị của tôi; tôi có thể hành động tự tin mà không hề sợ hãi.”
Mặc dù “Chị” không bao giờ được dùng phổ biến như tước hiệu Mẹ và Đấng Bảo Trợ, nhưng có một điểm quan trọng cần lưu ý là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã sử dụng tước hiệu này khi nói tất cả chúng ta, con cháu của Adam, có Đức Maria là Chị. Tước hiệu này dường như có ba lợi thế cho việc suy gẫm Cát Minh đương thời. Nó nắm bắt được ý tưởng, cũng như trong từ ‘Đấng Bảo Trợ’, về sự chăm sóc dịu dàng của Đức Maria và về mối tương quan thân mật của anh chị em Cát Minh với Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này trình bày Đức Maria như một người chị đi trước dẫn đường cho ta đạt đến đức tin trưởng thành. Hơn nữa, trong một số nền văn hóa, ý niệm Đức Maria là Người Mẹ thiêng liêng gây khó khăn cho một số người; danh xưng Đức Maria là Chị có thể hấp dẫn hơn đối với họ. Tình chị em của Đức Maria là một cái nhìn sâu sắc có thể chia sẻ với môi trường rộng lớn hơn của Giáo Hội.
Đức Maria là Gương Mẫu và Rất Thánh Đồng Trinh
Ý niệm Đức Maria là gương mẫu cho đời sống người môn đệ thật là lâu đời trong Hội Thánh. Nó được tìm thấy trong tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử Cát Minh. Các tác giả cả xưa và nay đều mong muốn chỉ ra rằng Đức Maria là mẫu mực tuyệt vời của đời sống Cát Minh chúng ta. Vì thế, John Baconthorpe (mất năm 1348) đã viết một chú giải về Luật Dòng Cát Minh, trong đó ông chỉ ra những điểm giống nhau giữa đời sống của Đức Maria và đời sống Cát Minh. Dần dần ý thức về sự gắn bó keo sơn giữa Đức Maria và Cát Minh được phát triển trong những tác phẩm nghệ thuật, và Mẹ được vẽ đang mặc áo dòng Cát Minh.
Đức Maria là mẫu mực của người Cát Minh, đặc biệt trong tước hiệu Đức Nữ Trinh Vẹn Sạch – Virgo Purissima. Chúng ta có rất nhiều suy niệm về tước hiệu này. Áo choàng trắng là một dấu chỉ cho sự bắt chước Đức Maria của chúng ta. Sự tận hiến nổi tiếng của các tu sĩ Cát Minh dành cho danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng như sự bảo vệ của họ dành cho chân lý này một phần xuất phát từ lòng mến của Cát Minh đối với Đức Nữ Trinh. Nhưng sự tinh tuyền của Mẹ không chỉ giới hạn trong phạm vi đức khiết tịnh. Đức Maria là người vẹn sạch, một lòng sắt son, hoàn toàn mở rộng cho Thiên Chúa (Mẹ là gương mẫu tuyệt đỉnh của vacare Deo). Qủa thực, mục tiêu kép (double aim) của Cát Minh, như được diễn tả trong tác phẩm Thời Kỳ Đầu của Các Ẩn Sĩ Tiên Khởi (The Institute of the First Monk), có thể tìm thấy sự thể hiện đầy đủ nhất của nó nơi Đức Maria.
Có vô số bản văn Cát Minh cho thấy Đức Maria là tấm gương phản chiếu tuyệt vời lý tưởng chiêm niệm và là mẫu mực cho sự thuận theo Thần Khí Thiên Chúa.
Đối với Titus Brandsma, Đức Maria là gương mẫu của tất cả các nhân đức, và vì thế là Mẹ của chúng ta hai lần. Cuộc đời của Mẹ là một tấm gương cho ta soi vào mà biết cách kết hợp với Thiên Chúa.
Kể từ Công Đồng Vatican II, chúng ta được khuyến khích nuôi dưỡng lòng sùng kính Đức Maria trên một nền tảng Thánh Kinh vững chắc. Nếu trong quá khứ các tác giả và các nhà giảng thuyết Cát Minh hơi quá chú trọng đến những chuyện mang tính phép lạ và phi thường thì chúng ta cũng có trong truyền thống của mình một kho những phương cách thực tế gần gũi đời thường (sobriety) giúp ta có thể cống hiến cho người thời nay một hình ảnh sống động, nhất là mang đậm tính Kinh Thánh, về Mẹ Maria. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu không cảm thấy thu hút chút nào đối với các tư tưởng không đặt nền tảng trên sự thật về Đức Maria. Thánh nữ nói nếu người có thể giảng một bài về Đức Maria thì “điều đầu tiên tôi sẽ làm là giúp cho mọi người hiểu rằng chúng ta biết rất ít về cuộc đời của Mẹ.” Trước đó một chút thánh nữ đã quảng diễn tư tưởng sâu sắc của mình về Đức Maria trong bài thơ “Ôi Maria, tại sao con yêu Mẹ”, một suy niệm rất dễ thương về cuộc đời của Mẹ trong Kinh Thánh.
Các chủ đề Cát Minh cốt lõi mà chúng ta vừa xem xét có vai trò rất quan trọng cho việc hiểu đúng ý nghĩa của Áo Đức Bà Cát Minh mà chúng tôi sẽ bàn tới sau đây.
ÁO ĐỨC BÀ CÁT MINH
Bất cứ một sự phục hưng nào của Áo Đức Bà Cát Minh cũng đều đòi buộc chúng ta phải xem xét nó trong một ngữ cảnh sâu rộng hơn: mối tương quan của Cát Minh với Mẹ Maria. Theo các thánh của chúng ta, điều quan trọng chính là sự gần gũi mật thiết cá nhân với Mẹ Thiên Chúa và một cam kết dấn thân chọn Mẹ làm chuẩn mực cho đời sống người môn đệ Chúa Kitô. Các chủ đề mấu chốt về Đức Maria như Mẹ, Đấng Bảo Trợ, Chị và Gương Mẫu có thể mang lại cho chúng ta một hiểu biết uyên thâm hơn về Mẹ và một tương quan sâu đậm hơn với Mẹ. Chỉ trong cái nhìn này mà Áo Đức Bà có thể được xem là một dấu chỉ mưu ích cho sự phát triển tâm linh trong đời sống Kitô hữu.
Các nguồn gốc của Áo Đức Bà
Việc nghiên cứu chuyên môn mang tính lịch sử về mọi khía cạnh của Áo Đức Bà phải được tiếp tục trong Dòng chúng ta. Tuy nhiên, bất kể sau này các khám phá mới có thế nào đi nữa, chúng ta có thể và phải tự tin về giá trị của biểu tượng lâu đời này, dựa trên một truyền thống đáng quý trọng. Điều mà các tu sĩ Cát Minh phải làm là tìm ra một cách thức trình bày Áo Đức Bà cho cả những người cảm thấy tin vào tính lịch sử của cuộc hiện ra lẫn những ai không cảm thấy bằng chứng lịch sử của nó có sức thuyết phục. Chân lý trọng tâm của câu chuyện hiện ra là kinh nghiệm sống của Dòng Cát Minh: Đức Maria, Đấng Bảo Trợ của Dòng, đã che chở Dòng và bảo đảm sự vững bền của Dòng; lời cầu bầu của Đức Maria có uy thế trong việc bảo đảm đời sống vĩnh cửu.
Một Á Bí Tích của Hội Thánh và một dấu chỉ thiêng liêng
Việc làm chủ yếu của Giáo Hội cơ cấu đối với Áo Đức Bà là chuẩn nhận nó qua các thế kỷ, bao gồm văn bản “Nghi Thức làm Phép và Ghi Danh mặc Áo Đức Bà Núi Cát Minh” gần đây nhất. Cùng với ý nghĩa thiêng liêng của “các ơn ích đi kèm với Áo Đức Bà” cũng có “các bổn phận được hàm chứa trong dấu chỉ sùng kính này đối với Đức Trinh Nữ rất thánh.” “Lòng mến mộ đối với Đức Mẹ không thể bị giới hạn trong việc thỉnh thoảng cầu nguyện tôn kính Mẹ, nhưng phải trở thành một ‘tu phục’ [‘habit’, danh từ này còn có nghĩa là ‘thói quen’], tức là một đường lối vững bền của việc sống đời Kitô hữu, được tạo thành bằng đời sống cầu nguyện và nội tâm, bằng việc thường xuyên đến với các Bí Tích cũng như các hành động bác ái cụ thể trên cả phương diện trần thế lẫn chiều kích thiêng liêng.”
Các Á Bí Tích được miêu tả như những dấu chỉ thiêng liêng; vì thế chúng thuộc về thế giới biểu tượng và ý nghĩa. Trong xã hội đương thời người ta thường nói về một sự khủng hoảng biểu tượng tôn giáo; cùng lúc đó các xã hội có thể bị chao động bởi biểu tượng thế tục. Chẳng hạn quốc kỳ tác động một cách sâu xa trên nhiều người. Các biểu tượng là những sự vật hay hình ảnh vật chất chỉ về một ý nghĩa nào đó trổi vượt hơn chúng. Ý nghĩa hay tính gợi ý của chúng rất thường nằm ở khả năng kích thích chúng ta ở các mức độ khác nhau: chúng không chỉ chuyển tải một vài thông tin mà còn chạm đến ta ở mức độ cảm xúc. Nơi các biểu tượng chúng ta có thể thấy cả phát triển lẫn thoái hóa. Các biểu tượng tôn giáo có thể biến thoái thành yêu thuật, nếu ý nghĩa tâm linh hoặc thần học của chúng không còn được chuyển tải; chúng vì thế bị giảm thiểu thành một thứ giống như bùa chú mong cầu may mắn.
Các biểu tượng sống động cần được truyền sinh khí liên tục. Dường như có bốn giai đoạn trong đời sống của một biểu tượng. Thứ nhất, có một kinh nghiệm làm phát sinh ra biểu tượng. Đối với chúng ta kinh nghiệm này liên hệ đến trực giác về sự che chở của Mẹ Maria dành cho các anh chị em Cát Minh và uy thế của lời Mẹ bầu cử cho ơn cứu độ của chúng ta. Thứ hai, có một giai đoạn của giáo huấn hay suy niệm về biểu tượng. Cát Minh nhìn nhận Áo Đức Bà chủ yếu trong cách hiểu về Đức Maria như là Đấng Bảo Trợ, Đấng quan tâm chăm sóc cho các Anh Em của mình – những người đến lượt mình phục vụ lại cho Mẹ. Trong giai đoạn suy niệm này, sự chăm sóc của Mẹ Maria được hiểu là được tiếp tục mở rộng ra sau khi chúng ta đã ly trần; sự chăm sóc ấy được nhìn thấy một cách đặc biệt trong sự lo lắng cho ơn cứu độ và cho sự giải thoát mau chóng khỏi Chốn Thanh Luyện của chúng ta. Giai đoạn thứ ba trong đời sống biểu tượng được thấy khi mối liên lạc với kinh nghiệm ban đầu bị đánh mất. Lúc này biểu tượng hoặc là bị lơ đi hoặc là bị nhuốm màu hoài nghi, trong khi những người khác cố bám víu một cách mù quáng vào biểu tượng bằng một thứ não trạng trung thành không dính dáng gì đến nguồn gốc hay ý nghĩa của biểu tượng. Điều vừa nói có thể rất gần với ma thuật. Việc cần thiết trong lúc mang não trạng hoài nghi hay trung thành mù quáng là cần phải tái xây dựng biểu tượng đó một cách có suy tư. Giai đoạn thứ bốn này là nhiệm vụ của mọi thế hệ. Chúng ta cần phải xem xét Áo Đức Bà trong tổng thể linh đạo Cát Minh, đặc biệt trong mối liên hệ với các chủ đề thánh mẫu chính yếu.
Một cách cụ thể, sự suy niệm và tái xây dựng biểu tượng Áo Đức Bà như thế có ý nói đến việc chúng ta cần suy xét cho thấu đáo và xác tín một sự thật rằng Đức Maria là Đấng Bảo Trợ, quan tâm chăm sóc cho ta như một Hiền Mẫu và Hiền Tỷ. Hiền Mẫu nuôi dưỡng đời sống thần linh trong ta và chỉ dạy con đường đến với Thiên Chúa. Hiền Tỷ đồng hành với ta trong cuộc hành trình biến đổi, mời gọi ta cùng đáp trả “Vậy thì xin làm cho tôi như lời ngài truyền” (Lc 1:38). Sự Bảo Trợ là một tương quan hai chiều: chúng ta nhận lãnh sự chăm sóc của Mẹ Maria; rồi đến lượt mình, chúng ta được kêu gọi bắt chước Mẹ và tôn vinh Mẹ qua việc trung thành với Con của Mẹ.
Tu phục của Đức Maria
Áo Đức Bà về bản chất là một “tu phục”. Những ai lãnh nhận nó được liên kết trong các mức độ khác nhau với Cát Minh là dòng được dâng hiến để phục vụ Đức Mẹ vì lợi ích của toàn thể Hội Thánh. Chúng ta có thể đào sâu sự quý trọng đối với quà tặng này bằng cách suy gẫm ý nghĩa của y phục trong Thánh Kinh. Chúng ta cần quần áo để bảo vệ mình khỏi yếu tố môi trường (xem Hc 29:21); nó là một ơn ban từ Thiên Chúa (xem Xh 10:18; Mt 6:28-30); nó biểu tượng cho tất cả mọi lời hứa khôi phục lại của Thiên Chúa (xem Br 5:1-4). Cuối cùng chúng ta sẽ được mặc lấy sự trường sinh bất tử (xem 2Cr 5:3-4). Nhưng trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải được phủ bọc trong sự đổi mới (xem Cl 3:10); quả thật chúng ta phải mặc lấy Chúa Kitô (xem Rm 13:14). Từ Luật Dòng, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta phải mặc vào khiên giáp của Thiên Chúa. Khiên giáp này hầu như chỉ có tác dụng tự vệ, võ khí tấn công duy nhất là thanh gươm Lời Chúa (xem Ep 6:17). Vì thế khi được xem như là y phục, Áo Đức Bà nhắc nhớ sự mặc lấy Chúa Kitô của chúng ta trong Bí Tích Thánh Tẩy, phẩm giá của chúng ta như là thành viên Cát Minh của Đức Maria và sự bất khả thương tổn khi chúng ta mặc khiên giáp của Thiên Chúa.
Để có thể trân quý Áo Đức Bà, chúng ta cần phải trở về với truyền thống của mình, quan sát môi trường xung quanh mình, suy xét những sự việc nhạy cảm đương thời và các thành tố văn hoá. Y phục của Đức Maria là một chủ đề phong phú trong nền linh đạo của cả Giáo Hội Đông và Tây. Khăn che mặt hay áo choàng của Đức Maria là một dấu chỉ cho sự bảo vệ của Mẹ trong Giáo Hội bên Đông; tu phục của Đức Maria là một dấu chỉ thuộc về Mẹ trong Giáo Hội bên Tây. Cả hai được tổng hợp trong suy niệm của Thánh Têrêxa Bênêđicta Thánh Giá – Edith Stein. Thánh nữ nói đến “tu phục thánh thiện của Mẹ Thiên Chúa, chiếc áo nâu Đức Bà” và nói rằng vào ngày 16 tháng 7 “chúng ta cảm tạ Mẹ thân yêu đã mặc cho chúng ta ‘y phục cứu độ’,” một “dấu chỉ rõ ràng về sự che chở hiền mẫu.” Thánh Têrêxa Giêsu nói nhiều lần về “tu phục của Mẹ Maria.” Thánh nữ vui mừng kể về việc cha Gracian bị Đức Trinh Nữ “chụp lấy” bằng tu phục của mình, và thánh nữ nhận xét “Đó là thói quen của Mẹ ban thưởng cho những ai muốn Mẹ bảo vệ.”
Từ sự nhận thức sắc bén rằng tu phục Cát Minh chính là của Mẹ Maria, Thánh Têrêxa Giêsu rút ra nhiều ứng dụng cho đời sống của các thành viên Cát Minh; ví dụ, “Tất cả chúng ta, những người mặc tu phục thánh thiện này của Cát Minh, được kêu gọi đi vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm,” cũng như đức khiêm nhường. Thật dễ dàng nhân lên những ý kiến như vậy về tu phục Cát Minh nơi các thánh và các tác giả linh đạo của dòng Cát Minh.
Truyền thống của chúng ta thể hiện rõ sự xác quyết chắc rằng tu phục và Áo Đức Bà sẽ không có một hiệu năng cứu độ nào trừ phi ta xem ý nghĩa của chúng như là y phục của Đức Maria để liên kết ta với Gia Đình Cát Minh, và ta sống theo gương của Mẹ. Chân lý trọng tâm cần phải được nghiền ngẫm bao gồm: sự bảo bọc của Đức Maria, sự chuyển cầu của Mẹ trong giờ lâm tử và cả sau khi ta qua đời. Về phần mình, chúng ta cần có một tương quan hiếu thảo với Người, một tương quan diễn tả tâm tình những người em ngoan tận tâm phụng sự Người cho vinh quang của Con của Người. Áo Đức Bà là một dấu chỉ lôi kéo chúng ta vào trong những tương quan như thế.
Trong bối cảnh thời hiện đại, Đức Maria chỉ cho chúng ta cách lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh cũng như trong cuộc sống, cách mở rộng mình ra với Thiên Chúa và gần gũi với các nhu cầu của anh chị em trong một thế giới mà sự nghèo khổ dưới nhiều hình thức đã cướp đi phẩm giá của họ. Mẹ chỉ cho ta lối đường đến với Thiên Chúa của một người nữ và đứng bên ta như một người nữ tiêu biểu cho sự dịu hiền của Thiên Chúa, một người nữ đã phải đối diện với nhiều thách đố để hoàn thành ơn gọi được Thiên Chúa trao ban. Mẹ mãi là dấu chỉ của tự do và giải phóng cho tất cả những ai kêu lên Thiên Chúa trong cơn nguy khốn. Về phần chúng ta, Áo Đức Bà là một diễn tả của lòng tin tưởng vào sự chăm sóc của Đức Maria. Nó biểu hiện sự sẵn sàng của chúng ta trong việc làm chứng cho ơn làm nghĩa tử lãnh nhận qua Bí Tích Thánh Tẩy, cho việc chúng ta là con trai con gái và là anh em chị em của Người, cũng như biểu hiện sự ao ước của chúng ta được mặc lấy các nhân đức, tinh thần chiêm niệm và trái tim trinh khiết của Người. Vì thế khi được mặc lấy chính Mẹ, chúng ta, giống như Mẹ, cũng suy niệm Lời Chúa và chứng tỏ mình là môn đệ của Con Mẹ qua sự tận hiến cho các công việc của Triều Đại Nước Thiên Chúa: sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công lý, hoà bình và tình yêu.
Nếu trong truyền thống của chúng ta một ý nghĩa then chốt của Áo Đức Bà là được Mẹ mặc cho trong y phục của Mẹ, chúng ta cần bảo đảm rằng việc ghi danh gia nhập Dòng thật sự được xem như là một sự mặc lấy. Lĩnh vực này cần phải được suy tư nhiều hơn.
Áo Đức Bà và sự tín thác
Trong việc tái thánh hiến thế giới cho Đức Maria trong ngày lễ Truyền Tin năm 1984. Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II sử dụng danh từ “sự tín thác.” Những lần khác người nói đến sự thuộc về Mẹ Maria, sự tận hiến, sự gửi gắm, sự phục vụ, và sự đặt mình trong tay của Mẹ. Chúng ta có thể xem sự tín thác như là được chọn riêng ra trong Dòng Cát Minh của Mẹ, được kêu gọi sống chiêm niệm và cầu nguyện. Mặc dù sự thánh hiến hay tín thác cho Đức Maria có thể rất hữu ích trong việc trình bày Áo Đức Bà, trong Cát Minh còn có nhiều cách thức khác nữa để trình bày. Nhiều người nói về Áo Đức Bà trong bối cảnh truyền rao Tin Mừng. Sự đón nhận Áo Đức Bà có thể là một cao điểm trong câu chuyện trở lại của các cá nhân và cộng đoàn. Áo Đức Bà cũng có thể được nhìn trong ngữ cảnh phong phú của lòng sùng mộ bình dân, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chuẩn nhận trong tông thư về truyền giáo, Evangelii nuntiandi, và được Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La-tinh (CELAM) giới thiệu tại Puebla (1979). Những người mặc Áo Đức Bà đang biểu lộ rằng họ không tự cung tự cấp được nhưng cần đến ơn Chúa giúp đỡ, mà trong trường hợp này họ đang mong tìm qua sự bầu cử của Đức Maria. Nhờ Áo Đức Bà họ chạy đến với Mẹ, đấng có vị thế trong Hội Thánh, là chỗ cao trọng nhất sau Chúa Kitô và cũng là chỗ gần gũi chúng ta nhất.”
Từ những điều chúng ta đã phân tích, rõ ràng Áo Đức Bà là một trong những báu vật của Gia Đình Cát Minh. Khi chúng ta nói về Áo Đức Bà, chúng ta nên nhấn mạnh đến sự thuộc về Đại Gia Đình Cát Minh. Sẽ không xác đáng nếu những người ghi danh lãnh nhận Áo Đức Bà không được giải thích kỹ lưỡng về ý nghĩa của điều họ đang lãnh nhận. Vì Áo Đức Bà là một biểu tượng, ý nghĩa của nó phải được chỉ ra một cách cẩn thận. Một cách cụ thể, chúng ta nên nhấn mạnh rằng người mặc Áo Đức Bà cần có một tương quan với Đức Maria ngoài việc mong ơn từ Mẹ. Nếu chúng ta mặc áo của Mẹ, chúng ta cần cố gắng mặc lấy các nhân đức của Mẹ. Áo Đức Bà là một trong những phương tiện chúng ta hướng người khác đến với Đức Maria và từ đó hướng họ đến Con của Mẹ.
KẾT LUẬN
Dịp kỷ niệm Áo Đức Bà của Dòng Cát Minh năm nay là một cơ hội cho tất cả chúng ta một lần nữa suy gẫm về quà tặng này và ý nghĩa của nó. Có một sự đa dạng phong phú trong Cát Minh, cho phép các cách diễn tả khác nhau về di sản Thánh Mẫu của chúng ta. Tất cả anh chị em Cát Minh đều gặp phải thách đố, và chắc chắn sẽ có ơn Chúa Thánh Thần, để hội nhập đặc sủng và di sản của mình. Chúng tôi mời gọi các anh em tu sĩ, các cộng đoàn nữ tu và toàn thể anh chị em Cát Minh giữa đời hãy suy tư trong tinh thần cầu nguyện và sáng tạo về món quà Áo Đức Bà này. Trên hết, chúng ta phải tìm cách nối kết Áo Đức Bà với di sản Thánh Mẫu mà chúng ta đã lãnh nhận cũng như với việc phục vụ mang chiều kích chiêm niệm hoạt động vì lợi ích của Hội Thánh.
Nguyện xin Đức Maria, Đấng Bảo Trợ, Hiền Mẫu và Hiền Tỷ, dùng cẩm bào ơn phù trì đặc biệt của Người mà che phủ chúng ta hết thảy để, khi được mặc y phục của Người, chúng ta được mang đến núi thánh là Đức Kitô Chúa chúng ta, Đấng chúng ta nguyện sống trung thành.
Joseph Chalmers, O.Carm. – Camilo Maccise, O.C.D.