1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, xin Cha cho chúng con thấy sức mạnh toàn năng của Cha trong lòng thương xót và khoan dung của Người. Xin Cha tiếp tục đổ đầy chúng con với ân sủng tình yêu của Cha. Xin cha giúp chúng con mau mắn hướng tới cuộc sống vĩnh cửu với lời hứa của Cha và xin hãy đến để chia sẻ niềm hạnh phúc của nước Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha, Đấng hằng sống và hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Mátthêu 18:1-5,10
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông vào bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
3. Suy Niệm
– Bài Tin Mừng hôm nay trình bày văn bản trích từ Bài Giảng về Giáo Hội (Mt 10:1-35), trong đó thánh Mátthêu tập hợp một số câu nói của Chúa Giêsu để giúp cho các cộng đoàn trong thế kỷ thứ nhất vượt qua được hai vấn đề mà họ phải đối mặt tại thời điểm đó: lìa bỏ hoặc tránh xa các kẻ bé mọn bởi vì việc tai tiếng gây ra bởi một số người (Mt 10:1-14) và nhu cầu đối thoại để vượt qua các xung đột nội bộ (Mt 18:15-35). Bài Giảng về Giáo Hội nói về một số chủ đề: việc thực thi quyền hạn trong cộng đoàn (Mt 18:1-4), vụ tai tiếng vì khinh thường những kẻ bé mọn (Mt 18:5-11), nhiệm vụ phải phấn đấu để đưa những kẻ bé mọn trở lại, đưa họ trở về (Mt 18:12-14), việc sửa lỗi anh em (Mt 18:15-18), hiệp lời cầu nguyện (Mt 18:19-20) và tha thứ cho nhau (Mt 18:21-35). Trọng tâm được đặt trên sự chấp nhận và hòa giải, bởi vì căn bản của tình anh em là tình yêu cho không của Thiên Chúa chấp nhận chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Chỉ qua phương cách này cộng đoàn sẽ là dấu hiệu của Nước Trời.
– Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta suy niệm về phần nói đến việc chấp nhận những kẻ bé mọn. Nhóm chữ, những kẻ bé mọn, hoặc những kẻ thấp hèn nhất không chỉ nói về các trẻ nhỏ, mà là nói đến những kẻ thấp kém trong xã hội, kể các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu đòi hỏi rằng những kẻ bé mọn phải là tâm điểm của mối quan tâm của cộng đoàn, bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14).
– Mt 18:1: Thắc mắc của các môn đệ đưa đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Các môn đệ muốn biết ai là người cao trọng nhất trong Nước Trời. Thực tế đơn giản khi hỏi câu hỏi này cho thấy rằng các ông đã không hiểu rõ sứ điệp của Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu, đó là, toàn bộ Bài Giảng về Giáo Hội, nhằm giúp cho chúng ta hiểu được rằng trong số những người theo Chúa Giêsu, tinh thần phục vụ, tha thứ, hòa giải và tình yêu nhưng không, không màng đến lợi ích cho riêng mình, phải được đặt ưu tiên.
– Mt 18:2-5: Tiêu chuẩn căn bản; ai tự hạ, coi mình nhỏ bé như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. “Rồi Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông”; các môn đệ muốn có một tiêu chuẩn để đánh giá tầm quan trọng của ngôi thứ trong cộng đoàn. Chúa Giêsu trả lời rằng tiêu chuẩn là làm những kẻ bé mọn! Trẻ nhỏ không được coi trọng trong xã hội; chúng không thuộc về thế giới của những kẻ cao trọng. Các môn đệ, thay vì tăng trưởng theo chiều cao và hướng tới trung tâm, nên trở thành nhỏ bé và hướng về phía bên ngoài! Bằng cách này, các ông sẽ trở thành người cao trọng nhất trong Nước Trời! Và lý do cho điều này là: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!” Tình yêu của Chúa Giêsu đối với các trẻ nhỏ thì không thể giải thích được. Các trẻ nhỏ không có công trạng gì; chúng được cha mẹ và mọi người yêu thương vì chúng là trẻ nhỏ. Đây là một tình yêu cho không thuần khiết của Thiên Chúa được thể hiện nơi đây và có thể được làm theo trong cộng đoàn của những người tin vào Chúa Giêsu.
– Mt 18:6-9: Đừng làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã. Bài Tin Mừng hôm nay bỏ qua các câu 6 đến câu 9 và tiếp tục với câu 10. Chúng ta đưa ra một chìa khóa ngắn gọn để đọc những câu này, từ câu 6 đến câu 9. Làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã có nghĩa là: làm cho họ có lý do để mất niềm tin vào Thiên Chúa và lìa bỏ giáo hội. Việc câu nệ khăng khăng quá mức về các quy tắc, luật lệ, như một số người Biệt Phái đã làm, đã khiến cho các kẻ bé mọn tránh xa, bởi vì họ không còn thấy sự tự do mà Chúa Giêsu đã mang đến. Trước đó, thánh sử Mátthêu ghi lại những câu nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu, chẳng hạn như câu buộc cối đá vào cổ, và câu “Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã!” Đây là dấu hiệu cho thấy rằng vào thời ấy những kẻ bé mọn không còn nhận mình thuộc về cộng đoàn nữa và tìm kiếm một nơi trú thân khác. Còn ngày nay thì sao? Riêng ở nước Ba-Tây, mỗi năm có khoảng một triệu người lìa bỏ Công Giáo và chuyển sang giáo phái Ngũ Tuần. Và đó là những người nghèo khó lại làm việc này. Họ rời bỏ bởi vì người nghèo và những kẻ bé mọn không cảm thấy thoải mái ở ngay trong nhà của họ! Tại sao vậy? Để tránh việc điều tiếng này, Chúa Giêsu ra lệnh chặt chân hoặc chặt tay và móc mắt. Những lời khẳng định này của Chúa Giêsu không thể được hiểu theo nghĩa đen. Những điều đó có nghĩa là cần phải có nhiều sự đòi hỏi trong việc chống trả lại các điều tiếng, những điều đã xô đẩy kẻ bé mọn ra đi. Trong bất kỳ cách nào, chúng ta không thể để cho những kẻ bé mọn cảm thấy bị hắt hủi trong cộng đoàn chúng ta; bởi vì trong trường hợp này, cộng đoàn sẽ không là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Nó sẽ không thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Nó sẽ không phải là Kitô giáo.
– Mt 18:10: Các thiên thần của những kẻ bé mọn luôn hiện diện trước nhan Chúa Cha. “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiếm ngưỡng nhan Cha Thầy”. Ngày nay, đôi khi chúng ta nghe thấy câu hỏi: “Thế nhưng, các thiên thần có hiện hữu hay không?” Có lẽ chúng là một phần của nền văn hóa xứ Ba-Tư, nơi mà dân Do Thái sống hàng nhiều thế kỷ trong thời kỳ lưu vong ở Babylon? Có thể lắm, nhưng đó không phải là điều quan trọng, điều này không phải là khía cạnh chính. Trong Kinh Thánh, các thiên thần có một ý nghĩa khác biệt. Có văn bản nói về Thiên thần của Đức Giavê hay là Thiên Thần của Chúa và sau đó đột nhiên lại nói về Thiên Chúa. Chúng hoán đổi lẫn nhau (St 18:1-2,9-10,13,16; xem thêm St 13:3,18). Trong Kinh Thánh, Thiên thần là khuôn mặt của Đức Giavê hướng về phía chúng ta. Khuôn mặt của Thiên Chúa đã hướng về tôi, hướng về bạn! Câu nói sâu xa nhất về đức tin của chúng ta, đó là, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và cùng với tôi! Đó là cách làm cho tình yêu Thiên Chúa trở thành cụ thể trong đời sống chúng ta, thậm chí đến chi tiết nhỏ nhặt nhất.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Những kẻ bé mọn có được chấp nhận trong cộng đoàn của chúng ta không? Những người nghèo nhất có tham gia vào cộng đoàn của chúng ta không?
– Các thiên thần của Chúa, Thiên Thần Bản Mệnh của chúng ta, và nhiều lần Thiên Thần của Chúa là kẻ giúp đỡ người khác. Có nhiều thiên thần trong cuộc đời bạn không?
5. Lời nguyện kết
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
(Tv 139:13-14)