Home / Linh Đạo - Đời Sống Tâm Linh / Linh Đạo Dòng Hiệp Sĩ – Dòng Đạo Binh

Linh Đạo Dòng Hiệp Sĩ – Dòng Đạo Binh

Sự ra đời của các Dòng Hiệp Sĩ (Dòng Đạo Binh) gắn liền với việc bảo vệ Đất Thánh hay bảo vệ những người hành hương đến Đất Thánh trong thời kỳ Thập Tự Chinh.

Ngày 27/11/1095, tại Công đồng Clermont (Pháp), Đức Giáo hoàng Urbanô II kêu gọi Kitô hữu đoàn kết đứng lên bảo vệ Đất Thánh khỏi sự xâm lăng của người Thổ. Lời kêu gọi này vốn xuất phát từ mong muốn của Giáo hoàng Grêgôriô VII trước đó muốn thống nhất các nước châu Âu để bảo vệ Đế quốc Byzantine.[1]

Lời kêu gọi của Đức Urbanô II đã tạo nên phong trào Thập Tự Chinh dâng lên như sóng cồn khắp châu Âu. Nhiều người, kể cả giáo dân thường, cũng hăng hái tham gia vì được hứa ban ân xá toàn xá. Tuy nhiên, Giáo hoàng chủ yếu mong muốn thành lập các đội quân tinh nhuệ để tham chiến chứ không phải để cho mọi giáo dân đi hành hương.[2]

Chính trong bối cảnh đó, các Dòng Hiệp Sĩ hay (Dòng Đạo Binh, Dòng Quân Đội) ra đời. Đây là những tổ chức mang tính quân sự nhưng cũng có tính tôn giáo, với sứ mệnh bảo vệ Đất Thánh và người hành hương. Họ sống theo lời khấn nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời giống như tu sĩ.

Sự xuất hiện của các Dòng Hiệp Sĩ đánh dấu sự kết hợp giữa tinh thần quân sự và Kitô giáo trong thời kỳ Thập Tự Chinh, với mục đích bảo vệ Đất Thánh và các khách hành hương đến Đất Thánh.

Dòng Hiệp Sĩ đầu tiên là Dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ hay Dòng Đền the Knights Templar. Dòng Hiệp sĩ Đền Thờ là một trong những dòng tu quân đội Kitô giáo nổi tiếng nhất thời Trung Cổ. Dòng được thành lập được thành lập trong khuôn viên Đền thờ ở Jerusalem vào khoảng năm 1118 và có phần liên kết với các Tu sĩ Mộ Thánh sau cuộc Thập Tự Chinh thứ nhất (1096) nhằm bảo vệ người hành hương đến Jerusalem. Tên gọi của dòng bắt nguồn từ việc Vua Baldwin II của Jerusalem cho phép dòng ở trong một tòa lâu đài của ông, Đền Thờ Al-Aqsa, trên Núi Đền tại Jerusalem.[3]

Các Hiệp sĩ Đền thờ khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời nên họ được công nhận là tu sĩ. Luật sống của họ dựa trên luật của các Kinh Sĩ đền thờ, Luật Thánh Biển Đức và các quy chế Dòng Xitô vì vậy là những tu sĩ họ cũng tham dự vào Kinh Phụng vụ, ăn chay và kiêng thịt, và ăn mặc đơn giản, phù hợp với đời sống quân sự của họ. Là dòng tu đặc biệt kết hợp giữa tu sĩ và chiến sĩ, Dòng Hiệp sĩ Đền Thờ đóng vai trò quan trọng trong nhiều trận chiến của các cuộc Thập Tự Chinh. Họ cũng phát triển các kỹ thuật tài chính tiên tiến, được coi là nền tảng của ngành ngân hàng hiện đại.[4]

Quyền lực của Dòng lan rộng khắp châu Âu cho đến khi xung đột với Vua Philippe IV của Pháp và bị giải tán vào đầu thế kỷ 14.

Dòng Hiệp sĩ Malta, Knights of Malta cũng được thành lập ở Jerusalem và, giống như Dòng Hiệp Sĩ Đền thờ, họ sống theo luật đời sống của các Kinh Sĩ nhà thờ chính tòa, mặc dù sứ mệnh của họ là chăm sóc bệnh viện Thánh Gioan Tẩy Giả. Họ tuân theo Luật Thánh Augustinô và các thành viên đến từ giáo sĩ và giáo dân. Họ tuân thủ các lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo, độc thân và vâng lời và họ sống đời sống cộng đoàn.

Dòng vẫn tồn tại đến ngày nay. Vai trò hiện đại của Dòng chủ yếu tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ các mối quan hệ nhân đạo quốc tế.

Dòng Hiệp Sĩ Santiago là một dòng đạo binh  được thành lập vào thế kỷ 12. Dòng mang tên vị thánh bổn mạng của Tây Ban Nha, Thánh Giacôbê Cả. Mục tiêu ban đầu của Dòng là bảo vệ các người hành hương trên Con đường hành hương đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Giacôbê, bảo vệ đức tin Công giáo và trục xuất người Moor Hồi giáo khỏi bán đảo Iberia. Tuy nhiên, việc gia nhập Dòng không bị hạn chế chỉ dành cho quý tộc Tây Ban Nha, mà còn có các thành viên Công giáo khác đến từ các nơi khác ở châu Âu.[5]

Dòng Hiệp sĩ Santiago là một trong bốn dòng tu quân sự chính của Tây Ban Nha, cùng với các dòng Calatrava, Alcántara và Montesa. Các Dòng hiệp sĩ này được phục hồi dưới thời Vua Juan Carlos I với tư cách một hiệp hội dân sự quý tộc, có tước hiệp sĩ danh dự trong tôn giáo.

Linh Đạo của Dòng Hiệp Sĩ:

Bảo vệ đức tin: Sứ mệnh chính của các Dòng Hiệp Sĩ là bảo vệ Kitô giáo và các nơi thánh, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc Thập Tự Chinh. Đời sống Tâm linh của họ có gốc rất sâu trong ý thức về nhiệm vụ bảo vệ đức tin khỏi những mối đe dọa tiềm tàng, đặc biệt là sự hiện diện của người Hồi giáo ở Đất Thánh.

Phục vụ và hy sinh: Các thành viên của các dòng hiệp sĩ xem việc phục vụ của họ như một hình thức hy sinh vì lợi ích chung. Họ tin rằng bằng cách cầm vũ khí và liều mạng sống của mình, họ đang hoàn thành nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và Giáo hội. Yếu tố hy sinh này là cốt lõi trong đời sống tâm linh của họ.

Đức vâng lời: Giống như các dòng tu truyền thống, các dòng Hiệp Sĩ yêu cầu các thành viên phải tuyên lời khấn khó nghèo, độc thân và vâng lời triệt để. Những lời khấn này được xem là cách để noi gương cuộc sống và lời dạy của Chúa Kitô, cũng như để củng cố cam kết của họ đối với sứ mệnh dòng.

Chiến tranh thiêng liêng: Các dòng Hiệp Sĩ xem các trận chiến của họ như một hình thức chiến tranh thiêng liêng. Họ tin rằng bằng cách tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù của đức tin, họ đang chiến đấu vì vinh quang của Thiên Chúa và bảo vệ Kitô giáo khỏi tổn hại trong việc hành hương đến Đất Thánh.

Hòa hợp các nhân đức: Các thành viên của các dòng hiệp sĩ được kỳ vọng hòa hợp các nhân đức của một tu sĩ (nghèo khó, khiết tịnh, vâng lời) với những yêu cầu của một chiến binh. Sự cân bằng này đòi hỏi một cách tiếp cận độc đáo đối với đời sống tâm linh, nơi các nhân đức thường được liên kết với đời sống tu viện được áp dụng trong bối cảnh của một chiến binh.

Can trường: Các dòng khuyến khích các thành viên chấp nhận đối mặt với nguy hiểm và thậm chí cả cái chết mà không sợ hãi khi chiến đấu vì đức tin. Ví dụ, Thánh Bernađô nhấn mạnh rằng khi chiến đấu vì Chúa, họ không cần sợ hậu quả của trận chiến hay hành động giết kẻ thù. Tuy nhiên, những chiến binh này thường không được coi là tử đạo do bản chất của hành động của họ.

Thánh thiện trong hành động: Đời sống Tâm linh của các dòng hiệp sĩ thúc đẩy ý tưởng rằng sự thánh thiện có thể đạt được thông qua hành động và phục vụ, chứ không chỉ thông qua cầu nguyện hay khổ hạnh. Hình thức thánh thiện chủ động này được coi là phù hợp với vai trò của họ là những người bảo vệ đức tin.

Lòng sùng kính Đức Mẹ và các Thánh: Các dòng hiệp sĩ thường nuôi dưỡng lòng sùng kính sâu sắc đối với Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, tìm kiếm sự cầu bầu và che chở của các các ngài trong chiến đấu. Lòng sùng kính này ban nhiều sức mạnh và  an ủi về mặt tâm linh trong thời kỳ xung đột.

Huynh đệ Cộng đoàn: Giống như các dòng tu, các dòng hiệp sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn và tình huynh đệ. Ý thức đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau giữa các thành viên. Họ đã sống đặc tính này không những trong các trận chiến nhưng trong đời sống hằng ngày để hỗ trợ lẫn nhau, phát triển đời sống tâm linh và hợp tác hiệu quả trong sứ mệnh của họ.

 

[1] Lịch Sử Giáo Hội, Bùi Đức Sinh, O.P.

[2] Lịch Sử Giáo Hội, Bùi Đức Sinh, O.P.

[3] Christian Spirituality in the Catholic Tradition, Jordan Aumann O.P

[4] Christian Spirituality in the Catholic Tradition, Jordan Aumann O.P

[5] Wikipedia

Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm.

 

 

 

Check Also

Thư Cha Tổng Quyền nhân ngày Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh 2021

Kính thưa các anh chị em trong Gia đình Cát Minh thân mến, Mong muốn …