Thánh George Preca và những Mầu nhiệm Mân côi mới
Tác giả: John Formosa, SDC., và Anthony Cilia, O.Carm.
Lời dẫn
Bài viết giới thiệu một đóng góp của Thánh George Preca cho Giáo Hội Công giáo, đó là mầu nhiệm Sự Sáng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu lịch sử và bối cảnh ra đời của Mầu Nhiệm Sự Sáng do thánh George Preca khởi xướng.
Thánh George Preca là một linh mục triều người Malta sinh tại Valletta, vào ngày 12 tháng 2 năm 1880. Ngài có lòng sùng kính đặc biệt với Áo Đức Bà và Chuỗi Mân Côi, chính vì thế vào năm 1918 ngài đã gia nhập Dòng Ba Cát Minh.
Bài viết
Ngày 16 tháng 10 năm 2002, khởi đầu việc kỷ niệm 25 năm triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II công bố Tông thư Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (viết tắt: RVM), qua đó ngài công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2002) ngài giới thiệu cho Giáo hội thêm năm mầu nhiệm Sự Sáng về đời sống công khai của Đức Giê-su, thêm vào mười lăm mầu nhiệm đã có rồi.
Việc ban hành Tông thư RVM, đặc biệt là việc giới thiệu năm mầu nhiệm mới, đã tạo ra nhiều phản ứng khác nhau nơi các tín hữu. Trên thực tế, các phương tiện truyền thông đại chúng tập trung nhiều vào việc giới thiệu những mầu nhiệm mới hơn là vào việc giảng dạy chung của tông thư RVM. Nhiều phóng viên nhấn mạnh thực tế “rằng ý tưởng của Đức Thánh Cha liên quan đến năm mầu nhiệm mới này có thể từ một linh mục người Malta được Đức Thánh Cha phong chân phước năm 2001, Cha John Cr. George Preca” [1]
Chúng ta không biết từ đâu Đức Thánh Cha có ý tưởng giới thiệu những mầu nhiệm mới này. Chưa hết, ngoài một số khác biệt nhỏ, năm mầu nhiệm mới được Đức Thánh Cha đưa ra gần như giống hệt với những mầu nhiệm do Cha John George đề xuất vào năm 1957. Điều kỳ lạ là Đức Thánh Cha gọi các mầu nhiệm mới về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu là “Các mầu nhiệm Sự Sáng”, cùng tên như Thánh nhân đề xuất!
Nếu chúng ta chấp nhận rằng những Mầu nhiệm Sự Sáng này có nguồn gốc từ Thánh George Preca, thì chúng ta phải đặt một câu hỏi khác: “Làm thế nào mà những Mầu nhiệm Sự Sáng này lại thu hút được sự chú ý của Đức Thánh Cha đến mức ngài đưa vào Tông thư về Kinh Mân Côi?” Cáo thỉnh viên về án phong thánh cho Thánh George Preca đã cố gắng xem xét chuyện này nhưng không có kết quả.
Những gì có thể đều được tiến hành, một trong số đó, việc hợp lý nhất là đưa thông tin sẵn có lên internet. Trên thực tế, một số trang web tiếng Anh Công Giáo, ngay cả trước khi xuất bản Tông thư RVM, đã tham khảo đến mầu nhiệm Sự Sáng mà một người Malta nào đó hiểu biết về nền tu đức của thánh nhân đã đưa lên. Dù thiếu chứng cứ về mối liên hệ, nhưng các mầu nhiệm về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đã có được một vị trí đặc biệt trong giáo huấn của Giáo Hội và đã được nhiều tín hữu Công giáo trên toàn thế giới đón nhận và suy niệm.
Những mầu nhiệm Sự Sáng của Thánh George Preca.
Năm 1957, Hiệp hội do cha George thành lập kỷ niệm 50 năm. Cha George không muốn tổ chức lễ kỷ niệm chỉ màu mè bên ngoài, nhưng ngài muốn dành một năm để cho tất cả các thành viên có thể kết hợp mật thiết hơn với Chúa. Để đạt được mục tiêu này, ngài đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Kollokwji ma’ Alla” (Trò chuyện với Chúa), gồm 60 bài diễn văn thể hiện tình yêu lớn lao của ngài đối với Đấng Sáng Tạo. Cùng năm ấy, bên cạnh cuốn sách Trò chuyện với Chúa, cha George đề xuất ý tưởng thêm năm mầu nhiệm nữa vào chuỗi Mân Côi để nói về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Sau đó, những mầu nhiệm này cho các thành viên trong hiệp hội của ngài sử dụng riêng, cuốn “Trò chuyện với Chúa” cũng vậy.
Một số môn đệ thân thiết với ngài, nói rằng cha George trình bày mầu nhiệm Sự Sáng lần đầu tiên trong một cuộc họp vào thứ Tư. Ngài không nói những mầu nhiệm đến từ đâu, từ một cuốn sách nào đó hay từ ý tưởng riêng của ngài. Thông thường, bất cứ khi nào Ngài gợi ý điều gì mới cho đệ tử, Ngài sẽ nói: “Đây là những gì cha tìm thấy cho các anh em…”. Nhưng vào dịp đó ngài đã không nói như vậy, và có vẻ như ý tưởng về mầu nhiệm Sự Sáng có thể đến từ ngài.
Các nhân chứng khác cũng nói vào buổi tối cùng ngày, sau khi giải thích tầm quan trọng của việc suy ngẫm về toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu, và rằng kinh Mân Côi cách nào đó thiếu khía cạnh này, ngài nói rằng thật thích thú và hạnh phúc biết bao khi suy niệm “những mầu nhiệm mới” về đời sống công khai của Đấng đã phán: “Ta là Ánh Sáng thế gian” (Ga 8:12).
Những mầu nhiệm Sự Sáng được đề xuất bởi cha George xuất hiện công khai lần đầu tiên trong một bài báo có tựa đề “Id-Devozzjoni ta’ Dun Gorg lejn ir-Ruzarju” (lòng sùng kính Kinh Mân Côi của Cha George), đăng trên tạp chí Dun Gorg, số 5, tháng 7-tháng 12 năm 1973. Những mầu nhiệm tiếp tục được truyền bá vào năm 1987 khi Vincent Caruana (1912-1998), một thành viên của hội, xuất bản một tập sách nhỏ có tựa đề “Gesù Kristu – Alla – Bniedem – Feddej” (Jesus Christ – God – Man – Redeemer), với tựa đề phụ là “Episodji mill-Evangelju f’ghamla ta’ Ruzarju fuq idea originali ta’ Dun Gorg”, (các tập Phúc Âm dưới dạng chuỗi Mân Côi dựa trên ý tưởng ban đầu của Cha George) Ed., P.E.G. Ltd., Marsa, Malta. Trong phần giới thiệu, Caruana trình bày mầu nhiệm Sự sáng và nói rằng “chúng đã được xuất bản và tiết lộ lần đầu tiên bởi Tôi tớ Chúa, Cha George Preca.”
Thông qua hai ấn phẩm này, mầu nhiêm Sự Sáng đã được nhiều tín hữu ở Malta và nhiều nơi trên thế giới thực hành. Những người khác đã lấy cảm hứng từ cha George, thậm chí còn giới thiệu những mầu nhiệm này vào các trang web dành riêng cho Kinh Mân Côi.
Mầu Nhiệm Sự Sáng theo cha George và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo.
A. Theo cha Georde
- Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài được đưa vào sa mạc.
- Chúa Giêsu tỏ mình là Thiên Chúa thật bằng lời nói và phép lạ.
- Chúa Giêsu giảng dạy các Mối Phúc Thật trên núi.
- Chúa Giêsu biến hình trên núi.
- Chúa Giêsu dự bữa tiệc ly với các Tông Đồ.
B. Theo Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
- Chúa Giêsu được thánh Gioan làm phép rửa tại sông Giođan.
- Chúa Giêsu tỏ mình ra qua dấu chỉ đầu tiên tại tiệc cưới Cana.
- Chúa Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa và sự sám hối.
- Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.
- Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể.
Nếu so sánh hai phiên bản, chúng ta nhận thấy sự tương đồng lớn giữa mầu nhiệm Sự Sáng do Cha George đề xuất vào năm 1957 và những đề xuất của Đức Thánh Cha. Đồng ý rằng có một số khác biệt nhỏ, nhưng những khác biệt này không đáng kể như lúc mới đọc.
* Trong mầu nhiệm thứ nhất, ngoài phép rửa của Chúa Giêsu ở sông Giođan, Cha George cho biết thêm việc Chúa Giêsu đi vào sa mạc, nơi Ngài chuẩn bị tâm hồn trong suốt 40 ngày để bắt đầu sứ mệnh của Ngài. Những ai biết về thánh nhân đều hiểu lý do tại sao thánh nhân lại thêm vào đoạn này về cuộc đời của Chúa Giêsu. Bước đầu, thánh nhân viết những mầu nhiệm này cho các môn đồ, nghĩa là thánh nhân muốn cho họ thấy sự cần thiết phải chuẩn bị thật tốt cho sứ mạng rao giảng Lời Chúa.
* Trong mầu nhiệm thứ hai, cha George gợi ý suy ngẫm về cách Chúa Giêsu mạc khải chính Ngài là Thiên Chúa bằng lời nói và phép lạ. Đức Thánh Cha gợi ý một phép lạ, phép lạ tại tiệc cưới Cana, mà theo lời Thánh sử Gioan (2:11) chính là nhằm mục đích này.
* Trong mầu nhiệm thứ ba, cha George trình bày việc Chúa Giêsu giảng dạy các Mối Phúc Thật, còn được gọi là “Hiến pháp” của Giáo Hội. Chúng ta không thể phủ nhận rằng khi rao giảng các Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa và mời gọi con người hoán cải.
* Trong mầu nhiệm thứ tư và thứ năm, Đức Thánh Cha và Cha George đều có những suy tư giống nhau về cuộc đời của Chúa Giêsu.
Về việc khi nào nên suy niệm những mầu nhiệm này, cả Cha George và Đức Thánh Cha gợi ý rằng chúng ta nên thêm mầu nhiệm Sự Sáng vào giữa các mầu nhiệm Sự Vui và Sự Thương. Chỉ có sự khác biệt giữa hai gợi ý liên quan đến ngày suy niệm. Thánh George gợi ý Thứ Hai (thay vì các Mầu nhiệm Sự Vui sẽ được suy niệm vào Chúa nhật), trong khi Đức Thánh Cha gợi ý Thứ Năm, thực sự là một ngày tốt hơn vì nó gắn liền với việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Bên cạnh đó Mầu nhiệm Sự Vui, liên quan đến các sự kiện chính trong cuộc đời Đức Maria nên được suy niệm vào Thứ Bảy, ngày kính Đức Trinh Nữ.
Ngoài mầu nhiệm Sự Sáng, còn có những ý niệm khác trong Tông Thư RVM tương tự như những lời giảng dạy của Cha George.
* Chẳng hạn, Đức Thánh Cha đề cập đến tầm quan trọng của một khoảng lặng ngắn để chiêm niệm và suy niệm sau khi công bố mỗi mầu nhiệm. Cha George không chỉ thực hành điều này mà còn giới thiệu cách thực hành này cho thính giả của mình.
* Thánh George thích gọi kinh Mân Côi là “trường dạy học”. Đặc biệt vì việc suy niệm các mầu nhiệm. Điều thú vị là Đức Thánh Cha, trong Tông thư RVM, gọi kinh Mân Côi là “trường học của Đức Maria” (x. 1, 3, 15, 34).
* Tông thư RVM (x. 35) gợi ý đưa thêm một lời cầu nguyện sau kinh Kinh Sáng Danh như một kết thúc cho mầu nhiệm. Với suy nghĩ này, cha George đã viết một số lời cầu nguyện cho Đức Trinh Nữ Maria và các nhân đức của Mẹ phù hợp với các mầu nhiệm được đọc trước Kinh Lạy Cha.
Tạm kết
Suốt đời mình, Thánh Preca dấn thân quảng bá chuỗi thánh Mân côi. Là một người thực sự tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, thánh nhân đã sốt sắng thực hành đời sống cầu nguyện trong Mẹ Maria với tâm tình Ki-tô. Thánh nhân mong muốn giới thiệu đời sống cầu nguyện này với những người nghe ngài giảng. Thánh nhân cũng đã viết về tầm quan trọng và hiệu quả cầu nguyện với Mẹ. Sự tương đồng giữa giáo huấn của Đức Thánh Cha trong Tông huấn RVM với những gì Cha George dạy, cho chúng ta chiều sâu nền tu đức của một vị thánh Dòng Cát Minh, một nền tu đức thoát ra khỏi phạm vi địa lý của vùng đất quê hương để đến với Giáo hội hoàn vũ.