Trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo, việc cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục vừa là một nghĩa cử tốt đẹp, và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thực hành việc đạo đức này vừa thể hiện lòng nhân ái của người còn sống đối với người quá cố, vừa là biểu hiện của đức tin Công giáo vào sự thông công của các thánh. Việc cầu nguyện cho các linh hồn là bổn phận và nghĩa vụ của mỗi Kitô hữu nhưng còn mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho chính chúng ta.
Luyện ngục là đề tài gây nhiều tranh luận và trong Giáo Hội nhưng có thể hiểu đơn giản rằng, Luyện ngục là một sự thanh luyện của một linh hồn sau khi chết. Cả trong Cựu Ước và Tân Ước đều phần nào nói về Luyện Ngục: Tiên tri Mikha viết: “nếu tôi ở trong bóng tối, ĐỨC CHÚA sẽ là ánh sáng cho tôi. Vì tôi đắc tội với ĐỨC CHÚA, tôi sẽ phải gánh chịu cơn giận của Người, tới khi Người biện hộ và bảo vệ tôi. Người sẽ dẫn tôi ra ánh sáng, và tôi sẽ được thấy đức công chính của Người. ” (Mk 7,8-9). Sách Khải Huyền nói những ai không thanh sạch thì không được vào Thiên Đàng và Thư Gioan lại nói có những tội, kẻ phạm tội trọng hay tội phải chết vì vậy Luyện ngục được đặt giữa lằn ranh của hai đoạn Lời Chúa trên, giữa Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Vì vậy Luyện Ngục là tình trạng của một linh hồn cần thanh luyện mọi vết nhơ tội lỗi để được hưởng sự sống đời đời. Giáo lý Công giáo dạy rằng sau khi chết, những người còn vướng lấy tội lỗi nhẹ sẽ phải trải qua thời gian thanh tẩy ở luyện ngục trước khi được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Sự Công Bằng và Thương Xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa rất công bình, ngay thẳng trong mọi công việc, không có sự bất công nào nơi Người. Người lành được thưởng kẻ gian bị luận tội, ngài tách chiên ra với dê, “những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” và “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Tuy nhiên cùng với sự công bằng của Thiên Chúa thì Lòng Thương Xót của Ngài cũng vô bờ vô bến. Ngài đến để cho mọi người được sống và sống dồi dào (Ga 10.10), nên Luyện ngục là sự công bằng cho những ai, chưa sống trọn lành hoàn hảo và nhưng cần sự thanh luyện đời sau và cũng là nơi Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót và nhân hậu của Ngài, khi cho phép các linh hồn được thanh luyện chứ không bị trừng phạt đời đời.
Các Thánh Thông Công: Tuy nhiên các linh hồn ở luyện ngục (Giáo Hội Thanh Luyện) không thể cầu nguyện cho chính họ vì vậy họ cần vào lời chuyển cầu của mỗi chúng ta (Giáo Hội Lữ Hành) cũng như chính chúng ta cần lời chuyển cầu của các Thánh trên trời (Giáo Hội Vinh Thắng) vì vậy chúng ta hay gọi là Giáo Hội hiệp thông hay các thánh thông công. Tín điều các thánh thông công giúp chúng ta xác tín vào sự hiệp thông trong Hội Thánh. Đó là niềm cậy trông và hi vọng của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Vì vậy, Bổn phận chúng ta là những người còn đang lữ hành trên trần thế, phải tích cực cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người hi sinh trên Thập Giá, giờ đây được tái diễn qua Thánh lễ.
Bổn Phận của mọi Kitô Hữu: Cầu nguyện cho người đã khuất là bổn phần của mỗi Kitô hữu được đề cập trong sách Macabe 12:46 và công đồng Trentô. Công đồng Trentô đã dạy rằng các linh mục phải dạy giáo dân về nghĩa vụ cầu nguyện và dâng lễ cho các tín hữu đã qua đời. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng xác nhận đây là “một việc lành thánh thiện và có ích” mà mọi tín hữu nên thực hiện.
Thánh Thomas Aquino cũng khẳng định: “Cầu nguyện cho người chết là một việc làm đạo đức tốt”. Những lời cầu nguyện chân thành còn có thể đem lại ơn ích cho chính người cầu nguyện, giúp họ lớn lên trong đức tin và đức mến. Theo truyền thống, Giáo hội cũng tin rằng các linh hồn sau khi lên thiên đàng sẽ cầu bầu cho những người còn sống trên trần gian.
Khi cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, chúng ta thể hiện lòng thương xót và cảm thông với những đau khổ mà họ phải gánh chịu để được thanh tẩy trước khi vào Nước Trời. Những lời kinh cầu chân thành có thể giúp giảm bớt “thời gian thanh luyện” của các linh hồn, giúp họ sớm được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng bày tỏ niềm tin vào sự công bằng và nhân hậu của Thiên Chúa, hi vọng rằng sau thời gian thanh luyện, các linh hồn sẽ được hưởng phúc trời.
Lòng Hiếu Thảo: Hơn nữa, cầu nguyện cho người thân đã khuất còn là biểu lộ của lòng hiếu thảo và hiếu kính đối với ông bà tổ tiên – một nhân đức quan trọng và nét trong văn hóa Việt Nam cũng như truyền thống Công giáo. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Con Thiên Chúa khi làm người cũng không hề quên những bậc tổ tiên hằng được nhắc đến trong gia phả (Mt 1,1-18).
Gương Lành cho con cái: Việc cầu nguyện cho người thân đã khuất còn là cách để chúng ta làm gương và gieo hạt giống đức tin trong tâm hồn con cháu. Cha mẹ có vai trò thiết yếu trong việc dạy dỗ con cái về ý nghĩa sâu sắc của cầu nguyện cho các linh hồn, đảm bảo thế hệ tiếp theo tiếp tục duy trì truyền thống thiêng liêng này. Khi con cháu chứng kiến cha mẹ mình thường xuyên xin lễ và cầu nguyện cho tổ tiên, con cháu sẽ học được tinh thần hiếu thảo và biết trân quý cội nguồn. Đồng thời, đây cũng là cách để thế hệ sau hiểu được giá trị nội tại của việc cầu nguyện thông công và phó thác người thân yêu cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Với tất cả những ý nghĩa sâu sắc trên, việc cầu nguyện cho các linh hồn không chỉ là ơn phúc của các Kitô hữu mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người Công giáo. Đây là một khía cạnh đẹp đẽ của văn hóa tôn giáo cần được bảo tồn và phổ biến rộng rãi, nuôi dưỡng ý thức đoàn kết, trắc ẩn và đức tin kiên định giữa các tín hữu trên khắp thế giới.
Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm.