Tổng hợp bởi: Raphael N. Trần, O.Carm. và Giuse T. Phan, O.Carm.
Trong khi Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề thì thông tin về những ca nhiễm Covid chủng biến thể SARS-CoV-2 khiến cho người dân Việt Nam phải thấp thỏm lo âu. Dịch bệnh đã và đang tiếp tục khiến cho sinh hoạt xã hội và tôn giáo trở nên xáo trộn bất thường. Tuy nhiên đối với anh em Cát Minh Phụ Tỉnh Thánh Giuse thì năm mới 2021 sẽ là một năm vô cùng đặc biệt vì đây là năm anh em Cát Minh Việt Nam mừng sinh nhật lần thứ 25. Tết Tân Sửu tới đây sẽ đánh dấu mùa xuân thứ 25 Thiên Chúa thương ban cho anh em Cát Minh trên mảnh đất thấm nhuần máu đức tin của 117 vị thánh và hàng trăm ngàn anh hùng tử đạo ông bà tổ tiên. Xuân năm nay như cột mốc đánh dấu một chặng đường đã qua. Hành trình 25 năm đượm đầy hồng ân Thiên Chúa và chan chứa công sức của biết bao con người. Năm Ngân Khánh thành lập tự bản chất đã gắn liền với những yếu tố siêu nhiên như niềm tin, niềm tự hào và lòng biết ơn. Do đó, niềm vui và tâm tình tri ân của anh em Cát Minh trong năm đặc biệt này dường như vượt lên trên mọi tác động tự nhiên, kể cả tác động tiêu cực đến từ dịch bệnh. Anh em Cát Minh Việt Nam hân hoan bước vào năm mới với điệp khúc tri ân không ngơi nghỉ đúng với tinh thần lời kêu gọi của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và hãy cầu nguyện không ngừng; hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (x. 1 Tx 5: 16-18).
Để năm tri ân này thêm đầy đủ ý nghĩa, trước thềm năm mới, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hành trình lịch sử 25 năm hình thành và phát triển của anh em Cát Minh Phụ Tỉnh Thánh Giuse tại Việt Nam.
160 Năm Linh Đạo Cát Minh Trên Đất Việt
Trong kế hoạch huyền nhiệm của Thiên Chúa, linh đạo Cát Minh đã được gieo trồng và trổ sinh tốt tươi trên mảnh đất hình chữ “S” từ hàng trăm năm nay. Cụ thể là năm 1861, Các nữ tu từ đan viện Cát Minh Liseux, theo chân các nhà thừa sai Pháp sang Việt Nam thành lập đan viện mới. Đan viện đầu tiên này được xây dựng tại Sài Gòn đặt dưới sự điều hành của Mẹ Philomène de L’Immaculée Conception, bề trên tiên khởi. Trong vòng 68 năm tiếp theo, các đan viện khác lần lượt được khai sinh tại những thành phố lớn như Hà Nội (1895), Huế (1909) và Thanh Hóa (1929). Từ những đan viện đầu tiên này, hiện nay đã có hơn 10 đan viện Cát Minh trên khắp cả nước Việt Nam. Cùng với sự phát triển của các đan viện là sự phổ biến rộng khắp của nền linh đạo Cát Minh. Đức Maria dưới tước hiệu Đức Bà Núi Cát Minh, các thánh Dòng Cát Minh và Á Bí Tích Áo Đức Bà Nâu không biết từ bao giờ đã trở nên một phần không thể thiếu trong nếp sống tâm linh của đông bảo bà con tín hữu, nhất là nơi các họ đạo lâu đời miền Bắc Việt.
Giai Đoạn Chuẩn Bị
Trước năm 1975 khi Việt Nam còn bị chia cắt, kế hoạch thành lập nhánh nam cho nhà Dòng tại đất nước này đã được các vị bề trên Dòng Cát Minh Têrêsa khởi sự. Theo lời một số bậc tiền bối cao niên kể lại thì trong giai đoạn đó đã có một số anh em tu sĩ Cát Minh hiện diện và phục vụ tại Việt Nam. Tiếc thay chiến tranh và thời cuộc buộc các ngài phải rời Việt Nam, thậm chí phải từ bỏ cả ơn gọi. Cho đến nay, tin tức về những vị này thật hết sức mơ hồ.
Sau một thời gian dài gián đoạn, thao thức thiết lập nhánh nam cho Dòng Cát Minh chỉ thật sự được khởi động trở lại vào năm 1994, khi Cha John Malley, O.Carm, Bề trên Tổng Quyền và cha Miceál O’Niell, O.Carm., Cố vấn Tổng Quyền sang thăm Việt Nam. Hai cha bề trên đã cẩn thận khảo sát tình hình địa phương, nghiêm túc đặt vấn đề ở cấp cao nhất và thúc đẩy kế hoạch một cách tích cực nhất. Như thế con số 25 năm mà chúng ta đang đề cập đến là chặng đường tính từ biến cố năm 1996, khi cộng đoàn ơn gọi Cát Minh O.Carm. đầu tiên được chính thức thành lập tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Thật khó để chúng ta có thể ghi lại đây một cách đầy đủ và chính xác mọi biến chuyển thăng trầm của chặng đường 25 năm. Thay vào đó, chúng ta có thể nhắc đến những mốc điểm quan trọng nhất để thuật lại phần nào ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã làm cho anh em Cát Minh Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ qua.
Những Mốc Điểm Chính
1/ Cha Anthony Scerri, O.Carm., Cố vấn Tổng Quyền đặc trách miền Châu Á và Châu Đại Dương (1996-2007) là người đã đề xuất các phương án đầu tiên về nhân sự, tài chính và huấn luyện cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình thiết lập miền truyền giáo Việt Nam.
2/ Dì Maria Lê Thị Thuý Lan và các Bề trên của Cộng Đoàn Nữ Lao Động Thừa Sai Donum Dei (hay được biết đến như các chị em Nước Hằng Sống L’eau Vive). Nhờ Bề trên khích lệ và chị em ủng hộ nên Dì Maria Thúy Lan có điều kiện dốc hết tâm sức cho việc xây dựng nền móng Cát Minh Việt Nam vừa vững chắc vừa tốt đẹp.
3/ Cha Phaolô Võ Văn Bộ, vị linh mục thánh thiện hưu dưỡng tại nhà hưu linh mục Giáo Phận Sài Gòn. Cha đã tận tình giúp linh hướng cho các anh em Ứng Sinh và Thỉnh Sinh trong suốt bảy năm đầu của Cát Minh Việt Nam. Ngoài ra phải kể đến tấm lòng hiền phụ của các linh mục quản xứ Chí Hòa trong giai đoạn 1996-2006. Các cha đã đón tiếp, bảo bọc và tạo điều kiện cho những sinh hoạt chung của anh em Ứng Sinh Việt Nam được diễn ra thuận lợi.
4/ Cha Mario Esposito, O.Carm., một trong những thành viên giàu kinh nghiệm và nhiệt thành nhất Tỉnh Dòng Thánh Êlia miền Bắc Mỹ. Kề từ lúc thành lập cho đến nay, ngoài quãng thời gian chín năm liên tục sinh sống và phục vụ tại Việt Nam (2001-2010), Cha Mario là người đã gắn bó với anh em Cát Minh Việt Nam trong từng biến cố thăng trầm. Ngài vẫn luôn đồng hành và cống hiến tâm huyết cho anh em Việt Nam trong mỗi trọng trách ngài đảm nhận, cho dù đó là trách vụ Giám Tỉnh hay Bề Trên Miền, Giám Đốc Học Viện hay Bề Trên Tu viện, Giám Đốc Ơn Gọi hay Phụ Trách Huấn Luyện v.v. Do đó, có thể nói không ai trong nhà Dòng biết rõ về lịch sử 25 năm của anh em Cát Minh Việt Nam hơn cha Mario. Ngoài ra, anh em Cát Minh Việt Nam nhớ mãi không quên công ơn của các cha Giám Tỉnh, quý cha Giám Tập, quý cha giáo và quý cha tiền bối trong Tỉnh Dòng Êlia. Mỗi vị theo một cách thức riêng nào đó đã góp phần hình thành nên căn tính Cát Minh cho anh em Việt Nam sau này.
6/ Cuối cùng nhưng không phải là rốt hết, anh em Cát Minh Việt Nam ghi khắc cốt ghi tâm lòng quảng đại và tình thương trìu mến của quý Đức Cha các Giáo Phận Sài Gòn, Ban Mê Thuột, Bà Rịa, Phú Cường, quý Cha xứ, quý Bề trên cách riêng Mẹ Têrêsa Consolata Đan Viện Cát Minh Bình Triệu, quý chức các Giáo xứ liên hệ, quý ân nhân, quý ông bà cố, thân nhân và bạn hữu xa gần là những người đã góp phần làm nên Phụ Tỉnh Thánh Giuse tại Việt Nam ngày hôm nay. Tâm tình tri ân không thể diễn tả hết bằng lời nói hữu hạn của con người. Chính vì thế mà suốt 25 năm qua, cứ trong mỗi Thánh lễ ban sáng, giờ Kinh ban chiều, và nhất là trong giờ Chầu ThánhThể chiều thứ Năm hằng tuần, anh em Cát Minh Việt Nam chân thành gửi vào lời kinh tiếng hát tâm tình tri ân và cầu nguyện cho hết thảy quý vị ân nhân xa gần, những người còn sống cũng như đã khuất.
Tất Cả là Hồng Ân
Tính đến cuối tháng 2 năm 2021, Phụ Tỉnh Thánh Giuse có tổng cộng 40 thành viên đã tuyên khấn, trong đó có 25 thành viên đã lãnh nhận chức thánh (linh mục và phó tế), cộng với khoảng 25 ứng sinh và thỉnh sinh. Ngoài ra, Tỉnh Dòng Mẹ trao cho Phụ Tỉnh một số trọng trách như tuyên úy cho Đan Viện Cát Minh O.Carm. mới lập tại Bãi Dâu, Giáo Phận Bà Rịa, linh hướng cho hơn 130 hội viên Dòng Ba Cát Minh và Huynh Đoàn Áo Đức Bà thuộc các cộng đoàn Sài Gòn, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bình Dương. Bên cạnh đó, còn có các nhóm Giáo dân thuộc hai Giáo Phận Ban Mê Thuột và Giáo phận Vinh là những người vì mến mộ tinh thần Cát Minh mà bày tỏ ước muốn gia nhập Huynh Đoàn Áo Đức Bà trong thời gian ngắn sắp tới.
“Tất cả là hồng ân”, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã đúc kết tự thuật về cuộc đời của chị bằng xác tín mạnh mẽ như thế đó. Noi theo gương chị Thánh, anh em Cát Minh Phụ Tỉnh Thánh Giuse cũng xác tín như vậy khi nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua. Với xác tín đó, anh em muốn mặc lấy tâm tình Thánh Vịnh 116 như hành trang bước vào năm mới: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Hồn tôi ơi hãy nâng chén mừng ơn cứu độ và nhớ giữ trọn lời đã khấn nguyện với Người.” (x. Tv 116, 12-14).