Bro. Francis X. Pio Nguyễn Văn Khoa, O.Carm.
Thiên Chúa tạo dựng nên ánh sáng, tinh tú, trời đất, nước và muôn loài muôn vật bằng quyền năng của Ngài, và Ngài chỉ phán một lời. Nhưng khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng … Vì thế, con người vượt trổi hơn, quý giá hơn tất cả các sinh vật khác vì ngoài yếu tố vật chất Thiên Chúa dùng để tạo dựng là đất sét, Ngài còn “thổi hơi”. Hình ảnh đó chính là hình ảnh Thiên Chúa thông ban cho con người đời sống thần linh. Hình ảnh đó là căn bản để chúng ta nhận thức sâu xa phẩm giá cao quý của nhân loại.
Nhìn lại công trình sáng tạo để chúng ta nhận thức một cách xác tín rằng: Thiên Chúa là chủ của vũ trụ vạn vật và của sự sống. Sự sống không tự có nhưng xuất phát từ Thiên Chúa và bởi tình thương của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta có bổn phận tôn trọng sự sống của chính mình cũng như của anh em đồng loại.
Trên báo chí những ngày gần đây không ngừng đăng những tin tức về lối sống tha hóa của giới trẻ. Một số các bạn trẻ đang tự hủy hoại mình bằng các loại ma túy, các chất gây nghiện và thuốc lắc. Chúng ta không thể đổ hết tội cho giáo dục, chúng ta không thể đổ hết tội cho môi trường xã hội hay gia đình. Chính những bạn trẻ đó phải tự nhìn lại bản thân. Phải chăng là vì họ chưa nhìn ra được phẩm giá cao quý của mạng sống? Phẩm giá đó là Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài. Chúa còn ban cho chúng ta có linh hồn, có lý trí, ý chí và tự do để tìm kiếm Ngài. Sự sống là món quà quý nhất Chúa dành cho mỗi người. Đánh mất sự tự do để lệ thuộc vào ma túy, đánh mất đi lý trí để không còn biết phân biệt được đâu là đúng sai, đánh mất đi ý chí để chẳng còn quyết tâm vươn lên là họ đang hủy hoại phẩm giá, đang xúc phạm đến món quà của Thiên Chúa và mạnh mẽ hơn là đang “tự sát”.
Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến nhiều cái chết mà nguyên nhân xuất phát từ hận thù, nóng giận, ích kỷ và tha hóa. Họ dễ dàng tước đi mạng sống của đồng loại có khi vì một câu xúc phạm, động chạm đến danh dự; hay có khi vì cần tiền để thỏa mãn cơn “đói thuốc”; hay có khi chỉ bởi vì nóng nẩy, bốc đồng.
Đâu rồi những lời dạy của tiền nhân: “Anh em như thể tay chân, anh em hòa thuận hai thân vui vầy”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, “Chị ngã em nâng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”. Chắc chắn ai cũng từng được học hay thuộc lòng và thậm chí còn dạy cho người khác những điều đó. Nhưng chỉ vì một cái nhà là tài sản cha mẹ qua đời để lại mà chia không đều thôi thì dù anh em “như thể tay chân” đấy vẫn đánh nhau như thường, thậm chí còn sát hại lẫn nhau nữa. Rồi láng giềng với nhau cũng vậy có lúc chỉ vì lá cây của nhà nọ bị gió thổi lấn sang nhà kia thôi nhẹ thì “chửi đổng” nặng thì cãi cọ đánh nhau. Rồi bạn bè với nhau cũng vậy, có khi đang cùng ngồi chung bàn ăn uống với nhau, một câu nói vu vơ thiếu kiềm chế cũng là nguyên nhân gây ra cãi vã, đánh nhau.
Đâu rồi sự tôn trọng sự sống mà Thiên Chúa qua Hội Thánh đòi buộc chúng ta. Phải chăng tính ích kỷ đó làm mù mắt chúng ta? Phải chăng sự hận thù đó làm cho tai chúng ta bị điếc trước giới răn của Chúa? Phải chăng sự nóng nẩy hay sự tha hóa đang khiến chúng ta tự hủy hoại chính mạng sống của mình và đồng loại?
Hãy lấy “tha thứ” để bù đắp cho “hận thù”. Hãy lấy “dịu dàng và khiêm nhường” để bù đắp cho “nóng giận”. Hãy lấy “tình yêu và bao dung” bù đắp cho “ích kỷ”, và hãy lấy “thập giá” để đổi mới sự “tha hóa”. Chỉ có những điều đó mới hàn gắn được hận thù, mới giảm tính nóng nảy, mới quyết tâm từ bỏ tha hóa, sa đọa. Phải biết quý trọng sự sống của chính mình rồi từ đó mới tôn trọng sự sống của đồng loại.
Sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta đó, không phải đợi đến lúc chúng ta được sinh ra, mà ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ, tế bào đầu tiên của một kiếp người là chúng ta đã được Thiên Chúa thông ban sự sống thần linh, tức là linh hồn rồi. Linh hồn quý giá lắm. Vì cho dù cả thế giới vật chất này có bị hủy đi, thì linh hồn chúng ta vẫn tồn tại mãi.
Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta đang hiện hữu nơi đây là vì Thiên Chúa yêu thương và dựng nên chúng ta. Ngài đã mời gọi cha mẹ là những người cộng tác với Ngài để sinh ra chúng ta. Chính vì thế chúng ta tự biết tôn trọng sự sống của chúng ta, thì cũng phải biết tôn trọng sự sống của người khác, cho dù mạng sống đó nhỏ bé yếu ớt, cho dù chỉ là một bào thai không hề có khả năng kháng cự.
Một sự nghịch lý mâu thuẫn rõ ràng. Một tội ác còn ghê tởm hơn tội ác chiến tranh được thực hiện công khai hằng ngày và hằng giờ: PHÁ THAI. Đối với một số người thì điều này chẳng hề hấn gì, vì họ không quan tâm, không phải là việc của họ. Nhưng đối với những người có lương tri thì đây là một thao thức lớn. Xấu hổ thay cho một thế giới tiến bộ nhanh chóng về vật chất và tiện nghi nhưng lương tri thì càng ngày càng trở nên giống loài sói dữ.
Thiên Chúa đã dựng nên thế giới này đủ lớn để đón nhận tất cả những sinh mạng mà Ngài mong muốn hiện hữu. Có chăng chỉ là tấm lòng của chúng ta quá ích kỷ, nhỏ nhoi không dám đón nhận chúng. Xem chúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của bản thân hay gia đình, xem chúng như một gánh nặng về kinh tế và tự do, xem chúng như một thứ gì đó đến và tồn tại không đúng lúc.
Như Mẹ Têrêsa Calcutta đã khẳng định: “Nguyên lý ghê gớm nhất phá hủy nền hòa bình trên thế giới ngày nay chính là nạn phá thai. Nếu một người mẹ có thể đang tâm giết hại chính đứa con của mình, vậy thì còn cái gì có thể ngăn chặn thế giới này khỏi việc giết hại lẫn nhau?” Thiên Chúa mới là chủ nhân đích thực của sự sống, và chỉ có Ngài là Người duy nhất có quyền lấy đi mạng sống. Không một ai khác được phép làm chuyện phá thai đó!
Những người thực hiện việc phá thai chỉ giết được thân xác bé nhỏ, vì các sinh linh đó không có khả năng tự vệ. Nhưng ai trong số những người đó có thể giết được linh hồn của các em. Rồi đây, những người thực hiện việc đó sẽ phải ra trước tòa án của Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống, sẽ phải trả lời trước Chúa về tội ác mà họ đã làm.
Mong muốn được “chết êm dịu” và thực hiện mong muốn được “chết êm dịu” của người khác đều là hành vi xúc phạm đến sự sống. Vì khi một người đồng ý để được “chết êm dịu” là người đó có chủ đích tự sát, và khi một người làm cho người khác được “chết êm dịu” là người đó phạm tội giết người.
Đây là một khẳng định trong Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Chắc chắn điều này sẽ khiến nhiều người, nhiều tổ chức phải suy nghĩ. Có người cho rằng “chết êm dịu” là một mong muốn hợp pháp. Một số người đang mắc phải bệnh nan y, không còn thuốc để cứu chữa, hằng ngày họ đau khổ trong bệnh tật và mong muốn để được “chết êm dịu” để đặt dấu chấm hết cho đau khổ của bản thân, để bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thoạt đầu, nghe những lập luận như thế ai cũng cho là đúng, hợp lý và nên ủng hộ. Nhưng hãy nhìn vào tận gốc rễ của vấn đề thì bạn mới nhận ra sự xúc phạm đến sự sống, một sự biện minh hết sức vô luân và không có nhân tri.
Đau khổ Chúa gởi đến cho mỗi người đâu phải chỉ có bệnh tật? Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau tha thiết, nhưng chỉ vì hai bên gia đình không đồng ý dẫn đến việc họ phải chia tay. Thử hỏi nếu bạn là một trong hai người đó bạn có đau khổ không? Cái đau về tinh thần đó chẳng khác gì có người cầm dao đâm vào trái tim bạn. Một người đang trên đà phát triển công danh, chỉ vì một sơ xuất nhỏ dẫn đến bị mất việc. Thử hỏi người đó có đau khổ không? Cái đau khổ về danh dự đó chẳng khác gì có người cầm gáo nước lạnh tạt vào mặt bạn. Một gia đình vất vả sớm hôm, cố gắng làm việc nhưng vẫn không thoát được kiếp nghèo. Gia đình đó có đau khổ không? Cái khổ của họ chẳng khác nào họ bị mọi người bỏ rơi, hất hủi.
Như vậy thì cứ mỗi lần gặp đau khổ là chúng ta tìm đến với cái “chết êm dịu” sao? Nếu mọi người đều có quyền như vậy thì trên thế giới này liệu rằng có ai còn dám can đảm để sống hay không?
Chúng ta đã từng nghe nói đến những em bé là nạn nhân của chất độc da cam. Có em bị liệt cả hai chân, tàn phế hai tay, có những em bại não, chẳng còn biết suy nghĩ gì nữa. Nói đúng ra nếu nhìn dưới con mắt bình thường, những em này không có ích lợi gì cho xã hội, thậm chí còn là một gánh quá nặng cho gia đình. Thế nhưng thử hỏi có gia đình nào muốn các em “chết êm dịu” hay không? Trái lại họ yêu thương, quan tâm các em từng phút, từng giây không quản ngại thời giờ, tiền bạc, sức lực.
Chúng ta từng biết rất nhiều nữ tu các dòng kín, suốt ngày quanh quẩn bên bốn bức tường, để cầu nguyện, để tự hiến. Các chị là những con người mạnh khỏe bình thường, có những nhu cầu hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục như chúng ta, có đầy đủ phương tiện và sức khỏe để tận hưởng cuộc đời. Thế nhưng các chị lại dấn thân theo Chúa, can đảm chấp nhận đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần để tận hiến cho Chúa. Các chị đó có chị nào muốn “chết êm dịu” đâu?
Thiên Chúa muốn các em nạn nhân chất độc da cam đó tồn tại như một lời nhắc nhở cho thế giới này: vì những sai lầm trong quá khứ để từ đó biết cân nhắc và đừng lập lại nó trong tương lai. Thiên Chúa mời gọi các nữ tu theo Ngài để chứng minh cho thế giới Chúa mới là cùng đích của cuộc đời, và con đường theo Ngài không trải nhung lụa, nhưng là con đường hẹp, con đường của thập giá. Thiên Chúa gửi bệnh tật nan y đến cho một số người không phải là một án phạt nhưng mời gọi họ cùng bước vào cuộc thương khó của Chúa, cùng với Chúa vác thánh giá, để rồi cùng chết với Ngài và được Ngài phục sinh chúng ta.
Vì vậy “đau khổ” cả về bệnh tật thể xác lẫn đau khổ về tinh thần đâu phải là gánh nặng cho bản thân và gia đình nữa, “đau khổ” đâu phải là án phạt nữa, “đau khổ” đâu có vô nghĩa nữa. Thế nhưng “đau khổ” là một mầu nhiệm, vì “đau khổ” chính là thập giá Chúa gửi đến. Hãy mạnh dạn vác lấy thập giá, hãy nhớ rằng con đường theo Chúa là con đường của thập giá, và từ thập giá chúng ta mới bước vào vinh quang của Ngài.
Thiên Chúa là chủ của sự sống. Vì thế chỉ có Ngài là Người duy nhất có quyền lấy đi mạng sống. Không một ai khác được phép làm chuyện đó. Chúa muốn dạy chúng ta phải biết tôn trọng sự sống của chính mình và anh em đồng loại, biết cộng tác với Ngài trong việc mưu ích cho phần rỗi linh hồn chúng ta và qua đó mưu ích phần rỗi linh hồn anh em đồng loại.